Trong dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng việc xây dựng và sử dụng hệ thống câu hỏi là một trong những biện pháp quan trọng giúp học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức. Đặc biệt, khi thực hiện các phương pháp dạy học
tích cực việc xây dựng và sử dụng hệ thống câu hỏi càng cần thiết nhằm tích cực hóa hoạt động học tập, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
Câu hỏi là thuật ngữ dùng để chỉ việc nêu ra vấn đề cần có cách giải quyết. Khi sử dụng trong dạy học, câu hỏi là câu nói yêu cầu học sinh phải thực hiện một nhiệm vụ nào đó, là đưa ra một vấn đề nhận thức để học sinh phải tìm tòi, suy nghĩ mới tìm ra câu trả lời. Câu hỏi phải nhằm vào một đối tượng cụ thể, trong những trường hợp nhất định.
Hệ thống câu hỏi trong dạy học là “bộ câu hỏi mà giáo viên dùng để dẫn dắt học sinh tìm hiểu, khám phá hoặc khám phá lại tri thức, nội dung của bài học”. Căn cứ vào nội dung kiến thức mà học sinh cần tiếp thu ở mỗi bài mà giáo viên xây dựng và sử dụng nhiều hay ít câu hỏi trong hệ thống câu hỏi.
Chức năng cơ bản của câu hỏi trong dạy học là tác động, kích thích khả năng tư duy, tổ chức đưa học sinh vào tình huống có vấn đề và thông qua các thao tác tư duy: phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát hóa, cụ thể hóa để tìm hiểu và giải đáp được vấn đề mà câu hỏi đặt ra. Thông qua hệ thống câu hỏi, giáo viên dẫn dắt, lôi cuốn học sinh tham gia tích cực vào quá trình học tập để rèn luyện kĩ năng và lĩnh hội kiến thức cơ bản.
Căn cứ vào đặc điểm loại kiến thức mà hệ thống câu hỏi có sự khác nhau về cấu trúc, trong đó có câu hỏi nêu vấn đề, câu hỏi gợi mở, nhưng dù ở dạng nào thì hệ thống câu hỏi cũng cần đảm bảo mấy yếu tố sau: Một là, hệ thống câu hỏi phải xoay quanh trọng tâm kiến thức của bài, của khóa trình.
Hai là, hệ thống câu hỏi phải đảm bảo tính vừa sức đối với học sinh, phải chứa đựng tình huống có vấn đề (câu hỏi nêu vấn đề) hoặc là một bộ phận của tình huống có vấn đề (câu hỏi gợi mở). Ba là, hệ thống câu hỏi phải được diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện tính logic, tạo ra mối liên hệ bên trong của học sinh và giữa học sinh với giáo viên trong quá trình dạy học.
Câu hỏi nêu vấn đề:
Có nhiều cách đặt mục đích học tập cho học sinh khi tìm hiểu bài học mới nhưng có lẽ phổ biến và hiệu quả hơn cả là sử dụng câu hỏi nêu vấn đề dưới dạng bài tập nhận thức. Vì tư duy thường xuất hiện khi bắt gặp một vấn đề, một câu hỏi hay một tình huống gây ngạc nhiên, mâu thuẫn giữa những cái đã biết với những cái chưa biết cần tìm.
Xây dựng câu hỏi nêu vấn đề có nhiều cách như: nêu ra một sự kiện, hiện tượng lịch sử với nhiều nhận định khác nhau, thậm chí trái ngược nhau để kích thích học sinh suy nghĩ; nêu ra mâu thuẫn giữa kiến thức cũ và kiến thức mới; đưa ra tình huống có vấn đề xuất phát từ bản thân sự vận động của lịch sử.
Sử dụng câu hỏi nêu vấn đề sẽ bộc lộ nội dung cơ bản của bài học, thu hút khả năng tập trung của học sinh, sẽ “đẩy mạnh bản thân quá trình lĩnh hội tài liệu ban đầu. Chúng sẽ tăng thêm tính chất định hướng nhất định cho việc lựa chọn và tư duy tài liệu, học sinh lựa chọn và suy nghĩ sâu sắc tài liệu tiếp thu được trên quan điểm, vấn đề đặt ra cho học sinh”[14, tr. 45].
