Vai trò, ý nghĩa của việc hướng hẫn học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức trong dạy học Lịch sử ở trường phổ thông

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC CHO học SINH LĨNH hội CHUẨN KIẾN THỨC TRONG dạy học LỊCH sử VIỆT NAM lớp 12 TRƯỜNG TRUNG học PHỔ THÔNG (CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN) (Trang 30 - 35)

thức trong dạy học Lịch sử ở trường phổ thông

Khi nói đến lịch sử là chúng ta nói đến những gì thuộc về quá khứ, đó là quá khứ của con người, quá khứ của xã hội loài người. Tuy nhiên, lịch sử không chỉ là những gì đã trở thành quá khứ mà nó còn gồm cả những gì đang trở thành quá khứ. Quá khứ lịch sử được hình thành được tạo nên bởi vô vàn những sự kiện, hiện tượng, nhân vật, quá trình cụ thể, duy nhất không lặp lại, tồn tại cùng nhau, tác động lẫn nhau trong phạm vi không gian, thời gian trong những hoàn cảnh và điều kiện nhất định. Sự tồn tại của lịch sử vô cùng phức tạp với những mối quan hệ chằng chéo theo mọi chiều hướng trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, chính trị, quân sự, xã hội… Thế nhưng, không phải tất cả các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử… đều được đưa vào chương trình dạy học lịch sử mà ở đây cần phải có sự chọn lọc những nội dung, kiến thức phù hợp với chương trình học của từng cấp học, từng chương học, từng bài học để cuối cùng hoàn thành được mục tiêu và thực hiện được chức năng của bộ môn (chức năng giáo dưỡng, chức năng giáo dục, chức năng phát triển). Và việc tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức là một trong những biện pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu, chức năng của bộ môn qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử.

Trước hết, tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức là cơ sở giúp học sinh nắm vững hệ thống kiến thức cơ bản của bộ môn, theo quy định của chương trình. Đó là hệ thống kiến thức tối thiểu mà học sinh trong cả nước cần phải biết. Từ những kiến thức lịch sử cơ bản ấy giúp học sinh hình dung được bức tranh lịch sử gần đúng như nó đã từng tồn tại mà không phải mất quá nhiều thời gian học tập.

Tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức còn là cơ sở thực hiện chuẩn kỹ năng trong dạy học lịch sử, góp phần phát triển các năng lực nhận thức, kỹ năng, kỹ xảo của học sinh nói chung và rèn luyện các thao tác cũng như chất lượng của tư duy nói riêng.

Có thể nói đây là một trong những vai trò rất quan trọng mà việc tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức mang lại. Thực tế hiện nay có rất nhiều giáo viên khi giảng dạy chỉ cố gắng làm sao truyền tải thật nhiều kiến thức cho học sinh mà quên mất việc phải hình thành các kỹ năng, kỹ xảo cho học sinh qua các bài học cụ thể và việc này dẫn đến hệ quả là các em biết sự kiện, biết nhân vật nhưng lại không biết phân tích đánh giá về sự kiện hay nhân vật lịch sử đã được học… việc này khiến cho kết quả học tập lịch sử của các em không cao, các em chỉ biết mà không hiểu lịch sử cho nên việc xác định đúng đắn chuẩn kỹ năng và có biện pháp phù hợp nhằm thực hiện chuẩn kỹ năng trong dạy học lịch sử là việc làm cần thiết và quan trọng nhằm khắc phục những thiếu xót nói trên.

Tổ chức cho học sinh lĩnh hội Chuẩn kiến thức còn là biện pháp tốt để giáo dục tư tưởng, tình cảm đạo đức cho học sinh.

Thực tiễn trong dạy học lịch sử nhiều giáo viên quá quan tâm tới nội dung kiến thức truyền đạt mà quên mất việc giáo dục đạo đức, tư tưởng cho học sinh, điều này vô tình đã làm mất đi một trong những chức năng quan trọng của bộ môn lịch sử đó là chức năng giáo dưỡng trong việc phát triển thế

hệ trẻ, vì vậy, rất nhiều học sinh biết mơ hồ về lịch sử của dân tộc, thiếu tình yêu đối với lịch sử của dân tộc mình… để khắc phục tình trạng đó nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn, đáp ứng được những yêu cầu của mục tiêu đào tạo thì giáo viên phải xác định đúng đắn hướng thái độ cho học sinh qua dạy học những nội dung cụ thể. Việc tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức phải gắn bó mật thiết với hướng thái độ, đó cũng chính là thực hiện quan điểm dạy học “thông qua dạy chữ để dạy người”. Có thể nói việc tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức trong dạy học lịch sử thông qua các phương pháp dạy học tích cực có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học bộ môn, nhất là trong xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.

