5. Cấu trúc luận án
2.1. Sự xác lập ý thức phái tính và nữ quyền trong văn học Việt Nam truyền thống
thống
2.1.1. Văn hóa Mẫu hệ - nền tảng của ý thức phái tính trong văn học Việt Nam truyền thống
Như chúng tôi đã đề cập ở trên, Việt Nam là đất nước có xuất phát điểm là văn hóa Mẫu hệ. Từ xa xưa, tục thờ Mẫu đã đi vào lòng công chúng và trở thành nguyên lý. “Mẫu là hiện thân của sự được mùa, một ước vọng truyền kiếp về hạnh phúc phồn thực của người nông dân. Mẫu còn biểu hiện một tinh thần nhân ái rất cao” [40, tr.174]. Tư tưởng và tục thờ Mẫu của người Việt vốn xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước lâu đời. Người ta cần mùa màng tươi tốt để duy trì cuộc sống, và người ta thờ Mẫu để cầu xin sự sinh sôi nảy nở của hoa màu và của con người.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh trong cuốn Đạo Mẫu Việt Nam thì “Hình như trong môi trường làng xã Việt Nam, điển hình là ở đồng bằng Bắc Bộ, có sự “phân công” nào đó về môi trường giao tiếp xã hội mang tính giới. Đó là Đình là nơi sinh hoạt giao tiếp của nam giới, còn chùa, đền phủ thờ Mẫu là nơi sinh hoạt của phụ nữ” [40, tr.390]. Nếu như, ở các làng quê Việt Nam, Đình là “trung tâm chính trị”, thu hút sự hiện diện của nam giới thì Chùa là “trung tâm tôn giáo, văn hóa tâm linh”, thu hút sự hiện diện của phụ nữ.
Mô thức “tiền Phật, hậu Mẫu” chính là căn nguyên của việc hầu hết các ngôi chùa ở Việt Nam (đặc biệt là ở Bắc Bộ) đều có điện thờ Mẫu. Từ lâu, tục thờ Mẫu như là một nguyên lý của nền văn hóa Việt Nam. Cùng với tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, tín ngưỡng thờ thần, tín ngưỡng thờ Mẫu rất phổ biến, nhiều người gọi là Đạo thờ Mẫu. Tại các chùa ngoài chính điện thờ Phật, bao giờ cũng có ban thờ Mẫu và thờ các thánh trong Đạo Mẫu. Tại các đền phủ thì thờ các thánh trong đạo Mẫu ở
chính điện. Đạo Mẫu về cơ bản, theo hệ thống như sau: Ngọc Hoàng Thượng Đế là ngôi thánh cao nhất (tuy nhiên trong tâm thức dân gian, Ngọc Hoàng có phần mờ nhạt, không được đề cao). Tam tòa Thánh Mẫu tượng trưng cho trời, đất và nước, Tứ phủ Công đồng thờ Mẫu thượng Thiên, Mẫu thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Địa. Mặc dù nhiều tài liệu nghiên cứu về Đạo Mẫu gần đây cho rằng các vị Thánh trong Đạo Mẫu có cả nữ thần và nam thần, có cả Bà đồng và Ông đồng, nhưng cần phải khẳng định rằng “Đạo Mẫu trước hết gắn liền với đời sống tâm linh của phụ nữ, nó thuộc phạm trù giới” [40, tr.385].
Về xuất phát điểm của Đạo Mẫu Việt Nam, có rất nhiều nhà nghiên cứu như Trần Ngọc Thêm, Trần Quốc Vượng, Ngô Đức Thịnh cho rằng tín ngưỡng này khởi nguồn từ nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Trong bối cảnh của xã hội nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng nhiệt đới gió mùa, nơi mà ở đó vai trò của phụ nữ được đề cao, thì việc nhân thần hóa tự nhiên dưới dạng nữ thần là phổ biến. Các nữ thần mặt trời, nữ thần mây, mưa, sấm, chớp,… là kết quả lối tư duy tổng hợp và biện chứng của người dân mang trong mình tư tưởng của nền văn hóa gốc nông nghiệp. Tư tưởng này chính là là yếu tố quan trọng phát sinh tín ngưỡng phồn thực – một tín ngưỡng “sùng bái sự sinh sôi nảy nở của tự nhiên và con người” [39, tr.218]. Xét về bản chất, tự nhiên và tính nữ có những đặc điểm chung cơ bản, đó là “sản sinh, bảo trữ và che chở” [40, tr.386]. Trong nghệ thuật tạo hình dân gian của nhiều dân tộc ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy không ít những cách mô phỏng cảnh giao hoan trai gái hay sự mô tả các bộ phận sinh dục nam và nữ. Những hình tượng ấy được thờ phụng, được tái hiện trên thạp đồng hay các nghi lễ phồn thực. Bằng cách đó, người dân nông nghiệp lúa nước gửi gắm lời khẩn cầu cho mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi và đàn bà mắn đẻ.
