Người hùng – kiểu người trọng nghĩa khí

Một phần của tài liệu Hình tượng người hùng trong sáng tác của lê văn trương luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 100 - 116)

6. Cấu trúc luận văn

2.3Người hùng – kiểu người trọng nghĩa khí

2.3.1. Chữ nghĩa theo phạm trù đạo lý của xã hội phong kiến là một trong năm bậc thang giá trị con người phải có trong đời: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Chữ nghĩa ở đây có nghĩa là dạ thủy chung, đức nghĩa để đối xử với chính mình và ta tạo ra ta. Nghĩa thường đối lập với lợi. Theo lợi, có khi không làm các việc phải làm nhưng trái lại, theo nghĩa có khi lại rất lợi. Từ đời Hán – Nho, Đổng Trọng Thư đã đem chữ nghĩa vào tam cương ngũ thường, trở thành giềng mối trụ cột của lễ giáo phong kiến. Sang đời Tống Nho, hai chữ

nhân nghĩa bị trừu tượng hóa. Họ căn cứ vào lí thuyết “thiên nhân hợp nhất” khoác cho chúng một màu sắc thần bí, vô hình. Tuy, phạm trù chữ nghĩa có nhiều điểm tiến bộ có thể dung hòa xã hội nhưng nhiều khi quá cứng nhắc, khép con người vào khuôn khổ pháp lý Nho giáo, phục vụ quyền lợi của giai

cấp phong kiến. Ngày nay, chữ nghĩa được quan niệm đơn giản, ít ràng buộc hơn. Nghĩa thể hiện vai trò trách nhiệm của con người với con người, giữa người với đời, với xã hội hiện tại. Sống ở đời cần có trách nhiệm, cũng chính vì vậy mà cần có nghĩa, có tình với quê hương, đất nước, với gia đình, dòng họ, anh em bằng hữu. Người sống có nghĩa khí là người được xã hội thừa nhận và tôn trọng. Từ thời phong kiến cho đến ngày nay chữ nghĩa trong ngũ thường, luôn được bổ sung những nét mới và triệt bỏ cái tiêu cực. Đối với lĩnh vực văn chương nghệ thuật, nghĩa khí luôn được xem như tính cách cần có của người quân tử. Nghĩa khí của con người luôn được nhà văn nhìn nhận với thái độ trân trọng và đề cao, đặc biệt trong những thử thách của số phận, trong cách hành xử với mọi người. Nghĩa khí làm cho con người vươn tới một cuộc sống tốt đẹp và nhân văn hơn.

Kêu gọi Tổ quốc và danh dự, Lê Văn Trương xây dựng hình tượng người hùng đề cao nghĩa khí. Nghĩa khí của người hùng trong tác phẩm văn học của Lê Văn Trương nghiêng về truyền thống, có màu sắc Nho giáo. Nhân vật của Lê Văn Trương, về bản chất là con người hiện đại của thế kỉ XX song chưa thoát khỏi ngũ thường “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” theo quy phạm của thời đại phong kiến. Cái khác của Lê Văn Trương, có lẽ, ông không quá câu nệ chữ nghĩa về hình thức mà với mỗi hoàn cảnh, tính cách trượng nghĩa của người hùng lại được thể hiện ở một khía cạnh khác. Thời kì phong kiến, chữ

nghĩa được coi trọng có những ràng buộc hà khắc đè nén tự do cá nhân. Thành công của Thi Nại Am ở tác phẩm Thủy hử là đã xây dựng nên một trăm linh tám anh hùng Lương Sơn Bạc xả thân vì nghĩa. Vì chữ nghĩa nên họ mới sát cánh đoàn kết bên nhau, vì nghĩa mà cùng chiến đấu, cùng hi sinh. Vì chữ

nghĩa mà họ làm việc tốt, phản đối lại triều đình. Chữ nghĩa của họ cao quý ở chỗ đã nhận ra sự bất công và chống lại nó với khát vọng lập nên một vương triều tự do, bác ái. Song đáng tiếc, họ không kiên định đến cùng, bị chi phối bởi ngu trung, bó thân hàng triều đình để rồi chuốc lấy sự thảm khốc. Trong

xã hội phong kiến, mối quan hệ vua – tôi được đề cao nên chữ nghĩa trong nhiều tình huống không còn mang cái cao cả vốn có của nó. Kinh Kha vì mối ân tình với thái tử nước Yên mà xả thân đi diệt Tề vương. Lâm Sung về với triều đình để nhận cái chết vua ban. Như vậy, nghĩa trong xã hội phong kiến, theo chuẩn mực là sự hi sinh vì người khác, vì nhân loại chi phối bởi mối quan hệ vua – tôi. Các anh hùng đứng lên khởi nghĩa phản đối sự bất công và tàn bạo của chế độ phong kiến nhưng khi giành được chiến thắng họ lại sẵn sàng thỏa hiệp. Ở Việt Nam, trên địa hạt văn chương, kiểu nhân vật nghĩa khí đời nào cũng có. Thời kì trung đại, với sự chi phối của Nho giáo, chữ nghĩa

