Đặc điểm của học sinh, sinh viên trong trường dạy nghề

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp việt nam hàn quốc, tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 27 - 31)

Sinh viên là một tầng lớp xã hội, một tổ chức xã hội quan trọng đối với mọi thể chế chính trị. Sinh viên là nhóm người có vị trí chuyển tiếp, chuẩn bị cho một đội ngũ tri thức có trình độ và nghề nghiệp tương đối cao trong xã hội. Sinh viên là những công dân thực thụ của đất nước với đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ trước pháp luật. Họ có quyền bầu cử, ứng cử, phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi và việc làm trước Bộ luật hình sự, luật nghĩa vụ quân sự, luật hôn nhân gia đình… Như vậy xã hội coi họ là một thành viên chính thức, một người trưởng thành. Tuy nhiên do đang ngồi trên ghế nhà trường, chưa tham gia trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nên thanh niên sinh viên chưa hoàn toàn tự lập về mọi mặt so với thanh niên cùng độ tuổi vào đời sớm.

Sinh viên Việt Nam là những trí thức tương lai của đất nước, hơn ai hết mà chính họ sẽ là những người đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc CNH, HĐH

đất nước. Thế kỷ XXI là thế kỷ của văn minh trí tuệ, của sự phát triển khoa học kỹ thuật, nên rất cần có những con người trẻ tuổi, có trình độ và năng lực sáng tạo cao, có khả năng tiếp nhận cái mới rất nhanh và biết thay đổi linh hoạt, thích nghi kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại, đại diện cho một thế hệ tiên tiến mới.

Sinh viên trước hết mang đầy đủ những đặc điểm chung của con người, mà theo Mác là "tổng hoà của các quan hệ xã hội". Nhưng họ còn mang những đặc điểm riêng: Tuổi đời còn trẻ, thường từ 18 đến 25, chưa định hình rõ rệt về nhân cách, ưa các hoạt động giao tiếp, có tri thức, đang được đào tạo chuyên môn.

Với các đặc điểm đó, Sinh viên vì thế dễ tiếp thu cái mới, thích cái mới, thích sự tìm tòi và sáng tạo. Đây cũng là tầng lớp xưa nay vẫn khá nhạy cảm với các vấn đề chính trị- xã hội, đôi khi cực đoan nếu không được định hướng tốt.

Học sinh, sinh viên trong các trường dạy nghề mang đầy đủ những đặc điểm chung trên, ngoài ra họ còn có những đặc điểm riêng sau:

* Đặc điểm về sự phát triển tâm lý

- Đa số học sinh, sinh viên đều rời xa gia đình và bỡ ngỡ đặt những bước chân đầu tiên trước ngưỡng cửa của môi trường sống tự lập với bao khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy hăm hở và háo hức. Bước vào học tập, các em đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác và hết sức ngỡ ngàng trước chân trời tri thức mới, những môn học mới, tuy nhiên các em thích nghi khá nhanh chóng với cuộc sống và môi trường hoạt động mới (nội dung học tập mang tính chất chuyên ngành; phương pháp học tập mang tính chất nghiên cứu khoa học ; môi trường sinh hoạt mở rộng phạm vi quốc gia, thậm chí quốc tế, nội dung và cách thức giao tiếp với thầy cô giáo, bạn bè và các tổ chức xã hội phong phú đa dạng…).

* Đặc điểm về động cơ học tập

Thực tế đang tồn tại hiện nay là có nhiều học sinh, sinh viên khi đăng ký vào học tại các trường dạy nghề chưa có hiểu biết đầy đủ về nghề. Phần lớn các em trước khi vào học tại các trường nghề đều cho rằng vào đại học là hướng duy

nhất có tương lai để lập thân, lập nghiệp. Mặt khác, mong muốn của gia đình, cha mẹ học sinh cũng ảnh hưởng và chi phối việc lựa chọn nghề của các em. Đa số cha mẹ học sinh quan niệm rằng: vào đại học là con đường duy nhất để thoát nghèo, dễ có vị thế cao trong xã hội, mang lại vinh dự cho gia đình dòng tộc. Do đó, khi không thể vào đại học thì các em mới đăng ký học nghề tại các trường dạy nghề. Từ thực tế của việc nhận thức về nghề, lựa chọn nghề, định hướng nghề nghiệp một cách phiến diện như vậy đã dẫn đến tình trạng động cơ học tập ban đầu của nhiều học sinh, sinh viên là do sự bắt buộc hay không thể làm khác được.

