Cơ sở của sự xuất hiện hình tượng người hùng trong sáng tác của Lê Văn Trương

Một phần của tài liệu Hình tượng người hùng trong sáng tác của lê văn trương luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 44 - 55)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.2Cơ sở của sự xuất hiện hình tượng người hùng trong sáng tác của Lê Văn Trương

Lê Văn Trương

1.3.2.1 Hoàn cảnh xã hội

Tác phẩm văn học ưu tú bao giờ cũng vượt không gian và thời gian trở thành sản phẩm của mọi thời đại. Về phương pháp luận, tác phẩm văn học phải khắc họa được bộ mặt thời đại mà nhà văn đang sống. Xã hội càng nhiều biến động thì càng xuất hiện nhiều tài năng văn chương và nhiều tác phẩm ưu tú. Điều đó cho thấy tính phản ánh của văn học rất quan trọng. Những năm 30 của thế kỉ XX, trên thế giới chủ nghĩa thực dân bành trướng và chứng tỏ được uy quyền tuyệt đối trên chính trường quốc tế nhưng trong bản chất của nó đã có mầm mống tan rã. Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế các nước tư bản trong đó có thực dân Pháp. Thực dân Pháp đối phó với cuộc khủng hoảng ấy bằng cách thắt chặt nền kinh tế trong nước đồng thời đẩy mạnh khai thác thuộc địa. Chủ nghĩa phát xít đang tung những đòn mạnh mẽ vào các nước phương Tây. Hitle, tên trùm phát xít lên nắm quyền ở Đức, đang hò hét đòi chia lại bản đồ thế giới. Tây Ban Nha cũng nhanh chóng rơi vào tay tên trùm Franco. Thế giới đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Chủ nghĩa thực dân bị đặt vào tình thế bị đe dọa về quyền lợi. Nước Pháp, kẻ trong tay chiếm giữ phần lớn thuộc địa chọn đối sách hòa hảo để tìm cơ hội. Một mặt, chúng kiên quyết diệt tận gốc mầm mống phản kháng của các phong trào cách mạng, trừng phạt dã man lãnh tụ cách mạng nhưng mặt khác, chúng lại áp dụng chính sách mềm mỏng về chính trị bằng các tấn trò lừa đảo hòng che mắt nhân dân. Ở nước ta, suốt hơn bảy thập kỉ bị đô hộ bởi thực dân Pháp, nhân dân lâm vào cảnh khốn cùng, các phong trào cách mạng chưa bao giờ sôi nổi như giai đoạn này. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, thu hút đông đảo quần chúng công nông tham gia. Kể từ đây, phong trào đấu tranh của quần chúng

có tôn chỉ, mục đích và phương pháp rõ ràng. Phong trào Xô viết 1930 – 1931, phong trào Dân chủ 1936 – 1939 là những đòn chí tử đánh vào bộ máy chính quyền của thực dân Pháp. Tuy vậy, do cách mạng còn trứng nước mà thế lực của thực dân Pháp đang mạnh nên các phong trào cách mạng nhanh chóng bị chúng đàn áp trong bể máu. Khởi nghĩa Yên Bái bị đàn áp dã man, Nguyễn Thái Học và 7 đồng chí bị xử tử là tổn thất nặng nề với cách mạng. Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp bị sụp đổ trong khi phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương chưa gặt hái được thành quả gì đáng kể. Trong nước bao trùm một không khí tang thương, có nhiều người không giấu nổi sự thất vọng đang hiện hữu. Chính phủ Pháp nhanh chóng tổ chức nhiều phong trào có tính chất mị dân, vẽ nên viễn cảnh huy hoàng ở xứ thuộc địa. Phong trào “vui, khỏe, trẻ trung” với những trò rước đuốc, đua xe đạp, chợ phiên, thi hoa hậu…để che lấp cái đen tối, bát nháo của xã hội đương thời. Trong bối cảnh đó, có không ít người phụ họa cho mục đích đen tối của bọn chúng vì ảo tưởng cũng có mà vì muốn thoát li thực tại là phần nhiều. Những chốn ăn chơi mọc lên như nấm sau mưa. Nhà thổ, gái đĩ, me Tây được tôn vinh…Thanh niên thành thị lao vào ăn chơi, hưởng lạc, hút xách…Những con phố ăn chơi như Khâm Thiên, Gia Quất nườm nượp đón những đệ tử, con chiên lao vào như con thiêu thân. Một số trí thức tuy nhận chân được thực tại nhưng vì bế tắc nên lâm vào trạng thái chán chường, tuyệt vọng, rên rẩm “đầu thai lầm thế kỉ”. Lê Văn Trương sinh ra và sống thời hoa niên trong tình cảnh ấy. Trải qua bao thương hải tang điền, tận mắt chứng kiến đồng bào lầm than dưới ách nô lệ, bị sỉ nhục về nhân phẩm, giống nòi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người thanh niên Lê Văn Trương đã không chịu đựng được những cảnh chướng tai gai mắt, xúc phạm đến danh dự của giống nòi. Khi viên hiệu trưởng trường Bưởi mắng vào mặt một anh bạn đồng môn là Sale anamitte!, ông đã phản ứng lại bằng cách tham gia bãi khóa cùng bạn bè. Từ đó, cuộc đời ông trải qua nhiều biến động, có lúc tột cùng vinh quang nhưng có lúc lại

