7. Giới thiệu bố cục luận án
3.2.1. Điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài và sự dịch chuyển, đan xen điểm nhìn
Quan sát tiểu thuyết và truyện ngắn sau 1975, chúng tôi nhận thấy các nhà văn vận dụng hết sức linh hoạt điểm nhìn bên ngoài (điểm nhìn khách thể) và điểm nhìn bên trong. Không tách rời truyền thống với cách trần thuật mang tính khách quan, Nguyễn Huy Thiệp tạo ra một cái duyên riêng nhờ sự phối hợp rất nhuần nhuyễn giữa hai cách thức trần thuật truyền thống và hiện đại. Với một loạt truyện được trần thuật từ điểm nhìn bên ngoài của ngôi thứ ba (Những ngọn gió Hua Tát, Không có vua, Thương cho cả đời bạc, Giọt máu), Nguyễn Huy Thiệp để cho sự kiện ào ạt, bất ngờ tuôn chảy và tiếp nối, nhưng vẫn tạo điều kiện cho nhiều nhân vật lên tiếng, bộc lộ quan điểm của mình thông qua đối thoại. Trong các truyện Tâm hồn mẹ, Chút thoáng Xuân Hương, Mưa, tác giả đã sử dụng lối trần thuật “giấu mặt” song điểm nhìn luôn chuyển hóa hết sức linh hoạt từ người kể sang nhân vật khiến cho nhân vật được soi tỏ từ nhiều góc nhìn. Con người cá nhân được thể hiện sinh động ngay trong sự cảm thấy, cảm biết của chính nó. Nhiều truyện ngắn khác được kể từ ngôi thứ nhất, cái tôi trở thành cái tôi hướng nội, nói tiếng nói của cá nhân, thể hiện quan điểm theo tính cá nhân (Con gái thủy thần, Chảy đi sông ơi, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn…). Các truyện này hoặc được trần thuật bằng hình thức nhân vật tự kể về mình hoặc với tư cách là chứng nhân. Và với cách kể chuyện đó, con người cá nhân trong khao khát nhận thức và khám phá, khao khát đi tìm cái tôi và khẳng định cái tôi được bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Chảy đi sông ơi là một hành trình kiếm tìm và “giải thiêng” huyền thoại. Nhân vật “tôi” đã đi tìm những giá trị tốt đẹp của huyền thoại trâu đen suốt từ thời niên thiếu cho đến khi trưởng thành. Niềm tin tan vỡ khi huyền thoại không hề tồn tại. Với sự hòa phối điểm nhìn bên ngoài và bên trong, người kể đã nhập thân vào nhân vật, để thấy nỗi đau của họ, khát vọng của họ:
a. “Thâm tâm, tôi vẫn ước mong nhìn thấy con trâu, biết đâu tôi sẽ chẳng được hưởng điều kì diệu? Hễ cứ chập tối là tôi bỏ nhà ra đi, mặc kệ sách vở và những lời khuyên của mẹ”.
b. “Tôi cắn chặt răng để khỏi òa khóc. Trái tim nhỏ bé của tôi thắt lại. Nước chảy rất xiết, tôi bỗng hiểu ra nước chảy bao giờ cũng xiết, có điều phải cố mà bơi cho đến được bờ”.
c. Bên sông vẳng lại tiếng hát thuở nào tê tái: Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì?/Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi?...Tôi muốn gào lên chua xót. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống hiện giờ của tôi vô nghĩa xiết bao. Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?”
Đoạn thứ nhất là điểm nhìn bên trong, thể hiện suy nghĩ của cậu trai nhỏ, nhiều tò mò, nhiều niềm tin ngây thơ và đầy khao khát kiếm tìm, khẳng định niềm tin, bất chấp sự can ngăn, giáo huấn. Đoạn hai có hai điểm nhìn hòa trộn: điểm nhìn ngôi thứ nhất (“tôi cắn chặt răng để khỏi òa khóc; “Trái tim nhỏ bé của tôi thắt lại”…) và điểm nhìn khách quan đã được tác giả hóa thân thông qua những trải nghiệm (“tôi bỗng hiểu ra nước chảy bao giờ cũng xiết, có điều phải cố mà bơi cho đến được bờ”). Đoạn thứ ba: là sự hòa trộn và di chuyển của hai điểm nhìn ngoài và trong. Tiếng hát tê tái vẳng lại trước hết là tiếng hát của tiềm thức xa xôi, nhưng nó cũng là hiện thực đồng vọng. Cá nhân trong trạng thái đầy xót xa đã đi tới một chân lí khách quan: phải từ bỏ những niềm tin ngây thơ vào huyền thoại và phải đối mặt với thực tiễn đầy nghiệt ngã. Nhưng sự thức nhận ấy đồng thời đem lại cho con người sự xót xa, thậm chí hoang mang như đối diện với khoảng trống vô hình sâu thẳm: “Con trâu đen, con trâu đen trong thời thơ ấu của tôi nay ở đâu rồi?”.
