Xây dựng môi trường kinh tế xã hội lành mạnh

Một phần của tài liệu Giáo dục lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho sinh viên trường đại học công nghiệp thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 77 - 80)

B. NỘI DUNG

3.1.1. Xây dựng môi trường kinh tế xã hội lành mạnh

Con người là một thực thể sinh học - xã hội, luôn giữ vai trò chủ thể trong mọi hoạt động. Với tính cách là thực thể sinh vật, cơ thể con người luôn chịu sự quy định của những quy luật sinh học để tồn tại và phát triển. Với tư cách là một thực thể xã hội, con người trong quá trình tồn tại của mình có những sinh hoạt cộng đồng như lao động, giao tiếp và thông qua đó các mối quan hệ xã hội được thiết lập. “Trong hai mặt: sinh học và xã hội của thực thể con người thì mặt sinh học là điều kiện cần còn mặt xã hội là điều kiện đủ. Do đó, con người luôn giữ vai trò chủ thể trong mọi hoạt động. Tuy nhiên vai trò này phụ thuộc vào trình độ trí tuệ của mỗi cá nhân” [3; 83].

Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định rằng: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những mối quan hệ xã

hội” [24; 11]. Do đó, trong quá trình hình thành và phát triển lý tưởng xã hội chủ nghĩa, sinh viên và lý tưởng xã hội chủ nghĩa cùng chịu sự tác động của những hoàn cảnh bên ngoài, kể cả các điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức đã nói rằng: “Chỉ có trong cộng đồng cá nhân mới có được những phương tiện để có thể phát triển toàn diện những năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng, mới có thể có tự do cá nhân” [24; 108]. Do vậy, nếu như môi trường kinh tế - xã hội tốt đẹp, trong sạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục, phát triển lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nếu ngược lại sẽ gây cản trở việc giáo dục lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho sinh viên.

Môi trường kinh tế - xã hội được coi là trong sạch, lành mạnh là môi trường ở đó sự phát triển của kinh tế không làm kìm hãm sự phát triển các mặt của đời sống xã hội, không tạo ra những nghịch lý, triệt tiêu, phủ định lẫn nhau. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã chỉ rõ: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân” [15; 99]. Do đó, chính sách kinh tế và chính sách xã hội phải thống nhất với nhau, làm cho sự phát triển kinh tế là tiền đề vật chất của sự phát triển con người, phát triển xã hội. Đến lượt nó, chính sự phát triển con người, phát triển lý tưởng xã hội chủ nghĩa lại thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Để làm lành mạnh hóa môi trường kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên phát triển, vươn tới những giá trị văn hóa đạo đức cũng như lý tưởng xã hội chủ nghĩa cao đẹp cần phải có một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, khoa học, vì con người và do con người. Để thực hiện được điều đó, trước hết cần khắc phục những hạn chế trong hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay, đó là: những hạn chế trong quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội nhất là một số tiêu cực như thủ tục hành chính rườm rà, một số cán bộ

quan liêu, cửa quyền, hách dịch, tham nhũng… cần phải khắc phục và ngăn chặn có hiệu quả.

Còn đối với nhà trường, Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã nhận định: “Nhiều biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo làm cho xã hội lo lắng cho sự suy thoái đạo lý trong quan hệ thầy trò, bè bạn, môi trường sư phạm xuống cấp; lối sống thiếu lý tưởng hoài bão, ăn chơi, nghiện hút,... ở một bộ phận học sinh, sinh viên; việc coi nhẹ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ và các bộ môn chính trị, khoa học xã hội và nhân văn” [11; 47]. Chính những hạn chế, yếu kém của hệ thống chính trị, của nhà trường trong thời gian qua đã làm giảm niềm tin của nhân dân vào công bằng xã hội, vào trật tự, kỷ cương, phép nước, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển lý tưởng xã hội chủ nghĩa của sinh viên.

Trong quá trình xây dựng môi trường kinh tế - xã hội, một vấn đề có tính nguyên tắc và hết sức quan trọng đó là phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây”

“chống”. Những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, những âm mưu thâm độc, xảo trá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng tinh vi. Do vậy, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài là một việc làm thường xuyên, không ngừng của cả hệ thống chính trị nước ta nói chung và tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Xây dựng môi trường văn hóa - xã hội tốt đẹp, lành mạnh phải luôn gắn với việc kiên quyết chống lại những biểu hiện vô văn hóa, phản văn hóa, phi văn hóa ngay trong nội bộ sinh viên. Các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên phải tăng cường giáo dục sinh viên về mặt nhận thức, từng bước xây dựng tính tự giác, nâng cao khả năng nhận biết, đánh giá và tiến tới chủ động tiến công, ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại ảnh hưởng đến đời sống sinh viên. Mặt khác, phải hình thành được dư luận lên án mạnh mẽ trước

những hành vi tiêm nhiễm, sử dụng, tuyên truyền, tham gia các tệ nạn xã hội của sinh viên.

Nghị quyết 25 NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nêu mục tiêu chung là: “tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hoá, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể, trở thành những công dân tốt của đất nước” [14; 43]. Vì vậy, xây dựng môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh, trong sáng sẽ là điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão, lý tưởng cao đẹp của sinh viên trong giai đoạn hiện nay.

Một phần của tài liệu Giáo dục lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho sinh viên trường đại học công nghiệp thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w