Từ sự tác động của bối cảnh lịch sử xã hội mới, văn hóa mới

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 45)

7. Giới thiệu bố cục luận án

1.3.1.Từ sự tác động của bối cảnh lịch sử xã hội mới, văn hóa mới

Thắng lợi ngày 30/4/1975 đưa dân tộc ta bước vào một giai đoạn mới với những quy luật riêng của nó, thời kì phát triển “bình thường” sau ba mươi năm “bất thường” do chiến tranh. Sự kiện lịch sử ấy cũng đánh dấu một thời kì mới của nền văn học dân tộc. Sau khoảng 10 năm chuyển tiếp, văn học bước vào giai đoạn đổi mới mạnh mẽ.

Khác với hoàn cảnh chiến tranh, đời sống hòa bình đưa con người trở về với quỹ đạo đời thường, tạo điều kiện nảy sinh những nhu cầu mới, những quan niệm thẩm mĩ mới, hình thành nên những lớp công chúng mới. Ý thức cá nhân đã được đánh thức trở lại với những đòi hỏi cụ thể, bình thường nhất. Nhiều giá trị trong thời chiến đã đổi khác và thay thế nó là những hệ giá trị mới đang trong quá trình hình thành. Đời sống văn hóa tư tưởng vì vậy cũng vô cùng phức tạp, thậm chí khủng hoảng ở một bộ phận nào đó. Có những người cực đoan khi phê phán, phủ định sạch trơn tất cả những giá trị của thời kì trước. Có không ít người rơi vào tình thế lạc thời, không tìm thấy chỗ đứng và điểm tựa trong cuộc sống. Bên cạnh những nhu cầu, những đòi hỏi chính đáng của con người cá nhân, còn có một bộ phận đã không định hướng được các giá trị tinh thần, chạy theo lối sống sùng bái vật chất, lối sống hưởng thụ, ích kỉ, xa rời các giá trị nhân bản… Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ vào ý thức của nhà văn và được phản ánh trong thực tiễn sáng tác.

Bên cạnh sự đổi thay của xã hội - lịch sử trong nước, chúng ta cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của quá trình toàn cầu hóa đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, đặc biệt mạnh mẽ từ khi bùng nổ của công nghệ thông tin và sự kết thúc của tình thế chiến tranh lạnh giữa hai phe trên thế giới. Đường lối đổi mới của Đảng đề ra chủ trương mở cửa, từng bước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, vì thế, ảnh hưởng của toàn cầu hóa ngày càng rõ rệt đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng ở nước ta. Toàn cầu hoá đã mở ra nhận thức mới cho con người Việt Nam hôm nay. Cái nhìn về con người từ đó cũng thay đổi. Bên cạnh việc khẳng định những giá trị mang bản sắc dân tộc, con người còn được nhấn mạnh trong tính nhân loại, trong bản chất phổ quát của con người. Mặc dù kinh tế nước ta còn chậm phát triển, nhưng con người Việt Nam hôm nay vẫn có những dấu ấn thể hiện tâm thức của con người thời đại hậu công nghiệp trên thế giới.

Trong bối cảnh mở cửa hội nhập quốc tế, văn học Việt Nam không còn bị khép kín trong tính chất khu vực của những nền văn học XHCN như trước đây mà đã từng bước mở rộng sự giao lưu, tiếp nhận ảnh hưởng của nhiều nền văn học trên thế giới. Các trào lưu, lí thuyết văn học vốn đã quen thuộc, có ảnh hưởng sâu rộng ở phương Tây trong thế kỉ XX đã từng bước được giới thiệu và tiếp nhận ở Việt Nam qua việc dịch thuật (cả sáng tác và lí luận), qua một lớp tác giả, công chúng có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với đời sống văn học thế giới, nhất là bộ phận người Việt ở hải ngoại. Từ phân tâm học đến chủ nghĩa hiện sinh, trào lưu tiểu thuyết mới, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đến chủ nghĩa hậu hiện đại, các quan niệm mới về tiểu thuyết ở phương Tây… đã dần trở nên quen thuộc với người viết và công chúng văn học ở nước ta.

Còn phải kể đến một trong những nhân tố tác động đến sự đổi mới văn học là những định hướng phát triển văn học nghệ thuật của Đảng và Nhà nước ta. Đường lối đổi mới tại Đại hội lần thứ VI của Đảng và sau đó là Nghị quyết 05 của Bộ chính trị về một số vấn đề văn hóa văn nghệ, cuộc gặp gỡ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện giới văn nghệ sĩ vào cuối năm 1987… đã thực sự thúc đẩy công cuộc đổi mới văn học theo tinh thần đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật. Chưa bao giờ vai trò, trách nhiệm của người cầm bút và tính chân thực của văn học lại được đặt ra một cách rốt ráo, toàn diện đến thế. Một không khí dân chủ trong đời sống văn hóa và văn học đã thực sự có tác động lớn lao đến đội ngũ những người sáng tác.

