6. Cấu trúc luận văn
1.2 Sự nghiệp văn học của Lê Văn Trương
Lê Văn Trương bắt đầu viết văn khi đã trải qua nhiều năm bôn ba, luân lạc ở nhiều vùng đất, làm đủ mọi nghề để kiếm kế sinh nhai. Tuổi thơ theo gia đình lập nghiệp ở vùng núi Tuyên Quang, Bắc Giang hoang sơ. Thời thanh niên, sống ở Campuchia và làm đủ mọi nghề đem lại cho nhà văn sự từng trải và kho kinh nghiệm sống dồi dào. Ông tìm đến văn chương khi những khát vọng nghề nghiệp bước đầu thất bại cay đắng. Ông gửi gắm vào văn học lòng nhiệt thành, đam mê văn chương và cả những hình mẫu con người lí tưởng mà vì những hoàn cảnh khách quan, nhà văn không thể thực hiện được trong cuộc đời thực. Có thể nói, ông là một nhà văn bén duyên với nghệ thuật rất ngẫu nhiên nhưng cũng chính sự tình cờ đã đưa lại cho ông nhiều vinh quang trong nghề nghiệp.
59 năm sống và viết, Lê Văn Trương để lại một sự nghiệp sáng tác đồ sộ trên nhiều lĩnh vực khiến nhiều nhà văn phải kính nể. Theo thống kê của Nguyễn Ngu Í, tổng số sách Lê Văn Trương đã xuất bản là 96 tác phẩm, chưa in 29 cuốn, chưa kể số sách đã bị thất lạc. Theo Triệu Xuân, số sách mà ông đã viết là khoảng 120 tác phẩm. Thống kê của Vũ Ngọc Phan trong công trình
Nhà văn hiện đại cho biết từ 1934 – 1942, Lê Văn Trương đã sáng tác được 52 tiểu thuyết. Còn theo tuyên bố của chính nhà văn, sinh thời, ông đã sáng tác tới 247 tác phẩm. Tuy vậy, do điều kiện bảo tồn, thời gian và nhiều lý do khác, chúng ta vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể, chính xác số lượng trước tác của ông.
Theo Ngọc Giao, Lê Văn Trương xuất hiện trong làng báo vào năm 1932 với những bài viết ngắn trên tuần báo Trung Bắc tân văn của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Thời gian này, ông lấy bút danh là Cô Lý, thu hút sự chú ý của dư luận bằng những bài báo mang tính luận thuyết nhưng với giọng bông đùa, hài hước đả kích các tầng lớp trong xã hội rất chua cay. “Quan lại bị ông xỉa bút vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, Tây cũng mần thinh, không có dấu hiệu gì phản ứng. Tờ nhật báo của ông Luận nhờ Cô Lý được nhiều người yêu mến làm ngả nghiêng mấy tờ báo cùng thời như Ngọ báo, Đông Pháp, Tia sáng”[10, 25]. Được hơn một năm, Lê Văn Trương thôi viết báo, bắt đầu sáng tác văn học. Theo Lê Văn Trương, tác phẩm đầu tay của ông là truyện Một người cha. Trong trí nhớ của các bạn đồng nghiệp của ông, việc xác định sáng tác đầu tiên của nhà văn cũng không thật dễ dàng. Tư liệu về văn nghiệp của nhà văn còn lại rất ít ỏi. Năm 2006, được sự giúp đỡ của bà Lê Thị Giáng Vân, người con gái út của nhà văn Lê Văn Trương, Triệu Xuân cho ra mắt Lê Văn Trương tác phẩm chọn lọc, 2 tập, in một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn. Từ đó, cái tên Lê Văn Trương trở lại với văn đàn ít ồn ào hơn và dường như thời gian cũng đủ làm cho người ta tỉnh táo hơn trong việc nhìn lại những thành tựu của quá khứ. Trong lời giới thiệu cho công trình này, nhà văn Triệu
