Những nội dung cơ bản của giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên các trường dạy nghề

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp việt nam hàn quốc, tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 33 - 40)

ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên các trường dạy nghề

Thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay bên cạnh những ưu thế về lực lượng lao động dồi dào, con người cần cù, thông minh, sáng tạo… vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập về cơ cấu, trình độ chuyên môn, kỹ năng lao động, thể lực, đạo đức nghề nghiệp… làm cho năng suất lao động xã hội nước ta thấp hơn các nước trong khu vực từ 2 đến 15 lần. Sức cạnh tranh của lao động Việt Nam thấp.

Trước thực trạng đó, tại Đại hội XI, Đảng ta tiếp tục xác định “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược…”; đồng thời “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục đào tạo” [16;130].

Để giáo dục và đào tạo góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực, Đại hội XI đề ra quan điểm: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.... Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục... Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học” [16;130-131].

Đối với các trường Đại học, Cao đẳng xác định, quán triệt sâu sắc mục tiêu của giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là phải hướng đến thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020. Đó là phát triển nguồn nhân lực toàn diện: Cả thể lực, trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức; có năng lực tự học, tự đào tạo, năng động, chủ động, tự lực, sáng tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng nhanh, chủ động trong môi trường sống và làm việc. Phấn đấu đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế, nâng trình độ, năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới. Giáo dục, đào tạo phải thực hiện mục tiêu: Học để làm người Việt Nam trong thời kỳ HNQT; học để có nghề, có việc làm hiệu quả; học để làm cho mình và người khác hạnh phúc; học để góp phần phát triển đất nước và nhân loại. Như vậy, mục tiêu và cách thức sử dụng nguồn lao động của xã hội quyết định mục tiêu và cách thức đào tạo. Nguồn nhân lực xã hội cần gì thì giáo dục đào tạo phải hướng đến đáp ứng mục tiêu đó. Khắc phục việc đào tạo không phù hợp với nhu cầu xã hội, cơ cấu không hợp lý, “thừa thầy, thiếu thợ”...

Trong trường dạy nghề, nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp được gắn với việc hình thành và phát triển phẩm chất đạo đức của người công nhân mới, được cụ thể hoá theo yêu cầu nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải bao gồm cả ba mặt: phát triển ý thức đạo đức; hình thành nhu cầu, động cơ, tình cảm đạo đức đối với nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; xây dựng hành vi và thói quen đạo đức nghề nghiệp.

- Phát triển ý thức đạo đức nhằm trang bị cho mọi người những hiểu biết về các chuẩn mực, quy tắc đạo đức.

- Hình thành nhu cầu, động cơ, tình cảm đạo đức phù hợp để thúc đẩy hành vi đạo đức.

- Xây dựng hành vi và thói quen đạo đức là xây dựng những hành vi đạo đức ổn định, trở thành nhu cầu đạo đức được thể hiện trong mọi tình huống tương tự, hình thành thói quen đạo đức bền vững trong mỗi cá nhân.

Nội dung chủ yếu của giáo dục đạo đức nghề nghiệp phải phù hợp với yêu cầu công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện ý nguyện của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.

Mục tiêu của giáo dục đạo đức nghề nghiệp là bên cạnh việc đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau cần chú trọng đến giáo dục đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Vì vậy, các nội dung cần được lựa chọn để giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho HSSV trong các trường dạy nghề hiện nay phải đáp ứng được mục tiêu trên. Muốn thực hiện điều đó, trước hết giáo dục lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội giữ vai trò quyết định, nó là nền tảng điều chỉnh mọi hành vi của HSSV, xác định thái độ lựa chọn và ứng xử trước những biến động to lớn do cơ chế thị trường đặt ra.

Thứ hai, khi tiến hành giáo dục lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội phải gắn bó chặt chẽ với giáo dục tư tưởng chính trị nhằm xây dựng thế giới quan Mác Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, định hướng chính trị xã hội theo quan điểm đường lối của Đảng. Giáo dục tư tưởng phẩm chất đạo đức cách mạng, lòng nhân ái cho học sinh, sinh viên là nội dung xuyên suốt quá trình giáo dục. Yêu cầu này nhằm xây dựng niềm tin, bản lĩnh chính trị, sự tin tưởng trung thành vào đường lối lãnh đạo của Đảng, của ngành, của trường và khoa. Giáo dục tình cảm đạo đức cách mạng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Đây là yếu tố tiên quyết, cốt lõi để xây dựng bản chất nhân cách người lao động trong thời kỳ mới.

