Những năng lực bí ẩn

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 103 - 110)

7. Giới thiệu bố cục luận án

2.4.3.Những năng lực bí ẩn

Trong văn học, “nghệ thuật nhận thức và diễn tả thế giới tâm linh chủ yếu theo tiêu chí nhân văn và thẩm mĩ chứ không theo những yêu cầu khoa học tự nhiên. Do đó, nó quan tâm trước hết đến việc mở rộng khả năng chiếm lĩnh con người và thế giới”[33; 109]. Các nhà văn hầu như không đưa ra những định nghĩa trực tiếp, nhưng sự thể hiện yếu tố tâm linh lại khá phong phú. Nó có thể là khả năng nhận thức, tiên đoán diệu kì ngoài lí trí, hoặc là niềm tin vào sức mạnh của một thế lực siêu phàm. Nói như một nhân vật của Nguyễn Minh Châu: “Hình như có một đấng trí tôn nào đó cầm tay dắt cho tôi đi qua hết cái khổ nhục của những đời người, những kiếp người” [dẫn theo 33; 109]. Hay như cảm nhận của một nhân vật trong Thương nhớ đồng quê

(Nguyễn Huy Thiệp): “Tôi rõ ràng thấy một bóng hình vĩ đại đang lướt nhanh, đang chuyển vận mãnh liệt trên đầu… Tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt bên trên tôi kia, đang chuyển vận rầm rộ kia, thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi, chắc chắn bảo dưỡng tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đến từng số phận. Điều ấy khiến tôi an lòng”. Đời sống tâm linh đòi hỏi một sự thừa nhận cái thiêng liêng, có thể được hiểu như cái tuyệt đối, cái vô hạn, cái toàn năng. Khi hướng tới một đối tượng và tin vào một lẽ huyền bí nào đó, khi sùng kính nó, tính thiêng liêng của chúng sẽ truyền vào con người, cho con người thêm sức mạnh mà con người chưa từng có, giúp con người tỉnh táo, tự tin và thực sự thấy an bình. Đời sống tâm linh cũng có khi được biểu hiện trong khả năng linh ứng, trực cảm, những mơ hồ không rõ rệt của cảm giác, sự “thông

linh” giữa người sống và người chết, cõi âm và cõi dương hay khả năng bí ẩn, năng lực siêu phàm của con người …

Con người vốn là sản phẩm tuyệt vời của tạo hóa, có tư duy phát triển cao nhất trong mọi loài. Cái tâm linh được thức nhận như một bộ phận, một thành tố không thể thiếu trong cấu trúc tâm lí con người. Tuy nhiên, giữa việc thừa nhận và thể hiện nó lại hoàn toàn là hai vấn đề khác nhau. Trước năm 1975, văn học cách mạng không thể hiện con người tâm linh. Đến thời kì đổi mới, với quan niệm con người không nhất phiến, con người đa ngã, đời sống tâm linh được khai thác khá phong phú, đa dạng. Có thể kể đến các tác phẩm: Ăn mày dĩ vãng, Nỗi buồn chiến tranh, Chim én bay, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến trần gian, Cõi người rung chuông tận thế, Trong sương hồng hiện ra, Thương nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn, Giọt buồn Giáng sinh, Hồn trinh nữ, Giàn thiêu, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau, Nhân gian, Đức Phật nàng Savitri và tôi… Những biểu hiện cơ bản nhất của con người tâm linh thể hiện trong tiểu thuyết và truyện ngắn giai đoạn này: khả năng linh cảm; sự giác ngộ về một hiện thực bí ẩn của con người.

Linh cảm được coi là khả năng đặc biệt, thuộc về cõi siêu thức, nằm ngoài vòng kiểm soát của ý thức của con người. Không phải ai và không phải lúc nào con người cũng có được khả năng kì diệu ấy. Nhờ linh cảm, con người “nhìn” thấy trước được những điều sẽ xảy ra. Nếu linh cảm chính xác, con người có khả năng tránh được những bất trắc, bất hạnh. Viên (Ăn mày dĩ vãng) là một cậu liên lạc có một thứ trực giác và khả năng linh cảm đặc biệt. “Trận nào mà hắn ta tươi tỉnh, thích nói thích cười thì trận đó dứt khoát sẽ xuôi chèo mát mái. Ngược lại hôm nào hắn tỏ ra lì xì, hỏi không nói, gọi không thưa, đụng một tí cũng gắt gỏng là y như rằng hôm đó không gặp trục trặc này cũng đụng tình huống khác”. Dự cảm về cái chết trước khi đột ấp đã khiến Viên quả quyết đòi đi đầu, rơi vào ổ phục kích và hi sinh. Tiên đoán về mối tình éo le của Hai Hùng và Ba Sương lại một lần nữa minh chứng cho khả năng linh cảm kì diệu của cậu liên lạc này. Dũng (Chim én bay) cũng đã có dự cảm về một sự bất trắc trên đường đi làm nhiệm vụ. Có một cái gì đó thật khó giải thích khi Dũng kiên quyết nói với Quy: “phải tắm một cái, kẻo chẳng bao giờ được tắm nữa”. Dường như Dũng đã linh tính mình sẽ chết, và việc bỏ xuống để tắm giống như một sự giã từ. Cái chết của Dũng đã khiến Quy vừa đau đớn vừa trăn trở tự hỏi: “liệu con người có khả năng cảm nhận được những gì sắp xảy ra đối với mình hay không?”. Trong Nỗi buồn chiến tranh,