Trong dạy học lịch sử, câu hỏi nêu vấn đề thường được giáo viên đưa ra vào đầu giờ hoặc đầu mục để hướng tư duy học sinh vào nội dung và biện pháp tìm kiếm kiến thức cơ bản. Để tìm ra lời giải của câu hỏi nêu vấn đề, học sinh phải huy động nhiều thao tác tư duy: tập trung quan sát sách giáo khoa và các loại tài liệu tham khảo, theo dõi bài giảng của giáo viên, tổng hợp, so sánh để tìm ra cách giải quyết. Chúng tôi sẽ làm rõ hơn vấn đề này qua ví dụ cụ thể trong phần Lịch sử Việt Nam lớp 12 Trung học phổ thông (Chương trình Chuẩn).
Ví dụ, khi dạy bài 21: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954 - 1965), giáo viên đưa ra câu hỏi nêu vấn đề đầu giờ cho cả bài ngay trong phần dẫn
nhập: Sau Hiệp định Giơnevơ 1954 về việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Miền Bắc tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, bước vào thời kì quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam vừa phải tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vừa đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai. Trong bối cảnh ấy, Đảng ta đã làm gì để lãnh đạo cách mạng mỗi miền thực hiện những nhiệm vụ riêng khác nhau, nhưng không tách rời nhau mà hỗ trợ cho nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ chung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước? Để làm rõ vấn đề này, thầy trò chúng ta cùng tìm hiểu nội dung bài học hôm nay.
Với cách đặt vấn đề như vậy một mặt nêu được nội dung chính, kiến thức cơ bản mà học sinh cần tìm hiểu, mặt khác tạo ra tình huống có vấn đề: Tại sao đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau, thực hiện những nhiệm vụ riêng khác nhau, nhưng không tách rời nhau mà thống nhất, hỗ trợ cho nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ chung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính sự tò mò, thắc mắc của học sinh sẽ lôi cuốn các em say mê tìm hiểu bài mới, để giải thích hiện tượng lịch sử này. Qua đó, phát triển tư duy học sinh, giáo dục cho các em niềm tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, lạc quan về tương lai của dân tộc.
Trong hệ thống câu hỏi, câu hỏi nêu vấn đề còn được sử dụng cho từng mục, từng phần của bài học. Cũng trong bài 21: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954 - 1965), khi dạy mục I. Tình hình và nhiệm vụ cách mạng nước ta sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, giáo viên dẫn dắt học sinh bằng câu hỏi nêu vấn đề: Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương,
Ta và Pháp đã thực hiện nội dung Hiệp định như thế nào? Một trong những nội dung của Hiệp định Giơnevơ là đến tháng 7 năm 1956, Việt Nam sẽ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, điều khoản quan trọng này có được thực hiện hay không? Vì sao? Việc Mĩ thay thế Pháp dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm nhằm thực hiện âm mưu thâm độc gì?
Như vậy, câu hỏi nêu vấn đề không chỉ giúp học sinh xác định nhiệm vụ học tập chủ yếu và kết quả cần đạt được qua mỗi bài, mỗi mục mà còn kích thích sự quan tâm, tập trung xây dựng bài học. Đối với học sinh học sinh Trung học phổ thông, giáo viên nên tăng cường đầu tư xây dựng và sử dụng câu hỏi nêu vấn đề, nhằm đáp ứng hoạt động tư duy ngày một trưởng thành của các em.
