Hình thức bảo đảm tiền vay.

Một phần của tài liệu tài liệu thẩm định dự án đầu tư (Trang 30 - 33)

Bảo đảm tiền vay trong hoạt động tín dụng là việc các TCTD áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro, tạo cơ sở kinh tế và pháp lý để thu hồi được các khoản nợ đã cho khách hàng vay.

10.1. Khung pháp lý chính về bảo đảm tiền vay và các vấn đề có liên quan.

Liên quan tới nội dung bảo đảm tiền vay, khung pháp lý cơ bản điều chỉnh hoạt động này, đến thời điểm hiện nay gồm có:

* Bảo đảm tiền vay:

- Nghị định 178/1999/NĐ-CP ngày 29.12.1999 của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng;

- Nghị định số 85/2000/NĐ-CP ngày 25.10.2002 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung Nghị định 178/1999/NĐ-CP;

- Thông tư số 07/2003/TT-NHNN ngày 19.5.2003 hướng dẫn thực hiện một số quy định về bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng;

- Thông tư số 03/2003/TT-NHNN ngày 24.02.2003 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo Nghị quyết số 02/2002/NQ_CP ngày 07.01.2003 của Chính phủ;

* Thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất:

- Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29.3.1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;

- Nghị định số 79/2001/NĐ-CP ngày 01.11.2001 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 17/1999/NĐ-CP;

- Thông tư số 1417/1999/TT-TCĐC ngày 18.9.1999 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 17/1999/NĐ-CP;

- Thông tư số 1248/2000/TT-TCĐC ngày 18.9.2000 sửa đổi bổ sung điểm 6 mục I Thông tư 1417/1999/TT-TCĐC;

- Thông tư liên tịch số 772/2001/TTLT-NHNN-BTP-BTC-TCĐC ngày 21.5.2001 hướng dẫn thủ tục thế chấp giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại các TCTD;

- Thông tư liên tịch số 03/2003/TTLT/BTP-BTNMT ngày 14.7.2003 hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

- Công văn số 147/NHNN-CSTT ngày 18.02.2003 v/v xác định giá đất thế chấp, bảo lãnh theo Quy định tại Nghị định 85/2002/NĐ-CP.

* Giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm:

- Nghị định 165/1999/NĐ-CP ngày 19.11.1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm;

- Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10.3.2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

- Thông tư số 01/2002/TT-BTP ngày 09.01.2002 hướng dẫn một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm;

- Thông tư số 06/2002/TT-BTP ngày 28.02.2002 hướng dẫn một số qui định của Nghị định 165/1999/NĐ-CP;

- Công văn số 106/CV-PC ngày 25.3.2002, số 1149/NHNN-PC ngày 24.10.2002 của Ngân hàng Nhà nước v/v thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm;

- Công văn số 3846/CV-PCCĐ ngày 10.12.2002 của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam v/v thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm tại cục đăng ký giao dịch bảo đảm.

10.2. Một số vấn đề cần lưu ý trong bảo đảm tiền vay.

Việc đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm mục tiêu công khai hoá các giao dịch bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức trong việc tìm hiểu thông tin về tài sản, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để xác định chính xác thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, đặc biệt trong trường hợp một giao dịch bảo đảm cùng một lúc được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ. Hoạt động đăng ký đã góp phần tăng cường tính minh bạch trong giao dịch dân sự, kinh tế, lành mạnh hoá môi trường đầu tư, bảo bệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch và cá nhân, tổ chức có liên quan. Với ý nghĩa pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm, trong nội dung bảo đảm tiền vay, cần lưu ý:

- Cho vay có bảo đảm hay không có bảo đảm: Căn cứ vào mức độ rủi ro của dự án/khoản vay, và các qui định khác của Ngành về giới hạn cho vay có/không có bảo đảm đối với khách hàng, chi nhánh quyết định cho vay có hay không có bảo đảm. Tuy nhiên, theo Luật phá sản thì những khoản nợ không có bảo đảm được xếp sau cùng trong thứ tự phân chia tài sản để thực hiện nghĩa vụ nợ trong trường hợp thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp;

- Tránh trường hợp vô hiệu của hình thức bảo đảm tiền vay hoặc tranh chấp có thể xảy ra: Theo Nghị định 165/1999/NĐ-CP ngày 19.11.1999 về giao dịch bảo đảm, những giao dịch bảo đảm bắt buộc phải đăng ký tại cơ quan đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (tài sản phải đăng ký quyền sở hữu; tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ; tài sản bảo đảm được các bên thoả thuận giao bên cầm cố thế chấp hoặc bên thứ ba giữ; văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm; và tài sản cho thuê tài chính), thì giao dịch này chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký. Do đó, nếu không thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo đối với những giao dịch bảo đảm bắt buộc phải đăng ký, thì giao dịch bảo đảm đó có thể trở nên vô hiệu;

- Đăng ký giao dịch bảo đảm và xác nhận tính xác thực của giao dịch bảo đảm: Cần lưu ý, việc đăng ký giao dịch bảo đảm và được cấp giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm không có giá trị xác nhận tính xác thực của giao dịch bảo đảm, mà đây chỉ là một thủ tục bổ sung bắt buộc, nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên tham gia giao dịch bảo đảm;

- Những vấn đề khác: Do BIDV đã đăng ký khách hàng thường xuyên cho hầu hết các chi nhánh cấp I, II, nên đơn yêu cầu đăng ký có thể gửi qua fax. Ngoài ra, thông qua hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, các chi nhánh có thể khai thác thông tin liên quan tới tài sản bảo đảm nợ vay.

Một phần của tài liệu tài liệu thẩm định dự án đầu tư (Trang 30 - 33)