Giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế thông qua thực tập, thực tế, tham quan tại các doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp việt nam hàn quốc, tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 92 - 95)

thông qua thực tập, thực tế, tham quan tại các doanh nghiệp

Tại Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc, tỉnh Nghệ An, trước khi ra trường, sinh viên hệ Cao đẳng thường được trải qua hai kỳ thực tập. Kỳ thực tập thứ nhất thường rơi vào cuối năm học thứ 2, kỳ thực tập thứ hai ngay trước khi sinh viên ra trường. Thực tập lần 1 còn gọi là trải nghiệm thực tế có dung lượng thời gian khoảng 2,5 tháng và mục đích chủ yếu là giúp sinh viên bước đầu tiếp cận với thực tế công việc. Còn thực tập lần 2 hay còn gọi là thực tập tốt nghiệp có thời gian thường kéo dài khoảng 3 tháng. Khi đó sinh viên đã được đào tạo hoàn chỉnh về kiến thức chuyên môn trong nhà trường, đã chuẩn bị tâm lý cho việc tốt nghiệp, đi làm thực sự nên kỳ thực tập này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sinh viên .

Tham gia trực tiếp vào quá trình thực tập chỉ bao gồm 2 đối tượng là sinh viên và đơn vị tiếp nhận sinh viên thực tập nhưng nhà trường vẫn đóng một vai trò rất quan trọng. Trước tiên, nhà trường là nơi đã đào tạo, cung cấp cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng sinh viên sẽ sử dụng trong quá trình thực tập. Nếu những kiến thức, kỹ năng đó thiết thực, gắn liền với thực tế thì sẽ giúp sinh viên dễ dàng hơn trong quá trình tiếp cận với công việc để có một kỳ thực tập thành công. Ngược lại, nếu những gì sinh viên nhận được trên giảng đường xa rời với thực tế thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đi thực tập, thậm chí có thể làm thui chột tinh thần lao động và tình yêu nghề nghiệp của sinh viên. Nhà trường còn là cầu nối giữa sinh viên và đơn vị tiếp nhận, thể hiện qua việc nhà trường tìm kiếm những nơi thích hợp để giới thiệu sinh viên tới thực tập, chuẩn bị cho sinh viên các giấy tờ cần thiết để đi liên hệ, hướng dẫn trước cho sinh viên một số

điều họ cần biết khi tham gia vào công việc thực tế. Có thể nói, sinh viên thực tập thành công hay không phụ thuộc một phần lớn vào sự đào tạo và chuẩn bị của nhà trường dành cho sinh viên của mình.

Thực tập, thực tế, tham quan tại các doanh nghiệp là hình thức bồi dưỡng để nâng cao tay nghề và hiểu biết thực tế cho học sinh, sinh viên. Hình thức này cần được duy trì và bố trí thời gian hợp lý để học sinh, sinh viên được bồi dưỡng nâng cao ý thức nghề nghiệp đồng thời gắn liền lý thuyết với thực hành.

Trong tổ chức thực hiện giải pháp này nhà trường cần có những kế hoạch cụ thể đưa học sinh, sinh viên đi thực tập, thực tế tại các Doanh nghiệp. Ngay từ năm thứ nhất nhà trường cần tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tế tại các cơ sở nhằm mục đích học tập kinh nghiệm về tay nghề và đạo đức nghề nghiệp từ các công nhân giỏi lâu năm trong nghề. Bên cạnh đó việc tiếp xúc với những công nhân giỏi lâu năm sẽ giúp sinh viên phần nào hiểu hơn về nghề nghiệp và những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để nhận thức đúng đắn. Thông qua việc thực tập, thực tế tại các Doanh nghiệp sẽ rèn cho học sinh, sinh viên kĩ năng giao tiếp tự tin và chủ động hơn trong học tập và nghề nghiệp sau này. Tiếp xúc với các chuyên gia, công nhân giỏi lâu năm và điều kiện làm việc thực tế sẽ giúp cho học sinh, sinh viên có được phương pháp học tập nâng cao tay nghề cũng như rèn luyện được các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp phù hợp.

