ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên các trường dạy nghề
Những năm đầu thế kỷ 21 thế giới có nhiều biến đổi to lớn, cả thế giới đang dần hoà mình vào xu thế chung những mối quan hệ hoà bình hữu nghị. Trong xu hướng HNQT về kinh tế và các lĩnh vực xã hội khác, sự bùng nổ về thông tin, mở rộng giao lưu quốc tế và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã đặt ra nhiều thách thức đối với người lao động Việt Nam. Hội nhập quốc tế đem lại nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là việc làm theo hướng công nghiệp với hàm lượng vốn tri thức cao; nâng cao chất lượng nhân lực cho lao động của Việt Nam, đặc biệt là lao động kỹ thuật trình độ cao. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trong lao động ngày càng trở nên gay gắt hơn đòi hỏi người lao động Việt Nam ngoài việc phải nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, mức độ lành nghề thì các yêu cầu khác về đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu HNQT đang được đặt ra như những thách thức mới. Đó là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học, tác phong và văn hoá ứng xử công nghiệp, hiểu biết về luật pháp và thông lệ quốc tế… Điều này đòi hỏi lao động Việt Nam phải nhanh chóng học tập những cái mới, cái ưu việt, nhưng cũng cần phải loại bỏ những yếu tố không phù hợp và đi ngược lại với đạo đức và văn hoá Việt. Nhận thức được tầm quan trọng của những xu thế phát triển và những vấn đề xảy ra xung quanh nó, Đảng và Nhà nước ta đã và đang có những chính sách, biện pháp kịp thời để vừa đào tạo được một đội ngũ lao động mới vừa có trình độ chuyên môn vừa có đạo đức nghề nghiệp tốt đáp ứng được yêu cầu của quá trình HNQT. Đảng và Nhà nước đã khẳng định xây dựng, phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của tất
cả các cấp, các ngành, của toàn xã hội; diễn ra trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội; thông qua thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, giáo dục và đào tạo là phương tiện chủ yếu nhất.
Ở nước ta, trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, công tác dạy nghề từng bước phục hồi và phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn lao động trực tiếp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phù hợp với cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc tiếp thu các tiến bộ về khoa học và công nghệ phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ lao động kỹ thuật, đội ngũ trí thức. Do vậy, muốn phát triển kinh tế cần phải đầu tư cho con người mà cốt lõi là đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực lao động trực tiếp. Cũng với ý nghĩa đó, nhiều nhà khoa học đã cho rằng, cần phải có một lực lượng lao động được đào tạo phù hợp với sự phát triển của các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Trong đó giáo dục, đào tạo nói chung, dạy nghề nói riêng vẫn là cốt lõi của chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay.
Nhìn chung, hiện nay lao động nước ta qua đào tạo nghề đã từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, cũng qua đánh giá của các doanh nghiệp, khoảng 50% số học sinh học nghề còn yếu về kỹ năng phân tích giải quyết vấn đề, chấp hành kỷ luật công nghệ chưa nghiêm minh, lao động sáng tạo còn hạn chế, khả năng làm việc tập thể và đặc biệt là tác phong công nghiệp kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa còn thấp. Các tồn tại, khiếm khuyết này là trở ngại lớn đối với việc nâng cao chất lượng nguồn lao động nước ta và đặc biệt cản trở lao động nước ta cạnh tranh trên thị trường lao động thế giới. Trong các tồn tại, khiếm khuyết đó, đặc biệt cần nhấn mạnh đến các tồn tại về phẩm chất kỷ luật công nghệ, tác phong công nghiệp và văn minh
công nghiệp, hạn chế lao động sáng tạo. Nếu khắc phục được các phẩm chất này thì chất lượng lao động nước ta có thể được nâng lên một bước rất đáng kể. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về dạy nghề, các cơ sở đào tạo nghề cần thường xuyên tổ chức những khoá học các kỹ năng đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay cần giáo dục sâu rộng đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu quốc tế bởi cho dù tuyển dụng ở bất kỳ ngành nghề nào và bất kỳ ở đâu thì những kỹ năng này cùng với đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu quốc tế sẽ không bao giờ thừa đối với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở các nước đang có nhu cầu tuyển dụng lớn đối với lực lượng lao động như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malayxia...