Ngôn ngữ thông tục, suồng sã – một biểu hiện của nhu cầu dân chủ hóa

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 160 - 200)

7. Giới thiệu bố cục luận án

3.4.2. Ngôn ngữ thông tục, suồng sã – một biểu hiện của nhu cầu dân chủ hóa

Từ bỏ khuynh hướng sử thi và cũng không bắt buộc mang tiếng nói điển hình cho một giai tầng cụ thể nào, văn xuôi sau 1975 vì vậy khá phóng túng trong ngôn ngữ trần thuật. Thật dễ dàng nhận ra hơi thở của cá nhân trong lời kể, lời

bình của tác giả, lời nói của nhân vật. Ngôn ngữ trịnh trọng, quan phương gần như không phù hợp để tỏ bày những vấn đề thuộc về thế sự, đời tư. Thế vào đó là sự dung dị đến suồng sã của ngôn ngữ tả, kể. Khảo sát ngôn từ trong tiểu thuyết và truyện ngắn sau 1975, chúng tôi xin dừng ở hai cấp độ: lời văn và phương thức tổ chức lời văn. Nhấn mạnh đến phương diện thể hiện con người cá nhân, chủ ý của chúng tôi là thu gọn đối tượng khảo sát vào lớp ngôn ngữ “áp sát đời sống”, “khước từ quan niệm “thánh hóa văn chương” (Nguyễn Thị Bình). Bởi lẽ, đây là lớp ngôn ngữ được “cá nhân hóa”, “đời hóa” và mang tính dân chủ rõ nhất.

3.4.2.1. Lời văn đậm tính khẩu ngữ, tính cá thể

Đó là hiện tượng dòng chảy ngôn ngữ tự nhiên của cuộc sống tràn vào tác phẩm với hàng loạt các thủ pháp nói mỉa, nói ngược, chơi chữ, phản cú pháp… Nhu cầu cởi bỏ cái khung chật chội của văn chương sử thi đã đem lại sự “gây hấn” về mặt ngôn từ. Các nhà văn đã minh chứng văn chương không chỉ là lãnh địa của lớp ngôn từ trang nhã, mực thước, rằng mọi từ ngữ đều có quyền bình đẳng. Theo khuynh hướng này, có lúc ngôn ngữ văn xuôi khó tránh khỏi cực đoan, thô tục khi “dấn thân, sáng tạo, người cầm bút đều mong muốn tái hiện được bức tranh thời đại hôm nay một cách chân thực nhất. Người đọc giai đoạn đầu tiếp nhận thứ ngôn ngữ này đầy hoang mang, bối rối, song rồi cũng “quen”, nhìn nhận nó như những thô nhám, trụi trần, gai góc của cuộc đời. Một mặt khác, khẩu ngữ và và sự thâu nạp ngôn ngữ của nhiều tầng lớp người trong xã hội, ở các lứa tuổi khác nhau khiến ngôn ngữ văn xuôi mang tính cá thể hóa cao độ:

- Thứ ngôn ngữ không rườm rà mà trần trụi, bụi bặm đầy tính hè phố: “Tại vì đây là thứ tình yêu chẳng có hôn hít gì cả, chỉ có tình yêu với Đức Thánh Trần mới như thế chứ” (Mưa – Nguyễn Huy Thiệp).

- Ngôn ngữ suồng sã, bỗ bã của lớp trẻ: “Này, các em đi Tây cần phải đề cao cảnh giác đấy nhé. Nhỡ học ở nơi nó không cho nạo thai là “bótay.com” luôn đó”; “Hắn nói mỗi ngày phải làm chín nháy mới đủ đô. Sang Việt Nam hàng họ tuy rẻ nhưng cung ứng không đều nên hắn bức xúc lắm. Vả lại con gái Việt Nam cũng không

ô văn kê thoải con gà mái như gái da đen” (3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] – Đặng Thân); “Yêu đương là một việc hay. Mặt khác tôi cũng dụng tâm thử xem khi người ta hôn nhau, hai chóp mũi có cộp vào nhau đau điếng hay không” (Vườn yêu – Võ Thị Hảo)

- Ngôn ngữ của người già: “Phố xá, cuộc sống phố xá ồn ào đến tắt thở và giả dối để kiếm lời” (Mười hai cửa bể – Lý Biên Cương).