trong văn học được quan niệm theo chuẩn mực đạo đức phong kiến, có khi chữ nghĩa được họ sử dụng thêm các nét nghĩa mới như lí tưởng nhân nghĩa trong quan niệm của Nguyễn Trãi thể hiện trong Bình Ngô đại cáo. Những năm đầu thế kỉ XX, sự du nhập của văn hóa phương Tây với các trào lưu tân tiến, chữ nghĩa không còn ràng buộc khắt khe. Các nhà văn viết nhiều về đức nhân nghĩa như Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh…thể hiện nghĩa khí mới ở hình tượng anh hùng. Họ là những nghĩa sĩ xả thân vì nghĩa, hi sinh cho nhân dân. Chữ nghĩa trong văn học của cụ Đồ Chiểu nghiêng về cái nghĩa của nhân dân, trọn nghĩa với dân. Chữ nghĩa trong quan niệm của nhà tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh lại mang logic chủ quan của tác giả. Với hàng loạt các tác phẩm đề cao chữ nghĩa như Ngọn cỏ gió đùa, Cha con nghĩa nặng…Hồ Biểu Chánh ghi ấn tượng trong lòng người đọc là nhà văn của lí tưởng nhân nghĩa. Trong tác phẩm của ông, chữ nghĩa thể hiện trong hầu hết các mối quan hệ rường cột của xã hội, có nghĩa cha con, nghĩa vợ chồng, nghĩa bạn bè…nhưng về lập trường quan điểm, ông có tư tưởng dung hòa giai cấp. Đầu thế kỉ XX, ở nước ta xuất hiện thể loại tiểu thuyết lịch sử, khuynh hướng tiểu thuyết này phân thành hai kiểu nhân vật. Một kiểu viết về nhân vật có thật trong lịch sử dân tộc với giọng ngợi ca rất hào hùng, một kiểu khác viết về các nhân vật dã sử, với các chiến công được truyền tụng trong nhân dân. Hình tượng anh hùng

chuyển tải cách nói kín đáo của tác giả về những con người cách mạng. Trong các tiểu thuyết này, các cây bút đều cố gắng khắc họa những hình tượng người hùng mang trong mình vẻ đẹp trượng nghĩa vì dân, vì nước. Đức tính khảng khái, lo cho sự an nguy của nhân dân là vẻ đẹp tiêu biểu của các anh hùng dân tộc.

2.3.2. Trong khuynh hướng đề cao vẻ đẹp của con người, với mong ước truyền cho thế hệ thanh niên lí tưởng, ý thức danh dự của một người dân mất nước, Lê Văn Trương với lí thuyết về sức mạnh và hình tượng người hùng lại có một dòng văn học khác. Một dòng tiểu thuyết mang tên ngườihùng. Người hùng trong tác phẩm của Lê Văn Trương là một con người hiện đại, rất hào hiệp và nhân nghĩa. Người hùng thể hiện phẩm chất nghĩa khí không chung chung như thời kì phong kiến mà thể hiện bằng hành động cá nhân hào hùng trong trường đời, trường tình... Người hùng trọng nghĩa khí và hành xử theo chuẩn mực với thái độ xả thân vì người khác bằng con mắt cảm thông và chia sẻ. Người hùng cũng là người biết đánh giá người khác bằng tấm lòng nhân ái, dù người khác có thể là một em bé bán báo, một anh cu li xe, một con đĩ. Phẩm chất nghĩa khí không phải thuộc về con người ở tầng lớp trên của xã hội mà còn có trong vẻ đẹp tiềm ẩn của những con người thấp kém, dưới đáy xã hội. Thằng bé bán báo trong tác phẩm Một người là người hùng tí hon mang phẩm chất cao quý ấy. Mới tí tuổi đầu, đã phải gánh vác trách nhiệm gia đình, nuôi cha già bệnh tật. Linh sa cơ lỡ vận, thằng bé không bàng quan mà tận tình giúp đỡ, xốc ống cả số tiền dành dụm phòng thân của hai cha con để cho Linh mượn. Linh chuyển nhà, không nhờ vả nó nữa, thằng bé cảm thấy như đánh mất một cái gì đáng quý. Vì tình nghĩa với con người gặp gỡ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nó tìm mọi cách để giữ chân Linh. Thằng bé mất ăn, mất ngủ vì lo buồn cho người nó yêu quý. Đó cũng là một biểu hiện của lòng nghĩa. Sống, không ăn xổi ở thì, biết tri ân người khác là vẻ đẹp cao quý của một đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động khiến độc giả mến phục. Hoài Anh,

