II Tác động gián tiếp
6. Kỹ thuật Phân tích mô phỏng.
Sau khi hoàn tất báo cáo ngân lưu và tính toán các chỉ tiêu tài chính dự án theo những nguyên tắc lập, xác định như đã trình bầy ở các phần trên, kỹ thuật phân tích dự án liên tục được nâng cao nhằm phù hợp hơn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ban đầu là Phân tích độ nhậy với số biến khảo sát đồng thời hạn chế (tối đa hai biến), sau đó chuyển qua Phân tích tình huống với việc không hạn chế số biến dùng để khảo sát đồng thời nhưng lại hạn chế về số lượng kịch bản, và ngày nay là kỹ thuật Phân tích
mô phỏng. Hai kỹ thuật phân tích đầu đều có những nhược điểm rất căn bản, và với kỹ
thuật phân tích mô phỏng đã khắc phục được hầu hết những yếu điểm của hai kỹ thuật phân tích ban đầu, đưa những tính toán trong dự án trở nên gần với thực tiễn hơn rất nhiều.
6.1. Những hạn chế của phân tích độ nhậy và phân tích tình huống.
Kỹ thuật phân tích độ nhậy (Sensitivity Analysis) chủ yếu sử dụng hàm Table trong Excel để khảo sát sự thay đổi của các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính dự án (như: NPV, IRR, DSCR, BEP, ...) khi một hoặc tối đa là hai biến số đầu vào cùng thay đổi. Kết quả của kỹ thuật phân tích này cho biết mức độ ảnh hưởng của mỗi biến số đầu vào lên hiệu quả tài chính dự án, qua đó có thể xác định được biến nào ảnh hưởng ít, biến nào ảnh hưởng nhiều, biến nào là quan trọng như là nguồn gốc của rủi ro đối với dự án. Như vậy, một cách tóm tắt có thể mô tả kỹ thuật phân tích này là (Điều gì sẽ xảy ra nếu như ...).
Với nguyên tắc vận hành như vậy, kỹ thuật phân tích độ nhậy có một số hạn chế cơ bản như sau:
- Hạn chế về số lượng các biến đầu vào cùng được dùng trong một kịch bản: Với việc sử dụng hàm Table, chỉ có thể lập được bảng khảo sát một chiều hoặc hai chiều tương ứng với chỉ một hoặc tối đa là hai biến số đầu vào được sử dụng cùng lúc để xây dựng kịch bản và khảo sát độ nhậy dự án. Trong khi đó, hầu hết các biến số đầu vào của dự án đều có khả năng thay đổi trong quá trình vận hành dự án, và số lượng các biến quan trọng trong một dự án cũng khá nhiều. Muốn khảo sát độ nhậy của dự án với các biến số đầu vào khác, thì phải xây dựng các kịch bản khác với một hoặc một cặp hai biến đầu vào khác;
- Những ước lượng điểm đơn: Phép phân tích “cái gì- nếu” luôn dẫn đến những ước lượng điểm đơn, kết quả tính toán là những giá trị đơn lẻ, không cho biết khả năng đạt được một kết quả cụ thể là bao nhiêu %;
- Đối với đa số các biến, hướng tác động là tương đối rõ ràng: Đôi khi, không cần khảo sát độ nhậy, về mặt định tính ta cũng có thể kết luận được các chỉ tiêu tài chính dự án sẽ thay đổi như thế nào (tăng, giảm) khi các biến đầu vào thay đổi;
- Khảo sát độ nhậy với một hoặc tối đa 2 biến số đầu vào cùng thay đổi là
không thực tế do hầu hết các biến số đều có mối tương quan với nhau:
Chẳng hạn, về mặt kỹ thuật tính toán thì hoàn toàn có thể khảo sát được NPV, IRR và các chỉ tiêu khác sẽ thay đổi như thế nào khi sản lượng sản xuất và tiêu thụ thay đổi. Tuy nhiên, việc khảo sát như vậy trở nên quá đơn giản và không có ý nghĩa nếu xét trong thực tiễn vì cùng với việc sản lượng sản xuất và tiêu thụ thay đổi thì các biến số đầu vào có liên quan khác cũng sẽ thay đổi theo các chiều hướng khác nhau. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng lên, thì chi phí quản lý sẽ tăng lên, chi phí bán hàng sẽ tăng lên, giá bán có thể sẽ phải giảm xuống, ... Tương tự, nếu tỷ lệ lạm phát thay đổi, sẽ dẫn tới hàng loạt các yếu tố có liên quan như: giá đầu vào đầu ra, lãi suất vay vốn đầu tư, và tỷ giá, nghĩa vụ trả nợ vốn vay nội tệ và ngoại tệ sẽ thay đổi theo. Và như vậy, kỹ thuật phân tích độ nhậy ở đây vô hình chung đã bỏ
