Lồng giai thoại vào cốt truyện

Một phần của tài liệu Đặc sắc truyện ngắn ma văn kháng sau 1980 (Trang 86 - 93)

Bên cạnh việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật tương phẳn đối lập để xây dựng cốt truyện, Ma Văn Kháng còn sử dụng yếu tố dân gian truyền thống mà cụ thể ở đây là sử dụng giai thoại trong xây dựng cốt truyện. Giai thoại ở đây không chỉ là những câu chuyện, những tích xưa được tác giả kể lại mà đó còn là những câu chuyện lý thú hấp dẫn do nhà văn sáng tạo,nhằm mục đích làm nổi bật nhân vật, tình huống hoặc để chứng minh một luận điểm nào đó của tác giả… Lồng giai thoại vào cốt truyện đó là một nét đặc sắc trong truyện ngắn Ma Văn Kháng

Trong truyện Xóm giềng, để cảnh cáo những kẻ có tật giật mình và

làm tăng tính hấp dẫn ly kì của đoạn đối thoại giữa mụ Bí và bà cụ hàng xóm, tác giả đã sáng tạo ra giai thoại: “Ngày xưa, các cụ trong làng kể, ma sống nhan nhản ở lẫn với người. Mùa nước, các bà lội đồng đi chợ huyện,

có hôm dậy sớm quá, còn trong giờ đi lại của bên âm, tới chợ còn chưa rõ mặt người, thế là các bà ngồi lại gỡ khăn bắt chí cho nhau. Đang bắt thì có một đám khác đến nhập bọn, rồi ngồi lẫn lộn cùng trò chuyện, bắt chí với nhau. Có biết đâu bọn ấy là bọn ma. Một bà lần mần sờ đầu một con ma, thấy đầu nó nhũn như tương, mới kêu: “Khiếp cái đầu gì mà như đầu ma!”, con ma liền rũ đầu quay lại, thè cái lưỡi dài như cái đòn gánh ra, kêu: “Chả là ma thì là gì đây!”. Người khiếp quá, lăn ra đất, chết ngất cả đám”. Kể xong giai thoại này, tác giả kết luận: “Xem như thế, người sống lẫn với ma, ở cùng trên một mảnh đất với ma là chuyện thường và hiển nhiên là đêm qua mụ Bí chuyện trò với ma thật rồi!” [49, 294]. Chính vì cách kể truyện như thế của tác giả mà khi đọc câu chuyện này người đọc cũng cảm thấy thật ly kì và bị trí tò mò cuốn hút.

Trong truyện Mảnh đạn để tăng sắc thái mỉa mai, giễu cợt, tác giả đã sáng tạo ra một loạt các giai thoại: “Ông tướng B sau ba mươi năm chinh chiến, rất chịu khó thu nhặt chiến lợi phẩm và tận dụng nước sông công lính, có được sản nghiệp hơn trăm cây, một đêm bị thằng con lêu lổng cuỗm sạch rồi biến mất. Ông thứ trưởng T mới được đề bạt, có cô vợ diễn viên trẻ măng, nào ngờ suýt chết vì đòn ghen của bà vợ cả răng đen. Kẻ bị lừa. Người bị trấn. Không thì lại bị chính người trong nhà bòn rút chia sẻ. Lại có anh vừa vênh vang nhà cao cửa rộng chưa đầy tháng trời đã bị đồng nghiệp làm phản tố cáo, bị tóm gáy vào nghỉ mát ở nhà đá. Lắm ông về già tưởng có thể ung dung tận hưởng của cải của một đời trộm cắp, thì trời buộc miệng không cho ăn, vì ốm đau suy nhược lắt lay đến tội. Ấy thế, thoát khỏi đòn trả thù của người đời thì lại bị trời hành, bị số kiếp bó buộc, không sao xoay chuyển lại được, trớ trêu quá!” [49, 483].

Trong truyện Ngẫu sự, Ma Văn Kháng cũng sáng tác ra một loạt các

giai thoại mà theo cách nói của ông, các giai thoại này nhằm để “những kẻ ăn không ngồi rồi, muốn thoát khỏi trạng thái u oải, lờ đờ do ngoại cảnh gây nên, chỉ còn cách là biến thành những kẻ tò mò, hiếu sự nhất trần đời.

