Người phụ nữ và những cuộc chiến vẫn còn nhức nhối

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 79 - 87)

5. Cấu trúc luận án

3.3.1.1.Người phụ nữ và những cuộc chiến vẫn còn nhức nhối

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của nam giới thường mang tính hình tượng – biểu tượng. Và hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh cũng được các nhà văn nam miêu tả với tính chất đó. Đi suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hình ảnh người phụ nữ luôn được các tác giả phác hoạ bằng những nét vẽ dung dị, mộc mạc nhưng luôn

phảng phất hơi thở của những bản hùng ca. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, họ là những người phụ nữ trong các đoàn dân công tải đạn, tải lương ra chiến trường “Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Họ là những người vợ không hề thua kém đức lang quân của mình khi “theo chồng đi phá đường quan”. Họ là những người mẹ sẵn sàng “dành cơm” cho con, cho Đảng “chẳng sợ tù gông chấp súng gươm” và sẵn sàng hy sinh thật anh dũng “Sống trong cát chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hình tượng người phụ nữ còn mang tính biểu tượng một cách rõ ràng hơn bởi sự gan dạ, bởi lòng quả cảm “Em là ai? Cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi hay không có tuổi/ Mái tóc em đây, hay là mây là suối/ Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông/ Thịt da em, hay là sắt là đồng”. Và sau đó, chính nhà thơ Tố Hữu đã tìm thấy lời giải đáp thật giản đơn mà chẳng hề đơn giản bởi “Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung/ Không giết được em người con gái anh hùng”. Với Nguyễn Đình Thi, hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong trên cao lộng gió “vai áo bạc, quàng súng trường” cũng chính là hình ảnh của những nhân vật nữ cụ thể như Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Chiến trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi. Và sau này, hình ảnh chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi cũng đã ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với tinh thần “còn cái lai quần cũng đánh”, chị Út Tịch, mặc dù mang bầu bảy tháng, vẫn xông pha giết giặc cứu nước. Chị trở thành nét son chói lọi về hình ảnh người phụ nữ yêu con và yêu nước thiết tha… Và còn rất nhiều, rất nhiều nữa những tấm gương người mẹ, người chị anh hùng như chị Sứ trong Hòn Đất, cô giao liên trong Chiếc lược ngà, mẹ Suốt ở Quảng Bình – Vĩnh Linh, hay thậm chí là người mẹ Tà Ôi trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ,… Họ là những nhân vật mang tính hình tượng – biểu tượng cho người phụ nữ sẵn sàng hy sinh vì đất nước, vì Tổ Quốc.

Năm 1971, Những ngôi sao xa xôi của một tác giả nữ ra đời. Với Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê từng làm say lòng biết bao độc giả miền Bắc khi viết về ba cô gái thanh niên xung phong chiến đấu trên một cao điểm Trường Sơn. Công việc của các cô gái là “khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Giữa tiếng bom rơi và tiếng gào rú của máy bay, các cô vẫn hát, vẫn thêu thùa và chép nhạc vào sổ tay. Sống giữa niềm ngưỡng mộ của những người lính trẻ, lòng ba cô gái đầy ắp ước mơ về tương lai tươi đẹp… Truyện ngắn này của Lê Minh Khuê khép lại bằng lời của một cô gái: “Tôi yêu tất cả mọi người, một tình yêu nồng nàn, khó nói” và cũng khép lại một thời kỳ đặc biệt và của văn học viết về chiến tranh một thời.

Từ sau năm 1975, có một số nhà văn vẫn viết về chiến tranh nhưng chiến tranh không còn được nhắc đến với những âm hưởng chiến thắng hào hùng nữa mà ở những mặt trái của nó: những mất mát và đau khổ của con người, nhất là những người phụ nữ. Chiến tranh dù đã qua đi, nhưng những tàn tích mà nó để lại thì còn làm người ta nhức nhối. Viết về những người phụ nữ bất hạnh, về những mất mát khôn nguôi và vốn không thể nguôi ngoai thời hậu chiến, dường như các tác giả nữ muốn gửi gắm vào đó thông điệp về sự tàn ác, man rợ của chiến tranh và cả những ước mong giá như chiến tranh đừng bao giờ hiện hữu. “Những người có lối sống lành mạnh và từng thật sự trải qua những tổn thương sâu sắc thì không chỉ ao ước bình yên suông, mà sẽ cố tránh những tổn thương không đáng có” [88, tr.162]. Điều này được thể hiện rất rõ trong sáng tác của một số nhà văn nữ như Dạ Ngân với Gia đình bé mọn; Lê Minh Khuê với Bi kịch nhỏ, Một chiều xa thành phố, Anh lính Tony D, Thị trấn, Mong manh như là tia nắng, và nhất là tập truyện Nhiệt đới gió mùa; Nguyễn Thị Thu Huệ với Người đi tìm giấc mơ; Y Ban với Điều bây giờ mới hiểu; Võ Thị Hảo với Người sót lại của rừng cười, Trận gió xanh rêu, Dây neo trần gian, Hồn trinh nữ,