Tất cả những yếu tố nói trên đã làm biến đổi ý thức nghệ thuật của nhà văn, cả của công chúng văn học. Trung tâm của sự đổi mới ý thức nghệ thuật đó chính là đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người.

1.3.2 …đến những đổi mới quan niệm nghệ thuật về con ngƣời trong văn xuôi sau 1975

Chịu tác động của hoàn cảnh thời chiến, văn xuôi trước 1975 tập trung vào nhiệm vụ giáo dục con người mới, con người cộng đồng. Hình mẫu con người được gửi gắm vào các nhân vật lí tưởng. Phát hiện con người cộng đồng trong mỗi cá nhân, con người như một sản phẩm hoàn hảo của hiện thực cách mạng là cống hiến của văn học thời vệ quốc. Xung đột dân tộc và xung đột giai cấp đã buộc văn học đặt con người vào trong điểm nhìn ý thức hệ. Chiến tranh kéo dài khiến một số nguyên tắc miêu tả con người trở thành quy phạm. Con người bị lấn át bởi sự kiện, trở thành phương tiện “xâu chuỗi các sự kiện lịch sử”, giúp nhà văn khám phá và biểu hiện lịch sử.

Văn học sau 1975 không thể không tự điều chỉnh khi cái phông thời đại đã hoàn toàn thay đổi. Ý thức về con người cá nhân, sự khích lệ tinh thần dân chủ khơi thông những ẩn ức dồn nén, những khát khao được nghiên cứu, thể hiện con người trong văn học. Trên văn đàn, xuất hiện ngày càng nhiều những tác phẩm mang cảm hứng nghiên cứu về con người, lấy con người làm tâm điểm quy chiếu lịch sử. Nguyễn Minh Châu từng khẳng định: “Đã đến lúc con người leo lên trên các sự kiện để đòi quyền sống”. Văn xuôi đã thực sự có nhiều phát hiện phong phú về con người và điều đó khẳng định bước trưởng thành của tư duy nghệ thuật. Nếu như trước đây trong các tác phẩm, sự kiện là mối quan tâm chính thì nay, thay thế vào đó là con người – vai trò tâm điểm soi chiếu - với muôn vàn “khuôn mặt” sáng, tối. Con người từ điểm nhìn sử thi đã được đặt vào điểm nhìn thế sự, đời tư. “Dòng chảy đời thường ở thời đại ý thức cá nhân phát triển tạo cho con người một diện mạo mới: phong phú, phức tạp, nhiều bí ẩn và nhà văn trong nỗ lực khám phá, chiếm lĩnh đời sống nhận ra mỗi cá thể là một “tiểu vũ trụ” không thể biết hết, không thể biết trước…”[147; 197]. Con người đa ngã, phức tạp, bí ẩn tạo ra nhiều đối thoại với con người trong văn xuôi giai đoạn trước đó. Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào thế giới nội tâm con người để thấy được trong mỗi cá thể có cả “rắn rết lẫn rồng phượng” (Bức tranh). Nhà văn tiên phong trong công cuộc đổi mới này đã minh chứng cho tính chất kì lạ của con người thông qua những diễn biến hết sức phức tạp của đời sống, những giằng xé nội tâm của nhân vật (Bên đường chiến tranh, Cơn giông, Sắm vai, Chiếc thuyền ngoài xa, Dấu vết nghề nghiệp, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở Miền Nam…).Nguyễn Khải thì đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác khi thấy con người “no ăn mà buồn. Không phải lo nghĩ mà lại buồn” (Anh hùng bĩ vận), “hiền lành là thế, hồn nhiên là thế mà sẽ có ngày trở thành sát nhân” (Đổi đời); “ban ngày sống theo cách mình đã chọn nhưng ban đêm lại phải sống theo cách Thượng Đế đã chọn” (Một cõi nhân gian bé tí)… Các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp (trong Kiếm sắc, Vàng lửa, Tướng về hưu, Những bài học nông thôn, Chút thoáng Xuân Hương) làm xôn xao dư luận khi được nhìn như một bản thể tự nhiên. Nhân vật trong truyện Nguyễn Thị Thu Huệ (Những đêm thắp nắng, Mùa đông ấm áp, Một trăm linh tám cây bằng lăng, Phù thủy…), Nguyễn Bản (Ánh trăng), Nguyễn Quang Huy (Con gấu), Ma Văn Kháng (Chọn chồng, Thanh minh trời trong sáng…), Hồ Anh Thái (Người và xe chạy dưới ánh trăng, Cõi người rung chuông tận thế), Lê Minh Khuê (Anh lính Tôny D; Đồng đô la vĩ đại), … đều có những đột biến bất ngờ về mặt tâm lí, tính cách và hành động, khiến cho độc giả rất khó bề đoán định. Quan niệm “con người là tổng hòa

