Xác lập một lối viết nữ

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 73 - 76)

5. Cấu trúc luận án

3.2.Xác lập một lối viết nữ

Nếu như trước đây, văn xuôi viết về người phụ nữ thường theo hướng phê phán hay ngợi ca từ cái nhìn đạo đức, chỉ sử dụng nhân vật nữ để chuyển tải một

quan niệm, tư tưởng thì trong văn xuôi thời kỳ đổi mới, việc xem phụ nữ như một khách thể thẩm mỹ độc lập, như một thế giới riêng đầy bí ẩn và hấp dẫn cần được khám phá và lý giải đã trở thành một trào lưu văn học mới. Có thể nói, chưa bao giờ người phụ nữ lại giành được sự quan tâm lớn của đông đảo người cầm bút như hiện nay. Thậm chí, chỉ nhìn qua tên tác phẩm, người đọc cũng có thể phần nào thấy được thế giới phụ nữ qua cái nhìn của nhà văn hôm nay đa dạng và đa sự đến nhường nào. Bằng kinh nghiệm của bản thân, các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn nữ thoải mái phô bày đời sống của người phụ nữ ở tầng sâu bản thể. Họ đem đến cho văn học những trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ. Thông qua những trang viết đầy nữ tính, các nhà văn nữ đã trình bày những quan niệm độc đáo về đời sống và về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Âm hưởng nữ quyền đã in dấu đậm nét trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại, đặc biệt là từ sau năm 1986.

Như chúng tôi đã từng đề cập trong phần giới thiệu tổng quan tình hình nghiên cứu về phái tính và nữ quyền ở các nước phương Tây, vào khoảng giữa thế kỷ XX, trong khi trường phái nữ quyền Anh – Mỹ thời kỳ này chú trọng đến nền văn chương của chính nữ giới với việc đề cao người đọc, người viết là nữ giới và về nữ giới thì các nhà phê bình nữ quyền luận Pháp lại chú ý đến vấn đề cấu trúc luận. Ở đó, họ tìm kiếm những cách thức khả thể cho cách viết của nữ giới, đặt trọng tâm vào một lối viết “thân thể” với những đặc trưng chỉ nữ giới mới có, để phân biệt với nam giới. Thuật ngữ “Écristure féminine” (lối viết nữ) được coi là diễn ngôn chính thức của nữ giới trong thời kỳ này mà đại biểu là Hèlène Cixous. Điểm trọng tâm trong lý thuyết của Cixous là mối quan hệ giữa giới tính và diễn ngôn, để từ đó hình thành nên một phong cách riêng của nữ giới hay còn gọi là một lối viết nữ. Hèlène Cixous khẳng định rằng trong nhiều thế kỷ qua, người phụ nữ hoàn toàn vắng bóng trong hoạt động diễn ngôn. Họ không được bộc lộ lời nói, suy nghĩ của mình, không được tạo ra các mối quan hệ tương tác để hình thành nên sự giao tiếp với các cá thể xã hội. Vì vậy, thế giới bên trong của nữ giới hoàn toàn khép kín và

họ cũng bị cấm vận với cuộc sống xã hội. Hèlène Cixous cũng thẳng thắn cho rằng sự ngây thơ của người phụ nữ đồng nghĩa với sự ngu dốt khi những tri thức đời sống và khoa học hoàn toàn kín bưng trước con mắt của họ.

Ở Việt Nam, Tạp chí Văn học và ngôn ngữ ra ngày mồng 3 tháng 3 năm 2012 từng có cuộc phỏng vấn một số cây bút trẻ về việc có hay không khái niệm gọi là dòng văn học nữ tính hay lối viết nữ tính. Câu trả lời được chia thành hai “phái” khá dứt khoát là (thể hiện đậm nét ở mục đích viết, phương thức diễn đạt, nghệ thuật xây dựng tác phẩm, quan niệm và cách cảm nhận về thế giới con người,…) và

không (bởi cho rằng nếu khi định danh như vậy thì cũng đồng nghĩa với việc xây dựng giới tính trong văn học).

Chúng tôi cho rằng khi chúng ta tiếp cận tác phẩm của những cây bút nữ đương đại trên một diện rộng thì chúng ta sẽ nhận thấy ngay có một cách viết nữ rất riêng, có những đặc trưng khác hoàn toàn so với nền văn học truyền thống do những cây bút nam thể hiện khi họ chiếm lĩnh gần như hoàn toàn văn đàn thời phong kiến. Một điều chắc chắn mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là khi người phụ nữ đặt bút sáng tác thì trên trang giấy của họ xuất hiện đồng thời cái bóng riêng biệt của nữ giới trong cái bóng lớn của môi trường văn hoá – xã hội. Lối viết nữ được hình thành như là một sự lựa chọn, một phép ứng xử, một kỹ thuật tạo tác văn bản để thể hiện phái tính và nữ quyền. Theo chúng tôi, một lối viết nữ được xác lập là khá rõ ràng và chúng tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ là tìm hiểu xem lối viết ấy được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm của những nhà văn nữ viết về nữ giới; và những đặc trưng của lối viết nữ ấy khác biệt với lối viết nam ra sao. Trong khả năng nhận thức còn hạn hẹp của mình, chúng tôi xin đưa ra bốn đặc trưng cơ bản của lối viết nữ trong văn học Việt Nam đương đại và coi đó như “hành trình tìm lại bản ngã” của những người phụ nữ, đó là đặc trưng về hình tượng nhân vật nữ qua sáng tác của các nhà văn nữ; Về vấn đề “xét lại” thế giới đàn ông bằng cái nhìn đàn bà; Về không gian, thời gian, xung đột – bức tranh thế giới qua con mắt phụ nữ; Về

ngôn ngữ giọng điệu như một bước đột phá của ý thức phái tính; Và khuynh hướng tự truyện như một mô thức đặc thù của lối viết nữ.

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 73 - 76)