7. Giới thiệu bố cục luận án
2.1.3. Nhận thức về cá nhân trong sự phân rã của các mối quan hệ gia đình, xã hội
Xã hội hiện đại với sự phát triển cao của ý thức cá nhân cũng đồng thời nảy sinh mặt trái, đó là sự lỏng lẻo của các mối quan hệ, sự cực đoan trong những đòi hỏi vị kỷ của cá nhân, những áp lực của công việc, của mưu sinh… đã đẩy con người đến chỗ phân rã, rơi vào bi kịch bị tha hóa, bị “tẩy trắng”, “biến mất” khỏi cộng đồng. Hàng loạt tác phẩm: Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng),Thiên sứ, Kiêm ái (Phạm Thị Hoài), Đồng đô la vĩ đại (Lê Minh Khuê), Không có vua, Giọt máu (Nguyễn Huy Thiệp), Hậu thiên đường, Phù thủy, Thiếu phụ chưa chồng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Kịch câm, Cõi mê (Phan Thị Vàng Anh), Những phiên bản của đời (Hồ Thị Hải Âu), Thoạt kì thủy (Nguyễn Bình Phương), Mưa ở kiếp sau
(Đoàn Minh Phượng), China town (Thuận), Cánh đồng bất tận, Gió lẻ (Nguyễn Ngọc Tư),… đưa ra nhận thức mang tính cảnh báo này.
Mùa lá rụng trong vườn xoay quanh những trăn trở của con người thời kì đầu hòa bình với muôn vàn thiếu thốn khó khăn. “Chưa bao giờ, con người đương đầu với hoàn cảnh một cách anh hùng bền bỉ, sáng ngời phẩm cách như thế. Nhưng cũng chưa bao giờ đời sống khó khăn lại kích thích tâm lí hưởng thụ vật chất, thói ích kỉ, vô luân đến như thế”. Gia đình lớn của ông Bằng – một gia đình mẫu mực, điển hình trong giai đoạn trước giờ có nguy cơ rạn nứt. Vợ chồng Đông và Lý ngày càng xa cách nhau. Với tâm lý an bài, tự bằng lòng về bản thân, Đông điềm nhiên hưởng thụ mà chẳng hề lo toan cho gia đình, mặc mọi việc cho vợ xoay xở. Lý chán chường bởi sự vô tư đến thiếu trách nhiệm trong cuộc sống của chồng, thấm thía sự trống trải ngay trên giường ngủ. Người đàn bà giàu khao khát và đam mê ấy đã “bừng tỉnh” trước nhu cầu của cá nhân, đã từng quăng mình vào chốn hội hè bất tận năm bảy bữa, đã lang thang như kẻ mộng du để rồi về nhà lại thấy ngột ngạt trơ trọi trong buồng vắng. Sự phản bội của Lý như một tất yếu, khi vợ chồng họ đã thành hai cá thể tách rời. Các thành viên khác trong gia đình ông Bằng dù không đến mức rơi vào tình cảnh như vợ chồng Đông – Lý nhưng cũng có những xáo trộn đáng kể, từ những khó khăn trong công việc đến những trục trặc nhỏ của quan hệ vợ chồng, anh em. Cũng có lúc các thành viên trong gia đình này to tiếng với nhau, cũng có thành viên tự tách mình ra, trở thành cô độc và nhanh chóng trượt dốc, tìm đến cái chết (như Cừ)… Thực chất, gia đình ông Bằng hiện tại chính là sự cảnh báo mạnh mẽ cho nguy cơ phân rã các giá trị của gia đình truyền thống, mở rộng ra thì đó là nguy cơ phân rã của các thành viên trong một cộng đồng lớn: cộng đồng xã hội. Thiên sứ, Kiêm ái tái hiện nỗi cô đơn và sự hoài nghi của con người trong đời sống gia đình. Những thành viên của gia đình bé Hoài (Thiên sứ) rời rã, tung tóe như những mảnh vỡ khi ai cũng có tính toán riêng. Trĩu nặng bởi cuộc mưu sinh, chẳng ai trong gia đình ấy có thời gian dành cho những nụ hôn. Bé Hon đã đáp xuống trần gian để vá lấp khoảng trống này nhưng thất bại. Hoài phản ứng bằng cách khép kín trong cô độc tuyệt đối. Hằng – người chị song sinh với Hoài chẳng biết tin vào chàng trai nào nên đã phó thác mình cho số phận, cho sự may rủi ngẫu nhiên trong lễ cầu hôn. Kiêm ái cũng đặt vấn đề về một hiện thực bất ổn, khi đứa con gái ngày ngày chứng kiến sự buông thả của người mẹ với những người đàn ông sắng sở xung quanh. Chẳng có một người đàn ông nào tử tế. Chẳng có một cuộc tình nào bền vững bởi tất cả đều xuất phát từ sự trao đổi, bán mua thân xác. Căn bệnh lãnh cảm của cô bắt nguồn tự
sự bất tín vào những mối tình trong toa tàu treo mà cô bất đắc dĩ chứng kiến. Mối quan hệ giữa hai mẹ con đã đến lúc không thể cởi mở. Cô khép kín mình trong cô độc.
Ma Văn Kháng tiếp tục riết róng phản tỉnh về nguyên nhân con người trở thành những cá thể cô độc, không thể tìm được mối giao cảm, tương đồng, cho dù đó là tình chồng vợ. Xuyến và Tự (Đám cưới không có giấy giá thú) là một cặp đôi đầy bi kịch, là sự học hạch giữa lí tưởng và bản năng sống của cá nhân. Tự - một thầy giáo văn - đại diện cho niềm đam mê thuần khiết sách vở; Xuyến - một người đàn bà nội trợ - giàu năng lượng sống, đối đầu với thạp gạo hàng ngày nên thực dụng và phần nào nông cạn. Họ là hai mảnh vỡ không thể kết dính do quá khác nhau. Bất đồng trong suy nghĩ cộng thêm những khó khăn về kinh tế là nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ gia đình họ. Cũng vẫn chủ đề này, Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp đưa ra cái nhìn đầy hoang mang về con người. Gia đình ông Kiền giống cá mè một lứa, nhốn nháo, lộn lèo, không rường cột, phân rã đến tận cùng. Mọi quy tắc trật tự trong gia đình không còn nữa, chỉ còn lại sự vụ lợi, thực dụng, toan tính. Quan tâm đến khía cạnh đạo đức, Phan Thị Vàng Anhcảnh báo về sự “diễn trò” giữa cha con, vợ chồng (Kịch câm). Sự giả dối của ông bố bị bóc trần trước mặt đứa con gái, tạo một khoảng trống khủng khiếp không thể san bằng. Mô hình gia đình tồn tại, ngầm chứa trong nó những man trá được giấu kín, đợi ngày phát nổ. Vô hình chung: gia đình trở thành hai chiến tuyến, ở đó cha con, vợ chồng là những kẻ đối đầu trong một màn kịch không lời. Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) đặt vấn đề về tình trạng con người cá nhân bị tách khỏi môi trường quen thuộc, bị ném vào một thế giới lẻ loi, xa lạ. Vợ bỏ đi, Út Vũ đốt nhà, đưa hai con lang thang chăn vịt trên những cánh đồng bất tận. Sống bên cạnh người cha mà sự hận thù đã đóng khép mọi ngả giao tiếp với con người, hai đứa trẻ rơi vào bi kịch mất khả năng thấu hiểu, thậm chí “mất tiếng người”. Đó chính là sự cảnh báo về tình trạng con người bị phân rã ngay trong một không gian nhỏ hẹp.
