Trân trọng vẻ đẹp phẩm giá của con ngườ

Một phần của tài liệu Đặc sắc truyện ngắn ma văn kháng sau 1980 (Trang 52 - 59)

Trong cuộc sống của chúng ta có lẽ không có ai là toàn vẹn cả nhưng để thể hiện và khám phá ra cái đẹp của con người, tình người và biết trân trọng, nâng niu nó thì chắc hẳn đó phải là một con người có con mắt tinh tế, một trái tim giầu lòng yêu thương. Ma Văn Kháng là một con người như thế. Với cái nhìn trân trọng trước vẻ đẹp của con người, tình người, ông hướng tới con người say mê tìm kiếm khám phá, thể hiện vẻ đẹp phẩm giá của con người qua từng trang sách.

Hiện thực đời sống được Ma Văn Kháng thể hiện trong truyện ngắn của mình thực sự là một bức tranh đa sắc màu về đời sống. Nhưng trong sự đa dạng, bộn bề đó Ma Văn Kháng vẫn dành nhiều nhất sự quan tâm, chú ý của mình cho việc tìm kiếm và thể hiện vẻ đẹp con người. Trong truyện của ông có rất nhiều những nhân vật đẹp. Vẻ đẹp của họ nhiều khi vì cuộc sống mưu sinh mà bị khuất lấp nhưng rồi có lúc nào đó vẻ đẹp ấy lại được hiện

diện khiến cho người đọc không khỏi ngỡ ngàng như nhân vật Bướm trong truyện Cái Bướm tung tăng. “Bướm thuộc loại đàn bà đẹp; nhân hình, diện mạo không lộng lẫy, nhưng đôn hậu, oai vệ và sang trọng. Đẹp thăm thẳm một chiều sâu tâm hồn là cặp mắt có đôi nhãn cầu lớn, óng ánh mầu mật ong. Rất sang là cái miệng cười hoa, phô hàm răng đẹp nuột nà, chuốt bong. Miệng ấy, người ấy không phải là chủ nhân thật sự của thói ứng xử, lời đối đáp thô lậu, tục tằn. Người ấy tươi nhuần, thơm tho và cao quý…” [51, 12]. Hay đó là nhân vật Khoản gây cho người đọc nhiều ác cảm vì xấu xí lại có quan hệ ngoại tình với vợ thủ trưởng nhưng lại có một quá khứ đẹp: “Khoản, không xấu xí như ta tưởng so với những người đàn ông khác anh ta không tồi tệ hơn. Anh là chiến sĩ lái xe Trường Sơn trong chiến tranh, anh được thưởng ba huân chương vì hành vi dũng cảm. Mặt anh rộp lửa đạn. Anh là thương binh, là cựu chiến binh” (Một mối tình si) [51, 471]. Nhân vật Hấn xuất hiện trong truyện Cỏ dại là một người đàn bà đanh đá, nhưng rồi tìm hiểu ra mới biết vì cô sinh ra và lớn lên ở một vùng đất nghèo nàn, xơ xác, đời sống, hiểu biết còn ngây thơ, mông muội nên mới có những cư xử vô ý tứ, tuỳ tiện tưởng như vô giáo dục đó. Còn rất nhiều những tác phẩm Ma Văn Kháng dành để thể hiện vẻ đẹp của con người. Đó có thể là vẻ đẹp hình thức, cũng có khi là vẻ đẹp tâm hồn có lúc vẻ đẹp hiện diện một cách trực tiếp ngay đầu tác phẩm nhưng cũng có khi vẻ đẹp đó tiềm ẩn mà phải đi vào tìm hiểu người đọc mới khám phá ra và có khi Ma Văn Kháng nói đến cả những cái xấu nhưng cũng chỉ nhằm tôn vinh, thể hiện cái đẹp. Ví dụ khi nói đến một người mẹ ghẻ tàn độc với con chồng, tác giả nhằm thể hiện sự bao dung, lòng vị tha của chú bé Kiểm trong truyện Kiểm, chú bé, con người. Hay nói đến sự vô ơn bạc bẽo của gia đình nhà Hoằng cũng nhằm để tôn vinh sự tận tuỵ, nhiệt tình và chân thật của bà cụ giúp việc trong truyện

Người giúp việc. Rồi nói đến những cán bộ văn hoá dốt nát cũng để nhằm nhấn mạnh một tài năng ngầm ẩn ở cơ quan đó là ông Huynh trong truyện Thầy đàn. Nói đến những bất công của đời sống nhằm ca ngợi sự tận tuỵ hết lòng yêu thương chồng của người vợ trong truyện Nợ đời