Thứ ba, trong xu thế HNQT hiện nay cùng với sự tác động của khoa học, công nghệ đang làm cho đời sống kinh tế - xã hội có những bước chuyển biến mau lẹ. Để có thể thích nghi được với hoàn cảnh đó, đòi hỏi thế hệ HSSV phải có tinh thần tự chủ nhạy bén, chấp nhận sự hy sinh, dám đương đầu khẳng định mình. Vì thế, một trí tuệ cao, thể chất cường tráng, ý chí mạnh mẽ chủ động trong công việc là những phẩm chất của thanh niên sinh viên, phải coi đó là những điều kiện để sau khi ra trường, họ có thể hoàn thành được nhiệm vụ do cuộc sống đặt ra. Đây có thể được xem là nét đạo đức khác biệt hơn cả so với các giá trị đạo đức truyền thống. Để đạt được yêu cầu đó thì nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu HNQT cho HSSV trong các trường dạy nghề là phải tập trung đào tạo năng lực thực hành nghề nghiệp, coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện kỹ năng theo yêu cầu đào tạo của từng nghề, nâng cao trình độ học vấn theo yêu cầu đào tạo.

Thứ tư, nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu HNQT cần chú trọng đến giáo dục mục đích, động cơ học tập đúng đắn, tinh thần vượt khó, ý chí rèn luyện, sự ham mê sáng tạo trong học tập. Đây là mặt quan trọng để giáo dục sinh viên có bản lĩnh chính trị và tri thức khoa học phục vụ cho công tác sau này.

Thứ năm, một trong những nội dung quan trọng trong giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho HSSV khi các em đang học tập tại nhà trường là giáo dục HSSV xây dựng nề nếp, thói quen sống có kỉ luật, trật tự theo nội quy, quy chế của trường, kỉ cương của gia đình và pháp luật. Yêu cầu mỗi HSSV phải rèn luyện cho mình tác phong tự tin, nhanh nhẹn, có văn hoá, thích ứng với mọi hoạt động học tập và rèn luyện trong quan hệ xã hội. Đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những mặt tích cực, giáo dục khắc phục những mặt tiêu cực, lệch lạc trong hành vi đạo đức của sinh viên để có biện pháp giáo dục và xử lí kịp thời.

Các nội dung giáo dục đạo đức nêu trên phải được thể hiện trong các mối quan hệ cụ thể của cá nhân với xã hội, với người khác, với bản thân, cũng như đối với lao động.

Trong trường dạy nghề, nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp được gắn với việc hình thành và phát triển phẩm chất đạo đức của người công nhân mới, được cụ thể hoá theo yêu cầu nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy vậy, cơ bản vẫn không tách rời những mối quan hệ chủ yếu trong xã hội, bao gồm các mối quan hệ sau:

* Mối quan hệ của cá nhân với xã hội.

Giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, yêu CNXH, tha thiết với lợi ích của nhà nước, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, tự hào về thành tựu văn hoá xã hội của đất nước, quí trọng quá khứ vẻ vang và những truyền thống của dân tộc. Tinh thần ấy phải được gắn vào điều kiện, tình hình xã hội cụ thể của địa phương mình đang sống để có những hành động thiết thực mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

* Mối quan hệ thể hiện lí tưởng sống, nhận thức tư tưởng chính trị của cá nhân.

Đó là việc giáo dục thế giới quan khoa học, lí tưởng sống cao đẹp…giúp cho mỗi cá nhân có nhận thức, thái độ chính trị vững vàng, có bản lĩnh trước cuộc sống.

* Quan hệ của cá nhân đối với công việc.

Giáo dục cho cá nhân những giá trị đạo đức thể hiện nhận thức, thái độ, chất lượng hiệu quả công việc trong mọi hoạt động. Những giá trị đạo đức này sẽ tạo thành động lực giúp mỗi cá nhân trong quá trình rèn luyện nhân cách.

Từ đó giáo dục cho học sinh, sinh viên thái độ tận tuỵ với nghề nghiệp, lòng yêu nghề, tìm thấy niềm hạnh phúc trong lao động nghề nghiệp.

* Quan hệ giữa cá nhân với người khác, với dân tộc khác.

Đó là những phẩm chất qui định mối quan hệ giữa người với người trong xã hội như tình yêu thương con người, tình cảm đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô giáo …Đó là lòng nhân ái, tình yêu thương, sự tôn trọng, biết quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ người khác, luôn có hành động hướng thiện bảo vệ hạnh phúc của người khác, có thái độ không khoan nhượng với những hành vi vi phạm vào quyền con người hoặc phẩm giá con người.