Xuân đã tổng kết tư liệu dựa trên những mốc thời gian trong các ấn phẩm đã in của Lê Văn Trương và có cơ sở để khẳng định: Tác phẩm mở đầu chặng đường sáng tác văn học của ông là tập truyện Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích (1934). Trong tập truyện ngắn này, cách viết của ông rất giản dị, đề tài quen thuộc, đặc biệt nhà văn có sự đam mê khi viết về đề tài thiếu nhi. Những chuyện như Anh em thằng Việt, Con quay, Cái xó bếp, Hai hào, Cánh tay đứa trẻ…thể hiện tài năng của ông trong việc phân tích tâm lý trẻ em. Đó thực sự là những trang văn đẹp thể hiện sự quan sát tinh tế của nhà văn về những tình huống trong cuộc sống. Tác phẩm đầu tay gây tiếng vang lớn. Ông được Nhà xuất bản Tân Dân hợp tác, trọng vọng. Trên những tuần báo của Nhà xuất bản Tân Dân, cái tên Lê Văn Trương xuất hiện thường xuyên. Đối với ông chủ Vũ Đình Long, cái tên Lê Văn Trương là “con gà đẻ trứng vàng”, còn với nhà văn, danh tiếng và tiền tài có được đảm bảo cho ông một cuộc sống sung túc. Sự trọng vọng, mời chào của các chủ bút, chủ báo mang lại quá nhiều ưu ái cho nhà văn. Đôi khi người ta chỉ nhìn vào tên tác giả để quyết định cho đăng tải tác phẩm do vậy, kéo theo những hệ lụy rắc rối trong
hiện tượng Lê Văn Trương. Có những tác phẩm ông viết khá vội vàng, có tác phẩm mà người ta chỉ mượn tên ông để đảm bảo cho sự xuất hiện của nó trên mặt báo. Khi tên tuổi của ông được khẳng định, Lê Văn Trương bắt đầu sáng tác những tác phẩm có dung lượng lớn hơn. Đặc biệt là thời kì Mặt trận Dân chủ, sự du nhập của văn học phương Tây vào tầng lớp trí thức tạo nên những khuynh hướng mới trong nền văn học. Nếu như phong trào Thơ mới rầm rộ với các tên tuổi Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu…Tự lực văn đoàn với tên tuổi Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo…dòng tiểu thuyết diễm tình tạo nên những xáo động trong làng văn làng báo thì có một người “nghênh ngang một cõi” tạo cho mình một văn đàn riêng với một dòng văn học về “người hùng”. Sáng tác của Lê Văn Trương tạo ra một “cơn sốt” trong xã hội, độc giả ngưỡng mộ nhà văn và háo hức đón chờ tác phẩm của ông trên
từng kì báo. Có thể nói, từ năm 1935 đến năm 1942 là thời kì hoàng kim của tiểu thuyết gia Lê Văn Trương với hàng loạt tiểu thuyết và truyện ra đời. Theo Vũ Ngọc Phan thống kê, các số liệu tác phẩm như sau: Trong Phổ thông bán nguyệt san, xuất bản tại Hà Nội và in trong khoảng 1937 – 1942: Cô Tư Thung (P.T.B.N.S số 2), Một người (hai tập, số 6 và 7), Một trái tim (số 15), Con đường hạnh phúc (số 19), Một lương tâm trong gió lốc (số 21và 22), Trong ao tù trưởng giả (số 28, 29), Ngựa đã thuần rồi, mời ngài lên (số 31), Một cô gái mới (số 38), Tôi là mẹ (số 43,44), Cánh sen trong bùn (số 51 và 52), Bốn bức tường máu (số 62 và 63), Trường đời (số 73, 74 và 75), Nó giết người (số 84), Người anh cả (3 tập), Hai anh em (số 98), Tiếng gọi của lòng
(hai tập, 106 và 107), Lòng mẹ (số 113 và 114). Hàng loạt tác phẩm được in thành sách: Đứa cháu đồng bạc (Tân Dân – Hà Nội, 1939), Tôi thầu khoán
(Tân Dân – Hà Nội, 1940), Một linh hồn đàn bà (Tân Dân – Hà Nội, 1940),
Một tội ác (Tân Dân – Hà Nội, 1941), Một cuộc săn vàng (Tân Dân – Hà Nội, 1941), Những con đường rẽ (Tân Dân – Hà Nội, 1939), Cô thơm (Duy Tân thư xã – Hà Nội, 1941), Điệu đàn muôn thuở (Đời mới – Hà Nội, 1942), Đầu bạc đầu xanh (Đời mới – Hà Nội, 1942), Anh và tôi (Đời mới – Hà Nội, 1942), Chồng chúng ta (Đời mới – Hà Nội, 1942), Những kẻ có lòng (Đời mới – Hà Nội, 1942), Hai người bạn (Đời mới – Hà Nội, 1942), Kẻ đến sau (Đời mới – Hà Nội, 1943), Bóng hạnh phúc (Cộng lực – Hà Nội, 1942), Sau phút sinh lý (Tân Dân – Hà Nội, 1942)