Đền, phủ thờ Mẫu không chỉ là nơi mang đến cho con người ước mơ về một sự sinh sôi, về một cuộc sống an lành được chở che, thỏa mãn các nhu cầu tâm linh, mà còn là nơi để những người phụ nữ gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc về các khía cạnh của đời sống, những tâm tư nguyện vọng, giải tỏa bớt các bức xúc gia đình và cộng
đồng. Như vậy, xét về mọi phương diện, Mẫu có thể làm thỏa mãn các ước vọng về cuộc sống trần tục với sức khỏe, tài lộc của con người, nhất là những người phụ nữ Việt luôn phải gánh trên vai mình những gánh nặng lo toan. Tục thờ Mẫu cứ thế lan tỏa và ngày càng được mở rộng theo bước chân và tấm lòng thành kính của những người phụ nữ tảo tần. Mặc dù hiện vẫn chưa có một nhà nghiên cứu tôn giáo hay văn hóa dân gian nào xác định rõ thời điểm ra đời của tục thờ Mẫu ở Việt Nam, nhưng có một điều chắc chắn rằng Đạo Mẫu luôn phát triển song hành cùng Đạo Phật; các đền, phủ thờ Mẫu được lập ngày càng nhiều hơn. Lý do khiến Đạo Mẫu ngày càng được mở rộng cũng gắn liền với cuộc sống của người phụ nữ. Nếu như xưa kia, người phụ nữ chỉ suốt ngày tối mắt tối mũi bên bếp núc củi canh hay trên cánh đồng làng và thế giới tâm linh gắn liền với những ước vọng, khát khao của họ thường được gửi gắm nơi thờ Phật và thờ Mẫu trong các đền, chùa tại làng thì dần dần, cùng với việc buôn bán chạy chợ của người phụ nữ từ làng này sang làng khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác đã khiến cho ven các con đường buôn bán ấy mọc lên không biết bao nhiêu là đền, phủ thờ Mẫu. Đạo Mẫu luôn đồng hành cùng với người phụ nữ trong khát vọng may mắn, bình an.
Đạo Mẫu, nhờ vậy, dần đi sâu vào đời sống người Việt không chỉ trong tâm thức mà trong cả ngôn từ. Trong tiếng Việt, hầu hết danh từ đều đi kèm với định từ “con”, “cái”. “Cái” được dùng như một tính từ để chỉ những gì có vẻ lớn, quan trọng, chính, trung tâm: sông lớn gọi là sông Cái, ao lớn gọi là ao Cái, đường lớn gọi là đường Cái, cột lớn gọi là cột Cái,… Người Việt cho rằng “phúc đức tại Mẫu” nên mới có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Lệnh ông không bằng cồng bà”, “Nhất vợ, nhì Giời”.
Gắn với cội nguồn văn hóa dân tộc, ý thức phái tính đã dần được người phụ nữ Việt Nam xác lập. Theo thời gian, cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã góp phần mở ra cho người phụ nữ một cuộc sống mới; sự thắng lợi của các phong trào đấu tranh cho nữ quyền trên toàn thế giới cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam. Nếu như người phụ nữ trong ca dao
xưa đã mơ hồ nhận ra sự bất bình đẳng nam nữ, nhưng lại chỉ biết than thân trách phận thì người phụ nữ trong văn học thời kỳ Trung đại đã mạnh mẽ phản kháng lại xã hội với những luật lệ hà khắc đã chèn ép, tước đoạt hạnh phúc của chính họ; còn người phụ nữ trong văn học hiện đại đã tự tin khẳng định vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Và sau này, cái tôi cá nhân ở tầng sâu bản thể được khám phá trong những tác phẩm văn học đương đại đã mang đến cho văn học những trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ.
2.1.2. Nho giáo và nữ quyền trong văn học
Việt Nam nằm trong khu vực văn minh Đông Nam Á bản địa trước khi tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn- Hoa, vốn có đặc trưng là nền văn minh độc canh cây lúa nước, từng tồn tại chế độ mẫu hệ phổ biến và dai dẳng, có nhiều nữ thần đến mức người ta cho rằng thế giới thần linh Việt toàn là nữ. Tuy nhiên, theo dòng lịch sử của nhân loại, xã hội Việt Nam dần chuyển sang chế độ phụ quyền. Người phụ nữ Việt Nam bắt đầu chịu sự chi phối của tư tưởng Khổng Tử và chế độ phụ quyền Nho giáo. Thuyết “tam tòng, tứ đức” đã biến người phụ nữ Việt Nam thành những sinh thể thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào đàn ông.