Tướng về hưu được trần thuật từ người kể chuyện xưng “tôi”, một chứng nhân tham gia vào nội dung và làm nên nội dung câu chuyện. Truyện ngắn nàychủ yếu sử dụng điểm nhìn bên ngoài của Thuần để quan sát, miêu tả, thuật lại các sự việc về cha mình từ khi ông tướng rời quân ngũ sau sáu mươi năm cầm súng. Tình thế trớ trêu, lạc lõng của ông tướng giữa gia đình và người thân được hiện ra qua sự quan sát của người con. Những biến động tinh tế của nội tâm nhân vật cũng được bộc lộ rất khéo léo qua lời trần thuật và lời thoại ngắn: “Cha tôi không nói năng gì cả” ; “Cha tôi gãi cằm: “Người ta nhờ mình”; Cha tôi bảo: “Để xem đã”; “Cha tôi thở dài”; “Cha tôi ngồi âm thầm, trông rất đau đớn”; Cha tôi bảo: “Sao tôi cứ như lạc loài”; Cha tôi nghẹn ngào: “Con không hiểu rằng cả tin là sức mạnh để sống hả con?”... Xét bề ngoài, những diễn biến trong tâm trạng ông Thuấn hoàn toàn được miêu tả khách quan qua điểm nhìn của người kể chuyện - con trai ông. Gần như không có một lời bình luận của người kể chuyện. Tuy nhiên, đã có sự hòa nhập nhuần nhuyễn điểm nhìn bên ngoài của người kể
chuyện với điểm nhìn bên trong của chính nhân vật, từ việc “không nói năng gì cả” đến thái độ phân vân (“gãi cằm”), đến buồn rầu (“thở dài”), đến đau đớn (“ngồi âm thầm, nghẹn ngào”)... Rõ ràng, bản thân tướng Thuấn đã dần dà nhận thức được môi trường của cuộc sống hiện tại khó có thể phù hợp với một người cả đời trận mạc. Kết thúc cay đắng nhất đã xảy ra: ông tướng quyết định lên chốt và nhận lấy cái chết.
Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) tái hiện mặt trái của chiến tranh và thân phận tình yêu thông qua điểm nhìn chính của Kiên. Về hình thức, truyện được kể từ người kể chuyện ngôi thứ ba dù thực chất câu chuyện là dòng độc thoại của nhân vật chính. Phần mở đầu, lời kể khá khách quan nhưng càng về sau, dấu ấn của người kể chuyện ngôi thứ ba mờ dần, chuyển nhập với dòng tâm tư bấn loạn của Kiên. Cuối chuyện, một người kể khác hoàn toàn đứng ngoài, không tham gia chính thức vào câu chuyện xuất hiện, biến toàn bộ câu chuyện trước đó trở thành khách quan. Mai Hải Oanh cho rằng đó là hình thức “giấu kín người trần thuật nhằm tạo ra bất ngờ cho người đọc”. Với cách thức trần thuật này, tác giả để Kiên trôi trong cõi “chập chờn bất định” và hành trình đi tìm quá khứ của Kiên được triển khai trên một dòng hồi ức “rối bời”. Cuộc chiến tranh với những tàn tích nặng nề đã được nhìn từ cái nhìn bên trong của Kiên - một nạn nhân. Kí ức vừa đau đớn vừa huy hoàng của chiến tranh như một vết thương nhức buốt, như một ám ảnh khôn nguôi, khiến Kiên không thể hòa nhập được cùng thực tại. Anh chỉ có thể sống với chính nó:
a. “Đêm nay ai gọi hồn ai. Tiếng hú cất lên từ đâu đó trong rừng thẳm, âm u truyền dọc theo những gờ núi lạnh lẽo của truông Gọi Hồn. Cô đơn. Lạc lõng.
Núi vẫn thế, rừng vẫn thế, suối sông cũng vẫn thế thôi, bởi có là bao một năm trời. Chỉ có điều hồi đó đang chiến tranh còn bây giờ trái lại, đã hòa bình rồi. Cũng là một trang cuộc đời nhưng mà là hai thế giới, hai thời đại…”.
b. “Giấc mơ lay thức tâm hồn Kiên. Thì ra, anh, Kiên cũng có một thời trẻ trung, cái thời mà bây giờ khó lòng mường tượng lại được nữa (…) Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khổn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người!”.
c. “Mỗi người trong chúng tôi bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng, mỗi người, ngay từ ngày đó đã mang trong lòng một cuộc chiến tranh của riêng mình… Nhưng chúng tôi có chung một nỗi buồn, nỗi buồn chiến tranh mênh mang, nỗi buồn
cao cả, cao hơn hạnh phúc và vượt lên trên đau khổ. Chính nhờ nỗi buồn mà chúng tôi đã thoát khỏi chiến tranh(…), để bước trở lại con đường riêng của mỗi cuộc đời…”.
