Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Ngân hàng cần tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Hiện tại khách hàng vay vốn chủ yếu của Ngân hàng là các hộ sản xuất kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng rất cao. Để quản trị tốt rủi ro, đảm bảo đầu ra ổn định Ngân hàng cần đa dạng hơn nữa đối tượng khách hàng.
Ngân hàng cần phải đổi mới quy trình tín dụng sao cho chặt chẽ, chi tiết tạo thuận lợi cho cán bộ tín dụng khi xét duyệt cho vay; đơn giản hóa các thủ tục cho vay, xét vay và giải ngân nhanh chóng để giúp người đi vay chủ động được nguồn vốn phục vụ kịp thời nhu cầu sử dụng vốn của mình.
Cần chấp hành tốt các chính sách cho vay, luật, các quy chế về hoạt động Ngân hàng, đồng thời đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời đến Ban Giám Đốc và Hội đồng Quản trị về tình hình chung của danh mục cho vay.
Lãi suất cho vay của Ngân hàng trong thời gian qua cao hơn so với Ngân hàng khác trên địa bàn, Ngân hàng cần điều chỉnh lãi suất cho vay sao cho có thể cạnh tranh được với các Ngân hàng khác nhưng vẫn tạo ra được lợi nhuận.
Yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của bất cứ một hoạt động nào trên mọi lĩnh vực. Đối với hoạt động tín dụng thì yếu tố con người lại càng đóng một vai trò quan trọng, nó quyết định đến chất lượng tín dụng, chất lượng dịch vụ và hình ảnh của Ngân hàng và từ đó quyết định đến hiệu quả tín dụng của ngân hàng. Bởi vậy, cần dành một quỹ thời gian để hướng dẫn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng nghiệp vụ marketing, kỹ năng bán hàng, thương thảo hợp đồng và văn hoá kinh doanh. Đồng thời phải thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ tín dụng và kiên quyết loại bỏ, thuyên chuyển sang bộ phận khác những cán bộ yếu về tư cách đạo đức, thiếu trung thực, những cán bộ tín dụng thiếu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
Thường xuyên mở các cuộc điều tra, thăm dò ý kiến khách hàng về các sản phẩm dịch vụ cũng như chất lượng phục vụ của cán bộ ngân hàng; cung cấp số điện thoại liên lạc để khách hàng có thể góp ý, phản ánh khi họ không vừa lòng.
Trong kinh doanh Ngân hàng, việc đương đầu với rủi ro tín dụng là điều không thể tránh khỏi. Ta chỉ có thể làm thế nào để hạn chế rủi ro này ở một tỷ lệ thấp nhất có thể chấp nhận được chứ không thể loại bỏ hết rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình. Các giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng:
+ Kiềm giữ tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, không cho nó vượt qua con số 1%. + Nâng cao chất lượng thẩm định khi xét duyệt cho vay.
+ Nâng cao chất lượng công tác kiểm toán nội bộ đối với hoạt động tín dụng. + Phân tích khách hàng (tính cách, uy tín, năng lực tài chính, điều kiện kinh tế xã hội và tính khả thi của phương án vay vốn), việc phân tích này rất quan trọng đòi hỏi cán bộ tín dụng phải có trình độ chuyên môn vững vàng, nhạy cảm khi phân tích và tiếp xúc với khách hàng.
Phân tán việc cho vay, không nên dồn vốn vào một hoặc một số ít khách hàng, cho dù khách hàng đó kinh doanh có hiệu quả.
Bên cạnh đó cũng cần những biện pháp hỗ trợ như: thiết lập quỹ dự phòng rủi ro, mua bảo hiểm cho các khoản tiền gởi, tiền vay, phân chia giới hạn rủi ro,… giúp hạn chế được rủi ro đáng kể trong hoạt động kinh doanh Ngân hàng.
Thu nhập của Ngân hàng chủ yếu là từ hoạt động tín dụng và một phần nhỏ từ hoạt động dịch vụ mà Ngân hàng đã cung cấp. Tuy nhiên theo xu hướng chung thì tốc độ tăng trưởng của tín dụng vào năm 2011 chỉ là 20% trong khi lĩnh vực dịch vụ còn khá nhiều tiềm năng. Do đó, để tăng hiệu quả kinh doanh của mình, bên cạnh việc tăng hiệu quả hoạt động tín dụng Ngân hàng cần phải tìm các giải pháp cho hoạt động dịch vụ của mình, một lĩnh vực có tiềm năng rất lớn.