Người hùng – kiểu người ưa phiêu lưu mạo hiểm

Một phần của tài liệu Hình tượng người hùng trong sáng tác của lê văn trương luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 90 - 100)

6. Cấu trúc luận văn

2.2Người hùng – kiểu người ưa phiêu lưu mạo hiểm

Người hùng là hình mẫu văn học lí tưởng mà suốt đời Lê Văn Trương theo đuổi. Ngay từ khi xuất hiện trong tác phẩm văn học của nhà văn, nhân vật tiểu thuyết đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả. Người ta ưu ái gọi nhân vật của ông là người hùng với tấm lòng trân trọng nhất. Quan niệm về triết lí sức mạnh và hình tượng người hùng đã bắt gặp sự khao khát của đông đảo quần chúng trong xã hội. Chính vì thế, dòng tiểu thuyết về hình tượng người hùng của ông nhanh chóng tạo được chỗ đứng trên văn đàn. Trong lúc

Tự lực văn đoàn đang say sưa với giấc mộng lãng mạn, những câu chuyện tình đầy nước mắt thì dòng tiểu thuyết của Lê Văn Trương mang đến vị lạ của sự mạnh mẽ, gân guốc trong cả cách hành văn và kiểu nhân vật. Sự ủy mị là quá đủ đầy, người ta khao khát một cái gì hơn nữa, một cái gì đang thiếu thốn. Lê Văn Trương đã đáp ứng nhu cầu đó. Quan niệm nhân vật là người hùng, cho nên, qua cái nhìn của nhà văn, người hùng là hiện thân của các “tính cách hùng”. Nhắc đến Lê Văn Trương, ấn tượng trong kí ức của những ai có dịp tiếp xúc với ông đó là hình ảnh một thanh niên ngang tàng, phóng khoáng. Cuộc đời ông là một chuỗi những thăng trầm trong cuộc sống. Chính tố chất và cuộc đời chìm nổi đó được nhà văn gửi gắm trong cách thể hiện những nhân vật người hùng. Người hùng của Lê Văn Trương là một kiểu nhân vật tự khẳng định mình qua các thử thách. Do vậy, người hùng không bao giờ chấp nhận một đời sống êm đềm, bằng phẳng. Ưa phiêu lưu mạo hiểm là một tính cách nổi bật trong bút pháp xây dựng nhân vật của nhà văn Lê Văn Trương. Chỉ có qua những cuộc phiêu lưu thì phẩm chất người hùng mới thể hiện rõ. Càng phiêu lưu, mạo hiểm thì chiến thắng của người hùng càng vang dội. Trong văn học truyền thống, mỗi phương thức sản xuất của xã hội thì có hình mẫu người hùng tương ứng. Mặc dù vậy, ở thời đại nào, người hùng vẫn là con người mang trong mình ước mơ khám phá và chinh phục. Thuở hồng hoang của loài người, mong muốn chinh phục thiên nhiên, chinh phục vũ trụ

khiến người ta liên tưởng đến hình mẫu người hùng có sức mạnh phi thường, thực hiện những chiến công phù hợp với trí tưởng tượng của người xưa. Heracles – người anh hùng đầu tiên của thế giới, nổi tiếng với mười hai kì công, tương ứng với các mong ước của người xưa về khả năng chinh phục kì diệu của con người đối với thế giới tự nhiên. Đến thời đại sử thi, con người đã có bước phát triển mới, mối quan hệ cộng đồng hình thành, hình tượng người hùng từ thế giới thần trở về với thế giới của đời tư nhưng dấu vết cổ xưa vẫn đang đậm nét. Người hùng là con người bán thần, mang tính gắn kết cộng đồng nhưng vẫn không quên ý thức về sức mạnh và tài năng chiến trận. Con người hùng thời đại này không chỉ mang trong mình khả năng phiêu lưu, chinh phục tự nhiên mà còn rất mạo hiểm trong chiến đấu để bảo vệ bộ tộc của mình. Hình tượng Đam San chinh phục nữ thần Mặt trời, chống lại sự bao vây của các tù trưởng…là những chiến công vang dội của người hùng cổ đại. Uylixơ, người hùng thành Troa, hơn hai mươi năm lưu lạc, kinh qua nhiều vùng đất, thực hiện nhiều chiến công là một kiểu anh hùng như vậy. Tuy nhiên, ở Uylixơ, vẻ đẹp của người hùng không chỉ ở sức mạnh cơ bắp mà ở anh còn có sự tỏa sáng của trí tuệ. Khả năng phiêu lưu, mạo hiểm của nhân vật phù hợp với dụng ý nghệ thuật của tác giả. Chính thời gian lưu lạc, gặp nhiều biến động trên con đường trở về đất mẹ, Uylixơ trưởng thành dần và phẩm chất vĩ đại của chàng nhờ vậy mà thể hiện toàn diện hơn. Xã hội bước sang phương thức sản xuất phong kiến, như phản ứng lại chế độ hà khắc, hình dung về người hùng của thời đại này lại mang màu sắc khác. Người hùng thời kì này, thoát li hoàn toàn khỏi thế giới thần linh, đó là những con người bình thường trong cuộc sống. Con người hùng mang vẻ đẹp trượng nghĩa của các vị anh hùng hảo hán, võ nghệ cao cường, giàu lòng vị tha, mang khát vọng lật đổ vương triều phong kiến chuyên chế mang lại một nền chính trị thịnh đạt, chiến đấu vì nhân dân. Một trăm linh tám anh hùng Lương Sơn Bạc chính là đại diện công bằng cho nguyện vọng của nhân dân thời kì phong kiến ở Trung

