II. THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ MỘT CÁI NHÌN TỔNG THỂ.
3. Trình tự xây dựng các bảng tính trong phân tích dự án.
3.4. Lịch khấu hao (Depreciation Schedule): Khấu hao là việc tính toán và phân bổ
dần một cách có hệ thống nguyên giá tài sản cố định vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong thời gian sử dụng của tài sản cố định. Doanh thu, sau khi trừ đi khấu hao và các loại chi phí khác nhằm xác định được lợi nhuận và nghĩa vụ thuế doanh nghiệp phải nộp trong kỳ hoạt động. Khấu hao, là dạng chi phí không xuất quỹ, nó không thuộc
dòng ngân lưu ra, cũng không thuộc dòng ngân lưu vào, do đó khấu khao không tham gia vào báo cáo ngân lưu. Xây dựng Lịch khấu hao, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không khấu hao cả phần VAT: Đối tượng để trích khấu hao là tài sản cố
định trên cơ sở nguyên giá. Nguyên giá tài sản cố định là giá/chi phí thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được
hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi trả ra tính đến thời điểm
đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay đầu tư cho tài sản cố định, chi phí vận chuyển bốc dỡ, chi phí nâng cấp, chi phí lắp đặt, chạy thử, lệ phí trước bạ, ... VAT là một loại thuế được hoàn lại, do đó không được đưa vào nguyên giá tài sản cố định để tính khấu hao. Về nguyên tắc hạch toán cũng cho thấy điều này, khi doanh nghiệp đầu tư mua sắm tài sản cố định, bút toán hạch toán cho nghiệp vụ này thường là:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332) Có các TK 111, 112, hoặc
Có TK 331 - Phải trả cho người bán, hoặc Có TK 341 - Vay dài hạn.
Rất nhiều dự án chỉ đưa ra cơ cấu vốn đầu tư xây lắp, thiết bị, chi phí khác, ... gồm cả VAT mà không tách riêng chi phí trước thuế VAT và phần VAT. Đến khi lập bảng khấu hao, nếu chúng ta đưa toàn bộ giá trị tài sản kể cả VAT vào để xác định mức khấu hao trong kỳ là không chính xác.
- Bổ sung giá trị tài sản cố định để thực hiện trích khấu hao: Khi doanh
nghiệp thực hiện sửa chữa lớn, giá trị TSCĐ sẽ tăng lên sau sửa chữa, nên mức trích khấu hao trong những năm tiếp theo sẽ thay đổi, và sự thay đổi này cần được thể hiện trong bảng tính khấu hao;
- Các phương pháp khấu hao: Theo qui định hiện hành, có ba phương pháp
tính khấu hao tài sản cố định, gồm: Khấu hao đường thẳng, khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh và khấu hao theo số lượng khối lượng sản phẩm. Trong Excel, nhóm hàm tài chính có 3 hàm tính khấu hao, gồm: Khấu hao đường thẳng - hàm SLN, khấu hao theo số dư giảm dần - hàm DDB, và khấu hao nhanh theo tổng số thứ tự của số năm trích khấu hao - hàm SYD.