- Ngôn ngữ của trí thức: “Chị đẹp, sang trọng và thừa thãi. áo quần, mỡ phần, không gian và thời gian” (Vũ điệu của cái bô - Nguyễn Quang Thân).

- Ngôn ngữ dân gian: “Dào ơi, thuốc nam thuốc bắc bú cặc cho cơm. Ăn mạnh vào là khỏe tất. Như tôi đây này…” (Người đi vắng – Nguyễn Bình Phương)…

Nhu cầu dân chủ hóa ngôn ngữ cho phép xuất hiện phóng túng ngôn ngữ bụi bặm (không loại bỏ yếu tố thô tục), tái hiện con người trên phương diện đời thường, hoàn toàn đúng với chức phận của nó. Có thể thấy hiện tượng ngôn ngữ này trong tiểu thuyết, truyện ngắn của các nhà văn: Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Đặng Thân… Xin được phân tích hiện tượng ngôn ngữ Nguyễn Huy Thiệp trong hàng loạt truyện ngắn của ông. Xuất phát từ quan niệm con người gắn liền bản năng, bản thể tự nhiên, Nguyễn Huy Thiệp đã thực hiện việc gắn cả những phát ngôn tục tĩu vào miệng của những bậc đế vương, gắn những lời lẽ thanh cao vào miệng những nhân vật xù xì u tối, tương tự, gắn những lời minh triết vào những khối óc tầm thường, gắn những lời bỗ bã cho những quan hệ tôn ti không thể sỗ sàng, bỗ bã. Gia Long (Phẩm tiết) khi phát hiện Vũ Văn Toàn chiếm giữ của cải và gái đẹp trong nhà đã văng tục: “Thằng mặt xanh kia! Miệng kề lỗ còn dê ư? Ta cắt dái mày...”. Quang Trung chửi mắng Khải: “Ta cho mày ăn cứt. Xem có dám chê là lợm” (Phẩm tiết). Tướng Thuấn điềm đạm là vậy, mực thước là vậy mà cũng có lúc mắng cháu: “Mẹ mày! Láo” (Tướng về hưu) (không dám so sánh, nhưng có khác gì ông Kiền (Không có vua) chửi các con là “Mẹ cha mày…”. Đoài, Khảm – những “trí thức hạng nặng” sử dụng ngôn ngữ hè phố chẳng khác gì Khiêm, Cấn. Những ngôn từ bỗ bã kiểu: “lười như hủi”, “đồ ruồi nhặng”, “bỏ mẹ”, “cút đi”, “bóp vú”, “ăn cứt”, “đồ dê cụ”, „đồ con đĩ”, “con dâm phụ”, “con ác tặc”… ngập tràn trong nhiều tác phẩm. Một ấn tượng khó bỏ qua từ Những bài học nông thôn là hầu như các nhân vật từ bà Lâm, mẹ Lâm, chị Hiên đều hồn nhiên hết sức khi dùng ngôn ngữ thông tục để ẩn nghĩa khích bác, giễu, nhại hoặc mô tả: “các cụ toàn chim to cả”, “Ăn đi con ạ. Đàn ông nó chẳng thương mình đâu. Rượu thì nó ngồi mâm trên. Ngủ thì nó đè lên mình”. Chàng Trương Chi (Trương Chi) xấu người đẹp nết, hát hay trong câu chuyện cổ xuất hiện trong trang viết Nguyễn Huy Thiệp ở một phương diện đời thường khác hẳn, trần trụi và thô tục, ứ đầy bi phẫn cá nhân khi văng ra liên tục từ “cứt”. Tác giả Lã Nguyên khi bình về điều này đã cho rằng

“tiếng “cứt” văng ra hàng chục lần, vang lên như một điệp khúc giữ nhịp trong suốt cả thiên truyện”[Xem 182]. Rõ ràng, người ta có thể thơ hóa hay lãng mạn hóa khi diễn tả một thứ xúc cảm tích cực, song để diễn tả bản chất sự thật, nỗi thất vọng, chán chường… thì những tiếng chửi thề, văng tục, những định danh, định tính của con người trong đời sống phồn tạp đa chiều lại vô cùng đắc dụng.