Quốc. Nhà văn Thi Nại Am khi xây dựng chiến công của các anh hùng nhấn mạnh tính liều lĩnh, phiêu lưu, thái độ chấp nhận đi vào cái chết rất hào hùng. Nền sản xuất tư bản của phương Tây phát triển, khiến người hùng Robinhood, người mà hành động dũng cảm đã làm nên vô vàn các câu chuyện thần thoại, thổi bùng lên ước vọng của những con người có cùng tinh thần phiêu lưu, mạo hiểm và ý thức về lẽ phải, sự công bằng. Mỗi thời kì, sự hình dung về Robinhood lại mang một quan niệm khác nhưng cái không thay đổi trong hình tượng văn học nổi tiếng này chính là những chiến công mang tính mạo hiểm, những cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ, hồi hộp và kinh hoàng đến rợn tóc gáy. Hình tượng người hùng Robinhood chính là đặc sản tinh thần người của Anh điêng: mạnh mẽ nhưng cũng rất lãng mạn, tàn bạo nhưng lại rất nhân văn. Văn học Việt Nam phát triển sau phương Tây một chặng đường rất dài, nền văn học không có nhiều sự tôn vinh con người cá nhân vì hoàn cảnh chiến trận, song với mỗi giai đoạn, con người hùng theo sự hình dung của xã hội thể hiện một hình mẫu khác. Thời kì phong kiến, đó là hình tượng người hùng lịch sử, những con người có thật, chiến đấu chống lại chế độ phong kiến như hai bà Trưng, bà Triệu, Mai Thúc Loan… đánh đuổi các thế lực ngoại xâm như Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn, Lê Lợi…Đến thời hiện đại, hình mẫu người hùng là con người nêu cao khí tiết trước tình cảnh đất nước nhố nhăng, không bắt tay với chính quyền, từ chối văn minh Tây phương để trở về với thú vui điền viên. Một hình mẫu người hùng tích cực hơn đứng lên chống lại thực dân Pháp, đi theo tiếng gọi của cách mạng. Tất nhiên, tính cách phiêu lưu mạo hiểm trong con người thời kì cách mạng khác về chất và về lượng. Tính cách này bị điều khiển mạnh mẽ bởi lí trí, bởi các phán đoán chắc chắn để giành thắng lợi. Bởi vì, sự tồn vong của dân tộc lúc này đặt một gánh nặng lên vai người hùng – chiến sĩ. Họ chiến đấu không phải chỉ vì cá nhân mà cao cả hơn là vì danh dự dân tộc.