Không chỉ chú ý nhận thức về sự phân rã của cá nhân trong các mối quan hệ, các nhà văn quan tâm đến tình trạng con người đang biến thành những “mảnh vỡ”, bị “làm dẹt”, “tẩy trắng”. Trong văn học thế giới, hiện tượng này đã xuất hiện ở tác phẩm của Kafka và một vài tiểu thuyết của Hemingway khi người đọc không thể nắm bắt được gương mặt, tầm vóc của nhân vật. Dịch hạch (Camus) đã xây dựng các nhân vật với đầy đủ các đường viền tiểu sử (xuất thân, nghề nghiệp…) nhưng họ lại thiếu “bề dày vật chất, thực thể” (Đặng Anh Đào), cái còn lại biểu hiện như những hình dung, biểu tượng, ý niệm về con người. Văn xuôi từ những năm sau đổi mới chịu ảnh hưởng
khá nhiều của các triết thuyết cũng như các học thuyết lí luận phương Tây trong quan niệm về con người. Ý thức về sự biến mất của cá nhân bắt đầu từ Phạm Thị Hoài, khi nhiều nhân vật nếu không thuộc các mô hình thì cũng được đánh dấu bằng kí hiệu, hoặc chỉ được định danh bằng các trạng thái (Người suy tư, Người tốt bụng). Sau này, nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng xây dựng rất nhiều nhân vật chỉ vừa kịp chào đời đã ra đi, hoặc chỉ là những hình bóng hư ảo (những đứa con bà giáo – Những đứa trẻ chết già), hoặc biến mất không rõ nguyên nhân, không rõ tung tích(Quân – Ngồi), hoặc ngay cả cái tên cũng bị cắt dần như những con chữ bị delete trên bàn phím (Ngồi). Tiểu thuyết của Thuận một lần nữa cảnh báo điều này. Nhân vật “tôi” hiện hình chủ yếu bằng chuỗi hồi ức xoắn kép, không dễ hình dung về diện mạo. Những nhân vật phụ (Vĩnh, Thụy, hắn…) lại càng mờ nhạt hơn dù họ thường xuyên được nhắc đến qua lời của “tôi”. Dấu hiệu nhân vật “mảnh vỡ” được lặp lại ở Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng). Không ai hiểu chồng An Mi là người thế nào; cô giáo Sophie là người tốt hay xấu, cậu bé Marcus còn tồn tại hay không tồn tại… Tất cả các nhân vật đều giống như những lát cắt trong ám ảnh của An Mi, xáo trộn và khó xác định bằng lí tính. Những chi tiết cụ thể về nhân vật hầu như không được nhận thức… Kiểu nhân vật “biến mất”, bị “làm dẹt” này được tô đậm hơn trong tiểu thuyết Mưa ở kiếp sau của Đoàn Minh Phượng. Người đọc không thể phân biệt được đâu là Mai, đâu là Chi, ai trong hai cô gái đó còn sống, đang tồn tại và lập kế hoạch trả thù, đòi lại sự công bằng. Cái tính “không xác định” này được đặt ra trong tiểu thuyết giống như lời đối thoại với cái tôi cá thể trong văn học giai đoạn đầu. Chúng tôi cho rằng, đây là một lời cảnh báo đối với tình trạng “vong bản” của con người thời hậu hiện đại.
Có thể nói, tự ý thức là phẩm chất của con người trong đời sống. Khi còn ý thức về bản thể, về nhân vị, khát vọng kiếm tìm còn tiếp tục thiêu đốt họ. J.P. Sartre cho rằng: con người tự tạo nên mình, tự làm cho mình thành người. Khi phản ánh khát vọng tự vấn, kiếm tìm của con người, văn xuôi sau 1975 đã thực sự khẳng định được giá trị nhân bản của nó.