Vào cuối đời Tây Hán và đầu đời Đông Hán, cùng với chính sách cai trị và “Hán hóa” vùng đất cổ Việt Nam (thời đó gọi là Giao Chỉ, Cửu Chân), Nho giáo bắt đầu được du nhập vào Việt Nam. Sử sách Việt Nam và Trung Quốc đều ghi lại công lao của hai viên quan là Tích Quang và Nhâm Diên trong việc “khai hóa” lễ nghĩa, mở mang phong tục mới. Nhưng theo sử thần Ngô Sĩ Liên (thế kỷ XV) từng bình luận trong sách Đại Việt sử ký toàn thư thì sự hiện diện tương đối rõ nét của Nho giáo ở nước ta có lẽ chỉ thật sự bắt đầu vào cuối đời Đông Hán với vai trò tích cực của Sĩ Nhiếp trong việc làm cho nước ta “thông thi thư, tập lễ nhạc” [42].
Là một học thuyết chính thống được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam áp dụng để trị quốc, hiển nhiên Nho giáo đã được đưa vào Việt Nam với đầy đủ Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức; người quân tử phải biết hành đạo và đạt được ba điều trong quá trình tu thân: đạt Đạo, đạt Đức, và biết Thi, Thư, Lễ, Nhạc.
Và một khi Nho giáo đã lên ngôi, trở thành “trung tâm” thì Đạo Mẫu, về một phương diện nào đó, lại ở vị trí “ngoại vi” trong đời sống người Việt.
Đảm đang, chung thủy, yêu chồng, thương con và luôn tự an phận, hy sinh bản thân mình cho gia đình được coi là phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Có lẽ, tiêu chí để đánh giá những “chuẩn mực” về phẩm chất đạo đức như thế đối với người phụ nữ bắt nguồn từ những quy định của Nho giáo dành riêng cho người phụ nữ về “tam tòng”, “tứ đức”. Trong các xu hướng phê phán Nho giáo đầu thế kỷ XX, nổi lên một xu hướng phê phán Nho giáo như một học thuyết về nam quyền đàn áp nữ quyền. Trong thời gian gần đây, có nhiều nhà nghiên cứu cả ở Trung Quốc và Việt Nam đều thừa nhận rằng, bên cạnh những giá trị mà Nho giáo đem lại thì “dường như vấn đề nữ quyền là điểm yếu của Nho giáo, có thể dùng nó để hạ gục Nho giáo” [42]. Những người phê phán Nho giáo đã không ngần ngại phê phán Nho giáo là học thuyết quá nghiệt ngã đối với phụ nữ, nhất là vấn đề trinh tiết của người phụ nữ. Nho giáo không những đề cao đức hy sinh, lòng chung thủy của người vợ mà còn đề cao mẫu người phụ nữ thủ tiết và tuẫn tiết theo quan niệm “chết đói sự nhỏ, thất tiết sự đại” [42].
Với cội nguồn văn hóa Mẫu hệ, lại coi đền, chùa là nơi gửi gắm khát vọng tâm linh, người phụ nữ Việt Nam gần gũi với Đạo Phật hơn Đạo Nho. Và có lẽ, họ cũng không quan tâm lắm đến những triết lý cao siêu của Đạo Phật mà chỉ tự tâm tự nguyện hướng tới cách ứng xử mang tính đạo lý của Phật, đó là “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “tu thân tích đức cho đời sau”,…; còn những điều lệ hà khắc do Nho giáo mang đến thì lại bó buộc họ vào những thứ phải tuân theo, phải chấp thuận. Sống trong sự áp chế của Nho giáo, người phụ nữ vẫn luôn được khuyến khích cam chịu thân phận, an phận thủ thường. Có lẽ, vì thế, bóng dáng người phụ nữ trong ca dao vẫn như những thân cò trắng lặn lội trong đêm, chỉ lặng lẽ làm tròn bổn phận của mình, hoặc giả khi chợt mơ hồ nhận ra “thân em” là “phận gái”, “phận nữ nhi”, “phận đàn bà” thì cất tiếng than thân trách phận và gửi gắm nỗi
niềm riêng vào những câu ca, lời hát thấm đẫm dự cảm về sự mỏng manh của kiếp phận.
Từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, khi Nho giáo thực sự vẫn giữ vai trò thống trị, khi những luân lý Nho học đã ăn sâu vào tâm thức toàn xã hội Việt Nam, khi người phụ nữ nhất nhất phải tuân thủ những lễ giáo phong kiến hà khắc của Đạo Nho thì dường như những khúc ca ai oán của người cung nữ, những lời tâm sự hao gầy, héo mòn của người chinh phụ, những lời phản kháng, lên án xã hội bất công, đòi bình đẳng nam nữ của những người phụ nữ bị xã hội phong kiến dồn đến tận đáy cùng cùng lúc được cất lên. Mặc dù thế, ý thức phái tính và cảm quan nữ quyền cũng như những ánh lửa do chính người phụ nữ nhen lên rồi lại tự dập tắt. Những người phụ nữ trong xã hội phong kiến vẫn không tự giải thoát được chính mình khỏi những quan niệm “Thiên định”, rằng số phận mình đã được định đoạt, rằng mình không phải tự nhiên được sinh ra là “phận má hồng” và chấp nhận “nỗi truân chuyên” tiền định.
Nếu như kỳ Khoa cử Nho học đầu tiên vào năm Ất Mão 1075 đánh dấu sức mạnh, sự độc tôn của Nho giáo trong chính thể Nhà nước phong kiến Việt Nam thì kỳ Khoa cử Nho học cuối cùng được tổ chức vào tháng 4 năm Kỷ Mùi 1919 đã đánh dấu lụi tàn của Nho học và sự kết thúc của xã hội phong kiến Việt Nam. Từ đây, lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới và cuộc đấu tranh cho nữ quyền cũng bước sang một thời kỳ mới với những chuyển biến mới.
2.2. Cảm quan phái tính và thân phận người phụ nữ trong ca dao
Có thể coi ca dao là một “tấm lụa đào” vắt ngang bầu trời văn học dân gian Việt Nam để những cánh cò trắng chao nghiêng bay lượn hoặc dừng chân trên đó. Sở dĩ chúng tôi muốn bắt đầu phần viết về cảm quan phái tính của người phụ nữ trong ca dao bằng một hình ảnh tượng hình như vậy là vì chúng tôi liên tưởng đến những người phụ nữ Việt Nam như những cánh cò trắng không mỏi trên bầu trời và cần lắm một điểm dừng chân là “tấm lụa đào” của ca dao. Những câu ca dao từ xưa đến nay quả thật có sức sống riêng bởi nó không chỉ làm nao lòng những người ra
đi mà còn làm nao lòng những người ở lại. Nếu ai đó từng sống xa quê hương, nỗi nhớ quê bằng vật chất hiển hiện trong tiềm thức là canh rau muống và cà dầm tương thì nỗi nhớ tinh thần chính là những bài hát dân ca, những câu ca dao ngọt ngào gắn với hình ảnh người phụ nữ đẹp. Với tư duy “hồn nhiên” của folklore, với ảnh hưởng của văn hoá Mẫu hệ, lại chưa bị chi phối quá nhiều và riết róng bởi tư tưởng nam quyền Nho giáo, các nghệ sĩ dân gian đã nhìn người phụ nữ một cách thiện cảm hơn và “chính xác” hơn. Những câu ca dao ca ngợi những người phụ nữ có vẻ đẹp sắc sảo, đằm thắm, hồn hậu là những minh chứng cụ thể. Ca dao ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ thường bằng những hình ảnh, lối so sánh vừa chân thực, vừa thuần Việt, lại vừa gần gũi: “Cổ tay em trắng như ngà/ Con mắt em liếc như là dao cau/ Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”.
Mỗi người thiếu nữ đều có một cái duyên, một sự hấp dẫn riêng để làm say đắm lòng người khác phái. Nhưng tựu chung, nhan sắc của các nàng cũng không ngoài những điều đã được ca dao truyền tụng. Có nàng đẹp nhờ mái tóc rậm dài bồng bềnh, và đôi chân mày cong vòng như viền trăng non: “Chân mày vòng nguyệt có duyên/ Tóc mây gợn sóng đẹp duyên tơ hồng”.
Hay có nàng đẹp nhờ cặp lông mày thanh mướt như lá liễu và khuôn mắt thuôn dài như dáng lá rau răm: “Những người con mắt lá răm/ Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền.
Gắn với nền văn hóa Mẫu hệ, chúng tôi cho rằng những câu ca dao dễ dàng