Từ năm 1954 đến 1964 là giai đoạn phát triển rực rỡ của BTVH. Phát triển BTVH được xem là nhiệm vụ hàng đầu để hoàn thành thanh toán nạn mù chữ ở miền xuôi.
Phong trào BTVH trong những năm qua phát triển mạnh ở các địa phương, cơ quan, xí nghiệp. xuất pháp từ yêu cầu của cách mạng, từ nhiệm vụ và cương vị công tác của mọi người mà đặt mức phấn đấu rõ ràng và tạo mọi điều kiện để thực hiện. Đối với cán bộ học chưa xong cấp I thì cố gắng hoàn thành, mỗi tuần học 2 buổi vào tối thứ 2 và tối thứ 3. Đối với cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy vừa phải học vừa phải chỉ đạo công tác mỗi tuần phải học 3 buổi: chiều thứ 2, tối thứ 2 và tối thứ 3. Đối với cán bộ thường xuyên lưu động thì mỗi tháng học tập trung vào 2 ngày cuối tháng…Đặc biệt, Thị xã Vinh đã hình thành nếp sống lành mạnh, cứ tối thứ 2 và thứ 5 hàng tuần toàn dân đến trường lớp BTVH.
Hình thức học tập chủ yếu là học tại chức, tại chỗ (trường Cán, trường Đoàn, trường Cụm, trường Hợp, trường Dân vận, trường Phụ nữ, trường Lao quân, trường Ngành…) BTVH của diện cơ quan có bước phát triển mạnh mẽ:
năm 1957 chưa có học viên BTVH cấp II, năm 1958 có 631 học viên BTVH cấp II, năm 1959 có 1.974 học viên BTVH cấp II, năm 1958 chưa có học viên BTVH cấp III, năm 1959 có 696 học viên BTVH cấp III [42; 42].
Việc tổ chức học BTVH ở nông thôn phần lớn do các HTX quản lý. Có nơi, HTX đã thực hiện 5 quản lý đối với BTVH (quản lý học viên, quản lý giờ học, quản lý trường sở, quản lý giáo viên và quản lý nội dung học phục vụ cho sản xuất). Năm 1962 có 175 HTX quản lý BTVH, sang năm 1963 tăng 5% tổng số HTX. Số học viên diện này tăng lên không ngừng: năm 1957 có 22.277 học viên cấp I, năm 1958 có 44.775 học viên, vượt năm 1957 là 70%; năm 1959 có 86.340 học viên, vượt năm 1957 là 228% [42, 42]
Ở miền núi, số HTX có phong trào BTVH tăng lên nhanh, phong trào học tập ổn định và tương đối có nề nếp. Bên cạnh đó các trường Thanh niên dân tộc đã tiếp tục phát huy tốt phong trào BTVH. Thanh niên dân tộc được tập trung lại, vừa sản xuất tự túc một phần. Loại trường này đã thu hút người dân tộc vùng thấp, vùng cao chưa biết chữ hoặc học dở lớp, dở cấp hoặc đã học hết cấp I, muốn lên cấp II nhưng vì địa phương không có trường, hoặc gia đình khó khăn không có điều kiện theo học phổ thông. Đến năm 1965, tất cả các huyện miền núi đều có trường Thanh niên dân tộc. Huyện Quế Phong vừa có trường Thanh niên dân tộc huyện, vừa có trường Thanh niên dân Thông Thụ. Huyện Kỳ Sơn có lúc mở đến 8 trường. Dù hoàn cảnh học tập hết sức khó khăn: trường tranh tre nứa lá, vừa học vừa lao động nhưng số lương, chất lượng vẫn được đảm bảo và không ngừng nâng lên.
Phong trào học tập BTVH được phát triển rộng khắp và dần dần trở thành một hệ của ngành giáo dục, một loạt trường Cán, trường Đoàn, trường miền núi được tổ chức để bổ túc cho các đối tượng lãnh đạo chủ chốt của xã và HTX. Đảng đã phát động nhiều chiến dịch như: “An Ngãi quật khởi”, “Lam Trà nổi sóng”, đặt công tác BTVH thành một trong 4 mặt trận theo tinh thần của nghị quyết 93 của Trung ương Đảng. Ban chỉ huy chiến dịch đã quyết định lấy ngày 23/1/1961 làm ngày “Toàn dân đi học BTVH”. Ngay
trong năm 1961 nhiều trường BTVH công nông được mở, học chương trình BTVH cấp III. Trường thu nhận các thanh niên ưu tú trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, lưu lượng từ 150 - 200 học viên. Mỗi xã có trung bình 200 người đi học, bình quân mỗi HTX có 60 người đi học. Tất cả các xã và 3/4 HTX dựng được phong trào, nhiều từ không có phong trong 3 - 4 năm trước đang vươn lên thành xã tốt. Năm 1963 đã có trên 150.000 người đi học. Đây là đỉnh cao nhất của phong trào từ năm 1960 trở lại đây. Đồng thời phong trào BTVH ngày càng có tác dụng đối với sản xuất. Số HTX quản lý công tác BTVH tăng từ 42% năm 1963 lên 63% năm 1964. Đã có gần 3.000.000 người mãn khóa các lớp cấp I, gần 420.000 người mãn khóa các lớp cấp 2, trên 37.000 người mãn khóa các lớp cấp III. Tuy nhiên số người đi học BTVH năm 1964 giảm 7% so với năm 1963 (từ 65% xuống còn 57%)[11, 79, 961].