2.2. Con ngƣời cô đơn
Cô đơn là một trạng thái xuất hiện trong đời sống tinh thần của con người từ khi con người có ý thức về chính mình. Sống giữa đám đông, sống cho một mục đích chung của tập thể, con người ít cô đơn. Ngược lại, khi hướng vào đời sống cá nhân, người ta cảm nhận rõ hơn hoặc dễ rơi vào trạng thái cô đơn hơn.
Trong văn học, khái niệm “cô đơn” được mở rộng. Cô đơn đôi khi mang tính bị động, nhưng đôi khi hoàn toàn chủ động (trong cái tự cảm thấy của con người); cô đơn không chỉ mang tính vật thể (trạng huống trong không gian, khi con người thấy trơ trọi giữa xung quanh), nó còn là một trạng thái ý thức, một trạng thái xúc cảm mà con người cảm nhận được khi thiếu sự đồng điệu, không tìm được tiếng nói chung với người thân, gia đình, bè bạn và những người xung quanh. Văn học sử thi mang tiếng nói của cộng đồng, không có – hoặc ít xuất hiện cái cô đơn. Sau 1975, văn học mang tiếng nói của các cá nhân cá thể, bởi vậy, cái cô đơn có điều kiện đào sâu thể hiện. Thời đại mới, xã hội công nghiệp và nền văn minh máy móc có khả năng đáp ứng cao nhu cầu, đòi hỏi của cá nhân, tạo điều kiện cho nó thỏa mãn những mong muốn riêng rẽ. Nhưng cũng vì thế mà mối quan hệ người - người có nguy cơ bị xé lẻ, phân rã. Vì vậy, cô đơn trở thành một cảm thức khá phổ biến. Cô đơn vừa mang tính chủ động (tự cô đơn), vừa mang tính bị động (bị cô đơn). Con người tự cô đơn khi đứng cao hơn cộng đồng, nhận thức được sự nhàm tẻ của chính bản thân và những người xung quanh. Sự cô đơn này thách thức tính cộng đồng, nó ủng hộ tự do của cá nhân, và vì vậy, nó dễ gặp rủi ro, thất bại trên hành trình tự khẳng định để sống như chính nó. Bị cô đơn là trạng thái của con người bị ruồng bỏ, bị hắt hủi hoặc bị đẩy ra ngoài guồng quay của cuộc sống. Quan sát sự thể hiện con người cá nhân trong văn xuôi sau 1975, chúng tôi nhận thấy, con người có thể rơi vào một trong hai trạng thái trên, thậm chí, cả hai cùng tồn tại trong một cá thể người.
2.2.1. Bị cô đơn
Nhìn con người bằng thước đo nhân bản, văn xuôi sau 1975 đã phát hiện ra sự không tương hợp giữa cá nhân với cộng đồng, giữa cá nhân với chính nó trong sự biến đổi dữ dằn của thời cuộc. Kiểu nhân vật cô đơn lạc thời, bất hòa với môi trường sống trở thành một mẫu người tương đối phổ biến trong tiểu thuyết và truyện ngắn, đặc biệt xuất hiện nhiều trong tác phẩm của những nhà văn viết ở cả hai giai đoạn trước và sau 1975. Với Sắm vai, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Nguyễn Minh Châu biểu hiện khá sâu sắc sự cô đơn của con người trong khả năng tự ý thức về chính mình. Nguyễn Khải đưa ra hàng loạt cảnh báo về những vết nứt không thể hàn gắn trong gia đình. Guồng quay của thời đại mới đã khiến những ông chủ, bà chủ của ngôi nhà không còn vai trò duy nhất. Cả Chính (Một cõi nhân gian bé tí) - ủy viên Viện kiểm sát, niềm tự hào của gia đình và dòng họ một thời nhưng cũng trở nên thừa thãi và lạc lõng, thấy mình vô dụng trong cuộc sống. Với đồng lương còi cọc, với nếp tư duy