Với tư cách là một nhà văn hiện đại, sống trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, Lê Văn Trương có sự hình dung về người hùng khá độc đáo. Người hùng của ông là một kiểu nhân vật phiêu lưu, mạo hiểm mang tính truyền thống nhưng cũng rất hiện đại. Đó là hình tượng những con người có cá tính độc lập, mạnh mẽ, có khí phách ngang tàng và ý thức sâu sắc về con người cá nhân. Phẩm chất và chiến công của người hùng là hình tượng ẩn chứa cách nói bóng gió của tác giả. Người hùng là con người mang dòng máu hiệp sĩ du kí nhưng hình tượng nhân vật này lại đảm nhiệm sứ mệnh cao đẹp là xây dựng con người tự lực, tự cường để khôi phục giống nòi, dân tộc. Tác phẩm văn học về người hùng của Lê Văn Trương dừng lại ở tính chất nhận đường nhưng phần nào đã tạo nên một làn sóng mến mộ cho độc giả. Nhiều người nhạy cảm tìm thấy trong đó niềm an ủi, một lí tưởng phấn đấu. Tính cách phiêu lưu, mạo hiểm của người hùng ngoài sự thỏa mãn tính hiếu kì cho người đọc còn tạo nên tính hấp dẫn cho dòng tiểu thuyết người hùng của Lê Văn Trương. Tính cách ấy cho ta thấy tinh thần dám nghĩ dám làm, thái độ xả thân vì chính nghĩa của người hùng như sự khích lệ trong nhiều hoàn cảnh. Đặc biệt, với những trải nghiệm đời tư, Lê Văn Trương xây dựng hình tượng người hùng mang tính phiêu lưu đã làm sống lại những năm tháng lưu lạc, phiêu bạt của tác giả ở nhiều vùng đất lạ, những gặp gỡ kì thú và có khi cận kề cái chết. Nếu như Nietzsche tuyên bố “Thượng đế đã chết”, tiến hành đánh giá lại những chuẩn mực truyền thống, phủ định toàn diện xã hội, văn minh, cơ đốc giáo và luân lí đạo đức truyền thống; nếu một bộ phận của nền văn học hiện đại phương Tây, xây dựng nhân vật thành các hình tượng phi anh hùng, yếu đuối, cô độc, xấu xa do xã hội tạo nên thì Lê Văn Trương lại có cách phản ánh khác. Trong bối cảnh xã hội đó, ông viết nhiều về thói tật của con người nhưng nhân vật của ông lại khẳng định sự cao cả của tâm hồn, sự lương thiện của bản tính. Nếu tác giả đặt tình huống truyện trong bối cảnh thời gian và không gian của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ hình tượng người hùng không

còn xa lạ. Do vậy, đa phần tiểu thuyết của ông có sự mở rộng về bối cảnh. Hệ quả của thủ pháp nghệ thuật đó là nhân vật mang tính phiêu lưu, mạo hiểm nhiều hơn. Nhân vật người hùng thường khao khát lập nghiệp ở những vùng đất mới, thích thực hiện các chiến công ở nơi nguy hiểm, thích thử thách lạ, thích khám phá cái mới ở đất và người phương xa. Những chiến công của Trọng Khang, Chí, Vĩnh, Chấn…được lập nên ở chuyến hành hương, kinh lí, cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người. Ở đó, tính cách phiêu lưu, mạo hiểm như một phẩm chất không thể thiếu của người hùng. Trọng Khang, trong tác phẩm Trường đời là một thương nhân nhỏ bị phá sản vì thiên tai, bè gỗ chàng mua bị đắm, vốn liếng mất sạch. Chàng chấp nhận làm công cho ông Nam Long mạo hiểm phiêu lưu tìm vận may để khôi phục cơ đồ. Không chỉ chấp nhận thân phận người làm công ăn lương, Trọng Khang còn nuôi hoài bão: thông qua chuyến đi ấy có thể học thêm về nghề thầu khoán và mong nhận thầu lại một phần công trình. Trọng Khang thẳng thắn thỏa thuận với ông Nam Long: “Nhưng cái chủ định của tôi cũng cần thưa để ngài biết, cái chủ định của tôi đến đây không phải là để làm công mãi. Ở đất này đã lâu, thời thường cũng đã sang Tàu chơi, có quen biết ít người ở bên ấy, công việc của ngài thì nhiều, nếu còn đoạn đường nào, ngài cho thầu lại, tôi xin mộ cu li làm. Chứ ngài tính một khi đã buôn bán bạc vạn thì dẫu bây giờ mỗi tháng có được một trăm bạc lương chăng nữa cũng vẫn là ít”[44, 459]. Mạo hiểm trong cách nhận công việc để làm mà không giấu mục đích của mình, chuyến đi đó, chàng đã từng đi, biết rõ những khó khăn nguy hiểm nhưng với Trọng Khang “giàu nghèo chẳng có ý nghĩa gì chỉ mong sao được sống một cuộc đời tự do và khoáng đạt là đủ lắm rồi”. Chàng dũng cảm đối đầu với nguy hiểm, dấn thân vào ranh giới của sự sống và cái chết. Trọng Khang thực sự là một người hùng phiêu lưu. Qua lời của ông Phó, lão nô trung thành với chủ, tính cách Trọng Khang được tái hiện: “Cậu ông buôn gỗ từ bao giờ? Từ năm cậu con hai mươi, nghĩa là bảy năm nay rồi. Hai mươi tuổi cậu con đã lên rừng, lên

