Cảm quan tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 44)

5. Cấu trúc luận án

2.3.2. Cảm quan tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương

Vào giữa thế kỷ XX, khi hai nhà nữ quyền nổi tiếng là Vigrinia Woolf (Mỹ) và Hèlène Cixous (Pháp) lên tiếng cổ vũ cho cuộc đấu tranh nữ quyền bằng cách kêu gọi những người phụ nữ hãy cầm bút viết văn và viết về chính những người phụ nữ để đưa những người phụ nữ bị xa cách, bị quên lãng, bị đứng ngoài rìa văn

học trở lại với văn chương, thì ở Việt Nam trước đó hàng trăm năm, đã có một nữ sĩ họ Hồ từng cầm bút vì tiếng nói của phụ nữ. Ở đây, chúng tôi không có ý so sánh hay hàm chỉ việc Hồ Xuân Hương đã làm một bước “đi trước” so với phong trào nữ quyền thế giới mà chỉ muốn nhấn mạnh đến sự gặp gỡ của những người đấu tranh cho phái tính và nữ quyền là cách thức và hành động của họ. Họ muốn dùng ngòi bút của mình để viết về chính mình và viết về những điều mình trải nghiệm trong cuộc sống.

Trong bối cảnh xã hội nam quyền, nơi người phụ nữ vẫn luôn được răn dạy phải sống theo lễ giáo, phải biết cam chịu thân phận thì tiếng nói của một nhà thơ nữ như Hồ Xuân Hương đề cập đến quyền sống phụ nữ dưới góc độ đời sống bản năng thực sự là một tiếng nói mới, có ý nghĩa bênh vực nữ quyền sâu sắc.

Hồ Xuân Hương (chưa rõ năm, tháng sinh, mất trước năm 1842) là một nhà thơ đã tạo ra bước đột phá trong văn học, khẳng định bước tiến và là người đặt nền móng cho chủ nghĩa nữ quyền trong văn học Việt Nam. Trải qua 18 thế kỷ với 26 người phụ nữ làm thơ (theo thống kê của cuốn Nữ sĩ Việt Nam [18]) thì Hồ Xuân Hương được coi là một nhà thơ nữ với phong cách thơ đặc biệt ấn tượng và độc đáo.

Phong cách thơ của nữ sĩ họ Hồ ấn tượng và độc đáo không chỉ bởi nội dung phản kháng, chống lại chế độ đa thê, chống lại chế độ xã hội trọng nam khinh nữ một cách quyết liệt mà ngôn ngữ thơ còn mang nhiều ẩn dụ tính dục khiến người đương thời chắc hẳn phải chớp mắt nhiều lần mới dám tin mình đang cầm trên tay một tập thơ quá thực và mang đầy cảm quan tính dục. Hầu hết các bài thơ của Hồ Xuân Hương đều có ngụ ý tả cảnh làm tình, miêu tả những bộ phận nhạy cảm của cơ thể, nhất là cơ thể người phụ nữ. Bằng những câu thơ Nôm mầu nhiệm, dường như, nữ sĩ họ Hồ đã đánh lên một tiếng trống làm bừng tỉnh cơn mê ngủ của cả một lớp tài tử văn nhân Nho học lúc bấy giờ.

Có một thời gian dài, trên văn đàn Việt Nam, người ta đã tranh cãi về những yếu tố “dâm” và “tục” trong thơ Hồ Xuân Hương. Trong phần viết này, chúng tôi

không có ý bênh vực cho bất kỳ một quan điểm nào mà chỉ đưa ra quan điểm của mình về thơ văn của nữ sĩ họ Hồ liên quan đến những vấn đề về nữ quyền và phái tính, đến cảm quan tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương.

Là một người phụ nữ mà đường tình duyên không mấy suôn sẻ, lại sống trong một xã hội phong kiến ở vào giai đoạn thoái trào với những cảnh ăn chơi trác táng của đám người vốn được gọi là “quân tử”, thơ Hồ Xuân Hương có không ít bài mỉa mai đám vua chúa và quan lại thống trị hoặc trí thức nghênh ngáo đã bị thoái hóa đạo đức. Bài thơ Vịnh cái quạt là một bài thơ điển hình: “Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa/ Duyên em dính dáng tự bao giờ/ Chành ra ba góc, da còn thiếu/ Khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa/ Mát mặt anh hùng khi tắt gió/ Che đầu quân tử lúc sa mưa...”.

