Là tình trạng đau bụng khi hành kinh hoặc trước khi hành kinh, và đau nhiều nhất trong những ngày đầu là ngày lượng kinh mất nhiều nhất. Vị trí đau thường là hạ vị lan lên xương ức hoặc lan xuống đùi và lan ra hai hông sườn.
1- Cơ chế gây đau:
Trong giai đoạn hành kinh, sự hoạt động của cổ tử cung được tăng cường, dòng máu tử cung bị giảm đi nhiều, nhất là khi nội mạc tử cung co bóp mạnh. Hiện tượng tăng cường hoạt động này là hậu quả của lượng Prostaglandin và Bradykinin được tổng hợp ra quá nhiều trong quá trình phân hủy của nội mạc tiền kinh.
2- Phân loại đau bụng kinh: Đau bụng kinh phân ra 2 loại:
- Đau bụng kinh sinh lý:
• Đau giữa vòng kinh (đau kèm theo phóng noãn) và trong thời gian ngắn kéo dài từ vài phút đến nhiều giờ, đau khu trú ở một góc bụng nhưng hiếm khi nặng nề. Cơ chế có thể là do dịch nang noãn chảy vào ổ bụng gây kích thích phúc mạc. • Đau trước và trong khi hành kinh: cơn đau này có khi không có ý nghĩa gì,
nhưng cũng có thể làm cho mất khả năng lao động. Triệu chứng gồm có phù, cương vú, chướng bụng hoặc bực bội. Nguyên nhân chưa rõ nhưng có thể là có vai trò của Prostaglandin.
Những cơn đau co thắt ở người vòng kinh có phóng noãn được gọi là Thống kinh nguyên phát.
- Đau bụng kinh trầm trọng kèm theo những bệnh ở tiểu khung được gọi là thống kinh thứ phát: Thường cơn đau bụng đến muộn, nguyên nhân do viêm nhiễm tử cung, phần phụ, âm hộ và âm đạo, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung.
THEO YHCT
A- BỆNH DANH YHCT:
Rối loạn kinh nguyệt được gọi tên là bệnh Nguyệt kinh. Gồm các chứng Thống kinh, Bế kinh, Băng lậu, Kinh trở, Kinh trễ, Kinh loạn …
B- CƠ CHẾ VÀ BỆNH SINH YHCT:
Đối với người phụ nữ thì bào cung là khí quan riêng biệt, chuyên chủ việc kinh nguyệt và hệ bào, nơi phát nguồn của mạch Xung, mạch Nhâm. Mạch Xung là bể của huyết, mạch Nhâm là chủ về bào thai, cho nên công năng của bào cung cùng với 2 mạch Xung, Nhâm có quan hệ không thể tách ra được.
Khí huyết của mạch Xung, mạch Nhâm bắt đầu đầy đủ thịnh vượng thì hành kinh đúng chu kỳ mỗi tháng. Đến trên dưới 49 tuổi thì khí huyết của mạch Xung, mạch Nhâm suy yếu dần, rồi kinh nguyệt ngừng hẳn, thiên quý kiệt.
Chu kỳ kinh nguyệt thường dễ bị ảnh hưởng bởi: - Những kích động về tinh thần (Nội nhân).
- Ngoại cảm lục dâm.
- Hoặc Nội thương do ăn uống, bệnh tật.
Các nguyên nhân trên làm cho khí huyết của mạch Xung, mạch Nhâm và Bào cung mất điều hòa, mà gây nên những rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Mặt khác, khi nội tạng bệnh, đặc biệt là tạng Can, Tỳ, Thận cũng ảnh hưởng rất lớn về nguyệt kinh. Thật vậy, Tâm chủ huyết, Tỳ thống huyết, Can tàng huyết. Mạch Can liên lạc với âm khí, quản lý phần bụng dưới. Tạng Thận khai khiếu ở tiền âm, hậu âm lại là chủ tể của cơ quan sinh
dục, cho nên khi các chức năng của các tạng trên rối loạn đều có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.