Ma Văn Kháng tìm thấy vẻ đẹp của con người,tình người ngay trong những công việc lao động hằng ngày của những con người bình thường. Trong tác phẩm Cỏ cằn đó là cái nhìn trân trọng trước vẻ đẹp của một ông lão chăn bò vì ông là biểu hiện của một người lao động chân chính,cần cù, đầy tinh thần trách nhiệm và có ý thức về danh dự của mình. Ông được phân công lên trông bò ở một vùng núi cao hiểm trở đầy hiểm nguy,khắc nghiệt, nơi hổ, beo, chó sói luôn rình rập. Mùa đông ở đây cây cỏ cằn khô xơ xác, gió quất từng cơn lạnh buốt, sương muối, thứ sương độc, diệt chết các loài cây cỏ và làm cho gương mặt lão thảm hại vì loang lổ những vệt gỉ sắt như vệt hắc lào. Để chống lại tất cả những sự khắc nghiệt hiểm nguy ấy,ông chỉ có khẩu súng CKC cái áo trấn thủ cũ, bông đã lòi ra xám xịt và đôi giầy vải buộc dây gai rách mũi thòi cả một phần ngón chân ra ngoài. Nhưng ông thì gần như không để ý đến bản thân mà chỉ mải miết với công việc. Chẳng thế mà hơn hai mươi năm làm việc ở đây cũng là chừng ấy thời gian ông sống xa vợ con cũng đã bao lần muốn về với gia đình nhưng “hiềm nỗi đây xa quá, chẳng ai muốn lên thay” [51, 146]. Cũng đã từng được đề bạt làm đội trưởng, làm phó phòng hành chính nhưng ông đã khước từ tất cả vì biết nếu ông đi thì sẽ khó khăn rắc rối cái chuyện người lên thay. Và, còn vì nông trường vốn đã bận rộn vì đang trong thời kỳ xây dựng nên ông cũng không muốn tìm sự an nhàn cho riêng bản thân mình. Ông, vì thế, cứ cặm cụi hết ngày qua tháng lại với công việc của mình. Ấy vậy mà sơ sẩy chỉ một chút sói đã ăn thịt mất một con nghé.Người ta lên xem rồi mỉa mai ông: “Sói nào mà ăn thịt nghé mà gọn ghẽ thế này!”. Để thanh minh cho sự trong sạch của mình, ông lão đã chờ đợi rình rập biết bao khó nhọc để quyết bắt bằng được con sói. “Ba mươi năm theo cách mạng không bao giờ tôi để mình bị hoen ố. Tôi không có tiền bạc để lại cho con, tôi chỉ có lương tâm trong sạch làm của cải để lại cho chúng (…) có ai mua được danh dự không, chú” [51, 153].

Trong truyện ngắn Ngày đẹp trời, người đọc trân trọng và xúc động trước hoàn cảnh của ông Thiềng, một người đã từng xông pha nơi hòn tên mũi đạn khi đất nước bị xâm lăng để rồi trở về mang theo trên người những di chứng hậu quả của chiến tranh. “Mặt ông hoàn toàn mất cân đối. Cái miệng lệch. Môi là môi giả. Một bên má cháy xám. Má bên kia là vết trượt dài của một cái sẹo. Hai tai như bị thui trong lửa. Đôi mắt kém”. Nhưng người chiến sĩ ấy không muốn mình trở thành nỗi kinh sợ, gánh nặng, không muốn nhận sự thương hại hay xót xa của ai. Khi chiến tranh qua đi, ông xin lên làm nghề quan trắc khí tượng. Ông luôn hoàn thành tốt công việc của mình dù điều kiện thời tiết có khắc nghiệt hay bệnh tật, đau ốm hành hạ. Ông cũng không có bất cứ một yêu cầu hay đòi hỏi gì cho bản thân kể cả nghỉ ngơi, phép tắc. Vì vậy,người ta cứ ngỡ ông không còn ai thân thích nữa cho đến một ngày có một người phụ nữ đến tìm ông, đó chính là người yêu của ông, người con gái xinh đẹp nhất làng. Nghe tin ông hi sinh nhưng không có giấy báo tử mà “cô biết tính anh từ lúc hai người bắt đầu yêu nhau; anh muốn sống hoàn hảo,không muốn làm buồn tủi, xấu hổ cô” [49, 395]. Cô đã đi hỏi, đi tìm ông khắp mọi nơi rồi cô chờ đợi ông mười lăm năm trời để đến bây giờ mới gặp lại trong sự ngỡ ngàng và xúc động. Là người đứng ngoài cuộc chứng kiến cuộc hội ngộ này, tác giả đã phải thốt lên: “Lòng yêu thương cao thượng là một phẩm chất chung của con người. Và nếu ông là một người tốt, một người trung thực, một người biết tự trọng thì thế gian cũng không hiếm những con người như vậy. Đức hi sinh là phẩm cách lớn nhất của ông, thì đó cũng là điều ngưỡng mộ của mọi người. Ông muốn yên bình, ông không muốn làm phiền muộn, buồn tủi cho ai, thì người khác cũng muốn được yêu thương, san sẻ thiệt thòi với ông (…) Ông giấu mình vào công việc. Ông hoà tan với tự nhiên để chế ngự mình, ông dìm mình vào khắc khổ để quên lãng.Nhưng ngưòi phụ nữ thân thiết lại muốn ông sống trong tình yêu thương bình dị. Ông không muốn làm bóng ma quấy nhiễu con người, nhưng con người lại muốn ông