Phải là một người tinh tế, có con mắt sắc sảo như Hồ Xuân Hương thì mới có được những vần thơ giàu tính biểu tượng đến thế. Dưới cái nhìn của nữ sĩ họ Hồ, những “anh hùng”, “quân tử”, “tài tử”, “văn nhân” – những mẫu hình mà Nho giáo luôn đề cao bỗng trở lên nhỏ bé trước người phụ nữ.

Đọc thơ Hồ Xuân Hương dưới cái nhìn nữ quyền luận, chúng tôi nhận thấy ở những hình ảnh thơ ẩn dụ tính dục của Bà có hai Hồ Xuân Hương hoàn toàn khác biệt: một Hồ Xuân Hương đấu tranh và một Hồ Xuân Hương khát khao tình ái. Ở phần viết này, chúng tôi chỉ xin đưa ra hai bài thơ tiêu biểu cho khát khao về bản năng tính dục của người phụ nữ trong xã hội phong kiến trong thơ của nữ sĩ.

Thiếu nữ ngủ ngày là một bài thơ thật đẹp, ngọt ngào: “ Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng/ Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông...”. Hẳn nhiên, dưới con mắt Nho gia thì chuyện một thiếu nữ ngủ ngày một cách hớ hênh, bất cẩn như thế là một chuyện đáng bị phê phán. Tuy nhiên, dưới con mắt của nữ sĩ họ Hồ thì người phụ nữ trong giây phút “trễ nải” đó đã vô tình bộc lộ hết vẻ đẹp hình thể - vẻ đẹp đáng được trân trọng và ngợi ca. Và như thế, Hồ Xuân Hương không chỉ chống lại quan niệm “nam tôn nữ

ti” của Nho giáo mà còn công khai khẳng định ngợi ca một phương diện mà mỹ học phong kiến luôn né tránh là thân xác người phụ nữ. Chúng tôi cho rằng, ở phương diện này, nữ sĩ họ Hồ chính là người khởi đầu cho một lối viết về ngôn ngữ thân thể vốn rất phát triển trong văn học đương đại sau này.

Đánh đu cũng là một bài thơ phảng phất khao khát được ái ân: “ Bốn cọc khen ai khéo khéo trồng/ Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông/ Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng/ Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song”.

Nhưng hai câu kết bài thơ đột nhiên lắng xuống, đớn đau cho phận đàn bà: “Chơi xuân có biết xuân chăng tá/ Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”.

Đánh đu dường như hàm chứa trong nó một thứ mỹ học của chính Hồ Xuân Hương – một thứ mỹ học vượt qua trần tục để thanh khiết hoá những hơi thở, những niềm say mê, khát khao yêu đương của chính cõi thế này. Sự tiếc nuối của nữ sĩ họ Hồ ở hai câu cuối trong bài thơ cũng chính là sự tiếc nuối cho sự phôi pha vẻ đẹp xuân thì. Dường như, Hồ Xuân Hương muốn khẳng định sức sống, sự “cường tráng” của khát khao tình yêu như “nhân lõi” của lực sống mà Freud đề cập đến sau này.

Có một điều mà chúng tôi muốn nhắc lại rằng, thơ Hồ Xuân Hương có quá nhiều hình ảnh ẩn dụ mang cảm quan dục tính. Hệ thống danh từ: nương long, đôi gò Bồng Đảo, lạch đào nguyên, con cò, cọc, lỗ, vỏ, múi, cầu trắng, nước trong, đôi mảnh, đầu non, hang, rêu, cỏ gà,… và hệ thống từ tượng hình: lún phún, đỏ loét, rậm rạp, lam nham, hỏm hòm hom, leo lẻo, toen hoẻn, phau phau,… gợi nhiều ẩn dụ tính dục bạo dạn, mạnh mẽ. Đặc biệt, khi hệ thống ngôn từ ấy được kết hợp một cách sống động, tài tình thì cảm quan tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương trở lên rõ nét nhưng lại vô cùng độc đáo. Có thể coi đó chính là “sự vận động song hành của các biểu tượng khác nhau chứa đựng trong một cấu trúc ngôn ngữ” [32, tr.97], thể hiện “tư duy thơ Hồ Xuân Hương đã thiên về vấn đề giải phóng cho phụ nữ, giải phóng cho giới tính” [32, tr.97].