qua mối tương quan chặt chẽ giữa các biến số của dự án, dẫn tới kết quả
khảo sát trở nên không có ý nghĩa thực tiễn;
- Chưa mô hình hoá dạng thức thay đổi của các biến thông qua qui luật phân phối xác suất của biến trong miền giá trị mà biến đó có thể nhận. Mỗi biến, nếu thay đổi sẽ nằm trong một miền giá trị nào đó, tuy nhiên xác suất để giá trị của biến rơi vào giá trị trung bình của miền giá trị thường là cao hơn so với xác suất để biến đó nhận các giá trị thái cực. Phân tích độ nhậy chưa mô hình hoá được dạng thức thay đổi của các biến trong miền giá trị, xem khả năng biến đó nhận bất kỳ một giá trị nào trong miền giá trị là như nhau. Khắc phục một số nhược điểm của kỹ thuật Phân tích độ nhậy, kỹ thuật Phân tích tình huống (Scenario Analysis) thừa nhận có sự tương quan giữa các biến số với nhau. Vì vậy, thay vì tối đa chỉ có hai biến được khảo sát đồng thời như trong phân tích độ nhậy, ở phân tích tình huống có thể khảo sát một số nhỏ các biến thay đổi đồng thời trong một kịch bản. Kỹ thuật Phân tích tình huống được thực hiện thông qua hàm
Scenario trong Excel, mỗi lần chạy chỉ xây dựng được 1 kịch bản trên cơ sở lựa chọn
và gán những giá trị cụ thể cho các biến dùng để khảo sát các chỉ tiêu tài chính dự án. Với trình tự thực hiện như vậy, phương pháp Phân tích tình huống thường được xây dựng 3 kịch bản tiêu biểu như sau:
- Trường hợp xấu nhất: Thường lấy giá trị của các biến ở thái cực xấu nhất để đưa vào tính toán;
- Trường hợp cơ bản: Các biến được đưa vào tính toán với những giá trị được kỳ vọng nhiều nhất, được cho là hợp lý nhất;
- Trường hợp tốt nhất: Những giá trị ở thái cực tốt, lạc quan nhất được đưa vào tính toán.
Chiết lý căn bản của kỹ thuật phân tích này là dựa trên kết quả tính toán của tình huống căn bản, thì kết quả ở hai thái cực của các tình huống xấu nhất và tốt nhất sẽ làm củng cố thêm “bằng chứng” để đưa ra quyết định đánh giá dự án có cơ sở vững chắc hơn.
- Ở trường hợp căn bản NPV > 0 và ngay trong trường hợp xấu nhất mà NPV vẫn không âm, điều đó có nghĩa là dự án đáng giá;
- Ở trường hợp căn bản NPV < 0 và ngay trong trường hợp tốt nhất mà NPV vẫn không dương, điều đó có nghĩa là dự án không đáng giá;
Tuy nhiên, kỹ thuật Phân tích tình huống này cũng có khá nhiều nhược điểm, cụ thể như sau:
- Xây dựng các kịch bản trở nên rất thủ công: Khắc phục được nhược điểm của Phân tích độ nhậy là cùng một lúc có thể khảo sát được nhiều biến đầu vào, nhưng một nhược điểm lớn của kỹ thuật phân tích tình huống là mỗi lần chỉ chạy được với một kịch bản. Do đó, việc xây dựng các kịch bản trở nên rất thủ công, đặc biệt là trong trường hợp cần phải xây dựng nhiều kịch bản;
- Vẫn chưa mô hình hoá được dạng thức thay đổi của các biến số. Cũng tương tự như kỹ thuật Phân tích độ nhậy, Phân tích tình huống không tính tới xác suất xảy ra trong miền giá trị của mỗi biến.