Ví dụ a và b là những hồi ức đau buồn của Kiên về chiến tranh và những gì còn, mất (điểm nhìn bên trong). Ví dụ c là cái nhìn của người kể chuyện – nhân vật “tôi” (điểm nhìn bên ngoài) – xuất hiện với công việc sắp xếp lại những trang bản thảo của người đồng đội chưa quen mà đã như thân thiết. Xuất phát từ hai điểm nhìn khác nhau nhưng trùng hợp trong cách nghĩ, cách cảm nhận về cuộc chiến, tác giả tạo được sự đồng cảm sâu sắc giữa những người lính cùng trở về từ nơi bom đạn. Hai điểm nhìn làm sáng tỏ nhận thức: chiến tranh và nỗi đau, những mất mát của con người. Nỗi đau ấy sẽ vẫn còn đằm sâu dù cuộc chiến đã qua đi, như một ám ảnh dai dẳng không bao giờ dứt. Nhưng chính điều đó lại là sự nhắc nhở thấm thía nhất, rằng người ta không được phép dễ dàng lãng quên cuộc chiến và nỗi đau tột cùng của con người.
Hồ Anh Thái trong Cõi người rung chuông tận thế đã lựa chọn phương thức chiêm nghiệm và phản ánh hiện thực qua điểm nhìn của một kẻ tòng phạm đồng lõa với cái ác nhưng đã dần dần giác ngộ. Xuyên suốt tiểu thuyết là hành trình hướng thiện của nhân vật này khi dần nhận thức về cái ác và cái thiện. Từ một cốt truyện mang tính siêu thực, Hồ Anh Thái đã mang vấn đề “rất con và rất người” lên trang giấy: dục vọng, cái ác, chiến tranh, tình yêu, thù hận, vòng luân hồi bất tận… đã trói buộc con người. Dường như không có thời hạn cho sự trói buộc đó, bởi có thể nó có thời hạn nhưng cũng có thể là vô tận, mãi mãi. Tác giả Cõi người rung chuông tận thế đã chọn được điểm nhìn cho tiểu thuyết hết sức độc đáo. Tất cả mọi việc, từ những việc thực hiện hành lạc, thỏa mãn dục vọng đến việc trả thù, chết chóc, những đau khổ, sợ hãi và những giác ngộ trong nhận thức đều được nhân vật “Tôi” suy ngẫm, “phân thân” một cách uyển chuyển. “Tôi” vừa là người kể chuyện, vừa tham gia vào câu chuyện. “Tôi” suy ngẫm triền miên, can thiệp vào các “vụ việc” bằng thái độ riêng của mình, nhức nhối đau đớn khi chứng kiến những cái chết, sợ hãi khi nhận ra sự trả thù là một vòng quanh vô tận. Nhân vật tôi có sự kết hợp hai điểm nhìn: điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong. Sự thật trần trụi vì vậy được soi chiếu một cách khách quan qua quá trình nhân vật chứng kiến, trải nghiệm và dẫn đến những chuyển biến trong tư tưởng, hành động. Đông từ chỗ là kẻ đứng ngoài quan sát thản nhiên trước tội ác đã thực tâm hối hận, đau khổ mà muốn hành động để chuộc lại lỗi lầm cho chính những kẻ đã gây ra tội ác. Điểm nhìn bên ngoài kết hợp với điểm nhìn bên trong đã giúp Hồ Anh Thái khám phá hiện thực trong tính đa tầng, nhiều chiều.
Với tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh thực sự táo bạo khi chọn nhiều ngôi kể, trong đó có cả người kể chuyện ngôi thứ nhất. Thường thì ngôi vị trần thuật trong tiểu thuyết lịch sử được nhường cho ngôi thứ ba. Với điểm nhìn của người kể chuyện nói trên, quan điểm về lịch sử của tác giả thường trùng khít với quan điểm chung của cộng đồng. Cho rằng tiểu thuyết lịch sử “trước hết là tiểu thuyết”, Nguyễn Xuân Khánh đã tạo ra sự đột phá bằng cách xây dựng nhiều điểm nhìn khác nhau, ở đó có sự di chuyển hết sức linh hoạt điểm nhìn, khiến cho nhân vật hiện lên nhiều mảng sáng tối, đặc biệt được tô đậm trong khát vọng nhận thức và khẳng định cái tôi.