Một khía cạnh khác, các cá nhân luôn bộc lộ tính cách qua các đối thoại. Suồng sã trong cách nói, nhân vật như không thèm chú ý đến vai xã hội của mình, cũng không quan tâm đến đối tượng giao tiếp là ai. Ví như cô Thủy nói với chồng: “Họ hàng nhà anh kinh bỏ mẹ”, như ông Bổng nói với cháu dâu: “Mẹ kiếp, mất mẹ bộ xa lông” hay nói với ông tướng: “lính tráng các anh, “đòm” phát là sướng” (Tướng về hưu)… Đoạn thoại giữa Đoài với chị dâu trong ngày giỗ bộc lộ rõ bản chất của Đoài - một kẻ đĩ bợm: “Sinh bảo Khảm: “thiếu cái gì thì gọi”. Đoài bảo: “thiếu một tí tình thôi. Sinh cho tôi tí tình” (Không có vua). Đoạn thoại giữa Ngọc và Bường cũng đáng lưu tâm, bởi nó lột truồng bản chất của người giao tiếp: “Anh khốn nạn lắm, con bé còn ít tuổi”/“Mày chẳng hiểu gì. Ai lại đi tính tuổi bướm bao giờ...”/ “Anh đểu cáng và độc ác”/ “Con ơi, thế Giê-su Crít có đểu cáng và độc ác không? Như Lai có đểu cáng và độc ác không?”/ “Con người - sự cao cả hình như chính ở giới hạn của nó.”/ “Đúng thế đấy! Mày có thấy khi con Quy bị lột truồng không? Với cách quặp đùi của nó, nó hoàn toàn cao cả về mặt tinh thần” (Những người thợ xẻ)… Sáng tác của Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương… không hiếm những ngôn ngữ dạng này. Trích dẫn Nguyễn Huy Thiệp hơi nhiều vì chúng tôi cho rằng ông luôn có ý thức trung thành với kiểu phát ngôn của các cá nhân trong đời sống.

Với những cố gắng đổi mới trong xây dựng con người cá nhân, thứ ngôn ngữ đời thường đậm đặc khẩu ngữ như trên thực sự là một thể nghiệm hợp lí, khẳng định những đổi mới của tư duy tự sự trong văn xuôi sau 1975.

3.4.2.2. Tổ chức câu văn “áp sát” phong cách cá nhân và nhịp sống thời đại mới

Đây là kiểu sử dụng câu văn bất quy tắc, coi thường cú pháp, đặc biệt dễ thấy trong tác phẩm của những cây bút trẻ (Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư …). Ngập tràn trong tiểu thuyết, truyện ngắn là kiểu câu giản lược tối đa, biểu thị nhịp sống gấp gáp, hối hả, hỗn tạp của một thế hệ thời mở cửa: “Tôi chia mông cộng ngực trừ nách đâu ra đấy”, “Dưới đất thì giãy đành đạch, lơ lửng trên không thì bốp chát rào rào, bao nhiêu

