Đổi mới PPDH theo quan niệm CNTT

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động nhận thức tích cưc, tự lực cho học sinh trong dạy học một số kiến thức cơ học, điện học vật lý lớp 10, 11 nâng cao với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin (Trang 30 - 33)

Thế giới bước vào kỷ nguyên mới nhờ tiến bộ nhanh chóng của việc ứng dụng CNTT vào tất cả các lĩnh vực. Trong giáo dục – đào tạo, CNTT đã góp phần hiện đại hoá phương tiện, thiết bị dạy học góp phần đổi mới PPDH.

Theo quan điểm thông tin, học là một quá trình thu nhận thông tin có định hướng, có sự tái tạo và phát triển thông tin; dạy là phát thông tin và giúp người học thực hiện quá trình trên một cách có hiệu quả.

Thông tin được hiểu càng có giá trị nếu nó gây ra được sự bất ngờ càng lớn. Trong khoa học người ta đã lượng hoá thông tin theo quan điểm này. Người học như một máy thu có nhiều cửa vào, phải biết tiếp nhận thông tin qua nhiều cửa, phải biết tách thông tin hữu ích ra khỏi nhiễu, phải biết biến đổi, lưu trữ, ghi nhớ thông tin trong nhiều bộ nhớ khác nhau, mỗi cửa vào này tiếp nhận thông tin được mã hoá riêng biệt. Ta cần tận dụng tất cả các phương tiện để đưa thông tin vào các cửa này, cần sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhằm chuyển đổi, mã hóa, chế biến thông tin để việc truyền tin đạt hiệu quả nhất.

Nếu nội dung bài học chỉ được truyền tới người học dưới dạng văn bản thì người học có thể kém hứng thú. Nếu chỉ truyền tin theo một chiều, không có sự hỏi đáp thì thông tin thu được của người học có thể phiến diện, không đầy đủ hoặc bị biến dạng, có khi dẫn đến việc hiểu sai nội dung.

Theo quan điểm CNTT, để đối mới PPDH, người ta tìm ra những “Phương pháp làm tăng giá trị lượng tin, trao đổi thông tin nhanh hơn, nhiều hơn và hiệu quả hơn”.

1.5.2. Những căn cứ cho việc ứng dụng CNTT trong dạy học vật lý

- Căn cứ vào đặc điểm của môn vật lý

Vật lý học là cơ sở của nhiều ngành kĩ thuật và công nghệ quan trọng. Sự phát triển của khoa học vật lý gắn bó chặt chẽ và có tác động qua lại, trực tiếp với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Vì vậy, những hiểu biết và nhận thức về vật lý có giá trị to lớn trong đời sống và trong sản xuất, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Vật lý học ở trường phổ thông chủ yếu là vật lý thực nghiệm. Phương pháp nghiên cứu của nó chủ yếu là phương pháp thực nghiệm. Đó là một phương pháp nhận thức có hiệu quả trên con đường tìm chân lý khách quan. Trong quá trình nghiên cứu học tập môn vật lý, có thể ứng dụng các thành tựu của CNTT như trong các TN , trong các hiện tượng và quá trình vật lý thường gặp,… giúp cho HS có được các kiến thức một cách sâu sắc, vững chắc hơn.

- Căn cứ vào thực tiễn

Lịch sử phát triển của nhà trường, của ngành giáo dục cho thấy rằng mọi thành tựu của khoa học - kỹ thuật, mọi biến đổi của sản xuất xã hội, cuối cùng cũng đi vào giáo dục và đặt ra cho giáo dục nhiệm vụ mới. Sự phát triển của khoa học, công nghệ tác động đến việc cải tiến, phát triển nội dung dạy học, phương pháp dạy học. Các thành tựu của CNTT đều có thể được ứng dụng để cải tiến, hiện đại hoá các phương tiện dạy học. Ứng dụng các thành tựu của CNTT vào hoạt động dạy học là đặc trưng của nhà trường hiện nay ở các nước phát triển và đang phát triển. Máy vi tính kết nối với projector là một dạng mới của tấm bảng đen truyền thống trong nhà trường. Sử dụng tốt nó sẽ là bước hiện đại hoá thiết bị dạy học, giúp làm sinh động hơn hội dung dạy học, tiết kiệm được thời gian. Giáo viên có thể đưa lên màn hình những nội dung dạy học có chọn lọc một cách nhanh chóng, linh hoạt, các dữ liệu trên màn hình thường xuyên được cập nhật thông qua hệ thống mạng máy tính và Internet. Tại các nước phát triển, các công ty sản xuất thiết bị dạy học lớn đã thành lập các chi nhánh, các bộ phận nghiên cứu, sản xuất các thiết bị dạy học hiện đại có sử dụng máy vi tính. Tại CHLB Đức các công ty như Leybold, Phywe, Elwe,… đã