6.2. Kỹ thuật phân tích mô phỏng (Simulation Analysis).
Phân tích mô phỏng là việc xây dựng các mô hình tính toán trong đó kết quả tính toán của mỗi tình huống được xác định trên cơ sở phát số ngẫu nhiên của các biến được giả định trong mô hình. Trong khuôn khổ các giả định của mô hình, chạy mô phỏng với số lượng đủ lớn các tình huống (phép thử), sẽ đưa ra một tổ hợp các giả định và dự báo kết quả có thể được xem như một quy luật/hay một kết luận có tính quy luật nào đó, làm căn cứ để ra quyết định. Trong thẩm định dự án, mô hình được xây dựng trên cơ sở những giả định về dạng thức thay đổi của các biến nhạy cảm/dễ thay đổi và quan trọng, biến được dự báo là các chỉ tiêu tài chính dự án (NPV, IRR, ...), mỗi tình huống/phép thử khi chạy mô phỏng là một kịch bản, kết quả tính toán là một phân phối xác suất cho biết khả năng để đạt được một kết cục cụ thể trong phạm vi giả định ban đầu. Như vậy, Phân tích mô phỏng đã khắc phục tất cả những nhược điểm của hai kỹ thuật phân tích trên, Phân tích mô phỏng đã đưa ra được các tình huống tính toán các chỉ tiêu tài chính để có thể đánh giá dự án phù hợp và gần với thực tiễn hơn. Cụ thể như sau:
- Số lượng các biến được dùng đồng thời để khảo sát các chỉ tiêu tài chính dự án trong một kịch bản là không hạn chế. Vì vậy, nó cho phép và có xét đến sự tương quan (cùng biến thiên) giữa các biến có tương quan với nhau. (điểm này khắc phục được hai nhược điểm lớn của kỹ thuật phân tích độ nhậy);
- Có xét đến các phân phối xác suất khác nhau và các miền giá trị tiềm năng khác nhau đối với các biến dùng để khảo sát. Sự thay đổi, tính không chắc chắn và dạng thức thay đổi của các biến được mô hình hoá thông qua mô hình phân phối xác suất được gán một cách phù hợp nhất cho từng biến trong phạm vi miền giá trị tiềm năng của biến đó;
- Số lượng kịch bản không hạn chế, kết quả phân tích cho biết khả năng để đạt được một kết cục cụ thể là bao nhiêu % chứ không dừng lại ở những ước lượng điểm đơn: Cho dù số lượng các biến cùng được dùng để khảo sát trong một kịch bản là không hạn chế, nhưng Phân tích mô phỏng có thể xây dựng được hàng trăm ngàn kịch bản khác nhau, mỗi một kịch bản tương ứng với giá trị của các biến trong miền giá trị tiềm năng được lấy một cách ngẫu nhiên. Vì vậy, kết quả của kỹ thuật phân tích mô phỏng là một phân phối xác suất thay vì chỉ ước tính được một giá trị đơn lẻ. Từ kết quả đó có thể cho biết, khả năng/xác suất để các chỉ tiêu tài chính dự án như: NPV > 0, IRR > WACC, DSCR > 1, ... là bao nhiêu %? Kết quả tính toán dưới dạng khả năng của các kết cục sẽ tốt hơn so với kết quả dưới dạng điểm đơn như hai kỹ thuật phân tích trước đây, nó có thể hỗ trợ trong việc đánh giá dự án đáng giá hay không. Chẳng hạn, nếu kết quả tính toán cho thấy, xác suất để
NPV tài chính của dự án không âm 0 là rất cao, điều này có nghĩa là khả năng thành công về mặt tài chính của dự án là lớn, khả năng thất bại thấp, và dự án được đánh giá là đáng giá, nên được thực hiện.
Như vậy, Phân tích độ nhậy và phân tích tình huống thực chất là những ước lượng điểm đơn và chỉ cho biết điều gì có thể xảy ra, thì ở Phân tích mô phỏng lại cho chúng ta biết điều gì có lẽ đúng thông qua việc đưa ra kết quả dưới dạng một hình ảnh thống kê về phạm vi các khả năng vốn có trong những giả thiết được đưa ra về các biến số đầu vào. Như vậy, thực chất của kỹ thuật phân tích mô phỏng là việc: (1) Lựa chọn những biến nhạy cảm và không chắc chắn; (2) Gán cho dạng thực thay đổi của các biến này với mô hình phân phối xác suất phù hợp; (3) Thực hiện chạy mô phỏng với số lần chạy đủ lớn (mỗi lần chạy, giá trị của các biến sẽ được lấy ngẫu nhiên trong miền giá trị tiềm năng và tuân thủ mô hình phân phối xác suất của biến đó); và (4) Kết quả tính toán được đưa ra dưới dạng một phân phối xác suất, nó cho biết khả năng/xác suất để đạt được một kết cục cụ thể là bao nhiêu % chứ không phải những ước lượng điểm đơn.
