Cảm quan phái tính và thân phận người phụ nữ trong ca dao

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 38 - 42)

5. Cấu trúc luận án

2.2. Cảm quan phái tính và thân phận người phụ nữ trong ca dao

Có thể coi ca dao là một “tấm lụa đào” vắt ngang bầu trời văn học dân gian Việt Nam để những cánh cò trắng chao nghiêng bay lượn hoặc dừng chân trên đó. Sở dĩ chúng tôi muốn bắt đầu phần viết về cảm quan phái tính của người phụ nữ trong ca dao bằng một hình ảnh tượng hình như vậy là vì chúng tôi liên tưởng đến những người phụ nữ Việt Nam như những cánh cò trắng không mỏi trên bầu trời và cần lắm một điểm dừng chân là “tấm lụa đào” của ca dao. Những câu ca dao từ xưa đến nay quả thật có sức sống riêng bởi nó không chỉ làm nao lòng những người ra

đi mà còn làm nao lòng những người ở lại. Nếu ai đó từng sống xa quê hương, nỗi nhớ quê bằng vật chất hiển hiện trong tiềm thức là canh rau muốngcà dầm tương thì nỗi nhớ tinh thần chính là những bài hát dân ca, những câu ca dao ngọt ngào gắn với hình ảnh người phụ nữ đẹp. Với tư duy “hồn nhiên” của folklore, với ảnh hưởng của văn hoá Mẫu hệ, lại chưa bị chi phối quá nhiều và riết róng bởi tư tưởng nam quyền Nho giáo, các nghệ sĩ dân gian đã nhìn người phụ nữ một cách thiện cảm hơn và “chính xác” hơn. Những câu ca dao ca ngợi những người phụ nữ có vẻ đẹp sắc sảo, đằm thắm, hồn hậu là những minh chứng cụ thể. Ca dao ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ thường bằng những hình ảnh, lối so sánh vừa chân thực, vừa thuần Việt, lại vừa gần gũi: “Cổ tay em trắng như ngà/ Con mắt em liếc như là dao cau/ Miệng cười như thể hoa ngâu/ Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”.

Mỗi người thiếu nữ đều có một cái duyên, một sự hấp dẫn riêng để làm say đắm lòng người khác phái. Nhưng tựu chung, nhan sắc của các nàng cũng không ngoài những điều đã được ca dao truyền tụng. Có nàng đẹp nhờ mái tóc rậm dài bồng bềnh, và đôi chân mày cong vòng như viền trăng non: “Chân mày vòng nguyệt có duyên/ Tóc mây gợn sóng đẹp duyên tơ hồng”.

Hay có nàng đẹp nhờ cặp lông mày thanh mướt như lá liễu và khuôn mắt thuôn dài như dáng lá rau răm: “Những người con mắt lá răm/ Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

Gắn với nền văn hóa Mẫu hệ, chúng tôi cho rằng những câu ca dao dễ dàng được cảm nhận, dễ dàng được ghi nhớ bởi trong đó luôn gắn với hình ảnh của người phụ nữ. Qua ca dao, người ta thấy bóng dáng thân thương của bà, của mẹ, của chị, của em với bao nỗi lòng thầm kín cần được sẻ chia, bao buồn vui cần được nâng niu trân trọng. Dường như, trong thế giới tâm linh, Đạo Mẫu là nơi tìm về của những người phụ nữ để được yêu thương, che chở, còn ca dao chính là một diễn đàn nghệ thuật để những người phụ nữ trải lòng. Nếu điều đó được xác nhận thì cũng không có gì là lạ khi trong ca dao, hình ảnh của nam giới chỉ thấp thoáng ẩn hiện, như là đối tượng để người phụ nữ trần tình.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, là một đất nước nằm trong khu vực nông nghiệp lúa nước thuộc nền văn hóa Phương Đông với vùng văn minh Đông Nam Á, vai trò của người phụ nữ Việt Nam vốn luôn được đề cao bởi họ là lực lượng lao động chính trong xã hội từ việc đồng áng làm ra của cải vật chất đến việc chăm lo cho gia đình, dạy dỗ con cái. Nhưng kể từ khi tư tưởng Nho giáo xâm nhập và trở thành tôn giáo thống trị xã hội Việt Nam thì những quan niệm “lệnh ông không bằng cồng bà”, “ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng”, “phúc đức tại mẫu”,… dần dần bị thay thế bởi những quan niệm có ý nghĩa đối lập “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “nhi nữ thường tình”, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”,… Chế độ nam quyền được xác lập cùng Nho giáo đã khiến cho người phụ nữ bị đẩy xuống địa vị thấp kém trong xã hội: “Khôn ngoan cũng thể đàn bà/ Dù rằng vụng dại cũng là đàn ông; Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”.

Số phận bi đát của người phụ nữ được thể hiện trong ca dao như một tiếng kêu thương: “Cầm trâu, cầm áo, cầm khăn/ Cầm dây lưng lụa, xin đừng cầm em”.