Còn thiếu gì chuyện. Ông B con rể ông a, ông A lại quen ông Y nên đáng lẽ ông B phải đi tù chung thân mà hoá ra được đi tham quan nước Pháp! Bà L vốn chỉ là o du kích chữ nghĩa không đầy cái lá mít nhưng vì được các ông lớn để ý, nên lên làm bà lớn. Tướng K bị kết tội tham nhũng vừa “hạ cánh an toàn”, xây được một toà lầu ba tầng gắn gia huy có chữ “Mộng đẹp” và cưới một ca sĩ bằng tuổi con gái út mình. Chuyện ngang trái bất công. Chuyện di tản” [49, 503]. Truyện Lão thợ xây ở mạn ngược về biết vợ có chuyện trăng gió, mời hàng xóm sang chuyện trò vui vẻ, giữa chừng mới nhẩy tới trói nghiến vợ lại rồi kể tội vợ trước mặt mọi người. Rồi truyện có người biết vợ có bồ ngoài mặt vẫn vui vẻ nhưng đóng cửa lại mới đánh vợ, lăng nhục vợ, bắt vợ viết kiểm điểm, đọc lên ghi vào băng, lâu lâu lại quay băng nghe…

Truyện Kiểm, chú bé, con người là một loạt các giai thoại được kể ra nhằm chứng minh cho bản chất tốt đẹp của chú bé Kiểm. Tuy sống trong một môi trường phức tạp, còn tồn tại nhiều cái xấu nhưng em không bị cái xấu đồng hoá. Giai thoại về một cô tự tử vì bị dì ghẻ cưỡng ép lấy một người mà cô không yêu; một nhân viên cơ quan vừa bị công an bắt; những thủ đoạn của bọn móc túi, trấn lột, đầu cơ… chuyện hối lộ tiền để đi nước ngoài và xin việc… [49, 430].

Truyện Xe ngựa ra ga đón khách là giai thoại “có một người nuôi khỉ.

Hàng ngày cho khỉ ăn. Sáng ba hạt dẻ. Chiều bốn hạt. Khỉ phản đối. Người này liền đổi sáng cho ăn bốn, chiều ăn ba”. Kể giai thoại này tác giả nhằm phản ánh “Công đoàn ở đây, như khỉ, hoan hô rầm trời. Đoàn kiểm tra này về tiếp đoàn khác, cũng như khỉ bị lừa, ra đi cả” [67, 264].

Truyện Thầy Đàn cũng có một loạt các giai thoại được Ma Văn Kháng sáng tạo như ca sĩ T.L có chất giọng thổ pha kim khan rè kiểu Nam Mỹ hát bài Mùa hè Italia dịp Thế vận hội mấy năm trước giờ vẫn còn vang vọng trong ký ức thăm thẳm của bao người. Đó còn là giai thoại về một ông năm trước còn chở đò ngang, có ông chú ở Ban Tổ chức, được điều về

đây sửa bản in, không phân biệt dấu chấm khác dấu phẩy ở chỗ nào về mặt ý nghĩa! Là giai thoại “có ông thầy đang đàn bỗng dưng phắt. Hỏi vì sao, ông đáp, có kẻ nghe trộm tiếng đàn ta. Quả nhiên đúng. Âm nhạc là giao tình, giao cảm đó!” [50, 133]. Hay giai thoại xưa có: “Một bậc đại phu vốn đàn rất hay. Mọi khi nghe tiếng đàn rất trong sáng, hôm nay bạn ông nghe, bỗng thấy có ý lạ, liền ngó vào. Trong buồng, cạnh người đàn có con mèo đang rình chuột. Cảnh tượng ấy người đàn trông thấy. Tiếng đàn phát ra lập tức bị nhiễm tính hiếu sát. Người nghe có cái tai thẩm âm nhạc nhận ra ngay” [50, 133]. Giai thoại “Tích Tầu kể rằng: vua Tuyên Vương nước Tề rất thích nghe sáo hoà tấu, nên bắt ba trăm người dùng sáo thổi cùng một lúc. Đông Quách tiên sinh vốn không biết thổi sáo, nhân cơ hội liền lạm dự. Đứng trong cả đám ba trăm người, chả ai biết tài cao thấp của ai, nên thảy đều được coi là người biết thổi sáo. Được một thời gian, nghe sáo hoà tấu mãi đã chán. Tuyên Vương bèn lệnh: muốn nghe từng người thổi sáo. Lần lượt từng nghệ sĩ vào thổi cho vua nghe. Tới lần mình, không thấy Đông Quách đâu, thì ra y đã cao chạy xa bay để giấu cái dốt nát, từ hồi trước rồi” [50, 136].

