Sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập để xây dựng cốt truyện

Một phần của tài liệu Đặc sắc truyện ngắn ma văn kháng sau 1980 (Trang 84 - 86)

Có thể thấy nhiều cốt truyện của ông đã sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập như truyện Trăng soi sân nhỏ đó là sự đối lập của hai nhân vật Nam Và Bân về phong cách, lối sống, suy nghĩ. Sự đối lập đó xuất hiện từ đầu cho tới cuối tác phẩm. Vì vậy mà cùng một sự việc là đi xuống cơ sở nhưng Nam thì rụt rè, đắn đo. “Cơ sở nào có nhã ý hẳn hoi mời Nam xuống đi thực tế để viết bài hoặc chỉ là gặp gỡ, trò truyện với anh em, Nam cũng đắn đo năm lần bảy lượt rồi thường là cám ơn họ bằng một lá thư thoái thác và hứa hẹn một dịp khác. Dịp khác có nghĩa là không bao giờ! Nam xử sự như vậy không phải là không có lý. Trước hết,nơi mời mình, chưa nói các chuyện khác, chỉ nói đến chi tiêu tốn kém đã là cái chắc. Ăn ở của khách không thể không lịch sự. Lại còn xe đón xe đưa. Lại còn quà cáp, tặng phẩm. Lại còn phong bì tiền tiêu vặt. Bạc triệu chi cho một nhà văn ra cái lạt như chơi. Trong khi làm ăn, kiếm được đồng bạc đâu có dễ! Lúc này thật giả lại đang khó phân ngôi. Về, viết cái gì,chẳng may sai sót, tình ngay lý gian, há miệng mắc quai, tiếng để đời!...” [40, 46]. Ngược lại với Nam, Bân lại xông xáo nhiệt tình với các lời mời thậm chí thấy Nam không muốn đi Bân còn đến dùng đủ mọi lời lẽ để thuyết phục: “Ông phải hiểu rằng bạn đọc người ta đang rất sùng mộ ông, sau mấy cuốn sách vĩ đại ông vừa lăng ra cho thiên hạ vừa rồi. Nay ông xuống trò chuyện với người ta về những cuốn sách ấy thì có gì là sai nào!” [40, 47]. “Ông Nam ạ, tôi vẫn phục sự hiểu đời của ông. Nhưng, ông hiểu một mà chưa hiểu hai. Người ta mời

ông xuống, tức là người ta có nhu cầu. Sống phải thực hiện nhu cầu của người khác, đó là luật đời phải hiểu. Nay mai,nhu cầu này hết, ông có muốn đi người ta cũng không mời. Ở đời cần phải hành động đúng lúc. Đúng thời điểm ông ạ” [40, 48]. “Thôi, ông không đi thì thôi. Nhưng thật là phí đấy. Một vùng trời mây non nước bán sơn địa tuyệt đẹp. Một vùng văn hoá cổ nữa. Hoài của!” [40, 49]. Bân xông xáo, nhiệt tình với các chuyến đi vì Bân là một con người thực dụng: “Bân coi nghề chỉ là một phương tiện cần triệt để lợi dụng để kiếm chác” [40, 51].

Trong truyện Thầy đàn cũng với thủ pháp nghệ thuật ấy, Ma Văn Kháng đã xây dựng nên câu chuyện xoay quang những con người của một phòng biên tập thuộc cơ quan văn hoá. Phòng có năm người. Một người trong vai người kể truyện còn ba người Ngoặt, Trưng, Chảng kết hợp với Quách thủ trưởng cơ quan là những đại diện tiêu biểu của những cái dốt nát, nham hiểm. Chỉ còn lại một nhân vật ông Huynh nổi lên như một sự hiếm hoi của tài năng, trí tuệ, nhân cách tốt đẹp nhưng lại bị vùi dập. Và xung đột đã xẩy ra. Kẻ nham hiểm đã thừa lúc ông Huynh sơ hở, bỏ thuốc phiện vào cặp, hãm hại ông. Kết quả mà ông Huynh phải nhận là “từ chức. Quách lên thay. Giờ tôi ở vị trí này, tôi phải cẩn trọng, vì họ vốn không ưa tôi, cũng như không ưa sự nổi trội xuất sắc về trí tuệ đâu. Ngẫm ra thì lúc nào cũng vẫn có sự đối nghịch giữa ánh sáng và bóng đêm, giữa quang minh chính đại và lén lút tăm tối, giữa quân tử và tiểu nhân, giữa mình và các đồng nghiệp của mình” [50, 137]. Đó là bài học ông Huynh đã rút ra sau khi bị vu oan giá họa. Nhưng có phải ông sống khép mình, ông muốn được yên mà được đâu. Trong buổi họp cơ quan nhân có thủ trưởng mới ở Tổng cục xuống tham dự những kẻ dốt nát tìm mọi cách để gây sự chú ý với người thủ trưởng ấy vậy mà người thủ trưởng ấy lại dành sự chú ý nhiều nhất của mình cho ông Huynh, ông mang đàn đến đặt vào tay ông Huynh đề nghị ông Huynh đánh.Và ông Huynh đã đáp ứng đề nghị đó nhưng đang đàn thì đàn đứt dây và ông bị bọn người đê tiện kia lấy đó là

cái cớ để vu khống: “Hôm sau ông Huynh được mời lên văn phòng ông trưởng ban. Ở đó có bốn người chờ ông. Ông Quách là chính quyền. Còn ba người thợ da nọ đại diện cho ba đoàn thể. Họ đồng thanh hoạch ông, rằng ông đã giật đứt dây đàn. Ông bỉ mặt họ!” [50, 143]. Để đáp lại: “Ông Huynh nhìn vào mặt họ, nói: “Các ông là một bọn lưu manh”. Rồi đứng dậy, đi ra khỏi buồng. Ông về hưu từ hôm đó” [50, 143].

Trong truyện Kiểm, chú bé,con người, thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập được tác giả sử dụng để tạo nên một cốt truyện phản ánh quan hệ giữa mẹ ghẻ con chồng. Người mẹ ghẻ trong truyện được xây dựng là một phụ nữ nanh nọc, độc ác, nhẫn tâm. Đối lập với nhân vật này là chú bé Kiểm con chồng lại là một đứa bé rất hiểu biết, chịu khó, đầy lòng thương người, vị tha. Ngoài ra còn có thể kể ra đây một loạt các truyên ngắn khác mà khi đọc chắc chắn chúng ta cũng có thể nhận ra nghệ thuật tương phản, đối lập được Ma Văn Kháng sử dụng để xây dựng nên cốt truyện như

Trung du chiều mưa buồn, Mảnh đạn, Đầm sen, Người đánh trống trường, Cái Tý Ngọ, Nợ đời, Suối mơ, Thầy Khiển, Dấn thân vào chốn nguy hiểm…

Một phần của tài liệu Đặc sắc truyện ngắn ma văn kháng sau 1980 (Trang 84 - 86)