Vai trò của giáo viên trong việc tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức

Quá trình dạy học lịch sử là quá trình thống nhất giữa hai hoạt động giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Hai hoạt động này có tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Trước đây, nhiệm vụ của người giáo viên trong cách dạy truyền thống là người truyền đạt kiến thức cho học sinh, giáo viên trở thành trung tâm của lớp học còn học sinh thụ động chờ đợi kiến thức do giáo viên cung cấp. Tuy nhiên, tri thức của loài người lại không ngừng phát triển, trong một khoảng thời gian hạn hẹp 45 phút của một tiết học giáo viên không thể nào cung cấp tất cả những kiến thức thuộc về chuyên môn của mình cho học sinh ghi, chép được. Trong xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay, người giáo viên từ vai trò trung tâm của lớp học, giữ vai trò đặc quyền cung cấp kiến thức có sẵn cho học sinh trở thành người tổ chức, hướng dẫn, học sinh tự tìm đến với kiến thức và biến việc học tập của học sinh trở thành nhu cầu của mỗi cá nhân. Trong cuốn “Phương pháp dạy học truyền thống và đổi mới” tác giả Thái Duy Tuyên có nói đến quan niệm của nhà

Giáo dục học T. Makiguchi (Nhật Bản) về vai trò của người thầy: Trong tác phẩm “Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo” T. Makiguchi đã đề cập tới vấn đề quá trình phát triển của giáo dục tương ứng với nó là sự thay đổi vai trò của người thầy trong quá trình, giáo dục. Một số thay đổi được ông đề cập trong tác phẩm của mình đó là: trong thời kỳ chuyển giao trực tiếp tri thức, thì người thầy hoàn hảo phải là người có tri thức rộng về điều mình dạy, khả năng truyền đạt tri thức đó là một nhân cách làm gương cho học trò. Trong thời kỳ học tập có hướng dẫn thì người thầy không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức một chiều mà họ như một hướng dẫn viên, duy trì, kích thích, thúc đẩy việc học tập của học sinh, đưa học sinh chủ động tìm đến với kiến thức.

Các nhà Giáo dục học Việt Nam như Nguyễn Cảnh Toàn, Trần Bá Hoành, Vũ Văn Tảo… cũng cho rằng, chức năng chính của người thầy trong quá trình dạy học hiện đại là người tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người học hoạt động, để người học tự giác thu lượm tri thức, chiếm lấy làm tài sản sở hữu của mình. Ngoài ra người thầy còn đóng vai trò là người trọng tài, cố vấn, kết luận về các cuộc tranh luận, đối thoại của trò – trò, thầy – trò, để khẳng định về mặt khoa học kiến thức do người học tự tìm ra. Cuối cùng, thầy là người kiểm tra, đánh giá kết quả tự học của học sinh trên cơ sở trò tự đánh giá, tự điều chỉnh [46, tr.19-21].

Thực tế cho thấy rằng nếu học sinh tự giác có nhu cầu chiếm lĩnh một nội dung tri thức nào đó, thì các em sẽ cố gắng với hết khả năng của mình để chiếm lĩnh tri thức đó khiến cho việc học tập đạt kết quả cao và ngược lại nếu học sinh không có hứng thú nhu cầu muốn làm chủ một nội dung tri thức nào đó thì việc tiếp nhận kiến thức trở nên miễn cưỡng, học rồi quên dẫn đến kết quả học tập thấp kém. Vì thế, việc tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến

thức là một trong những việc làm quan trọng trong việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học lịch sử hiện nay.

Từ những nội dung kiến thức cơ bản, giáo viên sẽ có một kế hoạch cụ thể để thực hiện những phương pháp giảng dạy tích cực nhằm khơi dậy tính tích cực, chủ động nhận thức của học sinh mà sẽ không bị sa đà vào những kiến thức vụn vặt như trước đây.

Để một bài giảng thực sự sinh động, khơi dậy được tính chủ động của học sinh trong việc tiếp thu kiến thức, giáo viên cần phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị, giáo viên cần phải biết chọn lọc nhiều phương pháp dạy học khác nhau dẫn dắt, gợi mở để các em hiểu và tự làm chủ tri thức được tiếp cận.

Làm chủ tri thức ở đây không phải là học sinh học thuộc lòng tất cả những kiến thức mà thầy cô yêu cầu, điểm quan trọng là các em phải “biết”, phải “hiểu”, biết nhận định, đánh giá, biết liên kết những kiến thức đã được học và vận dụng những điều được học vào thực tiễn cuộc sống, có như vậy các em mới thực sự cảm thấy cần phải học lịch sử và yêu thích môn học này.

Tóm lại, nói đến vai trò của giáo viên trong việc tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức chính là là nói đến vai trò của người thầy trong quá trình dạy học hiện đại, theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Việc dạy học luôn là một công việc rất phức tạp, luôn đòi hỏi rất cao ở người giáo viên đặc biệt ở mặt kiến thức và phương pháp giảng dạy, việc xây dựng Chuẩn kiến thức, và hệ thống phương pháp dạy học tích cực có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảng dạy của giáo viên cũng như học tập của học sinh, góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng của bộ môn.

1.2 Thực trạng của việc tổ chức cho học sinh lĩnh hội chuẩn kiến thức

Cơ sở lý luận mà chúng tôi trình bày không chỉ dựa vào những vấn đề được đề cập trong các sách chuyên khảo của các nhà nghiên cứu mà còn dựa vào việc điều tra, khảo sát thực tiễn dạy học lịch sử ở trường phổ thông. Nội dung điều tra là tìm hiểu quan niệm của giáo viên về Chuẩn kiến thức trong dạy học lịch sử Việt Nam, tìm hiểu thái độ học tập và mức độ nắm kiến thức lịch sử cơ bản của học sinh… Biện pháp tiến hành là sử dụng Phiếu điều tra giáo viên và học sinh (xem Phụ lục).

Một phần của tài liệu TỔ CHỨC CHO học SINH LĨNH hội CHUẨN KIẾN THỨC TRONG dạy học LỊCH sử VIỆT NAM lớp 12 TRƯỜNG TRUNG học PHỔ THÔNG (CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN) (Trang 30 - 35)