Thực tế hiện nay, chương trình và nội dung giáo dục đào tạo trong nhà trường chưa đảm bảo hết yêu cầu của các Doanh nghiệp về người lao động. Kiến thức HSSV được học trên giảng đường còn nặng tính lý thuyết, rèn luyện kỹ năng thực hành ít được cập nhật các tri thức mới đi liền với sự phát triển của các ngành nghề. Điều này khiến HSSV gặp không ít khó khăn, lúng túng khi tiếp cận với công việc, nhất là trong thời gian thực tập. Nếu chương trình đào tạo quá xa rời với thực tiễn công việc, khi đi thực tập, có thể sinh viên còn cảm thấy hoang mang, thất vọng về nghề nghiệp. Vì vậy, điều căn bản nhất là chương

trình đào tạo trong nhà trường cần được xây dựng có chất lượng, gắn liền với thực tiễn nghề nghiệp. Để thực hiện được điều này nhà trường cần có những kế hoạch cụ thể trong việc phối hợp giữa doanh nghiệp dưới các hình thức: Qua quá trình sinh viên thực tập, nhà trường yêu cầu các doanh nghiệp có những góp ý thiết thực về các nội dung đào tạo mà nhà trường cần bổ sung để hữu ích cho thực tế hơn tư đó có thể giúp nhà trường trang bị kinh nghiệm thực tiễn một cách tốt nhất cho sinh viên, giúp nâng cao chất lượng đầu ra; doanh nghiệp cung cấp một số trang thiết bị cho nhà trường để HSSV thực tập, cử công nhân lành nghề, có kinh nghiệm đến giảng bài; nhà trường gửi học sinh vào doanh nghiệp để thực tập và sau khi ra trường họ có thể được nhận vào làm việc; doanh nghiệp ‘‘đặt hàng’’ với nhà trường với số lượng, trình độ và ngành nghề cụ thể. Theo xu hướng hiện nay, doanh nghiệp sẽ là một bộ phận, một công đoạn của quá trình đào tạo nghề. Vì thế nhà trường cần kết hợp với Doanh nghiệp để Doanh nghiệp sẽ tham gia từ việc xác định danh mục nghề đào tạo, chương trình đào tạo, thời gian đào tạo, hình thức đào tạo và tổ chức thực hành nghề cho người học.

Thực tập, thực tế tại các Doanh nghiệp là cầu nối giữa lý luận đào tạo nghề với thực tiễn xã hội. Hoạt động thực tập, thực tế mang tính chất thực hành tay nghề đòi hỏi HSSV phải hành động bằng sự phối hợp của nhiều yếu tố để hình thành nên những kỹ năng, kỹ xảo tay nghề và tổ chức các hoạt động nội khóa, ngoại khóa khác trong và ngoài nhà trường. Bản thân mỗi sinh viên phải nhận thức được rằng kỳ thực tập tốt nghiệp rất quan trọng đối với tương lai của họ. Vì thế, họ cần phải cố gắng hết sức mình để bắt kịp công việc. Và để có thể làm việc tốt, sinh viên cần có kiến thức vững vàng. Điều này cần phải được trau dồi trong suốt quá trình học tập của sinh viên trước đó. Để mỗi đợt thực tập, thực tế là một hoạt động “học nghề” bổ ích, thiết nghĩ nhà trường cần bồi dưỡng cho HSSV công tác tư tưởng và tinh thần nhiệt huyết của nghề các em đang theo học. Nhà trường cần giáo dục ý thức này cho sinh viên ngay từ khi mới bước

chân vào trường chứ không phải chỉ trước kỳ thực tập. Từ đó bồi đắp cho thế hệ người lao động mới lòng yêu nghề, nâng cao và trau dồi năng lực tay nghề cho các thế hệ HSSV của nhà trường.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp việt nam hàn quốc, tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 92 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w