Người phụ nữ và những khát khao hạnh phúc đời thường

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 87 - 94)

5. Cấu trúc luận án

3.3.1.2.Người phụ nữ và những khát khao hạnh phúc đời thường

Các tác giả nữ thường có lợi thế trong việc diễn đạt sâu sắc nội tâm nhân vật nữ, trong việc bộc lộ đến tận cùng thái độ, cách cảm, cách nghĩ của giới mình. Sự khám phá thế giới tâm hồn người phụ nữ được các nhà văn nữ thể hiện ở mọi phương diện, từ trạng thái đến tình cảm, những cung bậc cảm xúc, niềm vui và nỗi buồn, những khát khao đam mê và cả những điều sâu kín nhất trong tâm hồn họ. “Thế giới đàn ông và thế giới phụ nữ là những thế giới khác nhau. Chúng có thể giao thoa với nhau ở một số chỗ, nhưng không hoàn toàn trùng nhau. Trong thế giới phụ nữ, điều có ý nghĩa hơn cả là những vấn đề gắn với tình yêu, gia đình và con cái”. [17].

Văn chương xét tới cùng là thân phận con người. Tác phẩm văn chương chỉ có tác dụng khi người nghệ sĩ nhận thức rõ bản chất con người thực tại. Đi vào thế giới văn xuôi nữ đương đại, chúng ta có thể cảm nhận thấy một cách rất rõ ràng rằng đề tài chủ yếu của văn xuôi nữ bao trùm là các vấn đề về gia đình, về vấn đề “thiên đường bị đánh mất”, về sự tìm tòi ý nghĩa của cuộc đời và những mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

Người phụ nữ dù trong điều kiện hoàn cảnh nào cũng chỉ muốn có được sự an ủi, đồng cảm, chia sẻ từ những người bạn khác giới. Những cô, những nàng trong Người đàn ông duy nhất, Tim vỡ, Nàng tiên xanh xao của Võ Thị Hảo; người đàn bà trong Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ, Đàn bà sinh ra từ bóng đêm của Y Ban đều chỉ mong muốn có được một người đàn ông chân chính để gửi trọn tình yêu thương. Nhân vật Tho trong Người đàn bà kể chuyện, Không Bé trong Đàn bà của Lý Lan, dẫu mỗi người đều mang một bi kịch khác nhau, nhưng đều có chung một nỗi niềm - đó là niềm mong ước về một gia đình, một người chồng thương yêu thấu hiểu những trăn trở của mình.

Trong tác phẩm Nhà không có đàn ông, nữ nhà văn Dạ Ngân đã phát biểu rất hay về sức mạnh nam quyền ẩn mình trong văn hóa: “Những người thân của chị đã thành công khi họ nhân danh đủ thứ truyền thống và tiêu chuẩn, tình thương và sự hy sinh nhưng không ai để lộ một lẽ nhân danh khác, ấy là tính đàn bà”. Vậy tính đàn bà mà Dạ Ngân đề cập ở đây là gì? Tại sao nhà văn phải nhấn mạnh ba chữ

tính đàn bà? Và tính đàn bà đó được thể hiện ra sao trong những trang viết của các tác giả nữ về chính giới mình?

Xét ở một phương diện nào đó, lời giải đáp cho những câu hỏi trên sẽ không phải là quá khó nếu chúng ta đặt tính đàn bà bên cạnh một tính từ trái nghĩa với nó. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để hiểu được ý nghĩa chân xác của từ này không phải là một việc dễ dàng bởi tính đàn bà xưa nay chỉ được nhắc đến trong văn học Việt Nam bằng cảm nhận “bề nổi” của những người đàn ông khi đề cập đến khái niệm này. Bằng cảm nhận riêng, chúng tôi cho rằng những yếu tố liên quan đến tính đàn không phải là những điều khó đoán, mà chỉ là những điều người ta chưa hiểu hoặc không thể hiểu nếu nhìn nhận vấn đề từ những đôi mắt nam quyền. Một trong những yếu tố đó mà chúng tôi muốn đề cập ở đây chính là những khát khao hạnh phúc đời thường của người phụ nữ trong văn xuôi nữ những năm gần đây.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, chưa bao giờ hình tượng người phụ nữ lại được đặt ở vị trí trung tâm và trọng tâm trong những trang viết của các nhà văn như hiện nay, đặc biệt là trong sáng tác của các tác giả nữ. Có lẽ chính cuộc sống hiện đại “bộn bề bóng tối và ánh sáng” khiến người ta không khỏi thắc thỏm, lo lắng về số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ. Hơn ai hết, những người phụ nữ chính là những người cần một cuộc sống bình yên thực sự, bình yên trong tâm hồn và trong cả những khát khao hạnh phúc thường nhật. Nhưng dường như nhân vật nữ trong sáng tác của các cây bút nữ những năm gần đây luôn phải mang trong lòng mình “cây thập tự” của sự buồn tủi, cô đơn và nhọc nhằn của mỗi kiếp người. Những nhân vật nữ ấy, dù là có vẻ ngoài xinh đẹp hay khiếm khuyết, dù sống ở thành thị hay nông thôn, dù thuộc tầng lớp trí thức hay những người lao động bình

