“Chuyện người con gái Nam Xương và người phụ nữ với nỗi buồn nhân thế

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 43 - 44)

5. Cấu trúc luận án

2.3.1.“Chuyện người con gái Nam Xương và người phụ nữ với nỗi buồn nhân thế

thế

Có lẽ, với một “thiên cổ kỳ bút” như “Chuyện người con gái Nam Xương” trong tập Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI) thì chúng tôi không thể không nhắc đến khi đưa ra những vấn đề về phái tính và nữ quyền, về thân phận người phụ nữ trong văn học Việt Nam Trung đại.

Vũ nương vốn là nhân vật nữ được Nguyễn Dữ xây dựng với tất cả tấm lòng yêu thương. Nàng là hiện thân của người con gái nề nếp gia phong theo đúng nghĩa với đủ cả công, dung, ngôn, hạnh. Gần ba năm chồng tham gia chiến trận là gần ba năm nàng “gìn lòng giữ tiết” chung thủy chờ chồng, nuôi con, phụng dưỡng hiếu nghĩa với mẹ chồng hết mực. Một người phụ nữ “chuẩn mực”, theo “lề thói” như Vũ Nương lẽ ra phải được hạnh phúc. Thế nhưng, nàng lại bất hạnh và nỗi bất hạnh của nàng lại đến từ những điều tưởng như không thể đến. Hạnh phúc thật mong manh, mong manh đến nỗi chính Vũ nương cũng chẳng thể nghĩ tới, chẳng thể tưởng tượng nổi. Có thể nói, câu chuyện gia đình bất hạnh của Vũ nương sau này được rất nhiều người “mổ xẻ” để tìm ra nguyên nhân. Quả thật, “những gia đình hạnh phúc thì hạnh phúc giống nhau, còn những gia đình bất hạnh thì mỗi gia đình bất hạnh một kiểu”. Có rất nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ Vũ nương bất hạnh là do chiến tranh bởi chiến tranh đã khiến nàng phải xa Trương Sinh và mọi chuyện mới bắt đầu từ đó. Và rồi, người ta đi đến kết luận rằng Nguyễn Dữ đã tố cáo xã hội phong kiến bởi đã đẩy một người con gái tuổi vừa đôi tám như nàng Vũ nương đến chỗ phải gieo mình tự tử. Nhìn lại những dòng chữ hiển hiện trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, chúng tôi cũng không biết Nguyễn Dữ có hàm ý tố cáo xã hội phong kiến hay không, nhưng việc nhà văn chỉ trích lòng ghen tuông mù quáng và thói gia trưởng của Trương Sinh thì quá rõ ràng. “Trong gia đình, chủ quyền ở trong tay gia trưởng thì đàn bà tất là không có quyền gì cả. Khổng giáo chủ trương nam tôn nữ ti, trọng nam khinh nữ, lại vun đắp thêm quyền uy của gia trưởng mà đè nén địa vị của đàn bà” [2, tr.109]. Đã là vợ chồng đầu gối tay ấp, vậy mà Trương

Sinh lại nghi ngờ vợ, không cho nàng lấy cả một cơ hội thanh minh. Có lẽ, thói gia trưởng phong kiến đã ngấm sâu vào đầu óc của chàng Trương và làm chàng mất hết lý trí. Mượn yếu tố thần thánh của truyền kỳ, Nguyễn Dữ đã để Vũ nương được vợ của Nam Hải Long Vương cứu sống. Tuy vậy, Vũ nương vẫn không thể quay lại trần gian sống với chồng con được dù nỗi oan đã được hóa giải. Có lẽ, một người như chàng Trương thì không đáng được hưởng hạnh phúc và không đáng được một người vợ “đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng” như nàng Vũ nương yêu thương. Hành động nhảy xuống sông tự vẫn của Vũ nương khiến người ta liên tưởng đến hành động tự vẫn của nàng Kiều xuống sông Tiền Đường sau này. Tuy vậy, nỗi bất hạnh của nàng Kiều còn có những nguyên nhân cụ thể liên quan đến những kẻ “ăn trên ngồi trốc”, đại diện cho xã hội phong kiến như Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến,… Còn nỗi bất hạnh của Vũ nương thì lại nằm ở ngay “cái bóng” của mình, ở ngay lòng tin giữa những người thân yêu nhất. Nhưng tại sao nàng Vũ nương phải chết? Nàng chết bởi không thể chịu đựng được lòng ghen tuông và những lời lăng mạ của chàng Trương? Hay cái chết của Vũ nương xuất phát từ chính những ẩn ức của nàng về nỗi ô nhục bởi hai chữ “tiết hạnh” bị nghi ngờ mà không có cách gì minh oan, tẩy rửa được? Và nếu vậy thì những người phụ nữ xưa, tự họ đã đeo vào cổ mình “cái tròng” của lễ giáo phong kiến hà khắc, oan nghiệt.

“Chuyện người con gái Nam Xương” khép lại thật ảm đạm dù đoạn kết có thể làm hài lòng một số độc giả. Dù vậy, những câu nói cuối cùng của Vũ nương dành cho chồng cũng chỉ bay là là trên mặt nước và rồi sẽ lại biến mất theo nàng. Ý thức phái tính và nữ quyền không thể chỉ dừng ở đó.

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 43 - 44)