Quan niệm về tổ chức học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC CHO học SINH LĨNH hội CHUẨN KIẾN THỨC TRONG dạy học LỊCH sử VIỆT NAM lớp 12 TRƯỜNG TRUNG học PHỔ THÔNG (CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN) (Trang 27 - 30)

Theo quan niệm hiện nay, dạy học là một quá trình tương tác giữa thầy và trò, trong đó thầy giáo đóng vai trò chủ đạo trong việc điều chỉnh, tổ chức, hoạt động nhận thức của học sinh, trò thì tự giác tích cực trong việc tự điều chỉnh, tự tổ chức hoạt động nhận thức của bản thân nhằm đạt tới mục đích dạy học.

Mục đích của hoạt động dạy là cải thiện và hoàn thiện nhận thức, kỹ năng thực hành của học sinh, góp phần hình thành phát triển nhân cách của các em phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của xã hội. Mục đích của hoạt động học là chiếm lĩnh những tri thức, kinh nghiệm xã hội, giá trị văn hóa loài người để lại, trên cơ sở đó mà hình thành năng lực sáng tạo trong việc cải tạo tự nhiên và xã hội.

Tuy nhiên, thực tiễn dạy học hiện nay đang tồn tại một mâu thuẫn khá phổ biến giữa một bên là nội dung dạy học không ngừng đổi mới theo hướng hiện đại hóa, trong khi thời gian học tập của người học thì có hạn.

Đồng thời, cùng với việc phát triển mạnh mẽ của khoa học – kỹ thuật hiện nay, tri thức của con người ngày càng phong phú, học sinh có thể tiếp xúc với nhiều nguồn kiến thức từ nhiều kênh thông tin khác nhau. Bên cạnh đó, trong các hoạt động giao lưu, học tập các em ngày càng có nhiều vốn sống, năng lực nhận thức cũng phát triển nhanh hơn cho nên trong quá trình dạy học hiện nay học sinh có xu hướng “không thỏa mãn với vai trò của người tiếp thu thụ động, không chỉ chấp nhận các giải pháp có sẵn được đưa ra” [5.tr7]. Các em dần có ý thức vượt ra khỏi tri thức, kỹ năng do chương trình quy định. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu mong muốn của học sinh trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng cần phải có một quá trình dạy học tích cực để hướng dẫn, tổ chức các em tự mình làm chủ kiến thức.

Tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức là một trong những quá trình dạy học tích cực góp phần phát triển năng lực cá nhân của học sinh. Đồng thời, khắc phục tình trạng quá tải về nội dung kiến thức như hiện nay trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng. Tuy nhiên, khi đã xây dựng những hệ thống kiến thức cơ bản, chuẩn kiến thức thì giáo viên sẽ phải làm gì để tổ chức cho học sinh lĩnh hội những kiến thức đó?

Lý luận dạy học đã chỉ rõ: “Lĩnh hội kiến thức là quá trình người học xây dựng lại kiến thức đã tiếp thu được bằng kinh nghiệm bản thân thông qua họat động học. Quá trình lĩnh hội kiến thức cũng là quá trình hình thành nhân cách, vì trong quá trình đó con người chiếm lĩnh kinh nghiệm xã hội biến thành kinh nghiệm của mình. Quá trình này mang tính sáng tạo chứ không đơn giản là làm theo, rập khuôn”. Mặt khác, “lĩnh hội kiến thức là hoạt động nhận thức có tổ chức và được thực hiện trong điều kiện sư phạm nhất định là quá trình phát triển trí tuệ. Lĩnh hội kiến thức bao gồm các mức độ biểu hiện: biết, hiểu, và vận dụng” [11, tr.17].

Hoạt động độc lập nhận thức của học sinh là một trong những điều kiện có ý nghĩa quan trọng đảm bảo kết quả lĩnh hội kiến thức. Có hai cách lĩnh hội kiến thức: Lĩnh hội sáng tạo (dựa trên cơ sở tư duy độc lập) và Lĩnh hội tái tạo (dựa trên cơ sở nhớ lại và hiểu biết những kiến thức có sẵn). Trong giờ học lịch sử giáo viên cần phải có sự kết hợp giữa hai cách lĩnh hội này, song cần đặc biết chú ý tới lĩnh hội sáng tạo của học sinh. Có nhiều con đường biện pháp khác nhau để phát triển các hoạt động nhận thức của học sinh trong đó sử dụng các phương pháp dạy học tích cực là một trong những biện pháp cần thiết.

Phương pháp dạy học tích cực là một thuật ngữ rút gọn, được dùng ở nhiều nước để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Phương pháp dạy học tích cực bao gồm các phương pháp dạy học mới như: dạy học nêu vấn đề, đàm thoại, hoạt động nhóm, đóng vai... và các phương pháp dạy học truyền thống được vận dụng theo quan điểm dạy học tích cực như: sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu học tập, sử dụng đồ dùng trực quan… muốn tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức thông qua phương pháp tích cực kể trên cần phải có sự phối hợp, tác động qua lại giữa giáo viên và học sinh.

Giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức theo kiểu một chiều, thầy đọc trò chép nữa mà trên cơ sở những kiến thức cơ bản đã có giáo viên tạo ra những tình huống có vấn đề để học sinh giải quyết các vấn đề đó, có thể là từng cá nhân suy nghĩ giải thích hoặc là các em có thể trao đổi theo nhóm để tìm ra những câu trả lời đúng nhất. Có như vậy các em mới biến những kiến thức được học được tìm hiểu thành kiến thức của mình, việc ghi nhớ sẽ lâu hơn, thay vì học thuộc lòng và ghi chép như trước đây.

Như vậy, để tổ chức hoạt động lĩnh hội kiến thức cho học sinh trên lớp đạt hiểu quả thì giáo viên cần phải đổi mới về khâu thiết kế bài giảng của mình, thay vì tập trung quá nhiều vào các hoạt động của giáo viên thì nên chuyển sang thiết kế các hoạt động tự học của học sinh, với một bản kế hoạch rõ ràng chi tiết cho từng nội dung của bài học. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động độc lập và hoạt động theo nhóm với các nhiệm vụ học tập cụ thể.

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC CHO học SINH LĨNH hội CHUẨN KIẾN THỨC TRONG dạy học LỊCH sử VIỆT NAM lớp 12 TRƯỜNG TRUNG học PHỔ THÔNG (CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN) (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(131 trang)
w