thường đều phải mang trong mình những trăn trở, day dứt về cái nghèo, về sự cô đơn và về cả những niềm tin bị đánh mất trong cuộc sống. Và họ khát khao, khát khao có được một hạnh phúc dung dị của đời thường, khát khao có sự bình yên trong tâm hồn mà họ chẳng thể nào có nổi.

Trong văn xuôi nữ những năm gần đây, người ta bắt gặp những thân phận phụ nữ hẩm hiu, kém may mắn – những người phụ nữ khiếm khuyết về thể hình. Đó là những người mà “tạo hoá đã say rượu khi nặn ra” hoặc bỗng nhiên mắc phải một căn bệnh kỳ quái nào đó. Những nhân vật này đồng loạt xuất hiện trong nhiều truyện ngắn của Võ Thị Hảo. Đó là hình ảnh cô bé bị tật nguyền luôn mong đợi những lá thư cổ tích trong Máu của lá, là hình ảnh cô gái mù hình dung cuộc đời qua những âm thanh vọng lại từ chiếc tivi bên nhà hàng xóm trong Làn môi đồng trinh, hay hình ảnh người đàn bà hủi trong Phiên chợ người cùi buồn tênh, lạnh vắng,… Viết về những người phụ nữ kém may mắn này, dường như Võ Thị Hảo muốn nhấn mạnh những khát khao rất đời thường, rất giản dị của họ nhưng lại là những khát khao khó có thể trở thành hiện thực. Hình ảnh cô gái mù loà xoè tay đếm những hạt mưa rơi và hy vọng về một thiên thần sẽ đến trong Làn môi đồng trinh khiến người ta không khỏ thắc thỏm bởi ngay cả người con trai hàng xóm, với những tình cảm bột phát xen lẫn thương hại cũng chẳng biết mình sẽ “an ủi cô gái mù loà được bao lâu”. “Bao nhiêu kiếp đàn bà đã xoè tay hứng mưa dưới bầu trời này, nhưng đã có ai hứng được mười giọt mưa long lanh như ngọc rơi trọn lòng tay!”. [117, tr.83]. Hình ảnh cô vợ bị bệnh phong và bị chồng, gia đình nhà chồng hắt hủi, xa lánh trong Phiên chợ người cùi khiến người ta không khỏi chạnh lòng. Và hình ảnh cô bé tật nguyền hạnh phúc đến tột cùng khi nhận được lá thư vốn chẳng phải của người gửi mà cô mong đợi cũng như chẳng dành cho cô làm người ta khắc khoải,… Những người phụ nữ ấy cuối cùng vẫn phải bước đi giữa cuộc đời bằng cả những mong mỏi và hy vọng. Vượt lên trên tất cả, những người phụ nữ ấy vẫn không ngừng tin vào sự thần kỳ của cuộc đời. Họ bám víu lấy cuộc sống với cảm thức: “Mẹ chị không hạnh phúc, chị gái của chị cũng không hạnh phúc, người

hàng xóm của chị cũng không hạnh phúc… Gia đình chị không thể thêm người bất hạnh thứ ba”. [103].