lâm vào cảnh khốn cùng, khi bôn ba nơi núi thẳm non cao, lúc an nhàn nơi đô thị sầm uất nhưng dù hoàn cảnh thế nào, ông vẫn khảng khái nhận chân lấy thiên chức của mình để bảo toàn danh dự làm người. Con người ngang tàng ấy luôn khao khát một chân trời mới. Cuộc hành trình rèn luyện bản thân đã manh nha trong con người Lê Văn Trương nguồn tư tưởng mới. Kho tư liệu mà ông tích lũy được trong cuộc sống sinh tồn là vốn sống mà ít nhà văn có được. Triết lí sức mạnh mà ngay từ khi bước chân vào làng văn, làng báo, Lê Văn Trương đã trình làng bạn đọc có một cơ sở lịch sử xã hội nhất định. Nó vì hoàn cảnh mà nảy sinh và cũng chính hoàn cảnh đã tác động làm cho nó sâu sắc hơn. Chúng ta thấy rằng, mối quan hệ giữa cung và cầu luôn tồn tại ở bất kì xã hội nào. Con người có nhu cầu và tìm cách đáp ứng nhu cầu đó. Hiện thực xã hội đương thời, lối sống hưởng thụ, ăn chơi đã đi vào máu của đa số thanh niên. Tình nhân ái, tinh thần nhân loại, tính người bị loài sài lang che khuất. Người ta sống với nhau bằng sự tàn nhẫn, cân đo đong đếm của đồng tiền, văn hóa phẩm đồi trụy ru ngủ con người trong đam mê, lầm lạc. Có người nhận chân được thực tại nhưng tỉnh để làm gì khi tâm hồn họ vẫn đang bế tắc. Kẻ lao vào hưởng lạc, người than thở cho số phận. Cái băn khoăn “đứng giữa hai dòng nước, chọn một dòng hay để nước trôi” là tâm lí phổ biến trong tầng lớp tri thức. Lê Văn Trương xây dựng triết lí sức mạnh và dựng nên hình tượng người hùng trong tác phẩm của mình như sự cứu rỗi những linh hồn đang lầm lạc, kêu gọi họ trở về với nhân tính. Bạn đọc say mê, tán dương, ngưỡng mộ hình tượng người hùng phải chăng ít nhiều trong những nhân vật ấy là hình bóng của họ. Phạm Thế Ngũ, trong cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, đánh giá: “Con người hùng ấy đã thể hiện một phần nào đó nguyện vọng của một số người bất bình với những cột buộc hay ghê tởm trước những sa đọa của xã hội thực dân, muốn vươn lên tìm một lối thoát cho tâm hồn”[26, 538].

Hình tượng người hùng mà Lê Văn Trương xây dựng trong tác phẩm của mình xuất phát từ một cơ sở lịch sử xã hội, từ mạch đất, con người và truyền thống dân tộc cho nên người đọc dễ dàng nhận ra trong đó một phần con người của mình. Một phần tính người đang vô tình bị che khuất nay có thêm sự khuyến khích, thức tỉnh bằng hình ảnh người hùng dám phá bỏ mọi ràng buộc, dám làm mọi việc mà không màng đến được mất. Hình mẫu người hùng mang những tố chất mà người ta đang chờ đợi. Những chuyến phiêu lưu, khám phá những vùng đất lạ, khao khát lập chiến công và chinh phục của người hùng mang lại cho người đọc những cảm xúc mới mẻ. Hình tượng người hùng của Lê Văn Trương là một thứ huyền thoại. Kiểu người hùng khác lạ khiến độc giả không khỏi ngỡ ngàng, đặc biệt vì đức tính, hành động của anh.

