Khuynh hướng tự truyện như một nét đặc thù của lối viết nữ

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 134 - 164)

5. Cấu trúc luận án

4.3. Khuynh hướng tự truyện như một nét đặc thù của lối viết nữ

Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu Việt Nam thường dùng thuật ngữ tự thuật hay tự truyện trong tiếng Việt để chuyển nghĩa tương đương với từ

autobiography trong tiếng Anh và autobiographie trong tiếng Pháp. Thực tế, tự truyện có thể tương đương với danh từ autobiography (autobiographie), còn tự thuật tương đương với tính từ autobiographical (autobiographique). Nhưng trong thực tế, khái niệm tự thuật thường xuyên được sử dụng với nghĩa là tự truyện – với tư cách thể loại.

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Hải Ninh thì tuy nội hàm khái niệm tự truyện và tự thuật có nhiều điểm giống nhau và đôi khi được dùng tùy thuộc ngữ cảnh nhưng không hoàn toàn đồng nhất trong tiếng Việt. Tác giả nhấn mạnh: “Tự truyện nghiêng về thể loại, ngay trong bản thân từ này là kết hợp của truyệntự (tự kể lại câu chuyện). Thuật ngữ tự thuật có thể được hiểu theo hai cách: thứ nhất, là dòng tự sự có tính chất thuật lại câu chuyện cuộc đời do tác giả tự kể, chẳng hạn hồi ký, nhật ký, tiểu thuyết tự thuật và tự truyện. Ở phạm vi hẹp hơn, tự thuật nghiêng về thủ pháp, tức là chỉ hành động thuật lại, kể lại câu chuyện đời mình. Tự truyện bao gồm cả phương diện nội dung và hình thức: tác giả viết về cuộc đời mình và tự thuật lại theo cách riêng của mình”. [29].

Mỗi nhà văn khi cầm bút đều xuất phát từ nhu cầu giải phóng tư tưởng và bộc lộ tình cảm của mình, nói như Hegel, con người là một thực thể biết tư duy nhận thức nên luôn có khao khát thể hiện mình [29]. Secnưsevki khi lý giải bản chất của quá trình sáng tạo cũng khẳng định: “Nhà văn dùng con mắt “tinh đời” để nhìn vào bản thân mình, hiểu được bản chất tính cách xã hội lịch sử của mình và dùng bản thân mình làm nguyên mẫu cho các nhân vật của mình”[83].

Với xuất phát điểm là con người của nền nông nghiệp lúa nước, với lịch sử xã hội chịu ảnh hưởng bởi những quan điểm hủ Nho, hủ tục trong suốt một thời kỳ dài lịch sử (như chúng tôi đã đề cập ở phần chương 1), người phụ nữ Việt Nam thường sống trong một trạng thái khép kín tại một không gian tĩnh tại. Những quan hệ chính yếu nhất của họ xoay quanh và bó hẹp trong phạm vi gia đình. Các quan hệ xã hội luôn bị hạn chế, bị những rào cản từ chính quan niệm xã hội, từ quan niệm về chức năng của người phụ nữ trong gia đình bó buộc. Người phụ nữ dường

như sống câm lặng bởi không thể trải lòng và cũng không được phép trải lòng. Thực trạng nặng nề này với người phụ nữ kéo dài ở nước ta cho đến tận những năm đầu Đổi mới. Bởi vậy, khi được “cởi trói” khỏi những thứ luân lí, đạo lí vốn như “cái tròng” vô hình áp vào cổ họ thì những người phụ nữ bắt đầu sống cuộc sống để được là mình, để được nhìn nhận lại mối quan hệ giữa mình và những người đàn ông trong gia đình và ngoài xã hội mà xưa kia họ chỉ biết mỗi một điều là phải phục tùng và dâng hiến. Và đặc biệt, khi những người phụ nữ được đi học, biết chữ và biết cầm bút để viết văn thì họ thường lấy chính bản thân mình làm đối tượng để cảm nhận, để khám phá chính mình và khát khao sự đồng cảm. Chính vì điều đó, theo chúng tôi, tác phẩm của các tác giả nữ thường mang khuynh hướng tự truyện như là một sự khẳng định bản ngã trước thế giới đàn ông bởi những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, họ viết như một sự thoả mãn cho niềm thích thú được nói về mình, được tự do phô bày bản thể;

Thứ hai, họ viết để được bày tỏ lòng mình, để làm dịu nỗi đau, và để nói những điều mà xưa nay họ chưa từng được nói;

Thứ ba, họ viết để tìm sự cảm thông, chia sẻ, an ủi của những người khác. Và như chúng tôi đặt tiêu đề cho tiểu mục này: Khuynh hướng tự truyện như một nét đặc thù của lối viết nữ trong văn học đương đại.

