Những nét chủ yếu về sinh lý chuyển hoá nước và điện giải của cơ thể

Một phần của tài liệu Tài liệu GIÁO TRÌNH GÂY MÊ - HỒI SỨC CƠ SỞ ppt (Trang 34 - 35)

1. Các khu vực chứa nước trong cơ thể

Nước chiếm 60% trọng lượng cơ thể ở người trưởng thành, được phân bố ở ba khu vực: khu vực trong tế bào, khu vực ở khoang gian bào và khu vực trong khoang mạch máu.

Nước ở trong tế bào chiếm 70% tổng số nước của cơ thể và chiếm 40% trọng lượng cơ thể. Nước ở khu vực ngoài tế bào chiếm 28% tổng số nước của cơ thể (20% trọng lượng cơ thể), được phân bố ở khoang gian bào 21% và trong lòng mạch là 7%.

Phần còn lại 2% thuộc về thể tích các chất bài tiết, dịch đường tiêu hoá và dịch não tuỷ. Khu vực trong và ngoài tế bào được ngăn cách bởi một màng sinh học bán thấm, màng này chỉ thấm nước, còn các chất phân tử lớn và các ion không thấm qua được mà chỉ được đi qua bởi các kênh ion đặc thù của nó, chính vì thế tạo nên một sự khác nhau các thành phần ion của hai khu vực. Màng tế bào ngăn cách giữa khoang gian bào và khoang mạch máu cũng dễ thấm nước và các ion, nhưng các phân tử lớn (>35 A0) thì không thấm qua được.

Như vậy ở hai khoang này giống nhau về các thành phần ion, nhưng protein thì chỉ có ở khoang mạch máu và cũng chính là thành phần chủ yếu tạo nên áp lực keo để giữ và duy trì nước trong lòng mạch. Ở người bình thường áp lực keo được bảo đảm bằng 70% bởi các albumin của huyết tương.

2. Lưu chuyển nước giữa các khu vực

2.1. Trao đổi nước giữa khu vực trong và ngoài tế bào

Sự trao đổi nước trong và ngoài tế bào phụ thuộc vào nồng độ các ion Na+

và K+, ion Na+ là ion chủ yếu của dịch ngoài bào, ngược lại ion K+

là ion chủ yếu ở dịch nội bào và cũng là những ion chủ yếu thiết lập áp lực thẩm thấu của cả hai khu vực. Khi có sự thay đổi áp lực thẩm thấu của một khoang thì sẽ tạo ra sự vận chuyển nước để cân bằng áp lực thẩm thấu.

Theo luật Starling các yếu tố chủ yếu trong vận chuyển nước giữa các khu vực lòng mạch và khoảng kẽ là áp lực thuỷ tĩnh (có hướng đẩy nước vào khoảng kẽ) và áp lực keo (có hướng rút nước vào trong lòng mạch). Albumin giữ vai trò chính tạo áp lực keo của huyết tương ngoài ra cũng còn do fibrinogen và globulin. Áp lực keo bình thường vào khoảng 21-25 mmHg, và thường giảm khi có tình trạng hoà loãng máu.

Tóm lại chênh lệch áp lực thuỷ tĩnh có khuynh hướng đẩy nước vào khoảng kẽ, ngược lại với chênh lệch áp lự keo sẽ giữ nước trong lòng mạch máu. Kết quả dòng sinh lý từ khoang mạch máu tới khoang gian bào chính nó được cân bằng bởi sự đáp ứng thích hợp của lưu lượng bạch huyết.

Một phần của tài liệu Tài liệu GIÁO TRÌNH GÂY MÊ - HỒI SỨC CƠ SỞ ppt (Trang 34 - 35)