B. NỘI DUNG
1.2.1. Vị trí, vai trò của sinh viên trong đời sống xã hội
Sinh viên là đại biểu ưu tú nhất của tuổi trẻ, “là một giới xã hội, hình thành từ các tầng lớp xã hội khác nhau, họ có đặc trưng riêng về điều kiện lao
động, sinh hoạt, văn hóa, tâm lý và hành vi. Họ chiếm số lượng lớn trong dân cư và lực lượng xung kích của xã hội, đồng thời còn là đối tượng của nền giáo dục” [40; 464]. Là lớp người được đào tạo bài bản để có trình độ học vấn, trình độ khoa học - kỹ thuật và chuyên môn cao, sớm tiếp nhận các tri thức tiên tiến, nhạy cảm và năng động trong tư duy, nhiều hoài bão, ước mơ và lý tưởng về cuộc sống cá nhân. Sinh viên là nguồn dự trữ chủ yếu của giới trí thức. Trong thư gửi Đại hội quốc tế các sinh viên xã hội chủ nghĩa, Ph.Ăngghen đã viết rằng: “các bạn hãy cố gắng làm cho thanh niên ý thức được rằng giai cấp vô sản lao động trí óc phải được hình thành từ hàng ngũ sinh viên” [26; 613].
Nói đến vị trí xã hội của sinh viên là nói đến vị thế, chỗ đứng của sinh viên trong đời sống xã hội và mối quan hệ của sinh viên đối với những người khác. Theo cách hiểu đó, mỗi sinh viên không chỉ có một mà có nhiều vị trí xã hội khi xét họ trong các mối quan hệ khác nhau. Nếu ở nhà trường họ là một sinh viên, nếu ở chi đoàn họ là một đoàn viên, nếu ở gia đình họ là những người con, người anh, người chị,… Do vậy, hiểu vị trí xã hội của sinh viên cũng chỉ có ý nghĩa tương đối vì sinh viên chưa có một “vị trí thực” trong xã hội. Bởi lẽ, sinh viên là những người chưa có được một nghề nghiệp ổn định, họ chưa có một vị trí độc lập trong một hệ thống nhất định của nền sản xuất xã hội.
Phương thức hoạt động cơ bản của họ là học tập, bước đầu tham gia nghiên cứu khoa học để chiếm lĩnh một tri thức nào đó, sau khi học tập xong họ sẽ trở thành những chuyên gia lành nghề trên một lĩnh vực cụ thể. Khi đi sâu nghiên cứu vị trí xã hội của một con người, một tầng lớp, một giai cấp nào đó, chúng ta thấy rằng vị trí nghề nghiệp giữ một vai trò hết sức quan trọng, nó trở thành vị trí chủ đạo, chi phối các vị trí khác. Do đó, “vị trí thực”
của sinh viên tùy thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực phấn đấu và ý chí vươn lên của bản thân trong suốt quá trình học tập, rèn luyện trong nhà trường và ngoài
xã hội. Hôm nay họ là sinh viên, ngày mai họ sẽ là những trí thức trẻ, những người lao động tự chủ, những chuyên gia lành nghề trên một lĩnh vực hoạt động nào đó mà họ đã lựa chọn. Có thể họ là những giáo viên, bác sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư, nhân viên,… lúc đó “vị trí thực” của họ mới được xác định.
