2.1 Những yêu cầu khi xác định các biện pháp hướng dẫn học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức hội chuẩn kiến thức
Phần Lịch sử Việt Nam lớp 12 Trung học phổ thông (Chương trình Chuẩn) là phần kiến thức rộng, với nhiều sự kiện đan xen phức tạp. Các sự kiện lịch sử Việt Nam có tác động qua lại với lịch sử thế giới, có ảnh hưởng nhất định đến lịch sử khu vực và thế giới. Mặt khác, lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919 – 2000 còn mang nhiều yếu tố “động” trong khi sách giáo khoa tương đối “tĩnh”, không thể thường xuyên cập nhật những thay đổi của tình hình thực tế. Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay, nguồn tài liệu tham khảo rất đa dạng, phong phú: sách vở, báo đài, mạng internet. Bên cạnh mặt tích cực trong việc giúp các em mở rộng, đào sâu kiến thức lại có những tư liệu không chính thống ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh. Do đó, việc đề ra các biện pháp hiệu quả giúp học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức, kỹ năng trong dạy học Lịch sử Việt Nam giai đoạn (1919 – 2000) đặt ra nhiều khó khăn đối với giáo viên.
Để góp phần khắc phục những khó khăn đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành bộ tài liệu Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Lịch sử Trung học phổ thông. Đồng thời để “điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với Chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học môn Lịch sử, cấp Trung học phổ thông (giáo viên thường gọi là tài liệu giảm tải chương trình).
Nhằm thực hiện các tài liệu trên một cách hiệu quả, giúp học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức, kỹ năng theo qui định của chương trình, giáo viên cần tuân thủ các yêu cầu sau:
- Căn cứ vào các tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Lịch sử Trung học phổ thông; Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học môn Lịch sử, cấp Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, giáo viên phải xác định mục tiêu học tập cho từng chương, từng bài cụ thể. Trong mỗi bài, xác định mục nào là kiến thức cơ bản, kiến thức trọng tâm, kĩ năng cần hình thành cho học sinh từ đó xây dựng phương pháp dạy học phù hợp từng nội dung bài học.
- Việc thiết kế bài giảng phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, không cắt xén, lược bỏ kiến thức trong chuơng trình, nhưng cũng không lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa, không nhất thiết phải dạy hết toàn bộ nội dung sách giáo khoa. giáo viên cần quan tâm rèn luyện cho học sinh các kỹ năng, có khả năng vận dụng những kiến thức lịch sử, các qui luật bài học lịch sử vào thực tiễn cuộc sống.
- Trong việc tổ chức dạy học theo Chuẩn kiến thức, kỹ năng cần thiết kế hệ thống câu hỏi, bài tập và tổ chức các hoạt động học tập phù hợp với đối tượng học sinh. Chú trọng sử dụng các phương tiện dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả.
- Để giúp học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức, kỹ năng các phương pháp tổ chức của giáo viên phải hướng vào việc phát huy tính tích cực học tập của các em học sinh là chủ thể của nhận thức. Hoạt động dạy và học chỉ thành công khi có sự tham gia tích cực của cả thầy, trò. Tính tích cực học tập của học sinh biểu hiện qua việc các em tích cực suy nghĩ, chủ động tham gia các hoạt động học tập để tự khám phá, lĩnh hội tri thức, rèn luyện kỹ năng.
Điều đó không chỉ được biểu hiện ở trên lớp mà còn thông qua việc tự giác, tích cực chuẩn bị bài học ở nhà.
- Trong dạy học lịch sử không có phương pháp, kỹ thuật dạy học nào là toàn năng, nên cần kết hợp chúng với nhau một cách linh hoạt, sáng tạo. Cần chú ý đến đặc điểm của kiến thức lịch sử, đối tượng học sinh, điều kiện dạy học mà áp dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học hiệu quả.
- Khi chọn lựa phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo viên cần chú ý đến tâm lí lứa tuổi của học sinh Trung học phổ thông. Kiến thức của học sinh ở Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sẽ khác nhau về mức độ và trình độ nên phương pháp dạy học ở cấp Trung học phổ thông phải chú ý đến việc khơi gợi lại kiến thức, giúp các em nhớ lại kiến thức cũ đã học ở cấp Trung học cơ sở (cấu tạo chương trình đồng tâm) và lĩnh hội, mở rộng, khắc sâu kiến thức mới.
- Để giúp học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức, kỹ năng đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ của nhiều yếu tố, đòi hỏi người thầy phải có năng lực chuyên môn vững vàng, sử dụng thành thạo, linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học.
2.2 Một số biện pháp tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức trong dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 trường Trung học phổ thông trong dạy học lịch sử Việt Nam lớp 12 trường Trung học phổ thông
(Chương trình Chuẩn)