sống đích thực như một con người giữa nhân tình gần gũi”. Đó chính là sự thể hiện mạnh mẽ cái nhìn trân trọng trước vẻ đẹp của con người, tình người. Trân trọng trước vẻ đẹp của con người, tình người đó chính là cảm xúc ta có thể dễ dàng bắt gặp trong truyện ngắn Kiểm, chú bé, con người. Nhân vật chính trong truyện này là chú bé Kiểm. Bố, mẹ mỗi người một nơi, chú bé Kiểm về ở với bố và người mẹ kế. Ở trong ngôi nhà đó, chú bé bị mẹ kế vùi dập, đánh đập không thương tiếc (không lấy đủ rau cho thỏ thì mụ cắt cơm bắt ra hiên ngủ, lỡ tay đánh sứt cái quai chén thì bà ta ném cả cái chén vào mặt, có hôm bà ta còn bắt chú bé quỳ rồi nhét phân con bà ta vào mồm chú bé. Đi họp tổ dân phố bị mọi người phê bình bà ta về trói chú bé vào chân giường đánh cho một chận thừa sống thiếu chết...). Cả hai đứa con của mụ cũng sớm bị ảnh hưởng cái thói cay nghiệt của mẹ nên cũng đành hanh và quái ác nhiều khi còn bịa tội để đổ lên đầu thằng anh để chú bé phải hứng chịu những trận đòn oan của bà dì ghẻ. Đáp lại tất cả sự cay nghiệt độc ác tàn nhẫn và vô lương tâm đó, nếu Kiểm có căm hờn, muốn tìm cách trả đũa mẹ con bà mẹ kế thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không. “Nó không chai lì, không tàn nhẫn. Bị vùi dập và dồn vào cảnh sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm, nó vẫn còn giữ được một khoảng cách, chưa đồng hoá với cái xấu, chưa mặc nhiên công nhận cái xấu như là một chuyện tất nhiên - bước tha hoá cuối cùng của nhân cách. Ngược lại, nó tràn đầy lòng thương yêu”. Chú thương bà ăn mày, thương bà cụ gánh gạo nặng… Không chỉ thương những người có hoàn cảnh đáng thương, chú còn dành tình yêu thương đó cho cả những kẻ đã đang tâm hành hạ, vùi dập chú. Chú thật lòng thương yêu hai đứa trẻ cùng cha khác mẹ dù biết nhiều lúc chính chúng là duyên cớ để bà mẹ ghẻ hành hạ chú. “Cháu không thể ghét chúng nó được, bác ạ. Xa chúng nó một ngày cháu cũng nhớ cơ. Cả hai đứa cháu bồng bế từ lúc chúng còn đỏ hỏn. Cháu giặt giũ, tắm rửa, quấy bột, xúc cơm cho chúng nó nữa”. Khi mẹ kế độc ác bị bệnh nặng chú ngậm ngùi: “Khổ! Từ hôm dì cháu nằm bệnh viện, hai đứa trẻ đâm ra bơ

vơ. Bố cháu thì suốt ngày rầu rĩ, cắn rứt chẳng muốn làm gì cả. Dì cháu bây giờ nằm đấy. Nghĩ cũng tội. Chả ai người ta vào thăm cả. Suốt đời làm người khác khổ, mà mình có sung sướng gì đâu. Bây giờ chắc gì đã qua khỏi được…”. Cách cư xử đầy tình người của bé Kiểm thật đáng được trân trọng.“Chú bé Kiểm đã trở về để chia sẻ, gánh chịu cơn tai họa đột ngột của bà dì, trong khi nó hoàn toàn có thể vắng mặt mà không sợ bị chê trách, vì đó không phải chỉ là sự đáp trả hợp lý, là tính chấp vặt thông thường, nếu gọi là chấp vặt, mà còn là cách xử sự công bằng theo luật nhân gian vẫn thường thấy trong các tích cổ và ngoài đời”. “Chú bé Kiểm đã tự nguyện trở về. Và hoàn toàn không chút hả hê hay ngấm ngầm thích thú trước sự rủi ro của kẻ đã gây ra bao khốn khổ cho đời mình, cũng không một vẻ dửng dưng xa cách, mà tràn đầy trong từng âm tiết, ngữ điệu câu nói và thái độ bộc lộ, một tình thương yêu vừa non tơ vừa quảng đại và quả cảm trước cơn tai biến của những người ruột thịt thân thương. Chú bé Kiểm, cái mầm non mạnh mẽ, hình tượng biểu trưng cho bản chất nhân hậu vốn có ở cuộc đời, tồn tại một cách gần như hồn nhiên, không cần giải thích và đang cần được bồi đắp ở cuộc đời mới này”. Chú bé Kiểm, tuy là một chú bé, nhưng chú xứng đáng là một con người theo nghĩa tốt đẹp nhất của hai chữ này.

