Nhận thức về cái tôi và khát vọng kiếm tìm bản thể

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 58)

7. Giới thiệu bố cục luận án

2.1.1.Nhận thức về cái tôi và khát vọng kiếm tìm bản thể

Vấn đề cái tôi và giá trị của cái tôi được đặt ra ngày càng sâu sắc và toàn diện trong văn xuôi sau 1975. Tự nhận thức về cái tôi đi liền với ý thức tự vấn, là xu hướng nổi bật ở nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn.

Bức tranh của Nguyễn Minh Châu là một truyện ngắn luận đề về tính đa diện, nhiều mặt trong một bản thể. Quá trình tranh đấu, tự thú của người họa sĩ chính là quá trình con người ngồi trước tấm gương soi vào nhân cách. Người họa sĩ đó có tài, đã gặt hái được nhiều thành công. Danh lợi là nguyên nhân trực tiếp để anh ta quên lời hứa với chiến sĩ thồ tranh – người cho anh ta bài học về sự nhân từ và độ lượng. Lần gặp gỡ vô tình với người chiến sĩ – nay là thợ cắt tóc, phát hiện ra bà mẹ chiến sĩ đã lòa, người họa sĩ không ngừng day dứt. Tòa án lương tâm lên tiếng, phán xét: “Tại sao ngày ấy tôi đã không đưa “tấm ảnh” đến cho gia đình anh? Tại sao tôi không giữ lời hứa?”. Mọi lời tự biện hộ thông minh không thắng nổi tòa án lương tâm, để rồi cuối cùng anh ta phải thừa nhận sự vụ lợi đã lấn át ân nghĩa, thừa nhận trong con người mình tồn tại cả rồng phượng và rắn rết, thiên thần và ác quỷ. Có thể nói, cái tôi của người họa sĩ đã tự vấn nghiêm khắc, đã soi chiếu cặn kẽ để phát hiện ra những phần chìm khuất trong bóng tối lòng mình. Luận đề: “xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn để tự suy nghĩ về chính mình” là thông điệp Nguyễn Minh Châu nhắn nhủ đến người đọc. Tiếp tục hướng này, tác giả cho Lực (Cỏ lau) không ngừng day dứt về quãng đời quá khứ. Chiến tranh có khả năng tạo ra anh hùng, nhưng chiến tranh cũng dễ che khuất phần thú tính. Cái chết vô nghĩa của cậu liên lạc Phi là một bản án đối với lương tâm Phó chính ủy Lực. Sự thật về nó có thể sẽ bị chôn vùi mãi mãi nếu Lực không chứng kiến nỗi đau của cô gái người yêu Phi. Lời tự thú: “chỉ vì một chút tư thù đầy nhỏ nhen mà tôi đã đưa người lính vào chỗ chết” là kết quả của một hành trình phán xét lương tâm đầy nghiêm khắc. Giống như nhân vật họa sĩ trong Bức tranh, Lực đã trút bỏ bộ áo khoác xã hội để đối diện với chính mình. Giang Minh Sài (Thời xa vắng) “nửa cuộc đời nghe theo mọi người, chiều theo ý mọi người” để rồi mất tất cả,

cuối cùng, ngộ ra mình đã “hoắng lên chạy theo cái mình không có, không phải là mình”; “sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mặt mọi người, chứ không phải cho hạnh phúc của mình”, Sài quyết định trử về quê hương làm lại cuộc đời. Nhận thức muộn mằn này như một lời cảnh báo con người: hãy đứng đúng chỗ của mình, hãy sống đúng là mình, hãy ứng xử với cuộc sống bằng sự trung thực chứ đừng vì nhu nhược mà đánh mất mình. Hành động của Hoài (Thiên sứ - Phạm Thị Hoài): thu mình trong thế giới 14 tuổi, chối từ tăng trưởng, mơ “giấc ngủ bào thai vĩnh hằng” là sự phản ứng dữ dội với những tẻ nhàm của thế giới người lớn để bào toàn cái tôi độc lập, tách khỏi bầy đàn. Nhận thức của người họa sĩ, của Lực, của Sài, Hoài và rất nhiều nhân vật khác nữa chính là nhận thức về vị trí của cái tôi với những giá trị của riêng nó, không chấp nhận sự áp đặt từ bên ngoài, tẩy chay lối sống bầy đàn phi bản sắc.

