Người hùng – đối tượng thẩm mĩ nổi bật trong sáng tác của Lê Văn Trương

Một phần của tài liệu Hình tượng người hùng trong sáng tác của lê văn trương luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 34 - 44)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.1 Người hùng – đối tượng thẩm mĩ nổi bật trong sáng tác của Lê Văn Trương

Theo định nghĩa trong Đại từ điển Tiếng Việt thì khái niệm anh hùng (Hero) mang những nét nghĩa như sau: (1) Người có tài năng nổi bật và khí phách đặc biệt lớn, làm nên nhiều việc phi thường. (2) Người có công lao đặc biệt với đất nước, với nhân dân. (3) Danh hiệu cao quý của nhà nước trao tặng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích đặc biệt với đất nước (Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, 1998). Người hùng, với tư cách là nhân vật

chính trong tác phẩm của Lê Văn Trương là những anh hùng hào hiệp, trượng nghĩa, xả thân giúp người. Như vậy, người hùng trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương mang nét nghĩa thứ nhất của khái niệm anh hùng.

Hướng văn chương đến một địa hạt riêng theo quan niệm và lí tưởng của bản thân, Lê Văn Trương sáng tác một số lượng tác phẩm khổng lồ. Trong đó, nhân vật chính, dù là nam hay nữ, cũng mang những nét tính cách riêng khó trộn lẫn. Đó là những con người không chịu khuất phục trước sức mạnh, danh vọng, tiền tài. Dũng cảm và táo bạo thực hiện những khát vọng lớn lao của mình nhưng họ vẫn không quên hi sinh cho lợi ích của người khác. Bạn đọc ngưỡng mộ nhà văn và tác phẩm của ông nên mệnh danh cho Lê Văn Trương là nhà văn của người hùng và hình tượng nhân vật trong tác phẩm của ông được gọi tên là người hùng. Dùng khái niệm ngườihùng ở đây người ta dùng với nghĩa thứ nhất tức là thiên về quan niệm tích cực. Phạm Thế Ngũ chia tiểu thuyết Lê Văn Trương thành ba loại dựa trên đề tài: 1. Loại truyện phiêu lưu li kì của trai tứ chiếng, gái giang hồ; 2. Loại truyện đề cao những quan hệ tình cảm gia đình, với những tấm gương mẫu mực của những người làm cha, làm anh, làm mẹ; 3. Loại truyện phê phán, đả kích những thói hư tật xấu của xã hội thượng lưu trưởng giả. Điểm gặp gỡ của ba loại tác phẩm trên là triết lý sức mạnh được thể hiện thông qua nhân vật người hùng. Có thể nói, với tư cách là một đối tượng thẩm mĩ nổi bật trong sáng tác, xây dựng hình tượng người hùng, Lê Văn Trương muốn gửi gắm vào tính cách của những con người niềm khát vọng cao cả cho những tâm hồn đang lạc lối trong đêm trường nô lệ. Quan niệm như vậy, cho nên, hình tượng người hùng trong tác phẩm của ông bao giờ cũng mạnh cả tinh thần lẫn thể xác. Đó là những con người có một thân thể khỏe khoắn, toát lên vẻ anh hùng chín chắn. Người hùng, theo ông quan trọng ở sự rèn luyện sương gió và sự giác ngộ ở tinh thần chứ không phải ở trình độ học vấn được đo bằng giá trị bằng cấp. “Ngòi bút của tác giả bao giờ cũng dành hết niềm yêu thương, trân trọng và

sự ngợi ca đối với kiểu nhân vật chính diện đó và có thể nói ông đã chinh phục được đông đảo bạn đọc một thời”[8, 845]. Người hùng trong quan niệm của nhà văn không chỉ dũng cảm, táo bạo trong trường đời mà còn giàu tinh thần trách nhiệm trong gia đình và cũng rất nghĩa khí trong xã hội. Ở những chi tiết nhỏ nhất, tác giả luôn có ý thức phát hiện và ngợi ca phẩm chất cao đẹp của nhân vật.

Nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương là kiểu người hùng hành động. Người hùng, nhân vật chính trong tác phẩm của Lê Văn Trương có một cuộc đời hoạt động sôi nổi. Chính hành động và tính cách phiêu lưu, mạo hiểm đưa họ đến những vùng miền xa lạ và lập nên những chiến công hiển hách. Trong con người ấy, ẩn chứa một sức mạnh vô địch và niềm khát khao cống hiến. Với người hùng, hành động là để tồn tại và đó chính là con đường hoàn thành sứ mệnh với loài người mà suốt đời họ tâm niệm. Hình bóng nhân vật hành động xuất hiện trong sáng tác của Lê Văn Trương rất sớm. Tác phẩm đầu tay Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, nhà văn đã dựng lên hình ảnh Hoàng Cương, một con người ưa hoạt động. Bước chân hải hồ đưa nhân vật đến nhiều vùng đất xa xôi, hoang sơ và bỉ hiểm, ở đó, người hùng thực hiện các chiến công rực rỡ. Các nhân vật khác như Trọng Khang trong

Trườngđời, Chí trong Trậnđời, Linh trong tác phẩm Mộtngười… đều là kiểu nhân vật hành động xả thân vì những mục đích cao cả. Hành động của họ vượt khỏi những dục vọng cá nhân thấp hèn khẳng định trách nhiệm của mình trước nhân quần. Hành động của người hùng mang một tầm vóc lớn lao, có ý nghĩa kiến thiết và xây dựng. Trọng Khang là người hùng lãng tử, dũng cảm đương đầu với những nguy hiểm chốn biên thùy. Chí là người hùng hành động với khát khao tạo dựng quê hương ở Cao Miên xa xôi. Linh là người hùng dũng cảm đấu tranh với dục vọng thấp hèn của con người. Chính tầm vóc lớn lao của nhân vật tạo nên bối cảnh của câu chuyện do vậy, truyện cũng mở rộng cả không gian và thời gian. Nhân vật không tĩnh tại mà luôn dịch

chuyển qua nhiều không gian khác nhau tạo nên sự cuốn hút cho câu chuyện. Thời gian co giãn, giúp nhân vật có nhiều trải nghiệm hơn. Do vậy, tầm vóc của người hùng hiện lên với những chi tiết đẹp đẽ. Trong lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn, hình tượng người hùng bao giờ cũng ẩn chứa vẻ đẹp của con người ưa hoạt động. Những chiến công của họ thể hiện những tố chất khiến nhiều người mơ ước. Người hùng được khắc họa trong tình huống nào cũng khẳng định vẻ đẹp hài hòa cả thể chất và tâm hồn. Giai đoạn sau trong văn nghiệp của Lê Văn Trương với các sáng tác như Một người cha, Người anh cả…khắc họa một kiểu người hùng khác. Đó cũng là hình mẫu của một con người hành động để khẳng định bản thân nhưng người hùng trong quan niệm của nhà văn đã bắt đầu có những biến đổi. Phạm Thị Thu Hương cho rằng: “Các nhân vật của ông không còn say sưa triết lý về lí tưởng hay lẽ sống nữa, bóng dáng của một “người hùng” mạnh mẽ, quyết đoán đầy sức mạnh và lòng can đảm cũng đã không còn hiện diện, thay vào đó là những con người bình thường, nhỏ bé, với những lo toan vụn vặt”[12, 1237]. Tác phẩm Người anh cả dựng nên hình mẫu người hùng với những nỗi lo lắng rất tủn mủn của đời sống cơm áo. Người hùng không còn những dằn vặt về cái tôi, không có những khát vọng lớn mà là những con người bình thường với những suy tư quen thuộc. Nỗi lo của Vượng gắn liền với việc chi tiêu dè xẻn cho từng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Vượng không như Linh, anh không khát khao lý tưởng. Vượng cũng không phải là kiểu nhân vật phiêu lưu như Trọng Khang, chí khí như Chí. “Vượng là kiểu “người hùng” mới của Lê Văn Trương: mẫu người cao thượng, lặng lẽ hi sinh tất cả vì trách nhiệm và tình thương”[12, 1237]. Nhân vật Vũ Đại, trong tác phẩm Một người cha cũng là kiểu nhân vật như Vượng. Nhân vật không có những quyết đoán và lòng can đảm thường thấy ở những người hùng phiêu lưu mạo hiểm, thay vào đó là những suy tư, dằn vặt về bổn phận và trách nhiệm. Hành động và suy nghĩ của nhân vật hướng tới bảo vệ hạnh phúc riêng tư. Nhân vật trăn trở nhiều về những vấn đề

hôn nhân, hạnh phúc... Hành động của nhân vật tồn tại bản năng hơn. Phạm vi hành động của nhân vật do vậy, thu hẹp lại trong không gian tù túng của gia đình, trong các mối quan hệ gần gũi: cha con, vợ chồng, bè bạn…Chính bối cảnh ấy làm cho nhân vật tự va chạm với nhau và bộc lộ những tính cách khiến độc giả ngỡ ngàng. Viết về kiểu người hùng nào, Lê Văn Trương đều say mê ngợi ca họ với niềm thành kính và ngưỡng mộ. Trong con mắt của ông, người hùng chính là hiện thân của sức mạnh và bản lĩnh sống cao đẹp.

