- Nội dung thực nghiệm: chúng tôi tiến hành thực nghiệm sư phạm bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973 – 1975) trong SGK Lịch sử lớp 12 (Chương trình Chuẩn). Trong giáo án các lớp dạy thực nghiệm (xem Phụ lục 2), chúng tôi có áp dụng một số biện pháp tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức. Với các lớp đối chứng, học sinh vẫn học tập với giáo án và phương pháp giảng dạy quen thuộc hàng ngày của thầy cô.
- Phương pháp thực nghiệm: trước khi tiến hành thực nghiệm, chúng tôi tiến hành dự giờ đồng nghiệp để nắm bắt về tình hình giảng dạy và học tập bộ môn ở các trường có lớp thực nghiệm. Qua trao đổi với giáo viên tham gia dạy thực nghiệm, chúng tôi thống nhất: Chọn cùng một giáo viên dạy giáo án bình thường và giáo án thực nghiệm; khi dạy ở lớp thực nghiệm, giáo viên tiến hành đúng với mục đích yêu cầu, nội dung và phương pháp giảng dạy được trình bày trong giáo án của chúng tôi; khi dạy ở lớp đối chứng, giáo viên giảng dạy theo giáo án bình thường hàng ngày mà thầy cô vẫn sử dụng.
Sau đó, chúng tôi tìm cách xử lí những yếu tố tác động đến quá trình thực nghiệm, để cân bằng các điều kiện khách quan và chủ quan, tạo sự tương đồng giữa lớp thực nghiệm và lớp đối chứng.
Sau khi hoàn thành các tiết dạy thực nghiệm và đối chứng, chúng tôi cùng với một số giáo viên bộ môn tham gia kiểm tra kết quả lĩnh hội kiến thức của học sinh ở cả lớp dạy thực nghiệm và lớp đối chứng (xem phụ lục).
2.3.4. Kết quả thực nghiệm sư phạm
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, chúng tôi sử dụng phương pháp thống kê toán học để tính toán kết quả kiểm tra của học sinh lớp thực nghiệm và lớp đối chứng. (xem Phụ lục).
Về mặt định tính: Qua trao đổi với giáo viên và học sinh sau tiết học, đa số các ý kiến đều cho rằng việc áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học theo giáo án thực nghiệm đã phát huy được tính tích cực của học sinh, không khí tiết học sinh động hơn. Với vai trò định hướng dẫn dắt của giáo viên, học sinh chủ động khám phá tri thức đã tạo điều kiện thuận lợi để các em nắm vững kiến thức cơ bản của bài học.
Về mặt định lượng, kết quả tính toán cho thấy:
- Điểm trung bình chung của lớp thực nghiệm là: 6.5; lớp đối chứng là: 5.8 - Độ lệch chuẩn của lớp thực nghiệm là: 1,9; lớp đối chứng là: 2,0.
Như vậy, kết quả học tập của lớp thực nghiệm cao hơn lớp đối chứng. - Giá trị tương quan (t) giữa lớp thực nghiệm và đối chứng là: 4,76. Chọn α = 0.05 ta có tα = 1.96. Như vậy, t > tα, khẳng định những biện pháp mà chúng tôi đề xuất là có tính khả thi.
Với kết quả thực nghiệm sư phạm thu được, cho phép khẳng định việc áp dụng các biện pháp tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức trong dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 Trung học phổ thông (Chương trình Chuẩn) do luận văn đề xuất là có tính khoa học và khả thi.
Tiểu kết chương 2
Trên cơ sở yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kĩ năng của môn học được xác định trong tài liệu: “Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Lịch sử lớp 12” [6, tr 13-78], chúng tôi đã đề xuất một số biện pháp tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức trong dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 trường Trung học phổ thông (Chương trình Chuẩn) bao gồm: Khai thác đồ dùng trực quan; dạy học nêu vấn đề; sử dụng sách giáo khoa và các
loại tài liệu học tập; xây dựng và sử dụng hệ thống câu hỏi; hoạt động nhóm, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Qua thực nghiệm sư phạm, những biện pháp tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức mà luận văn đưa ra đã xác định được tính khoa học và tính khả thi. Không chỉ vận dụng trong dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 trường Trung học phổ thông (Chương trình Chuẩn), các biện pháp này còn có thể vận dụng trong các khóa trình lịch sử khác ở trường Trung học phổ thông. Tuy nhiên, từ cơ sở và lí luận dạy học lịch sử ở trường phổ thông cho thấy không có biện pháp dạy học nào là toàn năng. Tùy vào đối tượng học sinh, mục tiêu, nội dung bài học mà giáo viên có thể lựa chọn một biện pháp cụ thể hoặc kết hợp linh hoạt, sáng tạo các biện pháp với nhau tạo điều kiện cho học sinh nắm vững, nhớ lâu kiến thức cơ bản.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học lịch sử hiện nay, các phương pháp mới đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, bước đầu thể hiện được những ưu thế, làm phong phú hệ thống các phương pháp học tập. Nhưng vẫn cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp truyền thống với hiện đại, nhất là mỗi giáo viên phải không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, lòng yêu nghề góp phần nâng cao chất lượng bộ môn.