Chiến tranh mặc dù đã đi qua, nhưng những tàn tích mà chiến tranh để lại thì còn mãi. Chiến tranh làm cho xã hội kiệt quệ, mở đường cho nghèo đói; và chính

sự nghèo đói làm xuất hiện những vết rạn nhân cách. Cảnh goá bụa của những người đàn bà trong gia đình Mỹ Tiệp là những mất mát chẳng thể bù đắp; những kẻ làm khổ Mỹ Tiệp như Tuyên – chồng nàng, và Hai Khâm – trưởng ban tuyên huấn tỉnh thì lại đua nhau hiện hình vào thời hậu chiến. Gia đình bé mọn của Dạ Ngân như một tiếng chuông buồn gióng lên báo hiệu một cuộc chiến mới lại bắt đầu – cuộc chiến không nhằm chống lại kẻ thù trực diện của đất nước, của dân tộc; mà là cuộc chiến để tìm lại chính mình, để được sống thật là mình của những người phụ nữ thời hậu chiến.

Bước qua thời kỳ của Những ngôi sao xa xôi, tập truyện Nhiệt đới gió mùa

của Lê Minh Khuê đưa người đọc trở lại với chiến tranh và thời bao cấp. Mười hai truyện ngắn trong Nhiệt đới gió mùa (Nghĩ ngợi quẩn quanh, Xe Camry ba chấm, Nước trong, Chuyện bếp núc, Trên đường về, Đồ cũ, Lãng mạn nửa mùa, Một mình, Ngày còn dài, Sống chậm, Nhiệt đới gió mùa và Ráp Việt) là mười hai truyện ngắn được tác giả tái hiện ở nhiều cung bậc cảm xúc. Mặc dù trong những trang viết của Lê Minh Khuê, người ta không đọc thấy những cảnh giết chóc man rợ của chiến tranh, nhưng người ta có thể cảm nhận thấy ngay những khát vọng tươi sáng bị xé toạc, những nỗi đau xót lặng lẽ hiện hữu, và nhất là những mối hận thù và cả những nhập nhèm vô lý mà một thời chúng ta không dám nói ra. Với Nhiệt đới gió mùa, “Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, có một truyện vừa ép lại từ một tiểu thuyết, cách giải thích của chị về chiến tranh làm tất cả những ai đọc nó đều rơi nước mắt. Chiến tranh, ngày xưa người ta nhìn bằng con mắt màu hồng. Nhưng qua con mắt của Lê Minh Khuê chiến tranh hiện lên, khắc nghiệt và dữ dằn”. [120, tr.122].

Nhiệt đới gió mùa xới dậy bi kịch trong gia đình một người đàn ông sống chung với vợ cả và vợ lẽ. Mỗi người đều có một cậu con trai. Mối ghen tuông, thù hận giữa hai người đàn bà dẫn tới một lần, sau trận cãi vã, người vợ lẽ chạy ra khỏi cửa và vấp phải đinh thợ mộc. Chiếc đinh cắm vào một bên mắt khiến người vợ lẽ vĩnh viễn mất đi con mắt. Sau tai nạn, cảm thấy bị ghẻ lạnh, hắt hủi, hai mẹ con người vợ lẽ bỏ đi biệt tích. Một thời gian sau, người anh con vợ cả trở thành một chiến sĩ

