Trong những năm gần đây, Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc, tỉnh Nghệ An luôn đặt nhiệm vụ đào tạo lên hàng đầu, nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ chủ yếu của trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo nói chung đào tạo nghề nói riêng trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì điều rất quan trọng không thể thiếu được là phải chú trọng tới các yếu tố của giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Để thực hiện thành công nhiệm vụ đó, trong thời gian tới nhà trường cần nắm vững một số phương hướng cụ thể sau:
Thứ nhất: Tiếp tục nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu HNQT. Nếu công tác giáo dục chuyên môn nghề quyết định sự phát triển của nhà trường, thì giáo dục đạo đức nghề nghiệp là phương tiện chủ yếu quyết định chất lượng đào tạo, là con đường cơ bản để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Mọi mục tiêu giáo dục, đào tạo của nhà trường sẽ không thành công nếu không thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho HSSV. Do đó, phải làm cho các cấp, các phòng, ban, các khoa và mọi cán bộ, giáo viên, HSSV nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu HNQT và triển khai bằng các kế hoạch cụ thể để biến tư tưởng đó thành hành động sinh động trong quá trình dạy và học.
Thứ hai: Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu HNQT. Nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu HNQT cho HSSV phải toàn diện cả dạy chữ, dạy nghề, dạy người. Cần quan tâm hơn đến giáo dục phẩm chất đạo đức làm người, giáo dục lòng yêu nước và ý thức làm chủ của người lao động, tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp; tinh thần đồng đội, hợp tác trong công việc, chí tiến thủ và độc lập sáng tạo và tính trung thực của người lao động. Do đó, nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu HNQT phải đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xã hội. Tăng việc rèn luyện phương pháp tư duy, năng lực độc lập sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn và khả năng tự đào tạo, bồi dưỡng và tự hoàn thiện của mỗi HSSV để thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng của hiện thực xã hội, cần khắc phục tệ nạn nhồi nhét kiến thức, giáo điều, xa rời thực tiễn.
Thứ ba: Tiếp tục xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên cả về số lượng và chất lượng, có trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Nhà trường cần có chính sách cụ thể để thu hút được nhiều người giỏi, chủ động bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng
số giáo viên hiện có, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ giáo viên; tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với các nước có nền giáo dục phát triển.