6.3. Các bước xây dựng mô phỏng.
Trong thẩm định dự án, Phân tích mô phỏng được thực hiện theo trình tự 6 bước căn bản như sau:
1. Mô hình toán học: Lập các bảng tính, từ bảng thông số, lịch đầu tư, khấu
hao, ... cho đến báo cáo ngân lưu và tính toán những chỉ tiêu tài chính dự án theo các quan điểm phân tích khác nhau.
2. Xác định các biến rủi ro, biến không chắc chắn: Dựa vào bản chất kinh
tế của từng biến, mức độ tham gia và ảnh hưởng của nó trong tổng các lợi ích và chi phí của dự án, miền giá trị có khả năng (rộng hay hẹp quanh giá trị trung bình) để lựa chọn các biến được xem là rủi ro, hoặc có mức độ không chắc chắn lớn;
3. Mô hình hoá tính không chắc chắn của từng biến rủi ro: Gồm có hai
việc chính, là:
- Xác định miền giá trị tiềm năng của từng biến (tối thiểu, tối đa, các giá trị đơn lẻ, ...);
- Định dạng phân phối xác suất cho từng biến rủi ro: Căn cứ vào đặc điểm, tính chất không chắc của từng biến để cùng với việc xác định miền giá trị tiềm năng mà biến đó có thể thay đổi, gán cho tính chất thay đổi của biến đó với một mô hình phân phối xác suất phù hợp.
4. Xác định và định nghĩa các biến có tương quan: Gồm có hai việc, là:
- Xác định mối tương quan giữa các biến rủi ro: Các biến rủi ro có tương quan với nhau không, chiều của mối tương quan là tương quan đồng biến hay nghịch biến;
- Độ mạnh của tương quan: Hệ số tương quan bao giờ cũng nhỏ hơn hoặc bằng 1, hai biến được gọi là tương quan mạnh cùng chiều thì hệ số tương
quan sẽ gần với giá trị 1, tương quan yếu thì gần giá trị 0, không tương quan thì bằng 0 (hoặc bỏ qua khôngc ần khai hệ số tương quan).
5. Xác định các biến cần dự báo: Thông thường, các chỉ tiêu tài chính căn
bản của dự án như NPV, IRR, DSCR, ... được dùng làm biến dự báo.
6. Chạy mô phỏng và phân tích kết quả: Thực hiện chạy mô phỏng với
nhiều tổ hợp các biến rủi ro và biến dự báo. Phân tích kết quả, gồm: - Trị thống kê. Các phân phối xác suất;
- Chiết suất các báo cáo kết quả phân tích;
- Đánh giá các kết cục cụ thể phục vụ ý đồ phân tích; - Nhận xét, kết luận.
Trong 6 bước trên thì với cách làm như hiện nay, chúng ta cơ bản đã hoàn thành được hai bước đầu, sau đó thực hiện phân tích độ nhậy và phân tích tình huống. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, cách làm hiện nay còn có một số tồn tại, cụ thể như sau:
- Ở bước 1, việc lập các bảng tính chưa được thống nhất về cách thức, trình tự, mỗi chi nhánh thực hiện theo một cách; chưa xây dựng được ngân lưu dự án để có thể phân tích được một cách rõ ràng lợi ích và chi phí của các bên liên quan tham gia dự án, như: Ngân hàng, chủ đầu tư, ngân sách địa phương;
- Ở bước 2, đã phân tích nhằm lựa chọn các biến rủi ro và sử dụng kỹ thuật phân tích độ nhậy, phân tích tình huống để đánh giá mức độ ảnh hưởng của một số biến tới hiệu quả tài chính dự án. Tuy nhiên, kỹ thuật phân tích độ nhậy và phân tích tình huống đều có những hạn chế nhất định như đã được đề cập kỹ ở trên. Chưa thực hiện phân tích mô phỏng.