Nguyên nhân hạn chế

Một phần của tài liệu 233 giải pháp phát triển xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường nhật bản trong giai đoạn hiện nay (Trang 46 - 48)

- Khả năng tiếp cận thị trường Nhật Bản của các DN còn hạn chế, thiếu thông tin về thị trường, về nhu cầu, sở thích của đối tượng khách hàng mà DN hướng tới. DN Việt Nam chưa tìm hiểu đúng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản, đầu tư quá ít cho nghiên cứu thị trường. Chẳng hạn người Nhật có những đòi hỏi cao về chất lượng, độ bền, độ tin cậy và sự tiện dụng của sản phẩm; nhạy cảm với giá cả tiêu dùng hàng ngày, người Nhật quan niệm rằng giá rẻ đồng nghĩa với kém chất lượng, họ sẵn sàng trả tiền cho những sản phẩm sáng tạo, hàng có chất lượng tốt để thể hiện đẳng cấp và địa vị; nhạy cảm với những thay đổi về màu sắc, về mùa, kiểu dáng cũng như sự đa dạng của sản phẩm, ý thức sinh thái của người Nhật hiện nay cũng tăng lên. Nhưng các DN Việt Nam nắm bắt những thông tin này rất chậm và không đầy đủ, kịp thời.

- Đồng thời thảm họa về động đất, kèm theo sự cố hạt nhân của Nhật Bản đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Nhật Bản. Thiệt hại kinh tế do trận thiên tai tại Nhật Bản gây ra có thể lên đến con số 300 tỷ USD ước tính mất đi khoảng 5% GDP. Điều này sẽ tác động nhất định đến đến kinh tế thế giới, cũng như cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Nhật Bản. Sau thảm hoạ này, sức mua của người dân đối với mặt hàng TCMN sẽ giảm sút, tác động bất lợi đến các hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, thảm họa xảy ra tại Nhật khiến việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn, mặt khác, nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng sẽ bị cắt giảm, do đó, xuất khẩu TCMN sang thị trường này ít nhiều bị ảnh hưởng.

- Đa số các cơ sở sản xuất đều nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung giữa các cơ sở sản xuất, máy móc thiết bị lạc hậu dẫn đến việc bỏ lỡ những đơn đặt hàng lớn; hoặc khi có đơn hàng lớn lại gặp phải thiếu nguyên liệu, thiếu lao động, phải huy động các cơ sở gia công riêng lẻ dẫn đến chất lượng hàng hóa không ổn định, hay thời gian giao hàng kéo dài không đảm bảo được thời gian hợp đồng.

- Khâu đào tạo nguồn nhân lực, quản lý lao động còn gặp nhiều hạn chế. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp không lo mất bạn hàng bằng việc mất lao động quen nghề, lành nghề. Bởi lẽ, lao động thủ công hiện nay đa số không có trình độ, khó đào tạo bài bản. Lao động có tay nghề sau một thời gian làm việc, tích lũy được kinh nghiệm lại tìm được chỗ làm mới có thu nhập cao hơn dù rằng cao hơn rất ít.

- Nguồn nguyên liệu khai thác không theo quy hoạch, đầu tư, khiến cho nguyên liệu tại chỗ trở nên cạn kiện và khan hiếm trầm trọng. Điều này khiến cho các DN không chủ động được nguồn hàng xuất khẩu, nguyên liệu thay thế không nhiều và không đảm bảo được chất lượng của sản phẩm.

- Tác động của giá cả trên thị trường thế giới. Giá dầu trên thế giới tăng cao đã kéo theo các mặt hàng phụ kiện như keo, phụ gia, hóa chất tăng, tre, mây tăng, lương trả cho người lao động tăng... đẩy giá thành sản phẩm tăng, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Nếu nhận hàng thì dễ thua lỗ, nếu không nhận hàng sẽ không giải quyết được công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động thủ công.

- Bên cạnh đó cơ quan xúc tiến thương mại quốc gia chưa có những biện pháp hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường kịp thời cho DN xuất khẩu dẫn đến những chậm chễ và để tuột những hợp đồng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao vào tay các đối thủ cạnh tranh lớn như Thái Lan, Indonesia…Việc đàm phán mở cửa thị trường của các Vụ chính sách thị trường vẫn chưa được thực hiện tốt, gây khó khăn cho DN xuất khẩu trong việc mở rộng các phân đoạn thị trường, chiếm lĩnh các thị trường mới tiềm năng hơn các thị trường hiện tại. Hiện Nhà nước vẫn chưa có chính sách thu hút vốn đầu tư thích đáng cho mặt hàng xuất khẩu đầy tiềm năng như TCMN.

Một phần của tài liệu 233 giải pháp phát triển xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ sang thị trường nhật bản trong giai đoạn hiện nay (Trang 46 - 48)