Nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 76 - 79)

5. Cấu trúc luận án

3.3.1. Nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ

Ngược dòng lịch sử, chúng ta chứng kiến sự ảnh hưởng sâu đậm của lễ giáo phong kiến Trung Hoa ở Việt Nam trong suốt hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Mặc dù tín ngưỡng dân gian mang tính bản địa ở Việt Nam là Đạo Mẫu và những gì liên quan đến người mẹ trong văn hóa Việt Nam đều rất thiêng liêng; thế nhưng những tư tưởng nặng nề của Tam cương, ngũ thường; Tam tòng, tứ đức thì vẫn còn đeo đẳng và việc đi tìm lại bản sắc của dân tộc mình, của chính mình (đặc biệt là với người phụ nữ) là một hành trình thật gian nan.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống kinh tế xã hội và tư tưởng con người cũng thực sự đổi thay. Trong bối cảnh xã hội mới, vai trò, vị trí của người phụ nữ được thừa nhận, đề cao và khẳng định. Họ tham gia ngày càng đông vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, trong đó có sáng tạo nghệ thuật. Văn học là một lĩnh vực được nhiều người phụ nữ quan tâm bởi trên văn đàn, họ được trải nghiệm, được giãi bày và được sẻ chia. Nếu như ở các giai đoạn văn học trước (giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945 hay giai đoạn từ 1945 đến 1975), ưu thế thuộc về các nhà văn nam như Nam Cao, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu,… thì văn học đương đại phần đông gắn với các tên tuổi như Phạm Thị Hoài, Thuận, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Dạ Ngân, Di Li, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu,… Trong bài viết Truyện ngắn và cuộc sống hôm nay đăng trên Tạp chí văn học số 2 (năm 1994), nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Số lượng các tác giả nữ, lại tỏ ra khá chắc tay trong cái dàn chung, đem đến cho văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng một sinh khí mới cần thiết để thể hiện bề sâu cuộc sống con người hôm nay.

Dõi theo tiến trình của lịch sử văn học, chúng ta có thể nhận thấy hình tượng người phụ nữ đã được xây dựng, đã được đưa vào vị trí trung tâm trong cảm hứng sáng tác của các tác giả ở nhiều thời kỳ, qua nhiều thời đại. Thế nhưng, chỉ khi đến với dòng chảy của văn học nữ đương đại thì hình tượng người phụ nữ mới được đặt ở vị trí trọng tâm, mới bộc lộ những yếu tố bên trong vốn thuộc “phái” mình, và mới xuất hiện với mật độ dày đặc trong văn học. Xét về tính chất, theo chúng tôi, hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của nam giới thường mang tính hình tượng – biểu tượng; còn nhân vật nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ thường mang tính hình tượng – bộc lộ. Những người phụ nữ như muôn đời nay vẫn thế, họ cần được giãi bày và sẻ chia. Bằng các trang viết của mình, các nhà văn nữ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến số phận, hạnh phúc và quyền sống của giới mình. Cuộc sống hiện đại với nhiều trắc trở, khó khăn, người phụ nữ còn có nhiều nỗi khổ cần được đồng cảm, còn nhiều nỗi đau cần được sẻ chia. Và họ đã tìm thấy trong văn học nói chung và văn xuôi nói riêng một chỗ dựa cho sự truyền tải thế giới tâm hồn đa cảm của mình thông qua những nhân vật nữ trong tác phẩm. Và có lẽ theo quy luật đồng thanh tương ứng, lúc đầu chỉ là sự xuất hiện của một vài cây bút nữ, rồi những người khác, qua tác phẩm của những người đi trước, tìm thấy một sự đồng cảm nào đó và cũng muốn được cầm bút để trải lòng,… Và cứ như vậy, văn học nữ đương đại nở rộ và tạo thành một dòng chảy. Ở dòng chảy chung đó, họ được tự do phơi mở cái tôi cá nhân của chính mình với những giọng điệu riêng, cách thức riêng. Họ thẳng thắn đối thoại lại những quan niệm cũ về những mẫu hình nữ giới xưa vốn bị đóng khung bằng Tam tòng, tứ đức. Họ mạnh dạn thể hiện sự thức tỉnh ý thức cá nhân, khát vọng cá nhân ở tầng sâu bản thể và khẳng định giá trị sống của mình. Hơn nữa, khi nhà văn nữ viết về phụ nữ, thì cũng có nghĩa họ đang hướng ngòi bút về chính mình. Điều này khiến các nhà văn nữ viết về giới của chính họ thường có cái nhìn sâu sắc hơn, triệt để hơn và thấu đáo hơn. Nhà văn nữ viết nhiều về phụ nữ vì theo đặc trưng tâm lý, họ sống trong sự hướng nội, luôn mong muốn đi tìm sự đồng cảm (điều này khác với nam giới là tâm lý hướng ngoại, thích phân tích và

