Theo Phạm Xuân Quế [38], có hai quan điểm khi ứng dụng CNTT trong dạy học:
Quan điểm 1: Chỉ sử dụng CNTT khi các phương tiện dạy học truyền thống không giúp HS nhận thức một cách khoa học (đầy đủ và chính xác) kiến thức vật lý cần nghiên cứu.
Khi ứng dụng CNTT, với các chức năng ưu việt của nó, có thể giúp HS thu thập thông tin, dữ liệu về hiện tượng, quá trình vật lý cần nghiên cứu một cách trực quan và đầy đủ hơn so với phương tiện dạy học truyền thống. Nhờ đó, HS nhận thức về hiện tượng, quá trình vật lý một cách khoa học hơn. Ví dụ khi dạy về khái niệm đường sức trong điện trường của điện tích thông qua hình ảnh và TN mô phỏng bằng CNTT tính trực quan sẽ được nâng cao hơn nên HS có được biểu tượng sinh động hơn…
Quan điểm 2: Chỉ nên ứng dụng CNTT khi các phương tiện dạy học truyền thống không hỗ trợ tốt việc tổ chức quá trình hoạt động nhận thức của HS một cách tích cực
và tự lực. Dạy học nói chung và dạy học vật lý nói riêng không chỉ đơn giản là cung cấp tri thức mà còn phải hướng dẫn học sinh hành động. Trong xã hội hiện đại với sự bùng nổ của CNTT, khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão thì việc dạy học không thể chỉ giới hạn ở dạy kiến thức mà phải chuyển sang dạy phương pháp học. Trong nhiều trường hợp, phương tiện dạy học truyền thống, không thể cung cấp đầy đủ các thông tin về đối tượng nghiên cứu. Khi đó CNTT sẽ giúp HS phân tích, tổng hợp kết quả quan sát được nhằm:
- Phát hiện ra vấn đề mới cần nghiên cứu hay mâu thuẫn cần giải quyết hoặc là trên cơ sở đó, HS phân tích, tổng hợp đưa ra giả thuyết khoa học;
- Giải quyết vấn đề đang đặt ra một cách khoa học.
Như vậy, trong các trường hợp, do hạn chế của phương tiện dạy học truyền thống mà HS phải học thụ động, phải công nhận nhiều kiến thức, không giúp HS tập nghiên cứu vật lý như nhà nghiên cứu vật lý, thì GV cần sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Ngoài ra, theo chúng tôi, để có thế phát huy được tính tích cực và tự lực của HS chúng tôi đề xuất thêm hai quan điểm sau (quan điểm 3 và quan điểm 4):
Quan điểm 3: Sử dụng phối hợp CNTT với các phương tiện dạy học truyền thống, phương tiện dạy học đơn giản tự tạo…
Việc ứng dụng CNTT trong dạy và học đã và đang được triển khai ngày càng sâu rộng trong toàn ngành giáo dục. CNTT rất tuyệt vời, nhưng con người chúng ta còn tuyệt vời hơn, CNTT chỉ là một phương tiện dạy học, CNTT không thể thay thế giáo viên trên bục giảng, bài giảng điện tử không thể thay thế hoàn toàn bảng đen truyền thống,… Vấn đề là chúng ta ứng dụng, kết hợp giữa CNTT và các phương tiện truyền thống như thế nào trong dạy học cho có hiệu quả.
Quan điểm 4: Ứng dụng CNTT vào các PPDH tích cực nhằm phát huy thế mạnh của các PPDH này trong việc phát huy tính tích cực và tự lực của HS.
Sử dụng CNTT như phương tiện dạy học cần được đặt trong toàn bộ hệ thống các PPDH, đặc biệt là các PPDH tích cực nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống đó.
Mỗi phương pháp đều có những chỗ mạnh và điểm yếu, ta cần phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu của mỗi phương pháp.
- Phát huy vai trò của người thầy trong quá trình sử dụng CNTT như thiết bị dạy học.
Không thủ tiêu vai trò của người thầy mà trái lại còn phát huy hiệu quả hoạt động của thầy giáo trong quá trình dạy học có sử dụng CNTT. Chủ trương sử dụng CNTT như thiết bị dạy học của người thầy giáo, công cụ này dù hiệu lực đến mấy cũng không thủ tiêu được vai trò người thầy. Ta vẫn cần tìm cách phát huy tác dụng của GV nhưng theo những hướng không hoàn toàn giống như trong dạy học thông thường. GV cần lập kế hoạch cho những hoạt động của mình trước, trong và sau khi HS học tập trên máy vi tính. Chẳng hạn khi sử dụng CNTT thay GV trong một số khoảng thời gian, do được giải phóng khỏi việc dạy học đồng loạt cho cả lớp, GV có thể đi sâu giúp những HS cá biệt (cả cá biệt yếu và cá biệt giỏi) trong những khoảng thời gian dài hơn nhiều so với dạy học không sử dụng CNTT.
Sử dụng CNTT để dạy học, phương pháp dạy học cũng thay đổi. GV là người hướng dẫn HS học tập không đơn thuần chỉ là người rót thông tin vào đầu HS, GV cũng phải học tập thường xuyên để nâng cao trình độ về CNTT, sử dụng có hiệu quả CNTT trong học tập. HS còn có thể lấy thông tin từ nhiều nguồn phong phú khác nhau như sách, Internet, CD – ROM… Lúc này HS phải biết đánh giá và lựa chọn thông tin, không còn chỉ đơn thuần nhận thông tin một cách thụ động vì nguồn thông tin vô cùng phong phú.