Trước hết, mục đích của tự truyện là tìm hiểu một con người có thật với lịch sử hình thành nhân cách. Tự truyện vốn được coi là một thể loại phi hư cấu, có tính tham chiếu, tác giả đồng thời là người kể chuyện và là nhân vật chính chịu trách nhiệm trước độc giả về tính chân thật của sự kiện. Nghĩa là, tự truyện không phải là một sáng tạo nghệ thuật của tác giả mà là tư liệu báo cáo về cuộc đời và cá nhân tác giả đó. Trong tự truyện, cuộc đời tác giả và bức chân dung tinh thần của tác giả trở thành đối tượng chính, tham gia trực tiếp vào tác phẩm như một bộ phận hữu cơ. Sức hút của thể loại này là ở sự xác thực, tính chân thực và đôi khi còn ở sự bí mật của thông tin được công bố cũng như mức độ “gây sốc” trong văn bản. Trong các

tự truyện truyền thống, khi hướng tới mục đích tổng kết cuộc đời mình, nhà văn phải đảm bảo tính chính xác, trung thực, bởi vậy, các sự kiện được sắp xếp theo trình tự thời gian tuyến tính. Như chúng ta đều biết, trên thế giới từng xuất hiện một số tác phẩm tự truyện kinh điển như David Copperfil của Ch. Dickens, hay bộ ba tác phẩm của M. Gorki (Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi) theo đúng quan niệm truyền thống “là thể loại tự kể chuyện đời mình cách chân thực khách quan và không được phép hư cấu”.

Tuy vậy, khi nghiên cứu một số cuốn tiểu thuyết nổi tiếng trong văn học nữ thế giới như Jane Eyre của Charlotte, Người tình của Marguerite Duras,… hay những tác phẩm mới xuất hiện gần đây như Xin cạch đàn ông của Katarzyna Grochola, Tự truyện chưa hoàn tất của Alice A. Bailey, Điên cuồng như Vệ Tuệ của Vệ Tuệ,… các học giả đi đến nhận định rằng các tác phẩm của các nhà văn nữ đều chỉ mang khuynh hướng tự truyện chứ không phải là tác phẩm tự truyện theo đúng nghĩa bởi mối quan hệ sự thật – hư cấu, kí ức – trải nghiệm xung quanh tác phẩm. Tess Cosslett, Celia Lury và Penny Summerfield- những nhà nghiên cứu hàng đầu về Nữ quyền và Tự truyện trên thế giới nhận định: “Kí ức cũng có tính liên hệ giữa các góc nhìn chủ quan và tính đối thoại, một chức năng của việc xác định mỗi cá nhân và gắn kết về mặt xã hội. Mặc dù kí ức tưởng có thể là độc nhất của riêng mỗi chúng ta, nó cũng được khách quan hóa và là một yếu tố trong quy ước của cộng đồng và những nghi thức được chia sẻ. Sự hồi tưởng quá khứ thông qua bằng chứng cá nhân có thể dẫn tới một chiều hướng chính trị tùy thuộc vào những gì còn lưu lại và những gì bị lãng quên. Quyền tạo dựng giá trị, sự xác thực và sự thật không bao giờ chỉ thuộc về người kể chuyện”.

Vài năm gần đây trong đời sống văn học Việt Nam đương đại xuất hiện một vài cuốn sách được chắp bút và được coi là tự truyện như Lê Vân yêu và sống (Bùi Mai Hạnh ghi), Tôi mù (Nguyễn Thanh Tú) Bóng (Hoàng Nguyên và Đoan Trang ghi), Không lạc loài (Lê Anh Hoài ghi),… Mặc dù chúng được người khác viết theo lời kể của tác giả nhưng chúng tôi cho rằng những cuốn tự truyện này chỉ mang