Truyện Móng vuốt thời gian là giai thoại nói tới hoàng hậu chính cung của vua Tần Huệ Đế cũng vì muốn kéo dài tuổi thọ nhưng lại chết vì uống rượu ngâm vàng, là câu chuyện kể về Tướng quốc nước Trịnh nghe thấy trong tiếng khóc chồng của một người đàn bà có điều gian liền cho bắt lại khảo tra thì ra chính bà đã tự tay thắt cổ chồng.

Truyện Mẹ và con là câu chuyện về một ông đi lấy vợ mà bốn đứa con phản đối. “Chúng xông đến nhà chị kia, mắng mỏ chị ta đến tội nghiệp. Ngày ông ấy cưới. Ngày ông ấy cưới chúng xếp quần áo tư trang của ông vào một cái va - ly và đưa ông ra khỏi nhà” [49, 316].

Truyện Thím Hoóng đó là giai thoại kết quả nổi loạn của dân Hắc Cá ở bên Tầu. “Cái tướng Hắc Cá nó kéo dân Hắc Cá nổi loạn. Vua Hán thấy mới kêu gọi dân Hắc Cá quy phục. Lại hứa nếu quy phục sẽ ban thưởng.

Dân Hắc Cá liền bắt tướng mình nộp cho vua Hán, rồi kéo cả về quy thuận triều đình. Vua Hán mừng lắm, nhưng lại nghĩ: Đám dân Hắc Cá này đã có lòng phản cả tướng quân của nó thì có gì bảo đảm là nó không phản trắc mình. Nghĩ vậy, bèn đuổi dân Hắc Cá đi về phương Nam” [50, 34].

Trong truyện Ngày chủ nhật mưa ngâu, tác giả xây dựng giai thoại vợ chồng Ngâu vào tháng bẩy hàng năm. Truyện Thanh minh trời trong sáng

cũng có nhiều giai thoại được nhắc tới như giai thoại về Hồng lâu mộng của Trung Quốc rồi còn giai thoại người chị cả trong truyện kể: “Thằng giám đốc cũ của tao văn hoá lớp nhất trường làng, nghe nói giờ cũng bồ nhí như ai. Khốn nỗi vẫn lòi cái đuôi là thằng bỉ tiện, khố rách áo ôm. Nói cứ ngọng líu ngọng lô. E lờ nói thành e nờ. Có cái đẹp nhất của đàn bà là cái l nói cũng sai” [50, 239]. Trong truyện Thợ cắt tóc làng là giai thoai của nghề cắt tóc từ đâu mà có: “Sử sách ghi rằng: Thời đó có ông thầy địa lý tên Tả Ao nổi tiếng tài giỏi. Một hôm ông đến làng K. Được hỏi nguyện vọng, các bô lão trong làng nhất loạt xin thầy dùng pháp thuật phong thuỷ thế nào để con cháu cả làng từ nay về sau trở thành những người có quyền cao chức trọng, chuyên đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Và thế là, nếu như ở làng bên dân chúng có nguyện vọng được trở thành các ông lớn bà lớn ra đường nghênh ngang ai cũng phải né tránh, sau khi ông thầy địa lý xoay lại hướng đình thì từ đó cả làng có nghề đan bồ cha truyền con nối; thì ở làng K. này, sau một lần thay đổi hướng đình, tất cả đàn ông đều trở thành thợ cắt tóc. Cắt tóc không là một cách đè đầu cưỡi cổ thiên hạ là gì!” [67, 220].