cộng sản. Người em theo mẹ vào Nam giờ là một sĩ quan cao cấp trong hàng ngũ lính ngụy. Họ gặp lại nhau khi ở hai chiến tuyến, trong tình cảnh người anh bị bắt và chiến tranh là cơ hội để người em đòi "món nợ" năm xưa cho mẹ bằng cách móc một con mắt người anh. Những câu văn lạnh lùng, trúc trắc khiến người đọc cảm nhận tận cùng sự tàn khốc giữa người với người trong cuộc chiến, khi chính lòng hận thù chứ không phải điều nào khác khiến con người sống tàn ác với nhau.: “Mỗi bên chỉ còn một con mắt nhìn nhau qua sự hận thù”. Chiến tranh, khi đó, chỉ là ngọn lửa bên ngoài, làm cho lửa hận thù bên trong mỗi con người bùng cháy. Với một cái nhìn trực diện, trong Nhiệt đới gió mùa, Lê Minh Khuê khai thác chiến tranh ở góc độ đau đớn, tàn khốc nhất, khi không chỉ là câu chuyện đầu rơi máu đổ từ hai chiến tuyến mà là sự chia cắt từ một phía. Và đặc biệt, lần đầu tiên, nhà văn nhìn chiến tranh qua cuộc chiến đau thương trong một gia đình.

Võ Thị Hảo chính là tác giả được nhắc đến nhiều nhất khi viết về những người phụ nữ phía sau những cuộc chiến dù đã qua đi nhưng vẫn còn nhức nhối, vẫn còn là nỗi đau. Là nhà văn sinh ra trong chiến tranh, lớn lên lại chứng kiến biết bao sự khó nhọc, vất vả hy sinh của những người phụ nữ, Võ Thị Hảo là nhân chứng của một thời kỳ lịch sử bi tráng và thấm đầy nước mắt của dân tộc. Trong hình dung của chị, có biết bao nữ thanh niên xung phong đã cống hiến cho đất nước cả tuổi xuân của mình và khi trở về sau cuộc chiến tranh vẫn chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí chỉ một mong ước giản đơn là được làm vợ, làm mẹ nhiều khi cũng mãi chỉ là khao khát, ước mong. Đất nước hết chiến tranh, số phận những người phụ nữ như thế lại rơi vào bi kịch đời thường. Bằng tấm lòng thương cảm, nhạy cảm của một nhà văn nữ tinh tế, đằng sau những câu chữ trau chuốt của Võ Thị Hảo là một cái nhìn đầy cảm thông và những day dứt khôn nguôi về số phận con người, về cuộc đời và nhân tình thế thái.

Trong nhiều truyện ngắn của Võ Thị Hảo, người ta cảm nhận được sự âu yếm mang chút thánh ca của tác giả khi nói về tình yêu, còn lại là sự cảm thông của trái tim người đàn bà khi viết về nỗi đau của đồng giới. Đâu là căn nguyên bất hạnh

của thân phận con người? Ẩn sâu trong những trang viết của Võ Thị Hảo là sự lên án đối với cái ác vẫn còn ẩn hiện đâu đó trong cuộc đời này. Tập truyện ngắn

Người sót lại của rừng cười do nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành là một tập truyện viết về một xã hội đã tan chiến nhưng chưa tàn chiến. Hình ảnh những người nữ thanh niên xung phong coi giữ một kho quân nhu bị cô lập ở Trường Sơn ngày nào trong những trang truyện của Võ Thị Hảo hiện lên trong tác phẩm khiến người ta không khỏi xót xa. Trong một lần đi lấy quân nhu, một anh lính đã không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy họ bởi họ trông giống như “những con vượn trắng” với những hình hài con gái “hoàn toàn trần truồng, tóc xoã, vẻ mặt bơ phờ và đang ngửa cổ ra sau cười khanh khách” [103, tr.109]. Lời anh lính đó ghi trong nhật ký giống như lời nhắn nhủ mà Võ Thị Hảo muốn gửi đến những thế hệ sau này: “Sẽ không bao giờ mình quên được những người đã thấy ở rừng cười. Có lẽ cảnh chết chóc còn dễ chịu hơn! Ôi! Thế là sau chín năm ở chiến trường, tôi đã nhìn thấy ở rừng cười cái cười méo mó man dại của chiến tranh. Việc chiến tranh lôi những người phụ nữ vào cuộc chiến thật là khủng khiếp. Tôi sẵn sàng chết hai lần cho họ khỏi lâm vào cảnh ấy”. [103, tr.113]. Những nữ thanh niên xung phong ấy đã phải sống trong một thế giới đầy bom đạn, nhưng việc đối mặt với bom đạn không đáng sợ bằng việc đối mặt với những khát khao bản năng không được hưởng. Tuy nhiên, những người phụ nữ ấy vẫn đẹp diệu kỳ dưới ngòi bút của Võ Thị Hảo- một cái đẹp thật thánh thiện, thật nhân văn và rất truyền thống. Bản năng nữ giới khát khao hạnh phúc là thế, nhưng họ lại dành viên đạn cuối cùng để tránh ô nhục khi sa vào tay kẻ thù: “Chuyện thần thoại của chiến trường không ở đây. Bốn cô gái không chống chọi nổi đã dành những viên đạn cuối cùng cho mình để tránh ô nhục”. [103, tr.111]. Dưới ngòi bút của Võ Thị Hảo, chiến tranh đã khắc dấu ấn của nó lên đời sống xã hội trong một thời kỳ dài đằng đẵng, thậm chí ngay cả khi chiến tranh đã chấm dứt. Cuộc sống của Thảo – nhân vật nữ thanh niên sống sót duy nhất trở về sau chiến tranh – người còn sót lại duy nhất của rừng cười, mãi vẫn không thể hoà nhập được với cuộc sống bên bạn bè ở trường đại học thời hậu chiến. Cô luôn bị