dáng dấp tự truyện chứ không hoặc chưa phải là những cuốn tự truyện văn học xét dưới góc độ thể loại. Như chúng tôi đã đề cập, nhìn chung, cái tôi của người Việt khá kín đáo bởi người Việt đã quen với cuộc sống của những cái ta cộng đồng trong môi trường văn hoá chung của nền văn minh nông nghiệp lúa nước (một nền văn minh coi trọng văn hoá cộng đồng). Vì vậy, văn học Việt Nam từ xưa đến nay vốn ít có truyền thống tác giả tự kể chuyện đời mình. Tuy nhiên, cùng với sự đổi mới mạnh mẽ trong hệ hình tư duy và các quan niệm nghệ thuật, khuynh hướng tự truyện đang dần trở thành một khuynh hướng nổi bật. Chúng tôi nhận thấy trong chiều sâu sự thay đổi này là vấn đề nhận thức về các giá trị cá nhân – cộng đồng, về hiện thực và hư cấu trong sáng tạo nghệ thuật. Khảo sát các tác phẩm văn xuôi nữ Việt Nam đương đại, chúng tôi nhận thấy tuy mỗi trang viết đều là những trải nghiệm của bản thân nhà văn, là hành trình đi tìm cái tôi của từng người, nhưng những chi tiết tiểu sử đã được nhào nặn lại, câu chuyện cuộc đời được cấu trúc và sắp xếp lại, tức là tác giả tách khỏi những yếu tố đời tư để thể hiện với một độ gián cách nhất định. Vì vậy, chúng tôi đi đến kết luận rằng văn xuôi nữ Việt Nam đương đại không có các tác phẩm tự truyện mà chỉ mang dấu ấn tự truyện, hay nói chính xác hơn là mang khuynh hướng tự truyện. Và như vậy, câu hỏi đặt ra với chúng tôi là: Vì sao có những tác phẩm người đọc nhận ra bóng dáng đời tư nhà văn, cái tôi của nhà văn, trong khi những tác phẩm khác thì không? Vì sao một số tác giả đương đại, đặc biệt là tác giả nữ lấy những trải nghiệm cá nhân, lấy chính cuộc đời mình làm chất liệu trong sáng tác? Và việc đưa những trải nghiệm cá nhân đó vào tác phẩm, những cây bút nữ đó có dụng ý gi? Và để trả lời cho những câu hỏi đó, chúng tôi xem xét những vấn đề mình đặt ra dưới góc độ và giác độ về phái tính và nữ quyền bằng cách khảo cứu bản thân tác phẩm và những yếu tố cuộc đời của bản thân chủ thể sáng tác. Về một phương diện nào đó, cái tôi cá nhân vừa là động lực

vừa là kết quả của quá trình đổi mới văn học. Với những sáng tác có khuynh hướng tự truyện, khi nhà văn lấy chuyện đời tôi làm chất liệu sáng tác thì ý thức về cái tôi cá nhân cũng như sự thể hiện nó sẽ tạo nên những sắc thái riêng biệt. Ý thức cái tôi

cá nhân như một nguyên nhân tạo nên khuynh hướng tự truyện trong văn xuôi nữ những năm gần đây. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn học nước ta ở những năm đầu thế kỷ XXI đã bắt đầu mang tâm thức hậu hiện đại mà yếu tố tinh thần của nó là thái độ hoài nghi và sự phá vỡ mô hình đại tự sự [17]. Nếu như hệ hình tư duy hiện đại tập trung khám phá “con người bản chất” thì hậu hiện đại lại chú ý đến “con người quan hệ”. [9]. Và “Cho dù cả nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại đều mang thái độ hoài nghi nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa hai giai đoạnnày là ở chỗ: trong khi chủ nghĩa hiện đại hoài nghi thế giới nhưng vẫn tin vào cái tôi thì chủ nghĩa hậu hiện đại hoài nghi tất cả” [9]. Tuy nhiên, ở Việt Nam, giữa chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại ít khi được phân chia một cách rạch ròi và ít đẩy tới mức cực đoan mà thường có sự cộng sinh giữa chúng, thậm chí, nhiều yếu tố nghệ thuật tiền hiện đại vẫn hiện diện trong đời sống văn học. Dẫu vậy, về cơ bản, hệ hình tư duy nghệ thuật mới đã giúp cho văn học có những bứt phá mạnh mẽ và kéo theo sự xuất hiện của nhiều xu hướng, nhiều trào lưu mới trong đó có khuynh hướng tự truyện trong văn xuôi. Chúng ta có thể khẳng định, văn học Việt Nam đương đại từ sau năm 1975 đã đánh dấu một bước tiến mới của “ý thức tự ngã”. Trong bài viết