núi, sang Tàu, đi khắp nơi, chẳng sợ cái gì cả.”[44, 489]. Trong hành trình,Trọng Khang càng dấn thân vào con đường khó thì sự khó khăn, hiểm nguy càng rình rập. “Đường đi bắt đầu khó đi. Thật là những cái thang bắc ngang lưng chừng trời. Một bên thì núi cao thẳm, lại thêm đá gan gà lởm chởm. Lối đi ngoắt ngéo chỉ vừa một con ngựa…Qua một con đường hẻm, cả một cảnh tượng thê thảm bày ra trước mắt. Nửa sườn núi lở xuống chôn sống ba con ngựa thồ và hai tên mã phu ở trong. Đá chặn mất lối đi. Những người thoát chết mặt tái ngắt, đang run bắn, nhìn một cách sợ hãi lên phía núi”[44, 517]. Trong tình huống ấy, nếu là kẻ hèn nhát đã đầu hàng nhưng với một con người quả cảm như Trọng Khang, chàng không nhụt chí, tỉnh táo dự báo trước các tình huống ảnh hưởng đến sự an nguy của các bạn đường. “Lúc này không phải là lúc đắn đo lẽ hơn thiệt. Ông Phó, nói dại nhỡ có bão thì ngay lập tức phải đi loan báo cho tất cả hạ đồ xuống tìm chỗ sườn khuất gió mà ở ẩn, chứ không thì bay hết xuống vực đấy”[44, 519]. Bên cạnh Trọng Khang, Khánh Ngọc là cô gái có tính cách thích khám phá, không chịu để cho những tư tưởng thiển cận làm lu mờ lí trí. Nàng cho rằng chỉ có dấn thân vào vất vả, khổ cực thì kiến thức nàng thu được càng giàu có, con người càng mạnh mẽ. Khánh Ngọc nhận ra ý nghĩa của cuộc đời gió bụi mà nàng đang lựa chọn. “Mình đã may mắn hơn người là mình đã gặp những trường hợp để nhận chân ra giá trị của người ta. Một tháng gập gềnh trên con đường gió bụi lợi bằng bao nhiêu năm học ở Ba Lê. Thì ra nếu không lăn mình vào cuộc sống, suốt đời chẳng có được một chút ánh sáng gì để biết người, hiểu đời. Giá trị của một người chỉ có thể biết được khi người ấy đối đầu với những bất thường của sự sống gay go và tàn nhẫn” [44, 60]. Nàng thẳng thắn vạch ra toan tính đê hèn của Giáp, người đã cùng nàng đính hôn: “Anh lên đây vì có tôi. Tôi là cả cái tương lai mà lòng anh sở nguyện. Chứ không có tôi đi thì cũng chẳng bao giờ anh đi”[30, 557]. Người hùng của ông bao giờ cũng thích phiêu lưu. Chỉ có đi nhiều, trải nghiệm nhiều, họ mới có thể hiểu đất, hiểu người một

cách sâu sắc. Đó cũng là một kiểu thu nạp chất sống của cuộc đời. Một con người đã mang trong mình dòng máu hành động thì không có gì có thể níu bước chân của họ. Họ dấn thân như một nhu cầu, như một cái gì đó đã ăn sâu vào máu tủy. Hình tượng con người phiêu lưu mạo hiểm xuất hiện trong tác phẩm của Lê Văn Trương rất sớm. Tác phẩm đầu tay Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích khắc họa hình tượng nhân vật Hoàng Cương, ưa khám phá, rất đa tình đã ăn sâu vào tiềm thức người đọc như một ấn tượng khó quên. Chúng ta dễ dàng chu du qua nhiều cảnh lâu đài hoang phế nhưng đẹp cổ kính, hoành tráng của đất nước Campuchia. Muốn biết cách ăn nói, phục sức của người Cao Miên như thế nào hãy theo bước chân phiêu lưu của các nhân vật người hùng.

Người hùng của Lê Văn Trương là một huyền thoại. Dường như, không có nhân vật nào thiếu vắng cái chí khí làm người, sự phóng khoáng và thái độ dũng cảm dấn thân vào những cuộc phiêu lưu. Nhân vật không chỉ phiêu lưu trong hành động mà sự liều lĩnh còn thể hiện trong suy nghĩ, trong tư tưởng. Nói cách khác, thế giới chiến công của người hùng rất đa dạng. Đó không chỉ thế giới được chinh phục bằng sức mạnh cơ bắp mà có khi còn chiến thắng bằng trí tuệ. Hàng loạt nhân vật người hùng được nhà văn xây dựng theo môtip đó. Linh, trong tiểu thuyết Một người, là người hùng dám làm một cuộc cách mạng về tư tưởng. Sống trong nhung lụa, danh tiếng và sự ngưỡng mộ của các người đẹp, cuộc đời của Linh tưởng như viên mãn. Mặc dù vậy, khi ý thức làm người được thức tỉnh, chàng đã có cuộc dấn thân đầy mạo hiểm. Chàng nhận ra sự vô nghĩa của những kiếp người đang sống vô nghĩa. Chàng quyết tâm thay đổi, lăn mình vào cuộc đời sóng gió dù bị gia đình từ bỏ, gia

Một phần của tài liệu Hình tượng người hùng trong sáng tác của lê văn trương luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 90 - 100)