Song song với phát triển về mặt số lượng thì chất lượng BTVH ngày một nâng cao, nội dung phục vụ chính trị, phục vụ sản xuất được chú ý, tác dụng phục vụ sản xuất ngày càng rõ.
Ở các cơ quan, công trường, số thanh niên có văn hóa cấp II, III tăng lên hàng năm, tạo điều kiện cho họ tiếp thu kỹ thuật mới, tạo dần điền kiện cho việc đào tạo công nhân kỹ thuật. Ở nông trường có đội học “ môi trường và cây trồng” đã cải tiến cách trồng cà phê trong mùa thu. Ở nhà máy điện Vinh sau khi học hết lớp 5, 6 công nhân đã đi sâu vào nghiên cứu chương trình điện cấp III và kĩ thuật điện trung cấp.
Đại bộ phận cán bộ HTX có trình độ lớp 3 trở lên, nhưng nơi có phong trào tốt hầu hết cán bộ xã và HTX có trình độ lớp 4 và đang học cấp II. Xã viên ở một số nơi đã thanh toán lớp 1, lớp 2, một số lớp 3 trở lên.
Nội dung giảng dạy đã đề cập đến những vấn đề thiết thực trong sản xuất, nhất là lớp 3, 4, 5. Nhiều giáo viên đã bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế trong từng giai đoạn của địa phương. Những vấn đề kĩ thuật nông nghiệp được đưa vào các môn khoa học. Nội dung tập đọc, giảng văn, tập làm văn đã chú ý giáo dục những quan điểm tư tưởng mới, những chính sách đang được
thực hiện (lương thực, nghĩa vụ quân sự). Ngoài ra một số địa phương đã biết đưa vào các lớp BTVH mà thực hiện chính sách bài trừ phong tục và tập quán xấu. Dựa vào chương trình gốc của Bộ giáo dục và các Bộ hữu quan, Ty Giáo dục đã soạn thành 8 loại chương trình cho 8 loại trường khác nhau: còn tài liệu thì sử dụng sách giáo khoa BTVH (trừ môn quốc văn dạy theo sách phổ thông là chính).
Việc áp dụng nghiên cứu kỹ thuật được chú ý: xe cải tiến, bèo hoa dâu, ủ phân theo kĩ thuật, xử lý hạt giống, nuôi lợn băng ủ chua, nuôi lợn chuồng 2 bức…`Nhiều tổ giáo viên ở những nơi HTX quản lý đã đồng thời trở thành tổ kĩ thuật. Huyện nào cũng có những điển hình tốt về mặt truyền bá kỹ thuật phục vụ sản xuất như: Linh Sơn, Đại Thắng, Xuân Thành, Diễn Kỷ, Nam Cát, Ba-tơ, Quỳnh Văn, Phương Lịch, Kim Hùng, Bắc Phương, Đông Mỹ…số đơn vị như trên đang phát triển ngày một nhiều.
Cố gắng cải tiến chương trình cho phù hợp đối tượng, biên soạn sách phù hợp với chương trình, đảm bảo quan điểm chính trị đúng đắn và kiến thức cơ bản chung cho tất cả các ngành, cung cấp đầy đủ sách cho người học, người dạy. Trong các chiến dịch, những lúc có công tác đột xuất tài liệu được biên soạn kịp thời. Đến nay đã chỉnh lý xong chương trình và tài liệu sách giáo khoa cho BTVH cấp I nhằm phục vụ tốt cho công tác cải tiến quản lý và phát triển của toàn tỉnh. Giáo viên về BTVH được chú ý thêm về trình độ sản xuất.
Đến năm 1964, phong trào BTVH của Nghệ An được xếp vào loại I, trong số vài ba tỉnh thành đạt khá nhất toàn miền Bắc. Trong đó đặc biệt nổi là phong trào của các đơn vị, cơ quan, công nông, lâm trường.