vẻ đẹp và trí thông minh kì lạ của nhân vật Phương đã khiến cha Kiên có một linh cảm xấu. Ông cho rằng Phương mang một vẻ đẹp lạc thời, lạc loài và điều đó sẽ khiến cô

đau khổ. Là một họa sĩ tài hoa nhưng cô độc trong ý tưởng nghệ thuật, cha Kiên nhìn thấy một tương lai huyễn ảo mà con người có thể rơi vào. Linh cảm ấy thể hiện trong bức tranh ông vẽ, “đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con nối nhau thành một dòng những hình nhân héo vàng sống vu vơ giữa những miền không có thật của cuộc đời, mỗi ngày một thêm lạc bước rời khỏi cõi dương không ngoái nhìn lại”. Mẹ của Minh (Thương nhớ đồng quê – Nguyễn Huy Thiệp) tự dưng ngã chúi và nhìn thấy con mình đầy máu me đúng vào thời điểm bé Minh bị ô tô chở cột điện cán chết. Thời điểm bà Son gieo mình tự vẫn, Đào, con gái bà nhìn thấy con chó đội chiếc nón kì dị đi vào cổng và đã kêu thất thanh: “U làm sao rồi, u bị gì rồi” (Mảnh đất lắm người nhiều ma)…

Trong thực tế, khả năng linh cảm, linh giác vẫn là điều hoàn toàn bí ẩn, nằm ngoài vùng kiểm soát lí trí của con người. Con người có thừa nhận về sự hiện tồn của nó hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Riêng trong lĩnh vực văn chương, khả năng linh cảm, linh giác được bạn đọc chấp nhận như một sự khám phá mới về những khả năng bí ẩn của con người mà chúng ta chưa thể biết hết.

Khám phá yếu tố tâm linh, đi sâu vào bản thể ngƣời, các nhà văn còn đề cập đến vấn đề “thần giao cách cảm”, sự thông linh giữa âm – dƣơng, ngƣời sống – ngƣời chết. Đây là một khả năng kì diệu đã được chứng thực, khi bằng một thứ giác quan đặc biệt nào đó, người sống có thể gặp gỡ, chuyện trò với người chết, nghe được những tâm tư, ước vọng, được cảnh báo tai họa có thể xảy ra. Đôi khi, sự gặp gỡ của những con người giữa hai cõi cũng là biểu hiện của sự dày vò nội tâm sâu sắc. Ăn mày dĩ vãng có những trang viết ám ảnh về cuộc gặp gỡ giữa Hai Hùng và những linh hồn chiến sĩ nơi nghĩa trang miền Tây. Khi anh hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng trên hành trình đi tìm dĩ vãng, nói đúng hơn là đi tìm sự thật về cái chết của Ba Sương, Hai Hùng đã đến nơi này. Đứng giữa thế giới vô hình mà hữu hình của người chết, anh gặp lại đồng đội của mình, không phải bằng thịt da, mà bằng ảo ảnh khói sương rùng rùng lay động. “Những cái bóng bước theo, đuổi kịp, vây bủa, chân lướt ràn rạt không chạm đất. Tiếng cười âm u, tiếng thở dài nhớt nhát, tiếng nói lạnh lẽo úp chụp, đậu lên vai, luồn vào tóc, chui cả vào ngực nhồn nhột không mùi không vị”. Đây là tiếng nói mừng tủi của cả một tập thể: “Thủ trưởng ơi! Có nhận ra chúng tôi không? Có nhớ chúng tôi không?”. Đây là tiếng trách giận của Viên: “Anh quên em rồi sao anh Hai? Giá như đêm ấy anh đừng lệnh đi thì em đâu có chết!”. Và đây là sự oán hờn của Bảo: “Sao lại chôn vội thế thủ trưởng ơi! Lúc ấy giá anh cứ cho rút bỏ cái chuôi đạn ác nghiệt ra khỏi bụng tôi… biết đâu tôi chả có thể sống? Sao ác thế?”. Và Khiển, chàng trai đã chết vì mụ mị đờ đẫn nhớ thèm hơi hướng đàn bà: “Tại tôi cả… Nếu đêm ấy, trước khi đi, tôi được gặp