Bên cạnh những người phụ nữ khiếm khuyết, kém may mắn về thể hình, người đọc lại tìm thấy hình ảnh những người phụ nữ thật đẹp, thật gợi tình với “bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại hiếm thấy”, với những “đôi chân dài miên man”, những “bộ ngực tuyệt đẹp lấp ló”, hay “ánh mắt và khoé môi đa tình, hờn dỗi” trong nhiều tác phẩm của Đỗ Hoàng Diệu. Những người con gái thật đẹp trong Bóng đè, Vu quy, Dòng sông hủi, Hoa máu, Huyền thoại về lời hứa, Căn bệnh,… của Đỗ Hoàng Diệu luôn mang một dáng dấp thật nữ tính, thật dịu dàng nhưng lại ẩn chứa trong tâm hồn một sự mạnh mẽ hiếm thấy. Dù vậy, không ngoại lệ, nhân vật nữ của Đỗ Hoàng Diệu cũng không thoát khỏi một cuộc kiếm tìm hạnh phúc đời thường trong vô vọng và tuyệt vọng bởi những giả dối, bất trắc của cuộc đời, của lòng người. Người con gái trong Bóng đè liệu có thể hạnh phúc không khi trong tâm hồn cô là cả một “cái bàn thờ với bài vị tổ tông” khát khao nhục dục và khi chính cô cũng không lý giải nổi những cảm giác tội lỗi xen lẫn khát khao tận hưởng của chính mình? Người con gái trong Vu quy liệu có thể có được hạnh phúc bên “một cái xác ướp” sau những đớn đau của các cuộc tình như cô cảm nhận “Tình cảm ư? Cũng như nén nhang đang ngút khói trên bàn thờ kia, sẽ tàn trong canh giờ và thổi bụi vào không gian. Tôi đã yêu anh, đã yêu ông, đã yêu chàng, đã yêu Tim nhiều như vậy”. [99, tr.65]. Và người con gái trong Dòng sông hủi liệu có hạnh phúc khi phải đối mặt với sự phũ phàng của cuộc đời, của tình người? Mỗi nhân vật nữ trong tác phẩm của Đỗ Hoàng Diệu dù đẹp nhưng đều có cuộc sống tâm hồn thật bất ổn. Họ dường như cứ phải dành hết tuổi trẻ của mình để kiếm tìm hạnh phúc đích thực, kiếm tìm một chữ tình mà chính họ cũng không hiểu tại sao họ phải kiếm tìm bởi nhu cầu được hạnh phúc đâu phải là nhu cầu của riêng người phụ nữ.

Đi sâu vào khám phá thế giới nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy một điều rõ ràng rằng trong xã hội hiện đại, dường như nỗi ám ảnh của phái yếu không phải là tiền tài, danh vọng; không phải

là bổn phận, trách nhiệm; và lại càng không phải là những giá trị đạo đức mà xã hội khoác lên vai họ. Nỗi ám ảnh đau đáu trong suốt cuộc đời họ - những người phụ nữ, là tình yêu. Những nhân vật nữ của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng không ngoại lệ. Không khai thác hình ảnh nhân vật nữ thời hậu chiến hay những cô gái kém may mắn thời hiện đại như Võ Thị Hảo, và cũng không đề cập đến những ngoại hình đẹp của nhân vật nữ như Đỗ Hoàng Diệu, truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ viết về những ước mơ hạnh phúc đời thường của người phụ nữ ở khía cạnh khác. Là một nhà văn có cái nhìn tinh tế, truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ là những câu chuyện rất đời thường về sự bộn bề của cuộc sống trong thời buổi đồng tiền chế ngự đời sống và tình cảm của con người. Bước vào thế giới truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, chúng ta dường như bước vào một lãnh địa rất riêng tư của phụ nữ. Ở đó, tác giả xây dựng những bức tranh đa sắc của cuộc sống xã hội muôn màu, nhưng hình ảnh người phụ nữ luôn là tâm điểm. Dường như Nguyễn Thị Thu Huệ cầm bút là để viết về những người phụ nữ. Trong sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, người ta hiếm thấy xuất hiện nhân vật chính là nam giới. Trong tuyển tập

37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ xuất bản năm 1998, chúng tôi chỉ thấy có 3 truyện mà nhân vật chính là nam giới là Những đêm thắp sáng, Nước mắt đàn ông

Minu xinh đẹp mà thôi. Trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, những nhân vật nữ, dù già hay trẻ, dù đang hạnh phúc hay lỡ dở, dù là thiếu nữ chưa chồng hay người phụ nữ từng trải,… thì đều có một điểm chung ở họ, đó là những tâm hồn khát yêu, khao khát được yêu và tất tả trên những nẻo đường yêu để si mê và dâng hiến. Đó là hình ảnh cô bé mười sáu tuổi chập chững bước vào tình yêu trong Hậu thiên đường. Cô bé yêu người đàn ông của mình bằng cả sự ngây thơ, mê đắm trong thiên đường yêu mà không nhận ra rằng người đàn ông của mình chỉ là một kẻ ích kỷ và thô thiển. Đó cũng là một cô gái mới lớn dám liều mình bỏ nhà ra đi, vượt mấy trăm cây số để đến với người đàn ông hơn mình mười hai tuổi vừa bỏ vợ trong Biển ấm. Đọc những tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ, người ta nhận ra một điều rằng trong vườn yêu muôn nẻo của Hậu thiên đường, Cõi mê, Nào

ta cùng lãng quên không phải chỉ những người phụ nữ mê muội hay dở dở ương ương mới đắm đuối vì yêu mà ngay cả những người phụ nữ luôn coi mình là người tỉnh táo cũng lạc lối.