Có hai trường nhìn được thiết tạo dọc câu chuyện: trường nhìn của người kể chuyện khách quan và trường nhìn của nhân vật. Truyện được cắt ra thành nhiều chương, mỗi chương hầu như viết về một nhân vật hoặc một sự kiện (Hồ Nguyên Trừng, Ông Vua già, Cái chết của ông vua già, Trần Khát Chân, Hồ Quý Ly, Cô gái vườn mai, Hội thề Đồng Cổ,...), tuy nhiên cái bóng hắt xuống toàn bộ câu chuyện vẫn là Hồ Quý Ly: Hồ Quý Ly trong gia đình, Hồ Quý Ly trong tình phu thê, phụ tử, Hồ Quý Ly trong mối quan hệ quân thần, đặc biệt, Hồ Quý Ly trong khát vọng đổi thay triều đại, tạo dựng cơ đồ… Chính do việc tạo dựng nhiều điểm nhìn, trong đó có điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhiều nhân vật khác nữa cùng sự di chuyển điểm nhìn bên ngoài và bên trong, Hồ Quý Ly hiện lên trong tính đa trị, thậm chí có lúc đối nghịch. Cách sống, cách hành xử và khát vọng bá nghiệp của Hồ Quý Ly được đánh giá và nhìn nhận rất khác nhau: “Thực ra, Trừng hiểu ý tứ của quan thái sư cha mình lắm chứ. Ông ấy đang muốn tìm cho thiên hạ một phương thuốc lớn. Lòng chàng thanh niên chợt dâng lên một tình cảm, vừa như kính phục, vừa như xót thương,… Người ta bảo cha anh là kẻ gian hùng. Người ta bảo ông đặt ra lắm chuyện phiền hà. Người ta bảo ông là kẻ gian thần rắp tâm,… Một phương thuốc lớn! Ông muốn đi tìm một phương thuốc lớn! Liệu đó là một thiện ý hay chỉ là một xảo ngôn như người đời vẫn nghĩ. Nghe cha mình cười sao Trừng chẳng muốn cười mà chỉ thấy dâng lên trong lòng một nỗi buồn. Cha ta có ảo tưởng không? Cha ta có tham vọng quá không? Nỗi bi đát, nỗi khốn cùng của cha ta là chỗ đó. Một phương thuốc lớn. Ai sẽ tin cha?... Kìa, nghe cha ta đang cười. Tiếng cười đang vang giòn bỗng tắt dần và trở thành những tiếng khùng khục lịm đi trong cổ họng. Tiếng cười kết thúc sao mà ngơ ngác… Tiếng cười sao mà cô độc”. Ở đây, người kể đang nhập vào nhân vật, nói hộ những suy nghĩ của Trừng. Trong suy nghĩ của Trừng có hai điểm nhìn: một điểm nhìn của người ta
(những đánh giá mang tính hoài nghi) và điểm nhìn của Trừng (hiểu cha, thương cha nhưng vẫn không khỏi băn khoăn). Như vậy, một đoạn văn ngắn nhưng có sự hòa lẫn ba điểm nhìn: người kể chuyện, Trừng và những người khác. Sự linh hoạt trong thiết tạo điểm nhìn đã giúp Nguyễn Xuân Khánh tạo ra cái nhìn lưỡng diện về nhân vật. Hồ Quý Ly có thể là người hiểm ác, dùng mưu mô để thoán ngôi đoạt vị. Ngược lại, ông có thể là người túc trí đa mưu, thông minh hơn người và có khát vọng trong xây dựng nghiệp lớn. “Chọn một thời điểm lịch sử hết sức nhạy cảm, một nhân vật lịch sử hết sức phức tạp, nếu không biết thiết tạo hàng loạt điểm nhìn khác nhau, cùng lắm Nguyễn Xuân Khánh chỉ làm sinh động lịch sử bằng cách thêm thắt, hư cấu một số chi tiết mà thôi. Nhưng trên thực tế, Nguyễn Xuân Khánh đã xây dựng thành công tác phẩm với một cấu trúc mở, giàu tính đối thoại, nói về quá khứ nhưng chứa chất những suy ngẫm sâu sắc về hiện tại”[192; 222].
Tóm lại, quan sát tiểu thuyết và truyện ngắn sau 1975 trên phương diện nghệ thuật trần thuật, chúng ta nhận thấy, sử dụng nhiều điểm nhìn, đặc biệt kết hợp điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài là một cách thức hữu hiệu giúp nhà văn khám phá nhân vật trong tính đa chiều.
3.2.2. Tƣơng tác giữa điểm nhìn ngƣời kể chuyện và điểm nhìn nhân vật
Khi cái nhìn của người kể chuyện là cái nhìn tối thượng thì điểm nhìn nhân vật luôn luôn bị giới hạn. Tất cả, từ sinh mệnh của nhân vật với sự diễn tiến của câu chuyện đều do người kể chuyện kiểm soát và nắm giữ. Tiểu thuyết, truyện ngắn hiện đại với tinh thần gia tăng tính đối thoại đã thực hiện sự thay đổi tương quan hết sức