các mối quan hệ xã hội”, đồng thời là con người tự nhiên khiến cho nhân vật không giản đơn, không dễ “định tính”, “định lượng” và không thể xét đoán “theo thông lệ”. Tuy nhiên, quan niệm đó lại xác thực hơn với những gì diễn ra trong thực tại của cuộc sống mỗi một con người.

Xuất phát từ quan niệm con người không đơn trị, con người đa diện, con người luôn biến đổi, phức tạp, bí ẩn…., văn xuôi giai đoạn mới ít có những nhân vật đẹp hoàn hảo, nhất phiến. Nhân vật đời thường, phàm tục đi vào tác phẩm, hiển hiện như lẽ tự nhiên. Con người bị đồng tiền làm cho biến dạng, trở nên độc ác (Giọt máu – Nguyễn Huy Thiệp; Đồng đô la vĩ đại– Lê Minh Khuê; …). Con người cứng đờ, đóng hộp trong khuôn mẫu, tẻ nhạt, tham lam (Thiên sứ, Hành trình của những con số - Phạm Thị Hoài, Đứa ăn cắp, Mẹ con chị Hằng – Nguyễn Minh Châu, Heo may gió lộng, Bồ nông ở biển, Trung du chiều mưa buồn – Ma Văn Kháng…). Con người dị dạng, tha hóa, giống quỷ hơn giống người (Không có vua, Giọt máu – Nguyễn Huy Thiệp, Giấc ngủ nơi trần thế - Nguyễn Thị Ấm; Thợ đào đá truyền kiếp – Ngô Tự Lập; Phù thủy –

Nguyễn Thị Thu Huệ…). Con người xơ cứng với những giáo điều và niềm tin mù quáng (Đám cưới không có giấy giá thú – Ma Văn Kháng, Những thiên đường mù –

Dương Thu Hương, Mùa trái cóc ở miền Nam – Nguyễn Minh Châu; Đại tá không biết đùa – Lê Lựu). Con người u mê, tăm tối, hoang dã (Thoạt kì thủy, Ngồi – Nguyễn Bình Phương; Thiên thần sám hối, Đi tìm nhân vật – Tạ Duy Anh). Con người ắp đầy tham vọng, sẵn sàng đánh đổi cả tình thân, nhân tính cho uy quyền và danh lợi (Giàn thiêu –

Võ Thị Hảo; Hồ Quý Ly – Nguyễn Xuân Khánh; Mưa ở kiếp sau – Đoàn Minh Phượng)…

Một vấn đề được đặt ra là: liệu văn học giai đoạn mới có mang cái nhìn quá bi quan về con người? Hoàn toàn không đúng nếu cho rằng con người ngày hôm nay “xấu” hơn con người ngày hôm qua. Quan trọng là cách nhìn và từ cách nhìn sẽ có hệ giá trị đo đếm nó. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng”[164; 407]. L. Tolstoy cũng ví: “Con người như dòng sông”, “Nước trong mọi con sông như nhau và ở đâu cũng thế cả nhưng mỗi con sông khi thì hẹp, khi thì rộng, khi thì chảy xiết, khi thì êm, khi thì trong veo, khi thì lạnh, khi thì đục, khi thì ấm. Con người cũng như vậy. Mỗi con người mang trong mình những mầm mống của mọi tính chất con người và khi thì thể hiện tính chất này, khi thì thể hiện những tính chất

khác và thường là hoàn toàn không giống bản thân mình tuy vẫn cứ là chính mình” [33; 74]. M. Bakhtin cũng đồng quan điểm này khi nhấn mạnh: “Con người không thể hóa thân đến cùng vào cái thân xác xã hội – lịch sử hiện hữu. Chẳng có hình hài nào có thể thể hiện được hết tất cả mọi khả năng và yêu cầu con người ở nó, chẳng có tư cách nào để nó có thể thể hiện cạn kiệt hết mình cho đến lời cuối cùng như nhân vật sử thi, chẳng có khuôn hình nào để có thể rót nó vào đầy ắp mà lại không chảy tràn ra ngoài. Bao giờ cũng vẫn còn phần nhân tính dư thừa chưa được thể hiện”[19]. Quan niệm này nhấn mạnh đến tính đa trị và đặc tính không thể biết hết, không thể biết trước trong mỗi một con người.