của quý lẽ ra chỉ dùng riêng cho mình thì đem ra ấn vào mồm nhau” (Tiệm may Sài Gòn – Phạm Thị Hoài); “Vũ là một đứa lẻo khẻo thích đội mũ phớt kéo vĩ cầm xuất thân giáo sư cả bố lẫn mẹ” (Man Nương – Phạm Thị Hoài); “Cấn cầm dao mài soàn soạt vào miếng da bò, lẩm bẩm: Hôm nay cắt được chục cái đầu thì hay” (Không có vua - Nguyễn Huy Thiệp)… Bên cạnh đó là kiểu câu cà kê, xộc xệch trong cú pháp, lỉnh kỉnh ghép nối các mẩu mảnh tư duy, tạo thành dòng ý thức miên man, bất tận, không ngừng, không hồi kết: “Man Nương, tôi gọi em như vậy những buổi chiều bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ trong căn phòng rỗng tầng ba có hai nhành xanh một thứ cây nào đó tôi không bao giờ biết tên. Man Nương, em không hề rón rén nhưng cũng không thật đàng hoàng qua một hành lang dài chật những bếp dầu hôi chậu và guốc dép vãi như kẹo trước mỗi cửa phòng nào cũng bốn mét nhân bốn mét rưỡi nhân hai mét tám màu xanh lơ” (Man Nương – Phạm Thị Hoài); “Con cái vào là hết ôi chao ôi thằng chó con của mẹ lại bĩnh ra cả đây rồi êu êu con mực lại đi đâu rồi, hôm nay lại đi tướt rồi khốn khổ thân con đây ôi xôi mẹ xin lỗi con nhé để mẹ chùi” (Một chiều xa thành phố – Lê Minh Khuê).; “Mình thấy rõ ở chỗ mình vừa đứng lên là một hình hài như một xác người đắp chiếu, ngay bên cạnh là một bát hương với cáii túi xách màu đỏ của Hoa và bên trên mép chiếu bung ra lòng thòng mớ tóc đen chỉ có thể là của Hoa, còn dưới chân là đôi dép Hoa mua tháng trước nữa nữa, mình biết chắc là Hoa mua tháng trước nữa nữa tháng nào cũng thế mình còn nhõn một nghìn đồng trong túi, hệt như ngày này tháng này hôm nay, giờ Ngọ hôm ấy…”.

Nhiều khi người đọc bắt gặp trong văn xuôi sau 1975 hiện tượng giải thích, chêm xen (mô phỏng lời nói – mang nặng tính khẩu ngữ) khiến cho thành phần phụ càng được chú ý. Ví dụ sáng tác của Phạm Thị Hoài: “Tôi cùng đám chúng sinh mở ngoặc giải thích là gồm đội bình, lư, chân đèn, ống nhổ, kiềng đeo cổ, vũ nữ Chàm, ấm chén, bát đĩa…đóng ngoặc, ở nhà một tay buôn đồ cổ” (Chuyện lão tượng Phật Di Lặc); “Tiệm may Sài Gòn dạy cắt may các kiểu nam nữ hợp thời trang, mở ngoặc, bên dưới có complê, vét tông, áo dài” (Tiệm may Sài Gòn)…

Hiện tượng tạo những tổ hợp ngôn ngữ mới, lạ hóa, chêm xen tiếng nước ngoài đã phá vỡ “tính thuần khiết” của ngôn ngữ Việt, in đậm dấu ấn “giao lưu”, “đa văn hóa” của con người thời đại toàn cầu. Vẫn là những tác giả trẻ Phạm Thị Hoài, Nguyễn Nguyên Phước, Nguyễn Việt Hà, Thuận, Đặng Thân… “say sưa” trong cách thức sáng tạo này: “Chúng ta không biết hôn một cách chuyên nghiệp”

(Man Nương – Phạm Thị Hoài); “Tất thảy đều xúng xính trong những bộ đồ còn thơm mùi bơ sữa”, “quán tính nghề nghiệp đẩy cuộc nói chuyện kéo dài đúng một tiếng”, “Nhạc phụ ậm ừ lấy lệ, nhạc mẫu xởi lời”, “đét-xe một cốc vại bia đã quá đát”, “tôi uống cạn suất đúp Whiski”, “tôi là một Robinson Crusoe bị ngẫu nhiên quẳng lên hoang đảo với con bé Friday của mình” (Cơ hội của chúa – Nguyễn Việt Hà); “Chẳng còn chuyển động Brown nữa. Con muốn ở nhà. Đó là những lời cuối cùng trước khi tôi trở thành một Autodidakt bởi thất học, một Outsider, bởi không đặt chân ra ngoài cửa sổ” (Thiên sứ - Phạm Thị Hoài); “Cuc cu thế nào? Stress lắm” (Chinatown – Thuận); “chúng tôi làm thí nghiệm suốt ngày chỉ mong có cái gì unusual với lại unexpected xảy ra” (Tâm trạng khi điên – Nguyễn Nguyên Phước); …