cũ, anh đã thực sự cô đơn trong căn nhà của mình, trong suy nghĩ thực dụng của những đứa con, trong đòi hỏi có phần coi thường của người vợ vốn rất tốt nết: “anh đã tới lúc rời bỏ những công việc quen thuộc của mấy chục năm để nghỉ hưu… Một tương lai ảm đạm buồn tẻ với bao nhiêu cấu xé vặt vãnh trong gia đình, cuối cùng là cái chết. Chao ơi! Ước gì anh được chết trước ngày nghỉ hưu. Cái chết như sự chạy trốn”. Tần trong
Đổi đời, Tú trong Một thời gió bụi, người mẹ trong Mẹ và các con … cũng rơi vào bi kịch tương tự. Nguyễn Khải đặt vấn đề về tình trạng một lớp người trong xã hội “đang bị tình thế mới dắt kéo như những tên nô lệ” (Đổi đời). Họ không biết xoay xở ra sao, bởi “phản ứng quyết liệt ư? Gia đình sẽ tan vỡ ngay lập tức. Nhẫn nhục bước theo thì sự tan vỡ sẽ chậm lại nhưng rồi cũng phải tan vỡ” (Đổi đời). Họ gần như bế tắc, mất phương hướng trước những biến động của gia đình. Nhân vật của Nguyễn Khải thể hiện nỗi đau thấm thía của kẻ lạc thời. Ông Trắc (Lạc thời) “nhận ra cái mặt thừa của mình, những lời nói thừa, cả chỗ đứng chỗ ngồi cũng hoàn toàn thừa. Không ai cần đến ông cả. Không ai muốn sự có mặt của ông… không còn tình bạn, không có cả sự quen biết…”; Tiến (Một cõi nhân gian bé tí) mấy chục năm chiến trận “chưa biết cái mệt, cái đau là gì”, “luôn luôn nhìn đời bằng con mắt hồn nhiên ngây ngô”, nay trở về đời thường bỗng rơi vào sự côi cút, “giống như đứa trẻ mồ côi… ăn nhờ, ở nhờ và nghe những câu chuyện chẳng liên quan gì đến mình”. Cảm giác lạc lõng khiến một người vốn lạc quan như Tiến hoang mang và vô cùng bối rối: “Chỉ có mỗi nghề đi chiến trường thôi. Nay mai không còn chiến trường thì đi đâu nhỉ?”, “mình chẳng biết làm gì ở những gia đình ấy. Chẳng biết làm gì cả”. Đại tá Tiến giống như tướng Thuấn (Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp), giống như Trung tướng giữa đời thường (Cao Tiến Lê), cả đời trận mạc nhưng thực sự ngơ ngác “luống cuống khổ sở”, thậm chí “kinh hãi đau đớn, trước lối sống ô trọc, hỗn tạp”của đời thường. Suốt một đời chiến binh, trước hòn tên mũi đạn họ không hề biết sợ, nhưng những ông tướng thời bình không thể chịu đựng nổi những biến thái của cái xấu, cái ác. Sự lựa chọn cuối cùng của Tiến là về với chiến trường. Còn tướng Thuấn lên chốt và chấp nhận cái chết thanh thản trong quân ngũ. Hành động đó “cũng là một sự chạy trốn, chạy trốn về phía trước” (Một cõi nhân gian bé tí).
Trải qua 30 năm, chiến tranh đã để lại những di chứng không nhỏ về mặt tinh thần cho người lính. Các nhà văn đã nhìn sâu vào những tổn thương không gì bù đắp nổi ấy để thấy nhữngám ảnh khôn nguôi vò xé trong chuỗi ngày còn lại của những anh hùng đã may mắn trở về. Không thể hòa nhập thực tại, quá khứ ngồn ngộn mộng mị
đêm ngày với những hồi ức vừa hào hùng oanh liệt vừa kinh hoàng biến Linh (Vòng tròn bội bạc), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) thành những con người sống không có hiện tại và tương lai. Linh bất hòa với cả những người thân