Tiểu kết chương 3

Giọng điệu ngôn từ đó không chỉ là nơi Ma Văn Kháng thể hiện rõ nhất những cảm xúc, tình cảm, cái tôi cá nhân của bản thân mà nó còn cho thấy những tìm tòi cách tân, đổi mới không ngừng nghỉ của ông trên bình diện hình thức nghệ thuật. Góp phần làm phong phú thêm hệ thống vốn từ tiếng Việt.

KẾT LUẬN

Trên cơ sở tìm hiểu sơ lược đôi nét về truyện ngắn Việt Nam nói chung và đặc sắc truyện ngắn Ma Văn Kháng qua những yếu tố thuộc bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật nói riêng, luận văn khẳng định sự đóng góp nổi bật của Ma Văn Kháng đối với văn học Việt Nam.

Truyện ngắn Ma Văn Kháng viết về rất nhiều những mảng đề tài khác nhau của đời sống trong đó có hai mảng đề tài chính mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra khi đọc các tác phẩm của ông. Đó là mảng đề tài về đời sống thành thị và mảng đề tài về đời sống miền núi. Tuy đây không phải là những mảng đề tài mới của văn học Việt Nam song Ma Văn Kháng vẫn tìm được cho mình một hướng đi riêng, một cách thể hiện đầy ấn tượng. Vì vậy ở những tác phẩm viết về đề tài miền núi phía Bắc của Tổ quốc Ma Văn Kháng đã cho chúng ta thấy những phát hiện độc đáo của ông về cảnh sắc, con người nơi đây. Không chỉ dừng lại ở những phát hiện mà ông còn trực tiếp thể hiện, bày tỏ tình cảm của mình với bà con dân tộc. Ông xót xa thương cảm cho sự mông muội của những con người nơi đây. Trở về nơi phồn hoa đô hội đến với đề tài thành thị đúng lúc thời cuộc thay đổi, đời sống con người vì thế cũng có những xáo trộn, đổi thay, tình đời, tình người cũng đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Cũng giống như nhiều nhà văn khác cùng thời trước những thay đổi đó Ma Văn Kháng cũng có những suy ngẫm, nhìn nhận, đánh giá của riêng mình. Ông trân trọng vẻ đẹp phẩm giá của con người.

Bên cạnh đó giọng điệu cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của truyện ngắn Ma Văn Kháng. Là một nhà văn có tấm lòng nhân đạo cao cả và tình yêu thương con người tha thiết, ông đau xót nhức nhối trước những thói đời bạc bẽo, bất nhân, ông suy tư, trăn trở, triết lý trước những bài học của cuộc đời.

Để khắc họa nhân vật cũng như để thể hiện, bầy tỏ quan điểm, thái độ của mình thì không thể không nói đến ngôn ngữ. Ma Văn Kháng rất chú ý tới xây dựng hệ thống ngôn ngữ trong truyện. Ngoài những ngôn ngữ đời thường ông còn có những cách sáng tạo ngôn ngữ của riêng mình. Đồng thời ông còn sử dụng rất nhiều ngôn ngữ dân gian làm giầu có thêm vốn từ ngữ của mình. Góp phần làm nên những thành công của truyện ngắn Ma Văn Kháng chúng ta cũng không thể bỏ qua vai trò của cốt truyện. Sử dụng nghệ thuật tương phản đối lập cùng với việc lồng giai thoại vào cốt truyện Ma Văn Kháng đã tạo nên một nét riêng cho các tác phẩm của mình.

Nói tóm lại với những tác phẩm của mình ông không chỉ góp phần làm phong phú thêm cho nền văn học nước nhà mà ông còn là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp cho công cuộc đổi mới cách tân về tư duy, hình thức nghệ thuật của văn học. Góp phần đưa văn học ngày càng đến gần cuộc sống hiện thực hơn.

Một phần của tài liệu Đặc sắc truyện ngắn ma văn kháng sau 1980 (Trang 86 - 93)