trong bài viết Lê Văn Trương với sự thăng trầm của triết lí sức mạnh, đề cập đến “luân lý của lẽ ngay chính” trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương. Nhà nghiên cứu cho rằng với tiểu thuyết của Lê Văn Trương, bao giờ chính nghĩa, ngay thẳng cũng được đặt lên hàng đầu. Ở lĩnh vực tiểu thuyết, tác giả tỏ ra là người đề cao luân thường đạo lí cổ truyền, do vậy, phẩm chất trượng nghĩa là một trong nhiều ưu điểm của người hùng. Nhân vật của ông bao giờ cũng khảng khái, kiên quyết hành động theo lẽ phải. Trong đối nhân xử thế, các người hùng đều lo cho lợi ích của mọi người, khi cần thiết người hùng có thể xông pha vào nguy hiểm mà không một chút do dự cho tính mạng. Lòng trượng nghĩa của Chí thể hiện trong hành động từ chối sự giúp đỡ của gia đình Kim khi làm ăn thua lỗ, tìm mọi cách để giữ tài sản lại cho người dân đã theo chàng sang Cao Miên. Lúc khởi xây sự nghiệp ở xứ người, thấy sự trù phú của đất, chàng không khỏi chạnh lòng nghĩ đến tình cảnh khốn khổ của người dân miền Bắc quê chàng. Kiếm được tiền, chàng về nhà mộ dân, cấp tiền tàu xe và đón họ đến với mình bằng niềm hi vọng tràn trề. Nếu như người khác có thể ngồi thu lãi mà không phải lăn lộn với ruộng đồng, với Chí, anh chọn cho mình đời sống lao động sôi nổi, hưởng lợi từ sức lao động của bản thân chứ không phải từ người khác. Trong đời sống, Chí thể hiện thái độ thân thiện, có trách nhiệm với người dân. Chàng biết lấy lòng họ trong những cử chỉ nhỏ nhất. “Tôi cũng ngồi ăn qua loa rồi. Nhưng bây giờ tôi cần phải ngồi ăn với họ để gây mối thiện cảm giữa tôi với họ”[44, 355]. Với mỗi người dân, Chí giúp dựng nhà, bày cho cách tổ chức cuộc sống, chỉ cách làm ruộng. Với người già và trẻ con, chàng thể hiện sự ưu ái, trìu mến đặc biệt. Trong chuyến lên Samrong mua bò, giữa đường gặp nạn, Quý bị sốt cao khó lòng qua khỏi, Chí như một vị anh hùng sắp xếp công việc đâu vào đó. Anh không bỏ của chạy lấy người, nhận khó khăn về mình để cho bạn yên tâm. Lời khuyên của Chí đối với Quý rất chí lí chí tình: “Lúc này không phải lúc có thể nghĩ tới những sự nhỏ nhen. Người ta cứ nhứt định làm những việc mà mình không

thể làm được là một điều ngu. Và chỉ biết liều mạng khi mình phải liều…Tôi đưa cho thầy một khẩu súng lục để phòng bị. Để thầy đi mà không có súng. Tôi không tài nào yên lòng được”[44, 268]. Nhân vật không chỉ mang trong mình phẩm chất cao cả của một con người biết hi sinh vì lợi ích của người khác, biết hành động theo lẽ phải mà ở họ còn có sự cảm khái với nhau. Họ mến nhau, đồng điệu với nhau vì có cùng một lí tưởng, một mục đích phấn đấu cho cuộc đời. Chí lúc đầu coi thường Kim nhưng khi chứng kiến hành động nghĩa hiệp của nàng thì lòng yêu cũng từ đó nảy nở và đâm hoa kết trái. Trọng Khang, vì nghĩa nên ngăn mình không yêu Khánh Ngọc, đối xử tận tình với Giáp. Trọng Khang không vì một người con gái mà bán rẻ lương tâm. Giáp bị người làm công đuổi đánh, Trọng Khang sẵn sàng trừng trị chúng. Giáp sợ hãi khi sa vào tay giặc, người an ủi là Trọng Khang. Giáp ốm, Trọng Khang lo thuốc thang. Mối quan hệ giữa Khánh Ngọc và Giáp rạn vỡ, Trọng Khang là người đứng ra hàn gắn. Chàng là người biết hi sinh, trọng tình, trọng nghĩa, không bao giờ hành động đê hèn. Với nhân vật Trọng Khang, tác giả đã dựng nên tượng đài của một tấm lòng nghĩa khí trác tuyệt mà không giả dối. Trong cuộc sống, ta vẫn thường bắt gặp những hành động đó. Hành động của người hùng xa lạ vì vĩ đại quá hóa ra lại gần gũi bởi nó xuất phát từ nền tảng đạo lí truyền thống của dân tộc ta, truyền thống trọng tình, trọng nghĩa. Trong tiểu thuyết của Lê Văn Trương, các nhân vật người hùng thể hiện phẩm chất nghĩa khí ở những hoàn cảnh khác nhau. Nghĩa khí ấy khi được thể hiện dưới mối quan hệ này lúc thể hiện ở mối quan hệ khác nhưng bao giờ cũng thống nhất ở vẻ đẹp của một nhân cách cao cả. Tình cha con, nghĩa vợ chồng được tác giả tả rất cảm động trong nhiều tác phẩm như: Tôi là mẹ, Cánh sen trong bùn, Một người cha, Một trái tim…Nhân vật Vân trong Tôi là mẹ, chồng chết, đau đớn đến tột cùng nhưng vì trách nhiệm của một người mẹ rất đỗi thương con, lòng kính trọng người chồng đã khuất, nàng thủ tiết thờ chồng, nuôi con, mặc dù nàng hoàn toàn tìm được chỗ dựa vững chắc ở bác sĩ