Ở Thành phố Vinh, trường Huỳnh Thúc Kháng phụ trách đã có lúc có đến 8 lớp cấp II thuộc 2 ban văn - sử - địa và toán - lý - hóa - sinh, đã hoạt động dạy và học có nề nếp. Ngoài trường cấp III BTVH Vinh, có 5 trường liên quan, mang tên số 1, số 2, số 3, số 4, số 5 ở vùng cảng Bến Thủy, ở cơ quan Ty Tài chính, Ty Y tế, ở trường Nguyễn Ái Quốc, ở trường Đại học Sư
phạm Vinh, ở trường Sư phạm Trung cấp, ở cơ quan Liên hiệp Công đoàn, công ty hợp doanh Ô-tô…Ở các trường liên cơ quan này vừa có cấp II vừa có cấp III. Học viên của trường gồm công nhân, nhân viên, cán bộ của các cơ quan Trung ương, tỉnh thành phố, một số học viên là giáo viên phổ thông. Giáo viên của trường là các giáo viên phổ thông, giáo viên sư phạm, giáo viên nghiệp dư và giáo viên chuyên trách.
Ở các huyện có trường BTVH liên cơ, vừa có học viên cấp II, vừa có học viên cấp III như Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tương Dương…
Ở nông trường Nghệ An có nhiều nông trường quốc doanh. Trong đó có 3 nông trường thuộc tỉnh, 7 nông trường thuộc Trung ương. Đối tượng là cán bộ. công nhân, đoàn thanh niên. Học viên phần lớn ở các lớp cấp II, ở một số trường đã có 8 lớp cho đối tượng chủ chốt như: Nông trường 1 - 5, Nông trường 3 - 2, Nông trường Tây Hiếu, Nông trường Đông Hiếu, Nông trường Sông Con… Năm 1961, có 5.349 học viên của 10 trại sản xuất đi học cấp I, 1.945 học viên học cấp II, 10 học viên học cấp III (không có nông trường 3 - 2). Cuối năm đã có 3.698 học viên mãn khóa cấp I, 858 học viên mãn khóa cấp II [7, 79, 958].
Ở lâm trường chủ yếu là lớp học cấp I, đã có lớp cấp II. Điển hình là các Lâm trường: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Châu…
Ở nông thôn: phong trào BTVH phát triển cũng khá mạnh, điển hình suất sắc là BTVH Đại Thắng, BTVH Nghi Thiết. Thi đua học tập các điển hình xuất sắc, nhiều trường miền, trường cụm đã có nhiều chuyển biến. Ngoài BTVH trường tại chức còn có các trường BTVH tập trung. Trường phổ thông Lao động tỉnh thời gian này tiếp tục thu nhận cán bộ lãnh đạo của tỉnh, huyện, thành về học chương trình cấp II.
Phong trào BTVH trong những năm qua đã thu được nhiều thành tích, những kết quả mà BTVH đạt được đã góp phần hoàn thành thanh toán nạn mù chữ. Góp phần nâng cao đời sống và sản xuất của nhân dân lao động, thực
hiện phổ cập cấp I, II trong nhân dân ngày càng rộng rãi. Thành tích to lớn đó của công tác BTVH góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng CNXH ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Tuy nhiên, công tác BTVH trong những năm qua tuy có lúc, có nơi rầm rộ sôi nổi, nhưng chưa mạnh, chưa đều khắp, chưa thường xuyên và chưa thiết thực, hình thức trường lớp chưa thật linh hoạt, chưa theo sát thời vụ sản xuất, chưa thích hợp với hoàn cảnh mỗi loại đối tượng. Thậm chí nhiều đơn vị còn yếu hoặc không có phong trào. Đội ngũ giáo viên BTVH chưa ổn định, còn rất thiếu và rất non yếu về trình độ văn hóa và nghiệp vụ giảng dạy: chất lượng giảng dạy và học tập còn rất thấp, việc quản lý trường lớp, quản lý giáo dục, học tập chưa đi vào nề nếp, sách giáo khoa, đồ dùng giảng dạy và cơ sở vật chất nói chung còn thiếu thốn. Về lãnh đạo một số cấp còn xem nhẹ, chưa chú ý thường xuyên kế hoạch BTVH với công tác trung tâm, nên phong trào nhiều khi bị ảnh hưởng, số người đi học giảm sút, chỉ tiêu nhiệm vụ về chất lượng chủ chốt đạt được thấp.
Những mặt yếu và thiếu sót nói trên có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là do việc tổ chức chỉ đạo thực hiện có nhiều thiếu sót, mục đích và nội dung công tác BTVH chưa quán triệt đầy đủ trong các cấp chỉ đạo, sự phối hợp giữa các ngành và các tổ chức chưa chặt chẽ, một số khâu công tác chính trong chỉ đạo BTVH chưa được coi trọng.