chiếm lĩnh). Bên cạnh đó, các nhà văn nữ cũng muốn thông qua nhân vật nữ để thể hiện tâm hồn mình, bản thân mình. Điều đó cũng thật dễ hiểu khi nhà văn Lê Thị Huệ bộc bạch một cách khá chân thành nhưng cũng rất quyết liệt trong một cuộc phỏng vấn dành cho 10 nhà văn nữ trong và ngoài nước về vấn đề có một cách viết nữ hay không: “Một trong những lý do tôi cầm bút có lẽ vì đã phải đọc quá nhiều tác phẩm do đàn ông viết. Thưở còn học trung học, tôi thường tự hỏi là tại sao mình phải học đi học lại những câu thơ của Nguyễn Công Trứ “Chí làm trai dọc ngang ngang dọc / Nợ tang bồng vay trả trả vay”. Tôi thấy tôi chẳng dính tí xíu vào trong đấy cả. Nghĩa là tác giả viết những câu thơ ấy cho các độc giả nam của ổng. Tôi là con gái đâu có được xơ múi gì trong bài thơ trên sao lại bắt tôi học thuộc và bình đi bình lại hoài vậy” [151]. Còn với Phạm Thị Hoài thì “cái tôi tác giả” là sự tự giác cao về phái tính: “Đàn ông Việt Nam thường thừa nhận đàn bà Việt Nam lắm đức hạnh, ít nhất là cái đức chịu khó chịu thương. Song họ quên rằng phần lớn cái đức đàn bà ấy, nhất là cái đức chịu khó và cả chịu thương nữa, chỉ là cái khôn của cảnh khó. Nhân vật nữ của tôi bày tỏ rõ ràng khát vọng được ít đức hạnh đi một chút, được chia đều đức hạnh cho đàn ông gánh bớt [6]. Tương tự, Y Ban khẳng định: “Nói chính xác thì tôi đang vẽ chân dung giới mình. Khi tôi đặt bút viết về thân phận một người đàn bà nào đó, tôi đã hoá thân vào họ, kể lại những câu chuyện của họ. Tôi chỉ có một gương mặt. Còn hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm của tôi thì có nhiều gương mặt khác nhau. Tất nhiên các gương mặt ấy có một phần gương mặt của tôi” [148]. Nhà văn Thuận thì tâm sự: “Viết là để khám phá, một tác phẩm là một phiêu lưu để tác giả và người đọc đều tìm thấy cái tôi của mình. Viết không phải để kể chuyện, để tâm sự mà viết để vào vai người khác, để phiêu lưu, để được sống khác, để có thể nói được cho những người không thể nói về mình những điều rất khó nói” [6]. Còn Đỗ Hoàng Diệu thì kiên quyết: “Trước đây và cả bây giờ cũng vậy, tôi nghĩ gì viết nấy. Theo đúng những cái mà tôi có. Cũng có lúc gợn lên ý nghĩ viết thế này ai in, nhưng rồi lại tặc lưỡi: mình viết cho mình. Bố tôi sau khi đọc tập sách (Bóng đè) cũng bảo: “Viết khác đi, viết thế người ta không chấp nhận

được đâu, gây sốc thế đủ rồi”. Tôi nói với bố, cũng là nói với mình: nếu viết khác thì tôi không còn là tôi nữa” [6].

Như vậy, chúng tôi có thể khẳng định rằng người phụ nữ hiện đại viết văn “để được là chính mình” và họ đã viết bằng thái độ tự tin kiêu hãnh khác hẳn. Với những trang viết của mình, họ không còn ao ước “đổi phận làm trai” nữa mà “tấn công” trực diện vào những quan niệm đầy màu sắc nam quyền, tố cáo tình trạng bị “nhào nặn” thành phụ nữ theo những tín điều mà đàn ông đã áp đặt cho mình.

Viết về phụ nữ, bằng cảm quan và lòng trắc ẩn của mình, mỗi nhà văn nữ thường khai thác các nhân vật nữ của mình ở những bình diện tâm lý khác nhau, trong môi trường sống khác nhau, hoàn cảnh sống khác nhau,… nhưng tựu chung lại, họ đều muốn gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình một thông điệp mang thiên tính nữ, hay nói một cách cụ thể, đó là những nhân vật nữ mang tính hình tượng – bộc lộ. Những nữ nhân vật sẽ trải lòng sau những trải nghiệm về cuộc sống thường nhật, sẽ bước ra từ những cánh cửa, xó bếp để cho một nửa nhân loại thấy mình và hiểu được mình – những tâm hồn người phụ nữ với tất cả yêu thương, khát khao cháy bỏng, với mong muốn tột cùng và cả những nhu cầu rất “người” chưa từng được văn học quá khứ gọi tên một cách trực diện.

Trong phần viết này, chúng tôi muốn đi sâu tìm hiểu những bộc lộ, bộc bạch của một số tác giả nữ tiêu biểu khi viết về những nhân vật nữ của mình trong cuộc sống đương đại qua ba luận điểm chính: Người phụ nữ và những cuộc chiến vẫn còn nhức nhối, Người phụ nữ và những khát khao hạnh phúc đời thường, Tính dục như một phương thức thể hiện bản ngã.

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w