Từ khi hòa bình được lập lại đến nay, Đảng và chính quyền Nghệ An rất chăm lo đào tạo bồi dưỡng cán bộ giáo viên đáp ứng yêu cầu của giáo dục… Trong 10 năm qua (1965 - 1975), công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên của ngành sư phạm đã tăng cả về số lượng và chất lượng giáo sinh. Tỉnh ủy đã quyết định rằng dù tình hình chiến tranh ở Việt Nam sẽ phát triển đến mức nào chăng nữa, nhân dân ta nhất định sẽ giành thắng lợi. Vì thế chúng ta phải ra sức đào tạo bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ giáo viên đông đảo, giỏi về chuyên môn, có nhiệt huyết trong công tác giáo dục học sinh để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài của ngành giáo dục.
Mạng lưới trường Sư phạm bao gồm các trường đào tạo giáo viên Mầm non, giáo viên BTVH, giáo viên phổ thông cấp I, cấp II, cấp III và trường bồi dưỡng giáo viên, cán bộ giáo dục từng bước được hình thành và phát triển. Hình thành trường Sư phạm cho các ngành, các cấp học, cho miền xuôi, cho miền núi, cho diện công nông, lâm trường, cơ quan, xí nghiệp và cho vùng mèo Kỳ Sơn (công tác bồi dưỡng cho cán bộ quản lý bước đầu được chú ý).
Trường Sư phạm Trung cấp Nghệ An được thành lập ở Vinh năm 1959, đến năm 1965 sơ tán về Hưng Đông, lên Hưng Tây, sau đó lại tiếp tục di chuyển lên Thanh Chương. Trường tiếp tục đào tạo giáo viên cấp II, các khóa 7+3 và 10+1. Năm học 1969 bắt đầu đào tạo hệ 10+3. Năm 1972. trường dã mở được 24 lớp với 1.200 giáo sinh. Năm 1973 trường chuyển về Nghi Đức.
Trường Sư phạm cấp I Nghệ An từ năm 1965 chia thành 3 trường: Sư phạm cấp 1A ở Anh Sơn, Sư phạm cấp IB ở Nam Đàn, Sư phạm cấp IC ở Thanh Chương.
Trường Sư phạm miền núi thành lập năm 1959, đến năm 1965 tách làm 2 trường. Trường Sư phạm cấp I Con Cuông do ông La Văn Bốn làm hiệu trưởng, trường đào tạo hệ 4+3 và 7+1. Trường Sư phạm cấp I Quỳ Hợp do ông La Văn Thái làm hiệu trưởng, năm 1967 trường mở thêm hệ cấp II miền núi, đến năm 1968 hệ cấp II miền núi tách ra thành Trường Sư phạm cấp II miền núi. Năm 1973 trường Sư phạm cấp I miền núi ở Con Cuông và Quỳ Hợp chuyển về nhập vào trường Sư phạm cấp II miền núi.
Trường Sư phạm Kỳ Sơn do ông Khoang Đoàn, Nguyễn Cảnh Trọng làm hiệu trưởng. Trường chiêu sinh người dân tộc vùng cao, đào tạo hệ 4+1 hoặc 4+2, 4+3.
Trường Sư phạm mẫu giáo miền xuôi thành lập năm 1967 ỏ Yên Thành, do bà Nguyễn Thị Xoa làm hiệu trưởng. Trong năm 1967, 1968 trường mới mở mỗi khóa 3 tháng, sau nâng lên mỗi khóa 6 tháng.
Trường Sư phạm mẫu giáo miền núi thành lập năm 1969 ở Tân Kỳ, do bà Vi Thị Hùng, ông Hồ Quốc Dũng và bà Nguyễn Thị Tùng lần lượt làm hiệu trưởng.