Tùng. Lúc nào nàng cũng lo cho an nguy của các con, hi sinh vì danh dự của chúng. Khi bị xử nhục, Vân bột khởi sức mạnh dữ dội. “Trong đời những người hiền, có lúc hăng hay cộc – trong đời những người yếu, có những lúc mạnh. Lại càng hăng càng mạnh khi nào bị người khác làm nhục một cách vô lý, bất công. Khi nào sự nhục nhã gây ra bởi sự bất công ấy lại có thể có ảnh hưởng xấu đến những người thân yêu của họ, thì họ chống cự một cách bội phần quyết liệt”[44, 142]. Suy nghĩ ấy khiến nàng xông ra như một nữ chiến binh dũng cảm. “Mắt nàng chiếu những tia sáng dữ dội khiến ai trông thấy cũng phải sợ hãi. Sự ngay thẳng, sự trong sạch, cái tình mẫu tử bị thương tổn, sự uất ức của con người vô tội bị ngờ oan, chói lòa trên mắt trên trán, trên khắp cơ thể, ngần ấy thứ hiện ra một cách rõ rệt ở trong cái dáng đi mạnh bạo khiến cho đám người tò mò đứng xem phải đem lòng kính trọng”[44, 143]. Ngòi bút của Lê Văn Trương thể hiện sự am hiểu sâu sắc về tâm lí của nhân vật. Những cử chỉ và ý nghĩ của Vân thể hiện tột cùng các cung bậc cảm xúc. Cả khối óc và con tim của Vân chứa đựng niềm kiêu hãnh của con người ý thức sâu sắc về bổn phận của mình. Đối với con cái, Vân là người mẹ tuyệt vời. Với chồng, Vân là người vợ chung thủy. Với bác sĩ Tùng, Vân là người đàn bà có nghĩa khí. Nhân vật Phúc, trong tác phẩm Cô giáo tỉnh lỵ, quên đi sự trắc trở của mối tình riêng, tình nguyện gắn bó với dân chúng nơi nàng dạy học. Phúc như một nữ thần xả thân cho hạnh phúc của người khác, đau cái đau của người bệnh, nàng vui cái vui của người khác. Nàng không lấy sự giàu sang, cao quý của gia đình làm điều xa lánh mọi người. Ở Phúc tỏa ánh sáng dịu hiền của một tấm lòng nhân hậu, đầy bao dung, tình nguyện chở che cho những số phận bất hạnh. Nàng mong ước kiến thiết cuộc đời cho học trò để chúng không rơi vào nỗi đau của mình. Sự tận tâm của nàng mang lại cho đời sống tẻ nhạt ở vùng biên cái đầm ấm, sôi nổi chưa bao giờ có. Nghĩa khí của nàng thể hiện ở chỗ dám phá bỏ những chuẩn mực giai cấp ràng buộc, thành kiến ăn sâu vào đầu óc người dân. Với nàng, không có ranh giới giai cấp,

Phúc sẵn sàng phá bỏ mọi rào cản thân phận đến với con người bằng sự trong sáng của tình người. Tác phẩm cho ta cảm giác được thanh lọc tâm hồn, nhen nhóm hi vọng về một xã hội công bằng, bác ái. Cô giáo Phúc cũng là một người hùng mang trong mình tấm lòng “ái nhân như kỉ”, ấp ủ lí tưởng mà nhân vật người hùng nào của Lê Văn Trương cũng suốt đời phụng sự. Tình cha con, nghĩa vợ chồng trong tác phẩm Một người cha được tác giả thể hiện rất xúc động qua hình tượng người hùng Vũ Đại. Như nhan đề tác phẩm, Vũ

Một phần của tài liệu Hình tượng người hùng trong sáng tác của lê văn trương luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 100 - 116)