Nguyễn Thị Thu Huệ thường viết về những nhân vật phụ nữ - những người đàn bà luôn sống với trăm mối tơ vò trong bi kịch tâm hồn không lối thoát hay những cô gái háo hức bước vào tình yêu, bước vào cuộc sống mà ở đó những khát vọng hướng thiện, hạnh phúc hay khổ đau, bất hạnh đôi khi chỉ có khoảng cách là một sợi tóc. Mỏng manh đến điệu đà, nhạy cảm đến mức khắt khe là cảm giác của người đọc về những nhân vật nữ của Nguyễn Thị Thu Huệ. Đọc tác phẩm của Nguyễn Thị Thu Huệ, người ta tìm thấy những nhân vật phụ nữ khát khao yêu, khát khao sống cho đúng nghĩa với tình yêu nhưng lại rơi vào những cảnh sống, những nỗi đau không lối thoát. Các truyện ngắn Tân cảng, Huyền thoại, Tình yêu ơi, Ở đâu, Dĩ vãng,... đều viết về những bi kịch của người phụ nữ, về thân phận của những người đàn bà với nỗi đau trong sâu thẳm tâm hồn bởi luôn khao khát một tình yêu tuyệt mỹ nhưng lại là thứ tình yêu thật khó kiếm tìm trong cuộc sống hiện đại.

Sự hấp dẫn của truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ nằm ở lối viết đằm thắm, nồng nàn hơi ấm nữ tính. Mỗi truyện như một lời tâm tình, chia sẻ hướng tới những tri âm. Sôi nổi, nồng nàn, nồng nàn ngay cả trong hoàn cảnh cay đắng và chua chát nhất chính là âm hưởng chi phối sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ. Giọng điệu ấy khiến truyện ngắn của chị, dù đề cập đến nhiều đổ vỡ, mất mát nhưng vẫn là sợi dây neo đậu niềm tin vào hạnh phúc và tình yêu. Đọc truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, người đọc hình dung được phần nào mặt trái của xã hội, và để cảm nhận, cảm thông với những góc khuất trong tâm hồn con người. Đó là sự thông cảm, chia sẻ với những người đàn bà luôn mang trong mình khao khát hướng đến sự toàn mỹ của cuộc đời, nhưng lại phải đối mặt với những bi kịch - thứ bi kịch tâm hồn của người đàn bà trong đời sống hiện đại.

Đến với những sáng tác của các nhà văn nữ những năm gần đây, chúng ta bắt gặp những người đàn bà mà kiếp sống của họ là kiếp nạn. Cuộc đời họ là cuộc đời của những nỗi đa đoan đầy nước mắt khổ đau. Những người phụ nữ đó, họ nổi nênh, cô đơn, tủi nhục, bi đát trong một thế giới đói nghèo, tăm tối với những cảnh đời của những người gánh nước thuê, người bán ốc luộc trong sáng tác của Võ Thị Hảo hay những cảnh đời khốn khó trên những cánh đồng “trống trơn”, “mùa hạn hung hãn” trong những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư.

Trước khi Cánh đồng bất tận ra đời, Nguyễn Ngọc Tư đã in các tập Ngọn đèn không tắt, Giao thừa, Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Tiếp cận những tác phẩm này, người ta thấy bao giờ Nguyễn Ngọc Tư cũng có chừng mực khi diễn tả về niềm hạnh phúc và cả nỗi buồn đau, bất hạnh của con người. Chị nhìn cuộc sống và những người xung quanh mình bằng một tấm lòng khoan dung, độ lượng… Dường như chị cho rằng chẳng có ai là hạnh phúc trọn vẹn và cũng chẳng có ai là đau khổ đến tận cùng và trong khá nhiều tác phẩm, và dường như chị cũng không đụng chạm nhiều đến sự tuyệt đối của cái tốt và cái xấu… Hãy vui với những hạnh phúc nho nhỏ mà mình may mắn có được và cũng đừng tuyệt vọng… Đến Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngoc Tư đã bất ngờ thay đổi trong giọng văn, trong cách nhìn,

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 87 - 94)