ám ảnh, bị dày vò bởi những ký ức chiến tranh trong cuộc sống hàng ngày và trong cả những giấc mơ: “Thảo thường qua đêm với hai loại giấc mơ: một loại giấc mơ thời thơ bé, cô thấy may mắn nhất là nhặt được chiếc cặp ba lá, khá nữa là nhặt được trứng vịt đẻ rơi. Còn trong giấc mơ tuổi thanh xuân, cô chỉ thấy tóc rụng như trút, rụng đầy khuôn ngực đã bị đâm nát của chị Thắm, và từ trong đám tóc rối ấy lấy ra hai giọt nước mắt trong veo và rắn câng như thuỷ tinh, đập mãi không vỡ”. [103, tr.114].

Khắc hoạ nỗi đau thương sau chiến tranh, hầu hết những nhân vật nữ của Võ Thị Hảo không hề có cuộc sống bình lặng. Họ cô đơn đến mức không còn biết mình đang sống để cho ai và không tự định hướng được cuộc đời mình phía trước. Cuộc đời họ như những con thuyền giữa dòng xoáy hun hút của cuộc sống mà không còn nơi neo giữ và bám víu. Họ là những người vợ vắng chồng vô tăm tích, dở điên dở tỉnh. Họ là những người phụ nữ suốt đời dò hỏi và tự trả lời về những điều mà chính họ cũng không hiểu nổi, không tin nổi. Họ là những bà goá đơn độc, buồn tủi, “đa số là đàn bà đã luống tuổi và khô héo”, họ “ngồi lầm lì thành một đám khăn trắng trông xa lô nhô như cò đậu. Không ai khóc. Họ ngồi lặng thít trước khói nhang”. [105]. Những người đàn bà có chồng chết trận, “những con mẹ không chồng” đã lập thành làng Đẽo hay còn gọi là làng Goá. Nếu như nỗi cô đơn của Thảo trong Người còn sót lại của rừng cười là sự tê dại, thảng thốt, buốt giá và thấm thía thì nỗi cô đơn của những người đàn bà có chồng chết trận đã chai lì. Họ sống và gặm nhấm từng nỗi đau giữa cuộc đời vô nghĩa.

Là một nhà văn nữ, viết về phụ nữ, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người phụ nữ, nên trong nhiều truyện ngắn của mình, Võ Thị Hảo cũng đã không ngần ngại lên tiếng đòi quyền làm mẹ cho những người phụ nữ không chồng- những người phụ nữ đã bỏ lại cả một thời xuân sắc ở chiến trường và khi trở về sau chiến tranh, mặc dù họ đã “quá lứa lỡ thì”, nhưng khát khao với thiên chức làm mẹ của họ là một khát khao hoàn toàn chính đáng và buộc xã hội phải công nhận.

Đúng như lời nhận xét của nhiều người, bằng tác phẩm của mình, Võ Thị Hảo thuộc thế hệ nhà văn “chối bỏ cổ tích” và không tin vào “thần thoại chiến trường”. Với Võ Thị Hảo, cách viết tô hồng hiện thực chiến tranh như nhiều nhà văn thuộc thế hệ trước đã làm là một điều hoàn toàn xa lạ. Chiến tranh trong tác phẩm của Võ Thị Hảo thường được hình tượng hóa bằng những nụ cười méo mó, man dại. Chiến tranh làm con người ta đánh mất nụ cười tự nhiên. Đánh mất nụ cười tự nhiên, con

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 79 - 87)