Triết lí sức mạnh và sự cụ thể hóa hình tượng người hùng trong sáng tác văn học của Lê Văn Trương như dòng nước mát mà người bộ hành thưởng thức trên sa mạc đầy nắng, gió. Người ta không chỉ tìm thấy ở người hùng một cứu cánh về tinh thần mà phần nào còn tìm thấy trong đó ánh sáng của tương lai. Người hùng của ông là một con người đẹp toàn diện, lí tưởng. Ta bắt gặp trong con người hùng những hành động nhiều khi hơi thái quá. Cử chỉ yêu thương bồng bột: “Hai người gặp nhau ở cầu thang…Vĩnh bế bổng Vân ra phòng khách, chẳng nói chẳng rằng, đặt lên đi văng rồi hôn lên khắp mình mẩy, trước mặt mọi người”[45, 80], triết lí dài dòng thậm chí có nhiều hành động của nhân vật mang tính thoát tục mà trong đời thường khó có thể chấp nhận. Khi người ta mang trong mình sức mạnh của tuổi trẻ, mà tuổi trẻ luôn có con mắt tươi mới, nhìn cuộc đời với bao kì thú. Người thanh niên muốn ôm trong mình những chua cay, nóng rát và hạnh phúc của cuộc đời. Tuổi hoa niên là cái thời người ta luôn mang trong mình “ảo tưởng” anh hùng, có thể làm tất cả mọi điều, ôm trong mình trách nhiệm của nhân quần. Sinh ra giữa xã hội nhố nhăng, kệch cỡm, khát vọng ấy dễ biến thành nỗi tuyệt vọng lớn

nhưng cũng có thể làm bột phát tư tưởng cao cả. Tác phẩm của Lê Văn Trương thu hút độc giả là điều đương nhiên. “Người hùng của Lê Văn Trương là một thứ người hùng kiểu Corneille, một thứ “phượng hoàng dù sơ sinh nhưng khinh hết những lão ô bách tuế” [48, 111]. Người hùng chính là thần tượng mà tuổi trẻ đang ao ước và say mê. Hình tượng người hùng mang bóng dáng hoàng tử, hiệp sĩ của chuyện xưa tích cũ, là anh hùng mã thượng trong văn chương lãng mạn hay trên những bộ phim mà giới trẻ đang say mê. Người hùng của tác giả là hình tượng sinh động, tựu trung tất cả niềm mơ ước, sự khao khát của bất kì con người nào đang mang trong mình niềm tự tôn dân tộc.

Người ta nói, ở những nhà văn có mĩ cảm vẫn thường xuất hiện tài năng dự báo. Mẫu nhân vật mà nhà văn xây dựng trong tác phẩm của mình có thể chưa phổ biến trong hiện tại nhưng sẽ xuất hiện trong tương lai. Nhà văn có quyền tưởng tượng, ước mơ về một hình mẫu lí tưởng đó và thể hiện thông điệp nào đấy tới độc giả. Lê Văn Trương xây dựng hình tượng người hùng quá lí tưởng gây cảm giác không thật nhưng nếu nhìn với con mắt tinh tường ta dễ thấy rằng nhân vật của ông bén rễ ngay trong cuộc sống này. Ta thường bắt gặp những con người, những hành động giống người hùng trong tác phẩm của ông nhưng cuộc sống khiến người ta lãng quên. Nhà văn hơn mọi người ở khả năng quan sát và tổng hợp. Những năm tháng sống lăn lóc, cuộc đời đã dạy cho Lê Văn Trương: kẻ chiến thắng là kẻ mạnh. Nếu chấp nhận bưng mắt trước hoàn cảnh thì trở thành người hèn nhát. Có lẽ, chính linh cảm của một con người từng trải đã hun đúc cho nhà văn lí tưởng cao cả, lí tưởng mà con người thời đại đang khao khát kiếm tìm. Tâm huyết ấy, ông thổ lộ trong cuộc phóng vấn với Nguyễn Ngu Í: “Sau mấy năm ở ngoại quốc, tôi trở về quê hương ở Bắc lúc đó, thời Châtel. Vắng mặt lâu, về, tôi thấy người thấy việc lúc bấy giờ mà tởm. Có cái gì sôi nổi trong tôi, phải la hét, phải đập, phải làm

một cái gì, làm bất cứ một cái gì, không thể làm thinh được. Làm thinh là hèn. Tôi mới nắm lấy bút, viết, viết”[48, 117].

Như vậy, trong những thập niên đầu thế kỉ XIX, xã hội Việt Nam biến động. Chính sách cai trị của thực dân Pháp đẩy người dân vào tình cảnh khốn cùng. Sự tàn phá về vật chất không là gì với nỗi đau dân tộc, giống nòi bị chà đạp. Bối cảnh ấy, tác động sâu sắc đến ngòi bút của những nhà văn có lương tri, thôi thúc họ lên tiếng đấu tranh để tồn tại và để kiến thiết đất nước. Trong giai đoạn lịch sử ấy, cách mạng đang còn trứng nước, tài lực quốc gia đang mỏng, báo chí bị thực dân kiếm duyệt gắt gao. Khủng bố trắng khiến người ta không khỏi bi quan về một tương lai không mấy sáng sủa. Người ta tìm cách nói bóng gió, tìm cách vực dậy tinh thần của nhân dân. Lê Văn Trương nhận lấy thiên chức ấy, “dũng mãnh hiến mình” qua tiếng nói của văn chương. “Có thể nói rằng tôi đã “giác ngộ” về kiếp con người trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích. Đây, Đế Thích tan tành, đầu kia Vạn Lí trường thành san phẳng…Những công trình “vĩ đại” xây bằng mồ hôi, nước mắt và máu của dân lành rồi cũng bị sụp nát, cũng đổ vỡ, cũng tàn phai…Và chỉ gợi cho người sau những gì là bất công, là áp bức, là bạo tàn”[48, 117].