KẾT LUẬN
Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn vận dụng vào dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 trường Trung học phổ thông (Chương trình Chuẩn), từ kết quả thực nghiệm sư phạm, chúng tôi rút ra kết luận và một số đề xuất như sau:
1. Trong dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng việc giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các ngành khoa học, trong đó có khoa học Lịch sử và sự bùng nổ thông tin, vấn đề dạy cái gì, dạy như thế nào vẫn là một trở ngại với không ít giáo viên. Hiệu quả bài học lịch sử phụ thuộc nhiều vào việc làm thế nào để giáo viên có thể xác định được mức độ cơ bản, tối thiểu về kiến thức; lựa chọn phương pháp trình bày hiệu quả để tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức.
2. Từ thực tế điều tra giáo viên và học sinh, chúng tôi nhận thấy vẫn còn khá nhiều giáo viên và học sinh chưa có nhận thức đúng khái niệm về Chuẩn kiến thức, kĩ năng. Đa số giáo viên mới chỉ thụ động sử dụng nội dung Chuẩn kiến thức được xác định trong bộ tài liệu “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Lịch sử Trung học phổ thông”, tài liệu “Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học môn Lịch sử, cấp Trung học phổ thông”
của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà chưa nghiên cứu nắm vững cơ sở lí luận về Chuẩn kiến thức, kĩ năng. Nhiều giáo viên chưa nghiên cứu tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới, dẫn đến nhiều bất cập, chưa sử dụng hiệu quả các biện pháp tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng và vị thế bộ môn lịch sử chậm được cải thiện.
3. Xuất phát từ thực trạng trên, chúng tôi đã nghiên cứu cơ sở lí luận và đề ra một số biện pháp để tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức trong
dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 trường Trung học phổ thông (Chương trình Chuẩn). Trong đó tập trung làm rõ khái niệm, cơ sở xác định Chuẩn kiến thức, kĩ năng trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông. Đặc biệt, việc xây dựng và sử dụng một số biện pháp để tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức, đã xác định được tính khả thi qua kết quả thực nghiệm sư phạm.
4. Qua thực tiễn giảng dạy và kết quả nghiên cứu của đề tài, chúng tôi đề xuất một vài kiến nghị sau:
Cần có những giải pháp đồng bộ để mọi người có quan niệm đúng về môn Lịch sử từ các cấp quản lý đến cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Tiếp tục tổ chức hiệu quả các đợt tập huấn định kì, giúp giáo viên kịp thời cập nhật, vận dụng những thành tựu mới của lí luận dạy học. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên về cơ sở lí luận và biện pháp tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức kĩ năng trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông.
Qua thực tiễn giảng dạy, trao đổi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy ở một số trường phổ thông, nhất là những trường nằm trên địa bàn kinh tế còn khó khăn, việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học môn Lịch sử còn chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn cho việc đổi mới phương pháp dạy học. Nhất là để áp dụng biện pháp: khai thác đồ dùng trực quan hoặc áp dụng công nghệ thông tin giúp học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức mà luận văn đề xuất. Nhưng với đa số các trường phổ thông hiện nay, mặc dù được trang bị tương đối đầy đủ về đồ dùng về đồ dùng, phương tiện dạy học lịch sử, nhưng một số giáo viên vẫn ngại sử dụng hay sử dụng đối phó, hình thức khiến các tiết học khô cứng, nhàm chán.
Vì thế, tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường, từng địa phương và đối tượng học sinh để giáo viên nghiên cứu, lựa chọn các biện pháp sư phạm hiệu quả với mỗi bài học cụ thể để tổ chức, hướng dẫn cho học sinh chủ động, tích cực trong lĩnh hội Chuẩn kiến thức, kĩ năng. Mặt khác, giáo viên phải có
khả năng kết hợp sáng tạo các phương pháp dạy học nhằm đảm bảo thực hiện đúng nội dung, yêu cầu của chương trình theo quy định. Tránh cắt xén hoặc ôm đồm kiến thức, không xác định đúng Chuẩn kiến thức kĩ năng làm cho chương trình trở nên nặng nề, quá tải.
Một trong những nhân tố quyết định trong việc đổi phương pháp dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng là chất lượng đội ngũ giáo viên. Do nhiều nguyên nhân, hiện nay còn nhiều giáo viên lịch sử chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học, vẫn áp dụng phương pháp truyền thụ một chiều, áp đặt không khơi dậy được năng lực tư duy, khả năng sáng tạo của học sinh. Do đó, cần có cơ chế phù hợp thu hút người tài, có tâm huyết vào lĩnh vực sư phạm, nhất là với những bộ môn còn bị xem là môn phụ như môn Lịch sử.
5. Những kết quả bước đầu thu được của đề tài chưa giải quyết hết những yêu cầu mà thực tiễn đặt ra, nhưng cũng là cơ sở quan trọng để chúng tôi tiếp tục đi sâu nghiên cứu trong tương lai. Đồng thời, cần có sự quan tâm nghiên cứu sâu rộng, hoàn thiện hơn nữa của các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và quí thầy cô đồng nghiệp.