Câu hỏi gợi mở:
Trong dạy học lịch sử, câu hỏi nêu vấn (câu hỏi trọng tâm) đề có nhiều lợi thế trong việc thu hút sự quan tâm, kích thích năng lực tư duy của học sinh để lĩnh hội Chuẩn kiến thức. Tuy nhiên, đây thuộc loại câu hỏi khó với nhiều học sinh trong lớp, các em khó trả lời ngay được đầy đủ, chính xác đáp án. Để khắc phục tình trạng này, giáo viên nên xây dựng và sử dụng các câu hỏi gợi mở (một loại trong hệ thống câu hỏi) giúp học sinh giải đáp từng nội dung mà câu hỏi nêu vấn đề đặt ra.
Trên cơ sở xác định đúng kiến thức trọng tâm cần đạt được trong bài, giáo viên xây dựng thành một hệ thống câu hỏi gợi mở tương ứng. Trong sách giáo khoa, cuối mỗi mục, mỗi bài thường có từ một đến ba câu hỏi, những câu hỏi này là cơ sở để giáo viên xác định kiến thức cơ bản cần truyền đạt tới học sinh, đồng thời bổ sung để xây dựng hệ thống câu hỏi của bài. Những câu hỏi đặt ra bắt buộc học sinh phải suy nghĩ, phải kích thích được lòng ham hiểu biết, tính sáng tạo và nhu cầu khám phá tri thức của các em. Khi xây dựng hệ thống câu hỏi gợi mở cần phải có sự đa dạng, có những câu hỏi khó cho học
sinh khá giỏi và cả những câu hỏi dễ lôi cuốn những học sinh yếu kém tích cực hoạt động, từ đó các em có hứng thú học tập để bổ sung và tiến tới nắm vững kiến thức cơ bản của bài học
Ví dụ, khi dạy bài 15: Phong trào dân chủ 1936 – 1939, mục I. 2. Tình hình trong nước, giáo viên đưa ra câu hỏi trọng tâm: Tại sao nói, những năm 1936 – 1939 là giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn lạc hậu và lệ thuộc vào kinh tế Pháp? Để trả lời được câu hỏi này đòi hỏi học sinh tổng hợp thông tin, tập hợp các dữ kiện, khái quát vấn đề và chuẩn bị khả năng lập luận nên các em khó lòng trả lời ngay được. Do vậy, giáo viên cần đưa ra câu hỏi gợi mở: Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933, thực dân Pháp đầu tư vào những ngành kinh tế nào? Mục đích đầu tư của chúng là gì? Vì sao khoảng 2/3 nông dân không có hoặc có rất ít ruộng đất? Sản lượng các ngành công nghiệp giai đoạn này có sự tăng trưởng như thế nào? Những mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu trong thương nghiệp nước ta thời kì này là gì? Việc đưa ra hệ thống câu hỏi gợi mở không chỉ giúp học sinh lần lượt tập hợp đầy đủ thông tin, dữ liệu để trả lời câu hỏi nêu vấn đề trọng tâm mà còn tạo không khí trao đổi, phát biểu sôi nổi, nâng cao hiệu quả bài học và thúc đẩy sự phát triển của tư duy lịch sử.
Ngoài hai thành phần quan trọng của hệ thống câu hỏi là câu hỏi nêu vấn đề và câu hỏi gợi mở, trong quá trình giảng dạy, căn cứ vào tính chất, nội dung của bài học cụ thể, giáo viên thường đặt ra nhiều loại câu hỏi khác, phổ biến như:
- Loại câu hỏi về sự phát sinh các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Ví dụ:
Hội “Việt Nam Cách mạng Thanh niên” được Nguyễn Ái Quốc thành lập trong hoàn cảnh nào? Vì sao Đảng ta phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp? Em hãy nêu nguyên nhân bùng nổ phong trào “Đồng
khởi” (1959 – 1960). Đây là dạng câu hỏi dễ, thường xuất hiện đầu mỗi mục, vì bất kì sự kiện, hiện tượng lịch sử nào đều xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, đều có nguyên nhân phát sinh ra nó. Đây cũng là đặc diểm tư duy lịch sử cần hình thành cho học sinh.