Xây dựng dòng tiểu thuyết về người hùng, Lê Văn Trương không lãng mạn hóa như Tự lực văn đoàn trong hình bóng những cô gái mới, những chàng trai đi theo tiếng gọi của lí tưởng, cũng không phải là hình ảnh những chiến sĩ đi theo tiếng gọi của Tổ quốc trong văn học cách mạng. Tiểu thuyết của ông nghiêng về tính phiêu lưu, kiếm hiệp. Mỗi tác phẩm là một khám phá về một vùng đất, về một nhân cách. Nhân vật của ông không mang nét điển hình giai cấp mà mỗi nhân vật là một cá tính mới mẻ, táo bạo và độc đáo. Tất cả tạo nên một xêri hình mẫu nhân vật lí tưởng khiến người đọc không khỏi trầm trồ, thán phục. Nhà văn có ý thức đẩy nhân vật lên vẻ đẹp tận thiện, tận mĩ. Đối với Lê Văn Trương, phẩm chất của người hùng không phải nằm ở những hành động kinh bang tế thế mà có thể chỉ là tấm lòng, cử chỉ thương yêu của người mẹ dành cho con, một ý nghĩ tốt đẹp trong tình thế đen tối, tấm lòng đồng cảm với những bất hạnh của người khác. Tác phẩm khắc họa hành động của người hùng không phải ở một tầm với xa vời, không tưởng mà đó là những cử chỉ rất đỗi thân thuộc, người ta có thể bắt gặp thường xuyên ở bất kì nơi đâu, bất kì thời gian nào. Sự khảng khái của Linh khi ngộ ra thân phận thấp hèn của một kẻ làm thuê ở buồng giấy cho các quan Tây, từ chối danh vọng, tình yêu vì nó đi lại giá trị làm người đã nâng chàng thành một trang anh hùng. Đó cũng là một cách hành xử của một số trí thức trong xã hội nước ta lúc bấy giờ. Sự hi sinh hạnh phúc riêng tư của người mẹ vì tấm lòng thương yêu các con của Vân là nghĩa cả cao đẹp của bao nhiêu người phụ nữ phương

Đông. Dũng cảm, không quản ngại hi sinh cho người khác khi lâm vào ranh giới giữa sự sống và cái chết, Trọng Khang nêu cao khí phách của một trang anh hùng chốn rừng thiêng nước độc. Khát vọng của Chí xây dựng một tỉnh thành của những người nông dân miền Bắc ở xứ Cao Miên là khát vọng của nhiều người khi đặt chân đến những vùng đất mới. Tuy vậy, trong những hành động đời thường đó, các nhân vật không hề bị hòa lẫn vào đám đông mà hiện lên với những vẻ đẹp rất riêng. Mỗi nhân vật là một tính cách nổi bật, một trang anh hùng kiểu mẫu. Các người hùng đời thường, nhà văn xây dựng thành những hình tượng văn học có sức sống, bản thân nhà văn dành nhiều tình cảm cho nhân vật. Song, cần phải thấy rằng, trong quan niệm thẩm mĩ của nhà văn cũng có những nét riêng. Ông không vo tròn nhân vật vào một chuẩn mực đạo đức của xã hội mà mỗi nhân vật của ông có thể nói đều mang những thói tật của trai tứ chiếng, gái giang hồ. Ngoài việc thông thạo những ngón ăn chơi, cách hành lạc trác tráng của xã hội khi cần người hùng của ông cũng có thể giở những mánh khóe lọc lõi để thu phục nhân tâm. Người hùng có thể rất kiên quyết từ chối tình yêu vì danh dự nhưng khi đã yêu có thể cào bằng những trói buộc của lễ giáo. Khi cần có thể hi sinh thói quen vì người khác nhưng khi sự trói buộc không còn nặng nề, nhân vật lại có thể trở lại với những thú vui trần tục. Trong những hành động ấy, nhà văn cố tình khắc họa ở một góc nhìn khác, phía tốt đẹp của nhân cách làm người. Tác giả cố tình minh oan cho nhân vật bằng góc nhìn nhân văn. Ai cũng có những thói tật nhưng miễn nó không làm hại đến người khác thì đó lại là sự việc bình thường của đời sống. Chấn, trong Ông hoàng một đêm đem lại sự sung sướng cho gái làng chơi trong một ý tưởng nông nỗi nhưng cuối cùng hành động đó làm thay đổi một con người, một cuộc đời. Chấn là một kẻ ăn chơi nhưng trong cách hưởng thụ cũng khác người, Y tin vào sự thành thực và trong sạch của tâm hồn. Đi chơi đĩ, gặp con đĩ nhưng Chấn vẫn tin rằng biết đâu họ chỉ “đánh đĩ về thể xác chứ không đánh đĩ về tâm hồn”. Những thói tật đó, nhà văn

xếp vào những trải nghiệm mà trường đời dạy cho nhân vật. Nếu không có những cố tật đó thì nhân vật không phải là “một con người hoàn toàn” như nhà văn quan niệm.