1.3.2.2 Sự trải nghiệm của chính Lê Văn Trương trong trường đời

Không có một lĩnh vực nào lại mang những sự đặc biệt như sáng tạo văn chương. Nếu ở các ngành kĩ thuật đòi hỏi nhà khoa học phải có một nền tảng kiến thức nền cơ bản mà không đặt cao vai trò của vốn sống thì với lao động nghệ thuật người nghệ sĩ có kiến thức thôi chưa đủ mà phải viết bằng trái tim tràn đầy chất sống của cuộc đời. Trên thế giới, rất nhiều nhà văn lớn thừa nhận trường học quý giá của họ chính là cuộc sống. M.Gorki, một cây đại thụ của văn học Nga Xô viết, thừa nhận chính tuổi thơ cay đắng lăn lộn để sống là một trong những “trường đại học” của ông. Sự đào tạo tốt nhất cho các nhà văn chính là cuộc đời. Không phải chỉ một sớm một chiều người ta có thể trở thành một nhà văn thiên tài. Có tố chất thôi. Chưa đủ. Tài năng phải được vun đắp hàng ngày cho đầy gốc, sâu rễ. Ở những nhà văn lớn, kiến thức về cuộc

sống rất đáng kính phục. Họ luôn có thói quen ghi nhớ những sự việc đã xảy ra, những vùng đất đã đi qua, con người đã gặp cũng để lại trong họ ấn tượng khó quên.

Lê Văn Trương cũng như nhiều nhà văn khác, thiên hướng nghệ thuật đến với ông như một duyên định. Ông sáng tác văn học sau những bước ngoặt cuộc sống, khi trái tim ông thôi thúc phải cầm bút. Ông viết văn bằng một kho tàng kiến thức về đời sống mà ít nhà văn có được. Chuyến xe đời của nhà văn “người hùng” là một chuyến xe bão táp. Ông đi nhiều, sống nhiều, trải qua những hiểm nguy của số phận, những khúc khuỷu của trường đời. Bằng chính nội lực, nhà văn tồn tại và trưởng thành. Những vất vả của cuộc mưu sinh mài nhọn các giác quan của ông, rèn luyện cho ông sức mạnh làm người. Sinh thời, Lê Văn Trương mang vóc dáng của một con người từng trải, dữ dội. “Ngoài ba chục tuổi, tầm vóc cao lớn, dáng đi lừ đừ như một con cá chắm lội, với một màu da bánh mật, gương mặt rắn câng, một cái trán hẹp của người thiết thực, đôi mắt sâu gườm gườm và những cái nhìn nhanh như chớp. Miệng không rộng, môi trên hơi vểnh lên nổi một chiếc răng cửa khểnh”[48, 36]. Ngay dáng vẻ bề ngoài, khí chất con người nhà văn đã toát lên vẻ mạnh mẽ, trái ngược hoàn toàn với những văn nhân xưa. “Chân dung Lê Văn Trương được phác họa cho ta thấy một kiểu nhà văn khác, nhà văn gần với cuộc vật lộn kiếm sống đầy biến động hàng ngày”[48, 36]. Ông bị đuổi học vì dám đứng lên bênh vực danh dự cho bạn đồng môn rồi bị đầy lên xứ Lovea (Campuchia) héo lánh, làm một anh kí bưu điện. Bất bình với chủ, nhận ra sự bạc bẽo của nghề, ông bỏ việc đi làm thầu khoán xây cầu cống cho chính quyền hoàng gia Campuchia, cùng vợ con lập đồn điền ở Battamtang xa xôi. Khủng hoảng kinh tế thế giới, ông đưa vợ con trở về miền Bắc (Việt Nam), làm thầu đường sân bay cho Tưởng Giới Thạch, đi tìm vàng cho chính phủ… Tất cả những mùi vị của cuộc sống, chất thép của trường đời được nhà văn giãy bày trên trang giấy. Nhân vật người hùng chính là dáng dấp cuộc đời con

Một phần của tài liệu Hình tượng người hùng trong sáng tác của lê văn trương luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 44 - 55)