Vào thời kỳ ấy, chắc chắn Hồ Xuân Hương chưa thể biết đến lý thuyết tính dục của Freud mà chỉ tiếp thu những nguồn lực trong ca dao, và với kinh nghiệm của mình, thể hiện cảm quan tính dục một cách quyết liệt hơn. Là một nhà thơ nữ với thân phận lẽ mọn, Hồ Xuân Hương đặc biệt chống đối kịch liệt chế độ đa thê của xã hội đương thời. Từ kinh nghiệm bản thân sau hai lần lập gia đình với Tổng Cóc và ông phủ Vĩnh Tường, Bà thấy rõ chế độ đa thê rất phổ biến trong xã hội phong kiến là một sự bất công của xã hội phụ quyền. Hồ Xuân Hương đưa vào thơ những lời ai oán: “Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng/ Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Năm thì mười họa hay chăng chớ/ Một tháng đôi lần có cũng không”

Thân phận làm lẽ đã vậy, thế còn những người phụ nữ góa bụa rơi vào cảnh “cán cân tạo hóa rơi đâu mất” khiến cho “cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không” thì sao? Tiếng thơ của nữ sĩ họ Hồ khiến người ta đau đáu. Cùng phận đàn bà, chỉ có những người đàn bà mới thấm thía điều người đàn bà nào cũng cần hạnh phúc. Hạnh phúc vốn là thứ mơ hồ nhưng thực ra vốn rất thực. Trong một xã hội phong kiến không cho phép người phụ nữ góa tái giá thì cái tấm “Bảng trinh tiết” còn có nghĩa gì khi phía sau nó là những khắc khoải, cô đơn…

Và vì thế, trong thơ Hồ Xuân Hương, người ta thấy rõ sự khát khao một tình yêu xứng đáng, một tình yêu mang yếu tố tính dục là hiện hữu: “Tài tử văn nhân ai đó tá/ Thân này đâu đã chịu già tom”.

Lời kêu gọi của nữ sĩ họ Hồ ẩn chứa trong đó cả một sự đau đắm của người phụ nữ vẫn còn trẻ, còn khao khát nồng nàn mà có dễ gì tìm kiếm được tri ân.

Có thể nói, thơ Hồ Xuân Hương gợi nhớ đến cả một truyền thống văn hóa phồn thực hồn hậu. Hồ Xuân Hương đã đi trước thời đại mình, đã phản ánh được một nhu cầu xã hội lớn mà cuối thế kỷ XX mới được đặt ra cấp bách: Nhu cầu giải phóng bản năng tính dục và thái độ nữ quyền về các hệ giá trị và lịch sử. Mặc dù vậy, tiếng thơ của nữ sĩ họ Hồ cũng chỉ như những tiếng trống vừa róng riết, vừa thiết tha được đánh lên rồi lại nhanh chóng chìm vào không trung, vào giữa lòng xã hội phong kiến vốn dĩ không bao giờ chấp nhận những điều không thuộc “đạo lý”

tam cương, ngũ thường. Và cuối cùng, ước mơ của nữ sĩ họ Hồ vẫn mãi chỉ là mơ ước: “Ví đây đổi phận làm trai được”!

2.3.3. Cảm quan tính dục và thân phận người phụ nữ trong văn học Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX

Hai thế kỷ XVIII và XIX cũng chứng kiến tiếng nói bênh vực nữ quyền của nhà Nho giàu lòng nhân ái. Ba kiểu nhân vật phụ nữ đều do nhà văn – nhà Nho sáng tác đã tạo nên một “cơn sốt” thực sự cho giai đoạn văn học này, đó là: người chinh phụ (vợ lính), người cung nữ và người kỹ nữ.

Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (theo sử sách ghi chép lại thì ông sinh ra và mất ở đầu thế kỷ XVIII) nguyên tác bằng chữ Hán là một tác phẩm viết về người vợ lính trong cuộc sống đời thường. Khi người chồng đi đánh trận xa, nhiều năm không tin tức và cũng không rõ ngày về, người chinh phụ có những giấc mơ gặp chồng; có những cảm nhận cô đơn trên chiếc giường trống vắng và có cả nỗi lo về tuổi xuân đang qua đi uổng phí. Có thể nói, nhân vật chinh phụ chỉ là cái cớ để tác giả Đặng Trần Côn lên tiếng nói giùm cho những người phụ nữ quý tộc với khát khao sâu kín nhưng lại vô cùng sôi nổi về hạnh phúc lứa đôi đầy màu sắc nhục thể. Tác phẩm chứa đựng tư tưởng đòi quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc của con người. Tác phẩm này đã được nhiều người dịch sang thơ Nôm và theo thông tin của Viện nghiên cứu Hán Nôm mà chúng tôi được biết thì hiện nay còn giữ được 07 bản dịch. Hiện tượng có nhiều bản dịch Chinh phụ ngâm như thế cho thấy “làn sóng tư tưởng mạnh mẽ đối với tư tưởng đặt ra trong tác phẩm” [66, tr.100].