Nhân vật người hùng mà ông xây dựng trong tác phẩm đa phần là những con người gặp phải nhiều biến cố của thân phận để rồi rơi xuống đáy xã hội cả về địa vị và nhân cách. Trong những tình huống ấy, nhân cách cao đẹp của họ được thể hiện và cuộc đời họ rẽ sang một bước ngoặt mới. Có thể nói, nhân vật luôn được đặt trong tình huống “vỡ mộng” và chính tình huống đó mở lối cho nhân vật sang một cuộc đời khác. Cuộc đời mới được nảy sinh trên những tì vết của cuộc đời cũ. Chính vì thế ranh giới giữa những cảm dỗ của quá khứ và khát vọng tương lai luôn đặt nhân vật vào những giằng xé tâm lí. Đối với xã hội và gia đình, họ là con người bỏ đi vì từ chối vinh hoa phú quý nhưng với địa vị con người, họ lại là những anh hùng tiên phong. Linh, một ông tham trẻ tuổi, tương lai sáng ngời, ăn chơi bạt mạng, được nhà giàu có hứa gả con gái cho. Chàng trẻ tuổi từng có tham vọng lấy được người đẹp, hưởng của hồi môn bạc muôn, bạc nghìn. Thế rồi, vì cái tát của viên xếp Tây, giá trị làm người thức tỉnh, Linh phản kháng lại ông chủ, bị đuổi việc. Từ đó, ở anh có một quá trình biến đổi sâu sắc về tư tưởng. Những tháng ngày ép xác thực hiện khát vọng của đời mình, Linh nhận chân ra sống trong quá khứ là vô nghĩa, không đáng sống, chỉ cuộc đời hiện tại của chàng là cao quý. Đồng tiền mà chàng lao tâm khổ tứ kiếm được mang lại danh dự và lòng tự trọng cho chàng. Những giằng xé giữa quá khứ và hiện tại luôn hiển hiện mỗi khi nhân vật gặp khó khăn. Nhân vật tự vấn lòng mình, có lúc nuối tiếc, có khi trở lại trải nghiệm những thú vui đã từng hưởng thụ nhưng cũng chính từ nơi đó, nhân vật nhận ra sự bỏ đi của kiếp sống cũ, khẳng định niềm vui sướng của lí tưởng mới đang nhen nhóm. Trọng Khang, trong tác phẩm Trường đời, bị phá sản phải đi làm thuê nhưng chính những vất vả trải nghiệm trong cuộc đời cũ là phương tiện giúp chàng đương đầu với cái chết rình rập hàng ngày ở đất

khách quê người. Là đối tượng thẩm mĩ nổi bật mà nhà văn khắc họa trong tác phẩm, hình tượng người hùng bao giờ cũng phải có một thân thể cường tráng, khỏe khoắn, hiểu biết và quan trọng phải có một thế giới tinh thần lành mạnh, có lương tri. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi nhà văn Lê Văn Trương là “hướng đạo sinh” bởi dù trong hoàn cảnh khốn cùng thì nhân vật của ông luôn có một sự lạc quan, bình tĩnh, sẵn sàng đương đầu với thử thách. Chính tinh thần đó khiến cho người hùng của ông luôn tỏa sáng.

Lê Văn Trương không hướng ngòi bút tới một tầng lớp, giai cấp nhất định trong xã hội mà viết về đối tượng nào cũng tràn đầy nhiệt huyết. Chính tính cách phóng khoáng, giao tiếp đủ với mọi hạng người của nhà văn trong xã hội đã mang lại mảnh đất màu mỡ cho văn học nảy sinh. Nhân vật trong tác phẩm văn học của Lê Văn Trương không mang đặc điểm giai cấp rõ nét. Ở họ, ranh giới giai cấp bị xóa nhòa. Viết về người nông dân, kẻ buôn bán, trí thức, tư sản…nhà văn không tỏ thái độ đấu tranh gay gắt mà bao giờ ông cũng nhìn thấy trong những nhân vật đó ánh sáng của thiên lương. Tác giả không cố tình tạo ra ranh giới giai cấp trong những tuyến nhân vật phản diện.

Một phần của tài liệu Hình tượng người hùng trong sáng tác của lê văn trương luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 34 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w