Theo J.P. Sartre, con người khác vật ở chỗ nó có tính chủ thể (tự tạo nên mình). Nói cụ thể, con người khác con vật ở đời sống nội tâm, ở sự tự ý thức, con người là một nhân vị tự do và nó có thể tạo dựng cho thế giới những giá trị. Con người không “nhốt” mình mãi trong một khuôn mẫu đã được khẳng định sẵn, “đóng băng” trong sự hiện hữu của chính nó. Ngược lại, để khẳng định mình, để “hiện sinh”, con người luôn có tham vọng đạt tới một cái đích nó mong muốn. Và hành động là cách con người thể hiện ý nghĩa của cuộc đời mình. “Một khi tôi còn sống với khái niệm trừu tượng có sẵn thì tôi chưa dám là tôi, tôi vẫn là “người ta”, tôi chưa có nhân vị đặc hữu”[52; 91]. Vậy, con người chỉ có thể là chính nó trong hành động và khi hành động.

Có thể nói, để khẳng định bản sắc riêng, trả lời câu hỏi: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Tôi tồn tại ở cõi đời này vì điều gì? Cái gì khiến cho tôi là chính tôi?, con người buộc phải tham gia vào cuộc kiếm tìm. Tìm những gì họ đã trải qua, đã đánh mất, nhìn nhận lại những giá trị đích thực của bản thân, đánh giá vị trí của mình trong cõi nhân sinh thế tục là hành trình muôn thuở của con người. Càng có ý thức sâu sắc về mình, con người càng khao khát tìm kiếm. Dù trong hành trình kiếm tìm ấy, có thể nó va vấp, lầm lạc, không ai hiểu và đôi khi phải trả giá rất đắt. Tuy nhiên nó chấp nhận tất cả. Bởi điều con người quan tâm là được sống theo những suy nghĩ, những chân lí của mình, tìm ra nguồn cơn sự thật, được thể hiện, khẳng định mình trong cuộc sống. Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: “Khi con người đòi hỏi quyền sống, xem dám sống là điều kiện đầu tiên để làm người thì song hành với nó, người ta đòi hỏi quyền được lựa chọn, quyền tự quyết về cuộc sống của mình”[52; 174]. Con người kiếm tìm đã manh nha trong tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng,

xuất hiện nhiều trong tác phẩm của các nhà văn lớp sau: Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Thị Hải Âu, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương… Dù mức độ quan tâm thể hiện khác nhau nhưng các nhà văn đã có tiếng nói chung về khát vọng “tìm mình” trong cõi nhân sinh của con người.

Nguyễn Khải trong Một cõi nhân gian bé tí thông qua cuộc tranh luận giữa Cả Chính và con trai để khẳng định khát vọng xác lập cái tôi của thế hệ mới: “có nhiều người, ngày càng nhiều người, trong đó có con, kiên quyết từ chối mọi cách sống đã được định trước. Bọn con muốn được tưởng tượng một chút, phiêu lưu một chút, mạo hiểm một chút, muốn có được cơ hội làm nổ tung mọi năng lực tiềm tàng nơi mình, được bộc lộ hết cỡ cái tính cách mạnh mẽ của cá nhân, hoặc thành công, hoặc thất bại, nhưng có một dịp được làm hết sức mình, làm trong say mê, trong mong đợi, rồi có chết ngay cũng hả”. Cả Chính và con trai là hai thế hệ khác nhau: một muốn yên ổn với những lí tưởng định sẵn, “mực thước” “đoan trang” nhưng thiếu năng động, thiếu cá tính; một dám phiêu lưu, thực dụng nhưng có bản lĩnh, có bản sắc riêng. Tương tự, Hoài (Thiên sứ) cũng là nhân vật đại diện cho tiếng nói của thế hệ trẻ khao khát kiếm tìm cái tôi của thế hệ mình. Khởi đầu là khao khát về một tình yêu thương cụ thể, từ chối những mớ lí thuyết viển vông: “Tôi lớn lên và khát khao âu yếm. Uy tín, danh dự thảy đều quá trừu tượng”. Khi nhận thấy bố mẹ, anh trai lao vào vòng xoáy mưu sinh, Hoài “khước từ đám đông cuồng tín, phản ứng thuần túy sinh vật học”; “không muốn trở thành người lớn”, không muốn bị cuốn theo những tính toán vặt vãnh vô nghĩa, những giáo điều cứng nhắc. Phản kháng với mặt trái của xã hội, đồng thời khẳng định sự tự do lựa chọn cho lối sống cá nhân, Hoài đã tách khỏi số đông, tìm niềm vui bằng cách đánh giá phân loại con người theo tiêu chí của riêng mình: biết yêu và không biết yêu. Hành động đó cũng có thể hiểu là khát vọng về một thế giới con người được xây dựng trên tiêu chí của tình yêu thương. Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, từ kẻ chân đất đến những đấng quân vương đều thể hiện rất rõ khát vọng tìm lại chân thân trong cõi nhân sinh. Chương (Con gái thủy thần) đã từ bỏ lối sống tẻ ngắt, nghèo túng, quẩn quanh u buồn sau lũy tre làng để đi tìm mẹ Cả. Đó là khát vọng tìm cái đẹp, nhưng đó cũng là hành trình để anh tìm đến với chính mình, đến với một cái tôi khác ở bên trong, hiện hữu nhưng khác cái tôi mộng mị “đầy những thành kiến ngộ nhận”và “ngu độn”. Hành trình đi tìm mẹ Cả cũng là hành trình Chương sống khác cuộc sống tẻ nhạt của mình, không theo những chuẩn mực thông thường. Ông Pành (Đất quên),

