5. Cấu trúc luận án
2.4.1.2. Văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX: Từ người phụ nữ mù chữ đến người phụ nữ
viết văn
Văn chương nữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX thực sự khởi sắc với sự xuất hiện của nhiều cây bút nữ vốn bấy lâu bị phong kín bởi những quan niệm và định kiến. Nếu như trước đây, người phụ nữ phải cam chịu cảnh mù chữ, khiến người phụ nữ sắc sảo thông minh đến mấy cũng không thể đọc biết, mà chỉ nghe biết mà dùng ngón tay cái điểm chỉ vào những thứ văn bản mà đôi khi nó liên quan đến quyền lợi, thậm chí cả mạng sống của người phụ nữ. Người phụ nữ biết chữ và người phụ nữ viết văn – một điều lạ lẫm khó có thể hình dung nổi trong suốt thời kỳ phong
kiến, nay không những đã trở nên quen thuộc mà còn để lại nhiều dấu ấn nữ tính của mình trong đời sống văn hóa, văn học đương thời. Trong một thời gian dài đến 10 thế kỷ của quá khứ, nữ văn sĩ Việt Nam dường như nằm ngủ im lìm đằng sau những bức vách của luân lý, của định kiến giới; có chăng người ta chỉ bấm trên đầu ngón tay được một số nhà thơ nữ ở thời kỳ Nho học thoái trào như Hồ Xuân Hương. Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Ngọc Hân công chúa.
Văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX, bên cạnh những những cây bút nam có công mở đầu cho nền tiểu thuyết hiện đại nước nhà như Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Bửu Đình, Phú Đức, Nguyễn Bửu Mọc, Lê Hoằng Mưu,… đã xuất hiện nhiều cây bút nữ như Phan Thị Bạch Vân, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Trần Thị Như Mân, Ái Lan, Nguyễn Thị Manh Manh, Đạm Phương, Mộng Tuyết, Anh Thơ, Ngân Giang, Vân Đài, Hằng Phương,… Dù vậy, “tính đến năm 1930, văn học quốc ngữ Nam Kỳ có non 20 tác giả nữ còn để lại tác phẩm in thành sách” [34].
Trong số những người phụ nữ tâm huyết, tích cực, bền bỉ đứng trên văn đàn đấu tranh cho nữ quyền, người ta thường nhắc nhiều đến Sương Nguyệt Anh và Đạm Phương nữ sĩ.
Sương Nguyệt Anh thuộc thế hệ nhà thơ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, làm thơ bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và quốc ngữ. Bà đồng thời là nữ chủ bút tờ báo
Nữ giới chung (tiếng chuông của nữ giới) – tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam phát hành định kỳ vào ngày thứ Sáu hàng tuần. Có thể nói, Nữ giới chung là tờ báo đầu tiên ở nước ta chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe đối với nữ giới thời đó; đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam – nữ. Suốt hơn hai chục số báo, Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tâm huyết và tài năng của mình để góp phần chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Bà chẳng những có vai trò rất lớn trong việc làm thức tỉnh và cổ vũ các độc giả nữ trước thời thế mới, mà còn làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm nền báo chí non trẻ của Việt Nam khi đó, đồng thời tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này xuất hiện như Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm…
Giống như Sương Nguyệt Anh, Đạm Phương nữ sĩ là một người luôn dành trọn tâm huyết của mình cho công việc làm thơ, viết văn, viết báo và hoạt động xã hội. Trong bài viết “Đạm Phương nữ sĩ và vấn đề vị thế của người phụ nữ trong sự nghiệp canh tân đất nước”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp đúc kết: “Để trở thành bậc nữ lưu tân tiến, Đạm Phương đã vượt qua “vũ môn” với ba thử thách”, đó là “Thiên kiến giai cấp và tư tưởng phong kiến”, “Sự ngự trị của tư tưởng nam quyền”, và cuối cùng là “Làm thế nào để công khai tư tưởng nữ quyền của mình trên các diễn đàn văn hóa”. Và Đạm Phương đã để lại dấu ấn của mình khi Bà liên tục xuất hiện trên những tờ báo lớn nhất lúc bấy giờ là Nam Phong, Phụ nữ thời đàm, Hữu thanh, Tiếng dân,… Đặc biệt hơn, chính Đạm Phương là người đã giữ mục Văn đàn bà trên Trung Bắc tân văn suốt một thời gian dài từ năm 1918 đến năm 1929. Điều đó cho thấy Đạm Phương tâm huyết với công việc của mình đến thế nào. Bà chính là người đã “tìm thấy chìa khóa giải phóng phụ nữ trong giáo dục và thông qua giáo dục”.
Trong cuốn Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu nhận định: “Một Anh Thơ chân tình mộc mạc, một Mộng Tuyết trong trẻo, hồn nhiên, một Ngân Giang tài hoa cổ kính, một Hằng Phương đằm thắm, ngọt ngào, một Vân Đài duyên dáng dịu nhẹ… và bấy nhiêu thôi cũng đủ góp phần cho cung đàn thơ ca Việt Nam thêm đa dạng về âm sắc và giọng điệu” [34, tr.463].
Mặc dù dấu ấn của nữ giới trong văn học miền Nam đầu thế kỷ XX có đậm nét hơn, mang nhiều âm sắc hơn, nhưng khi sánh với giá trị mà những cây bút nam sừng sững như những cây đại thụ đã tạo nên cả một thời đại thi ca như Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Vũ Đình Liên, Vũ Hoàng Chương,… thì tác phẩm của những cây bút nữ vẫn mờ nhạt bên cạnh vòng hào quang của Thơ mới.
Tuy vậy, việc người phụ nữ đứng dậy, bước ra từ chốn phòng the, xếp lại những bếp núc củi canh để đến với thế giới nghệ thuật vốn chỉ là chốn dành cho nam giới đã là một điều đáng ghi nhận.