vợ tôi, hoặc bất kì một người đàn bà nào đó thì chắc tôi đã không nhét cái đồ giết người vào ngay túi áo ngực như thế…”. Những bóng ma đã lướt qua, như thế, “xào xào, rin rít, khò khè”, “tiếng cười, tiếng nói, tiếng thở từ dưới thảm lá khô, từ trên lả lướt ngọn dương rì rầm dội lên”, kẻ trách hờn, người vỗ về an ủi, nhói buốt, tức tưởi. Cuộc gặp gỡ với những bóng ma có thể là thật, cũng có thể đó là tiếng vọng của một quá khứ với biết bao dằn vặt đớn đau, thậm chí cả lỗi lầm khiến cho gần hai mươi năm chiến tranh đã qua đi, Hai Hùng vẫn chưa một chút nguôi ngoai. Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh

đã không dưới một lần nghe thấy tiếng đàn hát, tiếng khóc, tiếng gọi nhau, tiếng thì thầm chuyện trò, tiếng rên rỉ của đồng đội. Trong Bến trần gian, bà mẹ nghe được tiếng gọi và có thể chuyện trò với linh hồn người con trai đã hi sinh. Chợ rằm dưới gốc cây cổ thụ nói về sự gắn bó kì ảo khó giải thích giữa con người nơi trần thế và những hồn ma. Việc người mẹ rằm nào cũng náo nức và tất bật đi chợ đêm ở ruộng dâu cổ thụ để gặp người chồng đã mất cách đó 10 năm, việc cô con gái bị mê hoặc bởi tiếng sáo của một chàng trai đã chết phải chăng là niềm tin về sự song tồn của hai thế giới? Giàn thiêu đưa người đọc vào thế giới huyền diệu của đời sống tâm linh. Xác chết của Tăng đô án Từ Vinh, người bị giết oan đã linh thiêng dựng đứng dậy để kết án kẻ đã mưu hại ông. Kì lạ hơn, cái xác chỉ “từ từ đổ, nằm xuống mặt sông, đôi con ngươi trở lại nằm trong hốc mắt” sau khi Từ Lộ cảm nhận được cái nhìn của cha, vái lạy với lời nguyền sẽ dùng kiếp sống của mình để trả thù. Trong Giàn thiêu, chúng ta còn được nghe tiếng kêu khóc, nguyền rủa, nức nở của các oan hồn bị chết thiêu; tiếng thì thào ai oán nơi lãnh cung; cuộc chuyện trò giữa âm hồn của Hoàng thái hậu họ Dương với cung nữ Ngạn La; cuộc hành xử của Hoàng hậu họ Dương dành cho Nguyên Phi Ỷ Lan nơi hầm mộ. Người đàn bà trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng cũng có một khả năng thông linh đặc biệt với Nẫm – anh trai của chồng mình đã hi sinh. Khi đang mê man vì đau đớn trên bàn đẻ, chị vẫn nhìn rõ “người đàn ông cao to hơn Thản” ngó mình từ trên trần nhà, nhìn rõ người đàn ông lướt ánh nhìn xuống bụng, “nơi cái cuống rau vừa bị cắt còn lòng thòng ra chỗ sinh nở”. Chị thấy “người đàn ông cúi xuống hôn con bé rồi đi đến bên tôi rờ rẫm cái cuống rau đỏ lòm”. Một thứ tình cảm kì lạ nảy sinh khiến chị “đắm đuối với hình ảnh người đàn ông kia đang mân mê cái cuống rau, như thể anh ra đã sờ nắm được hết những mạch máu li ti chảy trong cơ thể” mình mà tình yêu của chồng chị “chỉ chạm tới chứ không nắm được”.

Mở ra thế giới bí ẩn của tâm linh, các nhà văn còn khai thác sự chuyển hóa của con người qua nhiều kiếp khác nhau theo quan niệm luân hồi của đạo Phật. Giàn thiêu