Trân trọng trước vẻ đẹp của con người đó cũng chính là những lời tác giả muốn dành để nói về thầy giáo Tụng trong truyện ngắn Thầy của chúng em.“Đứng trên bục giảng, nghiêm cẩn và say sưa toả sáng. Mười lăm năm, tự đốt mình thành ngọn đuốc sáng cho mình, cho trò soi. Tuyệt không một vi phạm nhỏ kỷ luật nghề nghiệp và nhân cách. Dẫu có lúc buồn khổ vì nhân tình thế thái, vẫn giữ gìn tiết sạch giá trong, phong độ tề chỉnh, lòng yêu nghề và phẩm giá sáng như nhật nguyệt. Mười lăm năm hạnh phúc trùng hợp với đức hạnh ngay thẳng, độ lượng nhân từ, kiên trì tự do bên trong và định hướng chân lý từ suy ngẫm bản thể. Ở đâu thì cũng một phong cách, khiêm nhường mà không khúm núm, thẳng thắn mà hiền hậu, trung thực mà không thô lỗ. Mười lăm năm loẻo khoẻo một vóc hình cò

hương, nhưng khí khái nhà nho quân tử thì dư thừa. Tin ở mình nên tin ở người. Dù có ở thế cô độc, bị vây ép tứ bề trước đồng tiền và quyền lực nhe nanh múa vuốt, cũng không bao giờ đổi trắng thay đen. Mười lăm năm nhếc mép cao ngạo, khinh thường lũ tiểu nhân hẹp hòi đố kỵ, giở đủ trò đê tiện để vùi dập người đức lớn tài cao, từ vu cáo để bôi nhọ danh dự, đến kìm hãm một bậc lương cả chục năm trường. Mười lăm năm nghiêng xuống, chia sẻ cứu giúp bao số phận học trò ro rủi, không nhận lòng tri ân, nhưng say mê tạo môi trường hấp dẫn từ trí tuệ siêu việt đến tình đồng môn cùng tôn thờ tín niệm của ông thầy. Không góc gách, nghiệt ngã, nhưng phân minh nghiêm khắc để giữ gìn kỷ cương. Đã phạm lỗi nặng chốn học đường thì dẫu cha mẹ có thân quen, trò nọ cũng không thể được tha thứ. Trong trường, con ông hiệu trưởng và người cày cuốc, đánh xe, phải được đối xử như nhau. Trò nào đáng điểm mười thì phải được điểm mười. Đã không được lên lớp thì dù có là con ông trưởng Ty Giáo dục cũng vẫn phải lưu ban. Hư hỏng đến mức phạm tội hình sự như cướp của, giết người, hiếp dâm thì dứt khoát phải loại ra khỏi cộng đồng học sinh, dẫu bố y có giữ chức quan đầu huyện,oai danh sấm sét cả một vùng” [49, 518 - 519 - 520]. Chính vì vậy mà, đã bao lần đối diện với tử thần bao lần đối diện với nguy nan nhưng tất thảy đều phải chịu thua thầy, nhượng bộ thầy vì thầy là biểu tượng của cái đẹp của sự chính nghĩa và bên cạnh thầy luôn có những người tốt, những người học trò thầy đã cưu mang, giúp đỡ chính họ đã cùng thầy chiến đấu và chiến thắng tử thần và những cái xấu xa.

Tiểu kết chương 2

Dù là những truyện ngắn viết về miền núi phía Bắc của Tổ quốc hay những tác phẩm phản ánh sự đổi thay của thời cuộc nơi đô thị thì vấn đề quan tâm đầu tiên và sau cùng của Ma Văn Kháng bao giờ cũng là con người và cuộc sống của họ. Chính điều đó đã khiến ông luôn có những trang sách đầy suy tư trăn trở về cuộc đời, số phận của mỗi con người.

Chương 3

Một phần của tài liệu Đặc sắc truyện ngắn ma văn kháng sau 1980 (Trang 52 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(102 trang)
w