Cách thức làm mới ngôn ngữ kiểu này không phải được tiếp nhận một cách hào hứng đối với tất cả bạn đọc, nhất là đối với những tư duy sử thi, không quen “sự đùa giỡn”. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tái hiện hình ảnh con người cá nhân thời đại mới, chúng ta vẫn không thể phủ nhận, thứ ngôn ngữ suồng sã này đã phát huy thế mạnh. Chúng ta buộc thay đổi quan niệm về cách sử dụng ngôn ngữ trong nghệ thuật. Rằng ngoài vai trò là phương tiện của tư tưởng, của cảm xúc, nó đang trở thành mục đích tự thân của văn chương.

* * *

Khảo sát tiểu thuyết và truyện ngắn sau 1975, chúng tôi hướng sự chú ý đến những cách tân cơ bản trong nghệ thuật thể hiện con người cá nhân ở những phương diện cụ thể. Thủ pháp phi điển hình hóa gắn bó khá chặt chẽ với tính đa ngã, cá biệt, đặc biệt là sự tẩy trắng cá tính, dấu hiệu biến mất của con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn. Đi sâu vào miêu tả tâm lí nhân vật, thủ pháp độc thoại nội tâm và kĩ thuật dòng ý thức được vận dụng đến tối đa. Gắn với con người tâm linh, vô thức, thủ pháp huyền thoại hóa phát huy mạnh mẽ khả năng khai thác những bí ẩn khó đoán của con người. Thể hiện cái nhìn dân chủ, gia tăng tính đối thoại, tôn trọng tối đa nhận thức cá nhân, tiểu thuyết và truyện ngắn sau 1975 hết sức linh động trong tổ chức điểm nhìn trần thuật. Chú trọng miêu tả thế giới nội tâm, kết cấu dòng ý thức giống như một tất yếu nghệ thuật, cuốn hút

người đọc và giới nghiên cứu. Ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa giải cấu trúc, kết cấu phân mảnh thể hiện tính phân rã, riêng lẻ của các cá thể, đặc biệt là trạng thái cô đơn của con người. Bên cạnh đó, tổ chức ngôn ngữ hướng tới tính đa thanh, tính cá thể góp phần mở ra cái nhìn nhiều chiều về con người cá nhân trong trạng thái hiện sinh của chính nó.

Trên thực tế, những đổi mới trong nghệ thuật thể hiện con người cá nhân còn đa dạng, phong phú hơn nhiều. Tuy nhiên, nó đòi hỏi một sự đầu tư kĩ càng trong một công trình nghiên cứu chuyên sâu khác.

KẾT LUẬN

1. Viết về con người cá nhân, văn xuôi sau 1975 tiếp nối cảm hứng nhân văn trong văn mạch dân tộc ở một trình độ mới đã ít nhiều bị gián đoạn do sự chi phối của hoàn cảnh chiến tranh (1945 - 1975). Chuyển hướng quan tâm từ con người xã hội đến con người cá nhân cá thể, văn học sau 1975 đã khúc xạ chân thực những đổi thay của đời sống xã hội – văn hóa.

2. Kế thừa thành tựu về con người cá nhân từ văn học truyền thống, nhất là giai đoạn 1930 - 1945, tiếp nhận ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng và văn học thế giới, trong không quyển thời đại mới, tiểu thuyết, truyện ngắn Việt Nam sau 1975 đã thực sự đổi mới trên nhiều phương diện, đặc biệt là đã đi tới nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về “con người trong con người”. Thời kì đầu, ngay sau chiến tranh, con người cá nhân được thể hiện trong cái nhìn tự vấn, phản tỉnh, thoát ra khỏi áp lực của những chân lí đã mặc định. Từ sau 1986, con người cá nhân được khám phá sâu hơn vào bản thể với những trạng thái cô đơn, lạc loài, phần bản năng tự nhiên, vô thức cùng với sự tự ý thức mạnh mẽ hơn trong kiếm tìm cái tôi và ý nghĩa của đời sống. Cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, con người cá

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 160 - 200)