ngoài 80, đã con đàn cháu đống nhưng bỗng chốc phát hiện ra phút giây “ngợp trong cảm giác huyền diệu”, giây phút đất trời mưa đá sấm rền, ông được che chở cho một người con gái trẻ mỏng mảnh yếu ớt như một cánh chim non. Và những rung cảm ngọt ngào nhất mà tám mươi năm qua ông chưa từng thấy, từng “khát khao mong tìm” đã đột ngột xuất hiện. “Hơn cả tình yêu, hơn cả những người phụ nữ mà ông đã gặp, cảm giác này như là hạnh phúc”. Cảm giác ấy là một thứ bùa ngải, một thứ chài ếm, nó khiến ông chấp nhận sự nhạo báng, đánh cược cả tính mệnh của mình cho một lời hứa như dao chém đá để cầu hôn người con gái trẻ. Phải chăng, sự mạo hiểm đó xuất phát từ chỗ ông nhận ra 80 năm qua mình chưa từng được sống, thật như giá trị của mình, thật như rung cảm và thật như khát vọng?

Mong ước được trở về với bản ngã và sự kiếm tìm bản ngã cá nhân cũng được thể hiện khá sâu sắc trong tác phẩm của Hồ Thị Hải Âu (Những phiên bản của đời), Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền, Đi tìm nhân vật), Dương Hướng (Bến không chồng), Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của chúa) và hàng loạt truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Nhân vật tôi (Bước qua lời nguyền) tưởng chừng bất lực trước những hủ tục và mối thù truyền kiếp, nhưng sau 10 năm ra đi, anh vẫn quay về, đối thoại với quá khứ, đối mặt với tình yêu, chịu đựng sự ghẻ lạnh của ông bố để được sống theo cách mà mình lựa chọn. “Tôi” trong Đi tìm nhân vật cũng không ngần ngại lao vào dòng chảy bề bộn của cuộc nhân sinh để đi tìm lại những điểm tựa tinh thần cao quý trong cuộc đời, tìm lại cái tôi, không chấp nhận sự vong bản. Câu hỏi “Tôi là ai? Tôi phải bằng mọi cách biết tôi là ai”chính là khát vọng tự xác lập bản thể cá nhân, chối bỏ sự đánh đồng bản thể giữa đám đông, sự “mặc định” của đám đông về mình. Viết về vấn đề này, bên cạnh ý thức xác lập sự sở hữu cá nhân, tác giả cũng đặt vấn đề về tính không nhất phiến trong một bản thể. Con người có thể vừa minh triết lại vừa xuẩn ngốc, vừa hiền lành vừa ác độc, vừa đậm đà nhân tính vừa mang dã tâm của loài thú dữ… Khát vọng tìm mình thể hiện rất rõ trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư (Dòng nhớ, Cải ơi, Nửa mùa, Duyên phận so le, Cánh đồng bất tận…) khi tác giả trình làng những nhân vật dám đối mặt, “dấn thân”, sống theo cách mà mình lựa chọn, dù có thể phải chấp nhận nhiều chê cười, chấp nhận sự thất bại đau đớn, những âu lo cùng bao hoang hoải chán chường, tuyệt vọng…

Như vậy, ý thức khám phá bản thể, ý thức về bản sắc cá tính, tìm đến giá trị của cái tôi được thực hiện trong hành trình “dấn thân”. Những trải nghiệm và những điều

chưa tới có thể làm con người vừa tò mò, vừa hoang mang, hoài nghi, thậm chí tuyệt vọng. Nhưng họ vẫn ra đi dù hành trình đó hầu như đều thất bại.