Với quan niệm như vậy, chúng ta thấy rằng sinh viên có một “vị trí kép” hay cũng có thể gọi “vị trí song hành” trong xã hội. Một mặt, sinh viên là những thanh niên đang định hình về mặt nhân cách, là lực lượng xã hội đang trưởng thành, đang phát triển, họ sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước, một trong những nguồn nhân lực cơ bản của sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, sinh viên còn là nguồn dự trữ đáng kể để bổ sung và làm tăng nhanh lực lượng lao động trí óc và nguồn nhân lực có chất lượng cao, hoạt động theo các nhóm ngành nghề khác nhau trong cấu trúc của tầng lớp trí thức mà dấu hiệu đầu tiên của họ là những người lao động sáng tạo khoa học, biết sử dụng vốn tri thức của mình vào việc nghiên cứu, phát minh khoa học, truyền bá, đưa khoa học vào phục vụ cuộc sống, phục vụ lợi ích của con người, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Từ thực tiễn cho chúng ta thấy rằng, tương lai của mỗi một dân tộc phụ thuộc một phần rất lớn vào việc giáo dục, đào tạo, định hướng giá trị nhân cách và lý tưởng đối với thế hệ trẻ nói chung, sinh viên nói riêng. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, mặc dù chính quyền Cách mạng non trẻ còn phải lo đối phó với thù trong giặc ngoài, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để viết "Thư gửi cho học sinh" (tháng 9-1945). Trong đó Bác viết: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu" [29; 23]. Dòng tâm sự ấy không chỉ là một lời cổ vũ, động viên mà đằng sau đó là cả một tấm lòng, một niềm tin yêu, một sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như của toàn thể dân tộc Việt Nam đối với thế hệ trẻ nói chung và sinh viên nói riêng.
Từ lâu, sinh viên Việt Nam đã từng gắn bó với cách mạng, với Tổ quốc, với nhân dân, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, nhiều sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận, trực tiếp tham gia chiến đấu, họ có mặt trên nhiều chiến trường, đã có không biết bao sinh viên tuổi đời còn rất trẻ đã sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong học tập và nghiên cứu khoa học, mặc dù điều kiện chiến tranh bộn bề thiếu thốn khó khăn, song nhiều sinh viên đã khắc phục khó khăn để vươn lên học tốt và nghiên cứu khoa học tốt. Với tư chất thông minh, sáng dạ cộng với tinh thần cần cù, chịu khó, luôn trau dồi tri thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức, có lối sống đẹp, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đã trở thành những chiến sĩ, chỉ huy giỏi, nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý tài ba, …
Ngày nay, khi đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới trên mọi lĩnh vực, phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu, khi nhân loại coi tri thức là vốn liếng quý báu nhất của các dân tộc, trí tuệ con người là nguồn tài nguyên lớn nhất của các quốc gia và vai trò của giới trí thức không ngừng được tăng lên với tư cách là một nguồn nhân lực quan trọng nhất của sự phát triển. Hơn ai hết và hơn lúc nào hết, sinh viên với tư cách là một nguồn dự trữ chủ yếu để bổ sung cho đội ngũ trí thức, có một vai trò hết sức to lớn trong thời đại ngày nay. Chính vì vậy mà tầng lớp sinh viên ngày càng được xã hội đặc biệt quan tâm và luôn được coi trọng. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tin tưởng rằng: “Sinh viên Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới” [36; 183].
Ngày 22 tháng 11 năm 1993, tại Đại hội lần thứ V Hội Sinh viên Việt Nam, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, chủ yếu do thế hệ thanh niên hiện nay quyết định, trong đó sinh viên là một bộ
phận có vai trò hết sức quan trọng”. Vượt lên những khó khăn thử thách, sinh viên Việt Nam hiện đang nêu cao ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, tích cực hưởng ứng phong trào “Học tập rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, vì hạnh phúc của bản thân và gia đình, vì sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.
Có thể khẳng định rằng: từ khi xuất hiện các trường, các trung tâm đại học đến nay, không một ai, không một chế độ chính trị nào nào phủ nhận hay hạ thấp vai trò, vị trí của sinh viên đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, “Quan tâm, chăm sóc thế hệ trẻ nói chung, sinh viên nói riêng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để họ phát huy hết nhiệt huyết và năng lực trong học tập, rèn luyện, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, trong đó ngành giáo dục và đào tạo giữ một vị trí hết sức quan trọng” [39; 52].