Tinh thần mình vì mọi người là phẩm chất đạo đức cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa cá nhân với cá nhân trong xã hội, giữa cá nhân với tập thể. Vì vậy cần giáo dục cho sinh viên hăng hái tham gia vào những hoạt động tập thể có ích cho xã hội, tôn trọng các nguyên tắc và chuẩn mực do tập thể đề ra. Có tinh thần hợp tác, đoàn kết giúp đỡ nhau trong khi thực hiện công việc chung.

Mặt khác, trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế, lao động nước ngoài (đặc biệt là lao động có kỹ thuật, trình độ quản lý…) tham gia vào thị trường lao động Việt Nam nhiều hơn, đồng thời lao động của Việt Nam cũng di chuyển ra nước ngoài nhiều hơn vì vậy cần thiết giáo dục cho các em có nhận thức đúng đắn về tình đoàn kết, sự hợp tác, tính nhân văn, bình đẳng giữa các dân tộc trên thế giới.

* Quan hệ của cá nhân với lao động

Giáo dục và bồi dưỡng cho sinh viên có tri thức và niềm tin đạo đức, có tình cảm và động cơ đạo đức trong sáng, có ý thức và hành vi đạo đức lành mạnh, có thái độ đúng đắn với các hình thức lao động tạo ra sản phẩm cho xã hội. Đặc biệt phải thể hiện thái độ đó trong học tập và rèn luyện như nghiêm túc, tự giác, chăm chỉ, có ý thức kỉ luật cao, có trách nhiệm trong công tác, cần cù chịu khó trong lao động, biết tiết kiệm trong tiêu dùng, sinh hoạt.

* Thái độ đối với bản thân. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Giáo dục cho mỗi cá nhân biết cách nhìn nhận, đánh giá về bản thân, có những định hướng đúng đắn để tự hoàn thiện nhân cách của mình, tự tu dưỡng tốt.

Biểu hiện ở ý thức trách nhiệm đối với bản thân, nghiêm túc khi nhìn nhận đánh giá bản thân, kiên quyết đấu tranh với những bất công dối trá. Giáo dục cho sinh viên tính khiêm tốn, thật thà, lòng tự trọng, biết giữ gìn phẩm giá của cá nhân. Biết ứng xử có văn hoá, lễ độ, nhường nhịn, gương mẫu…những phẩm chất này gắn chặt với lĩnh vực ý chí của họ được thể hiện trong học tập, lao động sinh hoạt đoàn thể, đời sống hàng ngày.

* Quan hệ cá nhân với môi trường.

Giáo dục cho mỗi cá nhân có nhận thức đúng về môi trường sống (môi trường tự nhiên, xã hội) có cách nhìn nhận tiến bộ về tính cộng đồng, hợp tác trong việc bảo vệ môi sinh. Từ đó giáo dục cho các em ý thức tự giác sẵn sàng tham gia bảo vệ, cải thiện môi trường tự nhiên, văn hoá.

Như vậy, nội dung giáo dục đạo đức cho sinh viên trước hết là giáo dục tình cảm trách nhiệm với tổ quốc, quê hương, với truyền thống ông cha, giáo dục về lối sống lành mạnh của mỗi cá nhân trong các mối quan hệ xã hội.

Giáo dục đạo đức phải tiến hành cùng với giáo dục tư tưởng chính trị và giáo dục lối sống nhằm giúp cho sinh viên nói riêng và thanh niên nói chung thấm nhuần các quy tắc, chuẩn mực đạo đức mà xã hội quy định. Ngoài ra, còn phải giáo dục cho họ có được bản lĩnh đấu tranh chống tư tưởng thói quen lạc hậu, lên án hành vi phi đạo đức, tự giáo dục chính mình trở thành con người có ích cho xã hội.

Kết luận chương 1

Trong phần cơ sở lý luận, tác giả đã trình bày các khái niệm cơ bản về đạo đức và cấu trúc của đạo đức; khái niệm về nghề, đạo đức nghề nghiệp và giáo dục đạo đức nghề nghiệp; khái niệm về hội nhập quốc tế. Đặc biệt, đã trình bày các yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp của người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế đồng thời phân tích các đặc điểm của học sinh, sinh viên trong các trường dạy nghề và từ đó xác định tầm quan trọng và những nội dung cơ bản của công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ở các trường cao đẳng nghề nói chung và Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc, tỉnh Nghệ An nói riêng. Đây là những cơ sở lý luận cần thiết để tác giả có thể đánh giá đúng thực trạng về công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ở Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc, tỉnh Nghệ An ở chương 2 và từ đó trả lời cho giả thuyết khoa học ở chương 3.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cho học sinh, sinh viên trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp việt nam hàn quốc, tỉnh nghệ an luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 33 - 40)