Những hành vi không thể kiểm soát

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 102 - 103)

7. Giới thiệu bố cục luận án

2.4.2.Những hành vi không thể kiểm soát

Nếu như bản năng, dục vọng, ám ảnh, những giấc mơ… là phần vô thức thuộc về trạng thái bên trong của con người thì phần hành vi không kiểm soát được chính là phần biểu hiện ra bên ngoài của vô thức. Hành vi này không được điều khiển bởi lí trí, nó bột phát thể hiện do thói quen hoặc do một ám ảnh nào đó thúc đẩy từ bên trong. Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) đã “nghiến răng, đứng phơi ra, chúc họng súng xuống, điên cuồng nã từng phát, từng phát đóng đanh lên cái thân xác còn nóng hổi sức sống đang oằn oại đau đớn trong cơn rùng giật giãy chết” của đám tàn quân mà không sợ hãi, không nổi hung, chỉ thấy “mệt mỏi âm thầm”. Cũng có một lần khác nữa, khi trung đoàn của Kiên đánh vào Ty cảnh sát Buôn Mê Thuột, Kiên bắn trọn một nửa băng đạn vào ả cảnh sát đã bắn lén đồng đội của anh. “Những đầu đạn cỡ 7,6 ly quật đôm đốp vào nền đá hoa dưới lưng tấm thân vận bộ đồ trắng đã đỏ lòm”. Những hành vi của Kiên được thúc đẩy từ những xúc cảm căm uất tích tụ, từ những đau thương mà đồng đội Kiên đã gánh chịu, từ lạnh giá của một tuổi thơ thiếu tình thương yêu của mẹ, từ thói quen giết chóc và sự tàn nhẫn do chiến tranh mang lại… Chi tiết những cô gái trông kho quân lương (Người sót lại của rừng cười) có hành vi của những con vượn cái (khi nhảy xổ đến từ đằng sau, đu chặt lấy người lính và cất tiếng cười man dại) là kết quả của những tháng năm cô đơn “đặc quánh”, những ẩn ức dục tình tràn ứ mà họ phải nén chịu nơi rừng già Trường Sơn.

Nhìn dưới góc độ phân tâm học, những tổn thương tinh thần của quá khứ có sự chi phối vô cùng dai dẳng tới tâm lí con người trong chặng đường về sau. Đôi khi nó tác động đến một hành vi nào đó mà chính bản thân anh ta không lí giải nổi. Đính (Quãng đời đánh mất) cứ nhìn thấy Cường là muốn đánh, thậm chí đánh tàn độc. Theo anh ta, Cường mang bộ mặt “khiếp nhược” của một thằng hèn. Bộ mặt ấy nhắc gợi đến sự câm nín nhẫn nhục của mẹ Đính và anh em Đính trước ông bố tàn bạo trong những năm tháng tuổi thơ của anh ta. Chi tiết người đàn bà nướng khoai (Ngồi) đánh bầm dập thằng bé hàng xóm chỉ vì nó quá ngoan ngoãn hiền lành cũng xuất phát từ một nỗi chua xót, oán hờn dồn nén từ quá khứ - kí ức về người cha “hiền đến mức gặp ai cũng lễ phép chào y như nó (tức thằng bé)”, thậm chí “bị tay hàng xóm lôi vợ vào nhà giữa ban ngày ban mặt mà cũng chẳng dám nói gì”.

Nỗi đau quá lớn cũng khiến người ta dễ rơi vào trạng thái “điên”. Người mẹ ( điệu địa ngục) nhìn thấy cô con gái duy nhất chết trong bồn máu cùng lúc chiếc cầu vồng ngạo nghễ xuất hiện, mang màu đỏ tía đã bất đồ nhảy như một con báo điên, tóc bạc xổ tung bã bời tay quào lên trời gào thét. Hành động muốn túm chặt lấy dải cầu

vồng của bà còn lặp lại bất kì khi nào cầu vồng xuất hiện. Cái chết bất ngờ của Khánh (Người sông Mê) đã khiến Hoa vào lớp, thực hành tiết mổ ếch trong trạng thái hoàn toàn mê sảng. Hành vi bất chấp tính mạng, cầm dao lao vào gã thợ nhiếp ảnh của Đại (Nháp) bùng phát từ sứ mệnh bảo vệ bạn gái lúc nguy khốn, là kết quả của chuỗi ngày âm ỉ phải chứng kiến hình ảnh của “đôi mắt nâu có viên ngọc ước”, đại diện cho thánh đường tôn nghiêm đang bị cuộc sống chà đạp phũ phàng.

L. Tolstoy từng nói: con người “hoàn toàn không giống bản thân mình tuy vẫn cứ chỉ là mình”. Văn xuôi sau 1975 đã rất ý thức khi đi sâu tìm hiểu những phiên bản khác nhau của con người này. Con người sẽ nghèo nàn biết bao nếu như chỉ tồn tại phần lí trí. Con người cũng sẽ tăm tối biết bao nếu chỉ có bản năng hoang vu? Đưa vô thức vào trong tác phẩm, các nhà văn đương đại đã thành công khi khám phá thêm một phương diện mới mẻ, ẩn chìm trong mỗi cá thể con người. Còn việc thể hiện nó như thế nào, cũng còn phụ thuộc vào tài năng và cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn.

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 102 - 103)