Như vậy, văn học trong tiến trình phát triển của nó, từ mối quan tâm trọng yếu là cuộc – sống – của – con – người đã chuyển đổi thành mối quan tâm con - người – của – chính – con – người. Đó là một bước tiến mới về chất của toàn bộ tiến trình đã có của văn học. “Trong mối quan tâm con người của con người, nghĩa là con người là gì, là thế nào trong chính nó – tất yếu thiết lập một quy luật định hướng cơ bản nhất là khám phá quy luật và quy trình của sự - sống - con - người trong không gian nội tại của cá thể con người, nghĩa là khám phá chân lí nội tại của bản thân cá thể con người”[46; 6]. Với ý nghĩa này, văn học thực sự trở thành “khoa học của lòng người”. “Trình bày con người như nó vốn có, không lí tưởng hóa, thần thánh hóa nó là đặc điểm nổi bật trong quan niệm con người của văn xuôi từ sau 1975”[33; 79].

1.4. Khái quát về sự vận động của con ngƣời cá nhân trong tiểu thuyết, truyện ngắn Việt Nam sau 1975

Lộ trình đổi mới dù không được phân đoạn một cách rạch ròi, tuyệt đối, nhưng vẫn có những dấu ấn riêng trên sáng tác của từng thời kì. Các nhà nghiên cứu đồng thuận quan điểm cho rằng: mười năm đầu văn học cơ bản vận động theo quán tính cũ, những đổi mới rõ rệt hơn vào đầu những năm tám mươi và thực sự khởi sắc từ năm 86 cho đến đầu thập kỉ 90. Cuối thập kỉ 90, bước đi của văn học có phần dè dặt. Bước sang thế kỉ XXI, văn học, đặc biệt là tiểu thuyết và truyện ngắn có thêm nhiều thành tựu, đánh dấu những chuyển biến quan trọng đáng ghi nhận về mặt nghệ thuật. Khảo sát trên những nét lớn về con người cá nhân, chúng tôi nhận diện sự vận động của con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn sau 1975 qua ba chặng đường lớn: từ 1975 đến 1985, từ 1986 đến đầu những năm 90, từ giữa những năm 90 đến nay.

Từ 1975 đến 1985

Trong chặng đường đầu tiên này, về cơ bản tiểu thuyết và truyện ngắn vẫn gắn bó với truyền thống cũ, lịch sử vẫn là tiêu điểm quy chiếu. Vì vậy, hình tượng con người cơ bản vẫn mang dáng dấp của con người cộng đồng (con người tập đoàn). Tuy nhiên, đã có dấu ấn sự trở lại của ý thức cá nhân trong những xúc cảm băn khoăn, tự vấn, sám hối ở nhiều nhân vật. Tác phẩm của Nguyễn Minh Châu (Miền cháy; Những người đi từ trong rừng ra), của Nguyễn Trí Huân (Năm 1975 họ đã sống như thế); Nguyễn Trọng Oánh (Đất trắng); Nguyễn Khải (Cha và con và…), Thái Bá Lợi (Hai người trở lại trung đoàn, Họ cùng thời với những ai;)… phần nào phản ánh những trăn trở, nhận thức các giá trị cá nhân trong cái nhìn toàn diện hơn hiện thực và con người.

Miền cháy từ việc khẳng định những khó khăn chồng chất của con người sau cuộc chiến đã nhấn mạnh ý tưởng: con người cần có bản lĩnh, đủ sự nhân hậu để tha thứ và tiếp tục sống. Bên cạnh cái nhìn mới về chiến tranh (nhìn chiến tranh trong cảm quan hiện thực, phản ánh cả những mặt khốc liệt), các tiểu thuyết Hai người trở lại trung đoàn, Đất trắng, Năm 1975 họ đã sống như thế, Họ cùng thời với những ai còn đặt vấn đề về tính đa diện của con người. Hình tượng người lính đã được soi chiếu dưới nhiều góc độ, nhiều thời điểm (thời chiến và thời bình, mặt nổi trội và những khuất tối). Người chiến sĩ không chỉ được ca ngợi mà còn có những khuất lấp đằng sau tấm huân chương. Quan điểm chỉ có địch xấu và ta bao giờ cũng tốt đã thay đổi. Các tác giả cho thấy trong đội ngũ của ta cũng ẩn nấp những khuôn mặt trí trá, xảo quyệt, cơ hội, bội

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 45)