- Loại câu hỏi về diễn biến hoặc quá trình phát triển của sự kiện, hiện tượng lịch sử. Ví dụ: Em hãy nêu tóm tắt diễn biến của cuộc đảo chính Nhật – Pháp trong đêm 9/3/1945. Hãy cho biết diễn biến chính của cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953 – 1954. Trình bày tóm tắt diễn biến của phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ - Tĩnh. Loại câu hỏi này tuy ít mang tính suy luận nhưng đòi hỏi phải nhớ nhiều địa danh, nhân vật lịch sử, mốc thời gian diễn ra các sự kiện. Do vậy, giáo viên có thể đưa thêm các câu hỏi nhỏ hoặc lập các bảng về các sự kiện để thu hút đông đảo học sinh tham gia phát biểu xây dựng bài.
- Loại câu hỏi nêu lên đặc trưng, bản chất của các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Ví dụ: Vì sao nói, chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh là chính quyền của dân, do dân và vì dân? Chứng minh rằng, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc ta. Phân tích nội dung cơ bản đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng. Đây là loại câu hỏi khó thường dùng cho học sinh khá giỏi thảo luận để bổ trợ kiến thức cho học sinh yếu hơn. Trong một số trường hợp, giáo viên có thể đưa thêm những câu hỏi gợi mở để các em tìm ra câu trả lời.
- Loại câu hỏi tìm hiểu kết quả, nguyên nhân dẫn đến kết quả ấy và ý nghĩa lịch sử của các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Ví dụ: Sau hơn hai tháng chiến đấu, chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947 kết thúc đã đem lại cho ta những kết quả gì? Em hãy nêu nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Dạng câu hỏi này dùng cho học sinh yếu kém, các em tự phát hiện và chiếm lĩnh được những kiến thức cơ
bản, giúp các em hoạt động liên tục (tích cực hoạt động) trong quá trình học tập. Để trả lời loại câu hỏi này, học sinh chỉ cần khai thác sách giáo khoa và tài liệu tham khảo để trình bày theo cách hiểu và ngôn ngữ của mình mà tránh lặp lại sách giáo khoa. Lịch sử là kết quả của một quá trình phát triển liên tục, trong quá trình ấy các sự kiện đan xen nhau, quan hệ chặt chẽ với nhau. giáo viên cần giúp học sinh nhận thức được quy luật vận động của các sự kiện đó.
- Loại câu hỏi nhằm so sánh, đối chiếu giữa các sự kiện, hiện tượng lịch sử với nhau. Ví dụ: Em hãy tìm khác biệt cơ bản về: nhiệm vụ, hình thức đấu tranh và lực lượng tham gia giữa phong trào cách mạng 1930-1931 với phong trào dân chủ 1936-1939? So với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, thì Luận cương chính trị do Trần Phú khởi thảo có những hạn chế gì? Em hãy so sánh về âm mưu, thủ đoạn giữa chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mĩ.
Đây là dạng câu hỏi cũng thuộc loại khó, để trả lời được dạng câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải có khả năng tổng hợp, khái quát kiến thức đã học. Loại câu hỏi này giúp học sinh củng cố, ôn tập lại kiến thức cũ vừa tiếp nhận kiến thức mới và áp dụng khi hoạt động thảo luận nhóm để các em bổ trợ kiến thức cho nhau để cùng nhau giải quyết vấn đề.
Tóm lại, các câu hỏi trên tạo thành hệ thống câu hỏi hoàn chỉnh, giúp cho học sinh nhận thức bài học lịch sử một cách hệ thống hợp quy luật: nguyên nhân, diễn biến, kết quả và tác động của mỗi sự kiện, hiện tượng lịch sử trong mỗi bài học.Trong bài giảng, việc vận dụng linh hoạt, mền dẻo các dạng câu hỏi thành một hệ thống câu hỏi logic không những giúp học sinh nhận thức sâu sắc bản chất của các sự kiện, hiện tượng lịch sử ấy, mà còn giúp các em phát triển khả năng tư duy, tinh thần ham học hỏi để lĩnh hội Chuẩn kiến thức, kĩ năng qua từng bài học