Vào giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, ở Việt Nam xuất hiện một trào lưu viết về đề tài người cung nữ, trong đó Cung oán ngâm khúc của nhà Nho Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798) là một tác phẩm tiêu biểu. Thực tế, nhân vật cung nữ là một kiểu nhân vật khá truyền thống trong văn học phương Đông, nhưng ở Việt Nam, đến giai đoạn này mới được nhà Nho chú ý khai thác. Đây là một kiểu nhân vật nữ có nhan sắc nhưng bất hạnh vì chế độ cung nữ. Đoạn trích nỗi sầu oán của người cung nữ gồm 36 câu (từ câu 209 đến câu 244) của tác phẩm. Nhà thơ đã đặc tả tâm

trạng chua chát, cay đắng của người cung nữ: “Trong cung quế âm thầm chiếc bóng/ Đêm năm canh trông ngóng lần lần/ Khoảnh làm chi bấy mùa xuân!/ Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi”.

Dưới chế độ phong kiến, khi hàng trăm hàng ngàn cung nữ xinh đẹp phải phục vụ cho nhu cầu ăn chơi, giải trí của một ông vua, thì tất nhiên, đời sống tình dục của họ vô cùng cơ cực. Tác giả đã tái hiện cảm giác khoái lạc của cung nữ khi được sủng ái và sự đau buồn khi bị thất sủng. Cung oán ngâm khúc vì thế mang đặc điểm nữ quyền nổi bật.

Tác gia – nhà Nho Nguyễn Du (1765 – 1820) là người đi xa hơn cả trên con đường đấu tranh cho nữ quyền. Nhân vật chính trong Truyện Kiều là Thúy Kiều – một người con gái lương thiện, có khát vọng mạnh mẽ về tình yêu tự do, nhưng lại bị xã hội đẩy vào thân phận kỹ nữ, bị đầy đọa cả về thể xác lẫn tinh thần. Đây thực tế không phải chỉ là bi kịch của riêng nàng Kiều mà còn là bi kịch chung của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Cách ứng xử không theo chuẩn mực Nho giáo trong tình yêu của Thúy Kiều với Kim Trọng chính là điểm mấu chốt mà nhà văn, nhà thơ thiên tài Nguyễn Du muốn gửi gắm đến độc giả.

Cả ba nhân vật nữ trong những tác phẩm nêu trên đều là những người phụ nữ xinh đẹp và được nhà Nho nhìn nhận từ quan điểm “hồng nhan bạc mệnh”. Quan niệm “hồng nhan bạc mệnh”, “tài mệnh tương đố” vốn dĩ là mệnh đề phổ biến trong tư tưởng Nho gia. Tuy nhiên, vào thời kỳ thoái trào của Nho học, Nho sĩ Việt Nam đã dùng mệnh đề này để tiếp cận chủ nghĩa nữ quyền theo cách riêng của họ. Và điều đáng nói ở đây là họ thực sự có ý thức lên án chế độ xã hội nam quyền đã đày đọa những phận “hồng nhan”.

Kể từ khi nền văn học dân gian định hình, trở thành món ăn tinh thần trong lòng công chúng và kể từ khi nền văn học Trung đại Việt Nam được đến với độc giả thì vấn đề phái tính và nữ quyền là vấn đề luôn được đặt ra róng riết. Người phụ nữ Việt Nam trong văn học dân gian hiện lên thật đẹp và hình ảnh của họ như đã tiếp thêm sức mạnh cho những câu ca dao phản kháng dù còn yếu ớt và còn “nhạt”.

Văn học Trung đại đã đánh dấu một bước tiến mới về vấn đề phái tính và giải phóng nữ quyền mà Hồ Xuân Hương dường như là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam dám thể hiện công khai. Tuy vậy, bản thân nữ sĩ họ Hồ và một số nhà Nho tiến bộ khác vẫn không thể vượt qua được ngưỡng cửa của những “gác tía”, “lầu son” do những điều kiện khác nhau của nhận thức và của cuộc sống. Cuộc đấu tranh cho phái tính và nữ quyền mới ở khúc dạo đầu.

2.4. Ý thức phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam trước năm 1975 năm 1975

2.4.1. Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945

Năm 1858, giặc Pháp nổ súng vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Từ 1858 đến hết thế kỉ XIX, thực dân Pháp chủ yếu hoạt động về quân sự. Đến đầu thế kỉ XX, chúng mới tiến hành khai thác thuộc địa về mặt kinh tế. Sau hai cuộc khai thác lần thứ nhất và lần thứ hai, cơ cấu xã hội Việt Nam có những biến

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w