sản xuất hàng loạt các thiết bị hiện đại được điều khiển bởi máy vi tính. Các sản phẩm này đã được cung cấp tới Việt nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Hãng Pasco của Hoa kì cũng đã sản xuất, cung cấp các thiết bị đo lường, điều khiển tự động dùng trong nhà trường. Tại các nước phát triển đã xuất hiện các sách giáo khoa điện tử ghi trên đĩa CD- ROM kèm theo với các sách giáo khoa truyền thống. Các phần mềm dạy học bộ môn đã được chú trọng phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Thực tiễn ở các nước phát triển cho thấy HS có thể tiếp thu các thành tựu của CNTT ở các mức độ khác nhau ngay từ tuổi mẫu giáo, mầm non cho đến tuổi trưởng thành. Việc học tập với sự hỗ trợ của CNTT ở nhiều mức độ khác nhau đều góp phần tạo điều kiện tốt cho HS làm quen với phong cách lao động trong một xã hội tự động hoá. Nâng cao hiệu quả dạy học nhờ sử dụng CNTT vẫn là một hướng cơ bản của công nghệ hoá quá trình dạy học ngày nay.

Ở Việt nam, những thành công của sự nghiệp đổi mới trong hơn một thập niên qua đã tạo tiền đề cho việc ứng dụng các thành tựu của CNTT vào nhà trường. Môn tin học đã được đưa vào dạy học trong nhà trường dưới nhiều mức độ khác nhau, các nhà trường đã được trang bị máy vi tính, máy Projector. Máy vi tính ngày càng rẻ, các phần mềm thường xuyên được cải tiến, hoàn thiện,… đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc trang bị hệ thống thiết bị máy vi tính phục vụ cho hoạt động giáo dục trong nhà trường, cũng như cá nhân.

Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà nhằm đưa nước ta theo kịp nhịp độ phát triển của thế giới trong xu hướng hợp tác và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi thế hệ trẻ phải sử dụng thành thạo các ứng dụng của CNTT vào lĩnh vực công tác của mình trong tương lai.

Hiện nay ở một số trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng sư phạm trong chương trình đào tạo, SV Vật lý đã được học nhiều học phần về tin học cũng như các môn học về ứng dụng CNTT nói chung, máy vi tính nói riêng để làm phương tiện dạy học vật lý. Đây là bước chuẩn bị đội ngũ GV để có thể sẵn sàng tiếp cận với các phương tiện dạy học mới trong giảng dạy môn vật lý ở nhà trường phổ thông sau khi ra trường.

Những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, những kết quả khả quan của việc ứng dụng CNTT vào dạy học trên thế giới và trong nước trong những năm qua đã khẳng định

rằng việc nghiên cứu , ứng dụng các thành tựu của CNTT vào tổ chức các hoạt động dạy học là một đòi hỏi có tính tất yếu ở tất cả các nước trên thế giới.

- Căn cứ vào đặc điểm tâm - sinh lý của HS THPT.

Những kết quả nghiên cứu tâm – sinh lí của HS và điều tra xã hội học gần đây trên thế giới cũng như nước ta cho thấy thanh thiếu niên có những thay đổi trong sự phát triển tâm–sinh lý, đó là sự thay đổi có gia tốc. Trong điều kiện phát triển của các phương tiện truyền thông, trong bối cảnh hội nhập, mở rông giao lưu, HS được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin đa dạng, phong phú từ nhiều mặt của cuộc sống, có hiểu biết nhiều hơn, linh hoạt và thực tế hơn so với các thế hệ cùng lứa tuổi trước đây mấy chục năm, đặc biệt là học sinh trung học. Trong học tập, họ không thoã mãn với vai trò của người tiếp thu thụ động, không chỉ chấp nhận các giải pháp đã có sẵn được đưa ra. Như vậy ở lứa tuổi này nãy sinh một yêu cầu và cũng là một quá trình: Sự lĩnh hội độc lập các tri thức và phát triển kĩ năng. Để thực hiện điều này thì ngoài chương trình và SGK còn cần phải có hệ thống thiết bị dạy học phù hợp và PPDH thích hợp. CNTT đã góp phần hiện đại hoá phương tiện , thiết bị dạy học và góp phần đổi mới PPDH, hình thức dạy học. Vì vậy việc nghiên cứu ứng dụng CNTT vào dạy học các môn học là điều có thể và nên làm.

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động nhận thức tích cưc, tự lực cho học sinh trong dạy học một số kiến thức cơ học, điện học vật lý lớp 10, 11 nâng cao với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w