Tuy nhiên, với phẩm chất của người thanh niên trưởng thành mong muốn được tự khẳng định, tự ý thức về năng lực cùng với quá trình nghiên cứu, học tập tại trường đã làm cho động cơ học tập ban đầu của các em thay đổi như khao khát có tri thức, có trình độ, hứng thú với những vấn đề lý luận, những vấn đề khoa học, những nội dung có tính nghề nghiệp rõ rệt, thích có nghề nghiệp nghiêm chỉnh, muốn trở thành chuyên gia của một nghề. Hơn nữa, những động cơ có tính xã hội cũng có tác động mạnh mẽ tới động cơ học tập của các em như: muốn cống hiến tài năng, sức lực cho xã hội, có hoài bão trong việc xây dựng đất nước; những động cơ liên quan đến tương lai đường đời của cá nhân; mong muốn có nghề nghiệp ổn định, để có thu nhập tương đối cao trong việc nuôi sống mình và gia đình… Chính vì vậy, sau khi được học tập nghiêm túc tại trường hầu hết học sinh, sinh viên bộc lộ sự chăm chỉ, say mê của mình đối với ngành nghề đã chọn. Đặc biệt có những sinh viên đã trang bị được cho mình những kiến thức nghề và ý thức nghề nghiệp tốt biểu hiện bằng những sản phẩm do chính các em sáng tạo ra có tính ứng dụng thực tiễn cao khi các em đang học tập tại trường.

Những nghiên cứu về động cơ học tập của học sinh, sinh viên trong trường dạy nghề cho thấy trong cấu trúc thứ bậc động cơ thường biểu hiện như sau:

+ Động cơ nghề nghiệp được xếp ở vị trí thứ hai. + Động cơ có tính xã hội ở vị trí thứ ba.

+ Động cơ tự khẳng định ở vị trí thứ tư. + Động cơ có tính cá nhân ở vị trí thứ năm.

Thứ bậc các động cơ này không cố định mà chúng biến đổi trong quá trình học tập và cũng không phải là như nhau ở các học sinh, sinh viên có trình độ học lực khác nhau, ở các lĩnh vực khoa học khác nhau.

* Đặc điểm về định hướng tương lai

Định hướng cho tương lai của học sinh, sinh viên liên quan mật thiết với xu hướng phát triển nhân cách và kế hoạch đường đời của họ. Nhiều sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đã có kế hoạch riêng về nhiều mặt để đạt được mục đích cuộc đời của mình, họ không ngần ngại tìm việc làm thêm để thoả mãn những yêu cầu học tập ngày càng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hành nghề sau này. Nhiều SV vừa đi học vừa đi làm (làm thêm bán thời gian), có những học sinh, sinh viên đã hình thành được tư duy của người lao động mới trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế, thể hiện ở việc hướng đến lựa chọn những kiến thức để học sao cho đáp ứng nhu cầu thực tế, chuẩn bị kinh nghiệm làm việc cho tương lai, định hướng công việc sau khi ra trường, thích những công việc đem lại thu nhập cao, v.v.. Nói chung là tính mục đích định hướng cho tương lai trong hành động và suy nghĩ của các em rất thực tế.

* Đặc điểm về Tính liên kết (tính làm việc theo nhóm):

Những người trẻ luôn có xu hướng mở rộng các mối quan hệ, đặc biệt là những quan hệ đồng đẳng, cùng nhóm. Mặt khác, trước xu hướng hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay đòi hỏi quá trình lao động phải có sự phối hợp của nhiều người, chính vì vậy khi đang học tập thực hành tay nghề tại trường, học sinh, sinh viên đã được trang bị về tính cách làm việc theo nhóm, biết trao đổi kinh nghiệm và phối hợp cùng nhau thực hành để tạo ra sản phẩm tốt nhất.

Trên đây là một số đặc điểm của học sinh, sinh viên trong trường dạy nghề được đưa ra để phục vụ công tác nghiên cứu. Các đặc điểm ấy tồn tại đan xen và có tác động qua lại lẫn nhau. Mỗi đặc điểm, qua những biểu hiện cụ thể của nó, luôn bộc lộ tính hai mặt: Vừa có những tác động tích cực, vừa có những tác động tiêu cực.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp việt nam hàn quốc, tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 27 - 31)