Về quan niệm con người trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã nhấn mạnh ý thức cá nhân là yếu tố quan trọng làm đổi mới văn học. Theo ông, từ sau năm 1975, khuynh hướng phi sử thi hóa khiến cho “văn học trở lại với con người cá thể, quan tâm tới cá nhân: đề tài cái tôi, ý thức chủ thể, con người thân phận, cảm hứng đạo đức, tự vấn lương tâm,… đều là những biểu hiện của ý thức cá nhân”. Cái tôi cá nhân trong văn học đương đại thường được hiểu là sự nhấn mạnh đến những vấn đề của số phận cá nhân, nhu cầu được thể hiện tiếng nói của cá thể độc lập và nhu cầu thể hiện bản ngã và trong từng thể loại, từng tác phẩm, và bản thân người đọc, có thể tiếp cận nó ở các bình diện khác nhau. Mặc dù cho đến nay các tác phẩm văn xuôi có khuynh hướng tự truyện chưa hình thành một dòng riêng biệt nhưng nó được nhiều nhà văn quan tâm và thử nghiệm. Thậm chí, khá nhiều tác phẩm tiêu biểu của văn học thời kỳ đổi mới đều phảng phất hơi

hướng tự truyện. Tại đây, cái tôi của nhà văn vừa là mục đích khám phá, vừa có ý nghĩa như một phương tiện để tự sự. Điều đó nói lên mối quan hệ chặt chẽ giữa khuynh hướng tự truyện trong văn xuôi đương đại và sự đổi mới hệ hình tư duy, trong đó, có hai vấn đề đặc biệt quan trọng: vấn đề cái tôi cá nhân và mối quan hệ

sự thật - hư cấu. Để tìm hiểu vấn đề cái tôi cá nhân và mối quan hệ giữa sự thật – hư cấu trong văn xuôi đương đại nữ những năm gần đây, chúng tôi đã sử dụng phương pháp nghiên cứu tiểu sử. Trong nghiên cứu văn học, phương pháp tiểu sử thường được sử dụng để lý giải những mối quan hệ gần gũi giữa nhà văn và nhân vật hay cảm hứng tự thú và tự bạch. Đọc tiểu thuyết của một số cây bút nữ gần đây như Gia đình bé mọn của Dạ Ngân, Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê, Tiền định

của Đoàn Lê, Tân cảng của Nguyễn Thị Thu Huệ, Một bàn tay thì đầy của Hoàng Việt Hằng, China town của Thuận, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Lạc chốn thị thành, Phòng trọ của Phong Điệp, người đọc có thể nhận thấy mối liên hệ rõ nét giữa các nhân vật chính trong tác phẩm và bản thân nhà văn trong cuộc đời thực. Dạ Ngân là một cây bút được nhắc đến nhiều khi người ta bàn đến mối quan hệ tác giả - nhân vật . Trong rất nhiều truyện ngắn của Dạ Ngân, người ta tìm thấy những “mảng” nào đó trong cuộc đời tác giả: Trinh nữ muộn kể về cô gái lỡ thì khư khư ôm trinh tiết; Quãng đời ấm áp kể chuyện một thời hạnh phúc bên đồng đội, bên những người tri kỷ giữa bom đạn chiến tranh; Nhà không có đàn ông nói về không gian chật hẹp của đại gia đình những người tiết phụ; Thời gian vĩ đại tái hiện tâm trạng người phụ nữ khi gặp lại người yêu cũ trong cuộc tình dở dang quá khứ;

Vòng tròn im lặng là cuộc đối thoại giữa mẹ và con trong thời điểm phải lựa chọn tình yêu hay tình mẫu tử;… Trước khi tiểu thuyết Gia đình bé mọn của Dạ Ngân được xuất bản, độc giả đã có thể thấy được những nét vẽ sơ lược về cuộc đời tác giả qua truyện ngắn Con chó và vụ ly hôn. Con chó và vụ ly hôn kể chuyện về một vụ ly hôn diễn ra từ một lý do rất đỗi “vớ vẩn”, cảm tính, khó thành một nguyên nhân – đó là thái độ đối xử với con chó. Nhưng đằng sau vụ ly hôn đó, thực chất là Dạ Ngân muốn nói về sự khác biệt trong tâm hồn hai con người, và sự cách biệt

ngày càng lớn khi cuộc sống chung ngày càng có nhiều va chạm. Sự đồng điệu trong cuộc sống vợ chồng cần đến cảm xúc tinh tế để chia sẻ cảm nhận, nhưng điều đó hoàn toàn vắng bóng trong đời sống của cặp vợ chồng trong câu chuyện. Đến

Gia đình bé mọn, câu chuyện hôn nhân của chính cuộc đời Dạ Ngân đã được khai mở. Chính sự cách biệt do thiếu hòa hợp về tâm hồn là nguyên nhân khiến gia đình tan vỡ. Chi tiết người vợ cảm nhận về cách cư xử của chồng như là giọt nước tràn ly khiến vết rạn nứt của họ càng trở nên sâu hơn: “Chồng nàng ít khi giỡn với con,

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 134 - 164)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w