Sư phạm BTVH công nhân tại Quỳnh Lưu, do ông Nguyễn Công Trực làm hiệu trưởng, đào tạo hệ 7+3 và Trường Sư phạm BTVH nông thôn ở Nam Đàn, do ông Nguyễn Tư Tiềm làm hiệu trưởng, đào tạo hệ 7+3 nhập làm một năm 1962 và giải thể năm 1972.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được chú ý. So với năm 1966 - 1967 số giáo viên các trường sư phạm năm 1968 - 1969 tăng gấp 5 lần. Từ năm 1965 đến 1967 toàn tỉnh đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ trên 13.000, đó là một đội ngũ giáo viên trẻ, có phẩm chất đạo đức, trung thành, tận tụy. Trong đó có khoảng 4.000 giáo viên BTVH, 3.000 giáo viên mẫu giáo, 6.906 giáo viên phổ thông và 181 giáo viên các trường sư phạm [2, 79, 953]
Đến năm 1968 hệ đào tạo ngắn hạn cho BTVH, mẫu giáo từng bước mở rộng hệ đào tạo dài hạn. Đối với phổ thông thì đã chấm dứt việc đào tạo cấp tốc, bỏ hệ đào tạo 7+1 và mở hệ 7+2 cho cấp I, mở 10+2 cho cấp II. Đồng thời các Trường Sư phạm BTVH, Trường Sư phạm Mẫu giáo nhà nước đầu tư nguồn kinh phí đào tạo cán bộ quản lý tố, trang bị phương tiện dạy học, xây dựng đội ngũ giáo viên các Trường Sư phạm. Cải tiến công tác tuyển sinh: xây dựng kế hoạch chiêu sinh từ xã đến huyện, đào tạo xong trở về cơ sở, tuyển 100% nữ vào các trường phổ thông miền xuôi. Ở miền núi nhà nước ưu tiên tuyển nữ và thanh niên người dân tộc có văn hóa về tư tưởng chính trị và trình độ văn hóa. Phương thức đào tạo được cải thiện, quá trình học tập trung được ngăn chặn trong thực tiễn thường xuyên tại các đơn vị tiên tiến thành một quá trình hoàn chỉnh.
Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng là khâu trung tâm của công tác xây dựng đội ngũ giáo viên. Chú ý bồi dưỡng toàn diện (trước hết là tư tưởng, chính trị, nghiệp vụ) cho các loại giáo viên để dạy tốt cấp mình, lớp mình đang phụ trách lấy tự bồi dưỡng và tại chức là chính. Bộ mở các lớp 2 tháng để bồi dưỡng hàng năm.
Trường bồi dưỡng giáo viên được thành lập từ năm 1968 ở xã Diễn Trường (Diễn Châu). Công tác bồi dưỡng được đặt vào vị trí trong công tác xây dựng đội ngũ. Trường làm nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ quản lý. Bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy, bồi dưỡng theo chuyên đề, bồi dưỡng hè, bồi dưỡng về tình hình nhiệm vụ mới cho cán bộ, giáo viên đi B (miền Nam). Hoạt động bồi dưỡng của nhà trường được mở rộng hàng năm. Đối tượng bồi
dưỡng là toàn bộ giáo viên và cán bộ quản lý nhưng đặc biệt là cán bộ quản lý, những giáo viên chưa có khả năng dạy toàn cấp, những cán bộ chủ chốt của trường như hiệu trưởng, hiệu phó, bí thư chi bộ, bí thư chi đoàn, thư ký công đoàn giáo dục.
Đi đôi với công tác đào tạo, bồi dưỡng là việc sử dụng, quản lí. Hướng chủ yếu là xây dựng, ổn định và chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên các ngành các cấp học tiến tới có được một mạng lưới giáo viên, cán bộ cốt cán cho từng ngành học, từng cấp học. Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ BTVH, mẫu giáo. Đội ngũ giáo viên ở trường Sư phạm được củng cố và tăng cường. Song song với công tác bồi dưỡng chế độ làm việc của giáo viên được đảm bảo, chế độ giáo viên dạy 2 lớp ở cấp I được bỏ dần, đặc biệt đối với giáo viên nữ, chế độ đãi ngộ và khen thưởng được thực hiện tốt, đời sống của giáo viên dân lập, bổ túc, mẫu giáo, giáo viên nữ, giáo viên miền núi được cải thiện từng bước. Chế độ nghỉ ngơi của giáo viên hàng năm được đảm bảo.
Tuy nhiên, việc đào tạo cán bộ giáo viên cho yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục chưa được nghiên cứu giải quyết chu đáo, chưa có quy hoạch và thường phải phụ thuộc vào ngân sách chi phối, nên chắp vá và bị động. Từ năm 1965 - 1966, đã đình chỉ việc chiêu sinh cho trường Sư phạm miền núi. Việc đó có ảnh hưởng không tốt là năm 1966 - 1967, phải điều động hàng trăm giáo viên miền xuôi lên để phục vu theo yêu cầu phát triển của giáo dục miền núi và phải lấy số giáo viên mới thay thế cho số giáo viên miền xuôi. Do vậy năm học 1966 - 1967 thiếu 773 giáo viên, năm 1967 - 1968 thiếu 826 giáo viên, năm 1968 - 1969 thiếu 391 giáo viên [30, 79, 951].
Tóm lại, cũng còn nhiều tồn tại cả về mặt số lượng và chất lượng, và đào tạo cán bộ, cần được giải quyết tốt trong giai đoạn sau để làm cho sự nghiệp giáo dục trong tỉnh phục vụ tốt hơn nữa cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cho nền xây dựng và phát triển kinh tế ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.