Kiếm tìm chính mình, khẳng định chính mình, con ngƣời tìm đến với ý niệm về sự tự do. Tự do – đó là sự không trói buộc, không áp đặt (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng), là sự tôn trọng đối với những ham muốn sở thích của mỗi cá nhân, là lẽ tồn tại theo sở nguyện của mỗi cá nhân con người trong một hoàn cảnh nhất định. Chủ đề kiếm tìm tự do được đặt ra khá hấp dẫn trong Lãng tử của Nguyễn Khải. Cách sống của Sinh cũng là một minh chứng biện giải cho ham muốn tự do của con người. Người đàn ông tài hoa đặc biệt đó gần như suốt đời phiêu lãng, tự do với chính mình, tự do với trời đất. Sở hữu “4 nghề: vẽ, săn, sáo, nhậu, nghề nào cũng thuộc loại đại cao thủ, đều có thể làm giàu nếu anh muốn làm giàu” nhưng Sinh không thích ràng buộc đời mình vào bất cứ chuyện gì. Thú tự do của Sinh khiến “ba đứa con có bố mà như mồ côi bố”. Trong con mắt người làng, Sinh là “người duy nhất không thay đổi một chút gì trong cái thời buổi kinh tế thị trường này”. Cái lẽ sống của anh thật khác đời, khác người. Nhưng chắc chắn đó là cái lẽ riêng, là tiếng gọi cồn cào trong tâm thức, nó khiến anh “đêm nằm chỉ chợt nghe có tiếng con sạt sành đạp cánh trong bụi tre, tiếng dế nỉ non ở một góc vườn, tiếng ếch nhái ì ộp đối đáp nhau lúc gần lúc xa buồn thảm, là bực dọc, bứt rứt, không sao ngủ lại được. Là lại muốn đi. Đi để được sống với những bất ngờ mỗi ngày”. Suy cho cùng, Sinh cũng là một con người dám sống hết mình cho những đam mê. Và cái anh tìm kiếm cả đời đó là sự tự do không ràng buộc. kể cả sự ràng buộc của mái ấm.

Khái niệm tự do không đơn thuần chỉ gắn với sự giải phóng về mặt thân thể. Tự do còn gắn với khoảng không gian tâm linh, vô hình, có thực dù khó nhận biết. Hoàn cảnh mới cho phép con người tự do theo cách riêng của mình. Tuy nhiên, cũng có những bi kịch nảy sinh chính từ sự tự do cá nhân này. Một phần do khát vọng cá nhân quá lớn, một phần do mải mê chạy theo ham muốn của riêng mình, con người vô tình đã tự cầm tù mình, cầm tù người thân. Nhiều sáng tác văn xuôi đặt vấn đề về tình trạng con người phải sống tăm tối, ngột ngạt ngay trong ngôi nhà của chính mình. Những cấm đoán phi lí, phi nhân, những áp đặt cuồng tín của thế hệ trước với thế hệ sau, lòng yêu thương không đúng chỗ đã đày đọa con người. Con người mong muốn tìm cho mình một lối thoát. Nói khác đi, đó là sự kiếm tìm tự do. Thiên sứ, Những bài học nông thôn, Con gái thủy thần, Đại tá không biết đùa, Đi tìm nhân vật, Bước qua lời nguyền, Luân hồi, Phù thủy, Nước mắt đàn ông, Khi người ta trẻ, Trí nhớ suy tàn… thể hiện khá

rõ khát vọng này. Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp lên tiếng về giá trị của tự do từ câu chuyện cuộc đời anh giáo Triệu. Vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bố là Bộ trưởng, mẹ là thành viên của một gia đình trí thức tiếng tăm, lựa chọn nông thôn để sống, làm việc trong vai trò của một anh giáo tiểu học “quèn” thay cho cuộc sống phú quý nơi thị thành, anh giáo Triệu minh chứng cho quan niệm tự do trong việc tìm lí tưởng sống, khác với đám đông tranh nhau đổ xô vào món lợi tầm thường: “Họ cần hiểu rằng cần một thứ cao hơn thế nữa, đấy là giá trị chân chính cho toàn bộ cuộc sống của mình, được quyền tự mình định đoạt cuộc sống, tóm lại là tự do”. Nhân vật trong tác phẩm của Tạ Duy Anh hầu hết đều thể hiện khát vọng “bước qua lời nguyền”, chối bỏ quá khứ tăm tối đầy định kiến, thù hận để vươn tới tự do. Cái chết của đôi trai gái trẻ “trần truồng trên bệ thánh”; quyết định “ân xá” cho nhau của “tôi” và Quý Anh (Bước qua lời nguyền), giấc mơ “cởi bỏ tất cả để trở về khởi thủy” của “tôi” (Luân hồi), khát vọng “băng qua cả ngàn năm để viết lại một truyền thuyết” cũng của nhân vật “tôi”

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 58)