Tông. Có lời nguyền báo thù cho cha, chàng Từ Lộ đã chịu khổ hạnh khua tích trượng mòn vẹt, lội sông băng đèo sang Tây Trúc học đạo. Nhưng lòng tham vẫn còn, chưa đạt được đức độ để đến cõi Atula, Đại sư đã đầu thai vào gia đình Sùng Hiền hầu và sau này đã trở thành đấng quân vương, sống trong nhung gấm lụa là, tà dâm vô độ. Sự đầu thai, ánh mắt khác thường của Dương Hoán Thần Tông ngay khi còn nhỏ, sự biến đổi của Dương Hoán Thần Tông qua lốt dã nhân, lốt hổ… chính là những biểu hiện kì lạ, bí ẩn chưa thể biết hết của con người. Trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi, nàng Savitri là một hình tượng gần gũi và sống động. Savitri phân thân trong hai kiếp: một của hiện tại – hướng dẫn viên du lịch, một của quá khứ - công chúa Savitri sống cách đó gần hai mươi sáu thế kỉ. Hai kiếp không giống nhau, nhưng lại giống như nhân duyên luân hồi. Savitri của kiếp trước là đại diện cho dục lạc không tắt, là sự say sưa khoái lạc đến tận cùng, cả đời yêu Đức Phật. Còn Savitri của kiếp này là sự hiện diện của một Nữ thần, luôn ngẩng đầu kiêu hãnh, có khả năng thuần phục tất cả. Hồ Anh Thái đã gửi gắm quan niệm về thuyết luân hồi của đạo Phật qua nhân vật Savitri, đồng thời nhân vật này cũng biểu trưng cho màu sắc bí ẩn quyến rũ, tràn đầy màu sắc dục lạc của văn hóa Ấn Độ.

Tôn giáo được khởi nguyên từ huyền thoại và được tô điểm không ngừng bởi những yếu tố huyền thoại. Từ xa xưa, con người đã tìm đến tôn giáo như một điểm tựa về mặt tinh thần trước những biến cố cụ thể nào đó trong đời sống. Trải qua thời gian lịch sử, tôn giáo có vai trò khác nhau, phụ thuộc vào niềm tin của con người trong từng thời đại. Dù vậy, trong bất kì thời đại nào, ở đâu, tôn giáo luôn là nơi con người gửi gắm niềm tin thiêng liêng, bất tử. Khảo sát văn xuôi sau 1975, có thể nhận thấy các nhà văn đã khá chú tâm đến sự thức tỉnh, giác ngộ gắn với niềm tin tôn giáo của con người. Khi những hoài nghi đối với thế giới và con người tăng lên, cũng là lúc con người mong muốn tìm được sự cân bằng, một niềm xác tín vào đấng toàn năng, siêu nhiên huyền bí, ngoài cõi đời phàm tục. Bác Liên (Mùa hoa loa kèn - Nguyễn Hoàng Huy) vốn là một công tử nhà giàu, từng học trường Litxê, ăn chơi có hạng nhưng đã trở thành một con người hoàn toàn khác khi sống thanh bạch, ăn chay và thành tâm hướng Phật. Cách sống của bác đã làm thay đổi hẳn nhận thức của một thanh niên vốn lâu nay mê mải chạy theo đồng tiền, khiến anh ta thấy “cái thiện tràn ngập” trong tâm hồn. Ông Kiền (Không có vua) mắc bệnh hiểm nghèo, vật vã vì đau đớn nhưng khi nghe đọc kinh vô thường đã thanh thản ra đi, trên môi thấp thoáng nụ cười. Sư cụ Thích Quảng Đức (Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu - Nguyễn Khải) tự thiêu để bảo vệ Phật Pháp, thức tỉnh bao trái tim Phật tử, giúp họ rũ bỏ tham sân si, tìm đến cõi cực lạc tự tâm, suốt

đời hướng thiện. Cha Vĩnh (Thời gian của Người) là một vị linh mục đặc biệt, nguyện hiến dâng tất cả những gì thuộc về mình cho Hội Thánh, khao khát “dâng hiến đời con cho dân tộc con, cho những người lao động đất nước con, cho nhân loại, vì họ là hình ảnh trọn vẹn nhất của Đấng Cứu Thế”. Người dân Cổ Đình (Mẫu thượng ngàn) coi Mẫu là chỗ dựa, “Mẫu là hồn của đất. Mẫu là cơm gạo ta ăn, cho hoa trái bốn mùa tươi tốt. Mẫu dạy chim hót, dạy công múa quạt, dạy voi kéo gỗ, dạy hùm thiêng canh giữ núi rừng, dạy con người biết xót thương”. Mẫu là sức mạnh, có khả năng cứu rỗi, mang lại niềm an ủi lớn lao cho con người, đặc biệt là những người đàn bà tài hoa nhưng bất hạnh (như bà Tổ cô, cô Mùi, Nhụ). Niềm tin thiêng liêng vào Mẫu cũng được thể hiện khá sâu sắc trong Kín (Nguyễn Đình Tú) qua nhân vật ông nội của Quỳnh. Thân gà trống nuôi con, bao uất ức buồn phiền đều được ông tìm đến Mẫu để giải tỏa. Chính niềm tin vào đạo Mẫu đã khiến ông nội Quỳnh vượt qua những nhọc nhằn của đời

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 103 - 110)