Có thể nói, không ở một thể loại văn học nào, cảm quan về thân phận người phụ nữ lại minh triết như trong ca dao. Bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo, những người phụ nữ thông minh sắc sảo nhất cũng không được thừa nhận; thân phận người phụ nữ bọt bèo không tự chủ được số phận của mình. Những bài ca dao bắt đầu bằng từ “Thân em” dường như là sự thể hiện tất yếu những lời than thân trách phận của những người trong cuộc. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những câu ca dao chan chứa cảm thương cho phận nữ: “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai; Thân em như giếng giữa đàng/ Người thanh rửa mặt, người phàm rửa chân; Thân em như hạt mưa rào/ Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa; Thân em như hạt mưa sa/ Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày; Thân em như miếng cau khô/ Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày; Thân em như chổi đầu hè/ Phòng khi mưa gió đi về chùi chân/ Chùi rồi lại vứt ra sân/ Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”;...

Là người tạo ra của cải vật chất nhưng người phụ nữ trong xã hội xưa lại không được thừa hưởng thành quả lao động của mình: “Cô kia cắt cỏ đồng màu/ Chăn trâu cho béo, làm giàu cho cha/ Giàu thì chia bảy chia ba/ Phận cô là gái được là bao nhiêu”.

Là người kiến tạo đời sống tinh thần, là chỗ dựa cho gia đình và con cái sau này, nhưng hủ tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” khiến người con gái xưa khi bước vào hôn nhân lại không có quyền lựa chọn hôn phu, không được phép tự định đoạt hạnh phúc: “Con vua lấy thằng bán than/ Nó dắt lên ngàn cũng phải đi theo. Mẹ em tham gạo tham gà/ Bắt em để bán cho nhà cao sang. Mẹ em tham thúng xôi rền/ Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng. Em đã bảo mẹ rằng đừng/ Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào. Bây giờ chồng thấp vợ cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho bằng”.

Mặc dù những giá trị vật chất không được công nhận, những giá trị tinh thần không được đề cao, nhưng người phụ nữ xưa sau khi lập gia đình vẫn một lòng hiếu thuận, hy sinh vì chồng, vì con. Dường như, trong cái xã hội nam quyền, đầy tính gia trưởng ấy, người phụ nữ chỉ biết thực hiện nghĩa vụ và chấp nhận số phận: “Có con phải khổ vì con/ Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng. Có chồng phải lụy cùng chồng/ Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải theo. Vì chàng thiếp phải mò cua/ Những như thân thiếp thì mua mấy đồng. Vì chàng thiếp phải long đong/ Những như thân thiếp cũng xong một bề.

Những từ, cụm từ “vì”, “khổ”, “lụy”, “gánh”, “long đong”, “phải chịu”, “phải theo” dường như xuất hiện khá phổ biến trong ca dao. Người phụ nữ xưa dường như chỉ nhận về mình những đắng cay, nhọc nhằn mà không một lời oán thán chồng con, cha mẹ. Những câu ca dao nói về sự khổ đau của người phụ nữ luôn gắn liền với sự hy sinh thầm lặng nhưng vĩ đại. Hơn thế, với tư tưởng phụ quyền, đa thê nên người đàn ông vốn dĩ đa tình thường “năm thê, bảy thiếp”. Nước mắt người vợ bị phụ tình lại chất chứa qua những lời than đắng cay: “Ngày nào anh iibủng anh beo/ Tay cất chén thuốc, tay đèo múi chanh/ Bây giờ anh khỏi anh lành/

Anh mê nhan sắc anh tình phụ tôi. Gió đưa bụi chuối sau hè/ Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.

Nước mắt người vợ cả bị phụ tình thật đáng cảm thương, nhưng người vợ lẽ cũng ở vào cảnh trớ trêu hơn thế: “Lấy chồng làm lẽ khổ thay/ Đi cấy, đi cày chị chẳng kể công/ Tối tối chị giữ mất chồng/ Chị cho manh chiếu, nằm không chuồng bò/ Mong chồng, chồng chẳng xuống cho/ Đến khi chồng xuống, gà o o gáy dồn”.

Trút những nhọc nhằn, cay đắng ấy vào ca dao, người phụ nữ đã đong đầy vào những lời ca dao cảm quan về phái tính, về thân phận.

Bên cạnh cảm quan thân phận mang đặc thù của tính nữ đó, người phụ nữ xưa đã mơ hồ nhận ra sự bất bình đẳng nam nữ trước sự tồn tại, sự sống. Ca dao mới là tiếng nói phản kháng lại quan niệm đạo đức đã trói chặt người phụ nữ trong luân lý, tam tòng: “Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có chồng mà chửa thế gian sự thường. Chữ “trinh” đáng giá ngàn vàng/ Từ anh chồng cũ đến chàng là năm. Vắng sao Hôm có sao mai/ Vắng chàng thiếp đã có trai trong nhà. Chơi cho thủng trống long bồng/ Rồi ra ta sẽ lấy chồng lập nghiêm”.

Với ca dao mới, mặc dù lời ca được cất lên có chút chua ngoa, bông đùa, nhưng dường như ý thức giải phóng tính dục đã dậy sóng trong tâm thức người phụ nữ.

Một phần của tài liệu Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi việt nam đương đại (qua sáng tác của một số nhà văn nữ tiêu biểu) (Trang 38 - 42)