Kết cấu theo dòng ý thức

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 145 - 148)

7. Giới thiệu bố cục luận án

3.3.1.Kết cấu theo dòng ý thức

Quan niệm về con người thay đổi có tác động không nhỏ đến sự thay đổi hình thức tác phẩm, trong đó có kết cấu. Nếu như trước đây, kiểu kết cấu theo trục thẳng thời gian hoàn toàn phù hợp với việc tái hiện hình ảnh con người trong tính phân cực rõ ràng (thiện - ác, trắng - đen, chính - tà) thì nay, kiểu kết cấu này không phù hợp với quan niệm về con người cá nhân trong tính phức tạp đa chiều. Cũng không còn quan tâm nhiều đến việc phản ánh sự kiện, văn xuôi tập trung nhiều hơn vào khai thác các khía cạnh chiều sâu trong cấu trúc tâm lí con người. Nói khác đi, con người được quan tâm trong tính hướng nội độc đáo, trong suy nghĩ, trong sự chi phối của tiềm thức, vô thức, tâm linh. Vì vậy, việc tái hiện hành động nhân vật giảm bớt nhường chỗ cho sự chú trọng tới các trạng thái ý thức của nhân vật. Dòng ý thức và hoạt động tâm lí của nhân vật trở thành sợi dây kết cấu xuyên suốt tác phẩm, đảo lộn trật tự không gian, thời gian tự nhiên, quá khứ, hiện tại, tương lai hoặc là đồng hiện, hoặc giao nhau, hoặc đảo nhau. Có khi, dòng ý thức và hoạt động tâm lí nhân vật là một sợi dây từ một điểm tỏa đi nhiều hướng để kết cấu tác phẩm. Những điều này đều làm cho tính hoàn chỉnh của câu chuyện bị phá vỡ, tính liên quan của tình tiết bị thủ tiêu, tâm lí nhân vật cũng không còn hợp logic.

Phiên chợ Giát là một tác phẩm khá thành công trong việc thể hiện tâm tư của một lão nông trước những biến đổi của cuộc đời mình, thời đại mình thông qua hành trình từ nhà đến chợ. Hành động cụ thể của lão nông tên Khúng ấy là dắt con bò

Khoang đi bán. Thời gian diễn ra hành động là từ sáng sớm tinh mơ (khi ông lão thức dậy để thực hiện kế hoạch bán bò) tới trưa (khi quyết định phóng thích con vật nuôi tội nghiệp để rồi lại gặp lại nó trở về bên xe củi trong sự cam chịu nhẫn nhục). Tuy nhiên, con đường đi từ nhà đến chợ là một con đường vô tận triền miên với vô vàn những ngả rẽ quá khứ. Nó gắn liền với những suy tưởng của ông về cuộc đời, về gia đình, về cái chết của đứa con trai thứ hai ở Campuchia, về những thời đại đã qua của lịch sử. Trong

Nỗi buồn chiến tranh, cốt truyện đã phát triển dựa trên dòng tâm tưởng của Kiên về một thời trận mạc tột độ anh hùng và tột cùng bi thảm, về mối tình đầu không trọn vẹn, vĩnh viễn tan vỡ bởi chiến tranh nhưng vĩnh viễn tồn tại. Dựa trên hành trình ý thức, Bảo Ninh đã xới tung trật tự tuyến tính thường có trong cốt truyện truyền thống để tạo ra một tác phẩm hấp dẫn trong sự vận động của lô gic tâm hồn. Kiên – người trở về đã mãi mãi không thể hòa nhập với hiện thực. Anh đã sống với cuộc chiến bằng dòng chảy bấn loạn của hồi ức được gợi mở từ bất kì một điểm nút nào của hiện tại. Bởi vậy, các sự kiện luôn luôn bị xáo trộn, thời gian tuyến tính bị đập vỡ, dòng đời các nhân vật bị phó mặc cho ngẫu hứng cảm xúc. Ăn mày dĩ vãng làhành trình tìm lại, “ăn mày” quá khứ của Hai Hùng với những chuỗi hồi ức ào ạt về những ngày tháng nằm vùng của “con hùm xám miền Tây”, về tình đồng đội, về tình yêu, về những chiến công và nỗi đau mất mát vĩnh viễn có thật của chiến tranh. Tương tự, Chim én bay được dựng lại bằng dòng tâm tưởng sống của Quy về cuộc chiến của dân tộc và cuộc chiến của riêng cô. Những tháng ngày hoạt động trong đội quân Chim én, nỗi kinh hoàng của sự li tán và nỗi đau mất người thân, đòn tra tấn dã man của kẻ thù và chứng tích để lại trên cơ thể, sự đền tội của những kẻ phản quốc, niềm day dứt về số phận những thân nhân của chúng… tạo thành dòng thác suy tưởng nhức nhối hành hạ Quy. “Có một cái gì đó ngoài lí trí bắt chị phải suy nghĩ, trăn trở” để rồi mang theo tất cả những ngổn ngang ấy vào cõi trường sinh. Trí nhớ suy tàn giống như một “tạp ghi” của trí nhớ đang “suy tàn khủng khiếp” về những mảng kí ức và hiện tại: chuyện về hai mối tình, về Hoài, Quẩy, con Bướm, Hai mươi bảy vết thương, người đàn ông điên bên gốc cây điệp vàng, cuộc trốn chạy những nỗi buồn kinh niên miên viễn của con người trong dòng chảy đơn điệu thường nhật. Độc giả đã bị kéo đi liên miên hết nơi này đến nơi khác, hết nhân vật này đến nhân vật khác, hết nỗi trống rỗng này đến nỗi cô đơn khác, cuối cùng, bị cuốn vào cuộc ra đi bất định về phương Nam của cô gái trẻ không tên trong tiểu thuyết. Xuân Từ Chiều mang cái độc đáo của một tiểu thuyết được xây dựng trên những câu chuyện bất tận trong mỗi gia đình nhỏ. Xuân, Từ, Chiều, ba nhân vật chính, ba cuộc đời, ba số

phận khác nhau đã được tái hiện bằng dòng văn liền mạch, không ngắt đoạn lần nào (trừ một lần trước khi kết thúc tiểu thuyết). Dòng chảy bất tận của cuộc sống giống như ý thức con người, là những chuỗi triền miên nối tiếp ngày này sang ngày khác, biến cố này sang biến cố khác, là những ăn mặc ở, những chịu đựng lẫn nhau, những lặng thầm hi sinh, khao khát. Thiên thần sám hối được tạo dựng từ sự nhận thức, suy tưởng của thai nhi trong cuộc đấu tranh: sống hay không sống. Bảy mươi hai tiếng trước khi chào đời đủ để bào thai thấu thị về mặt trái của cuộc sống, những toan tính bẩn thỉu, những chước quỷ mưu ma,… để rồi cuối cùng chọn cách ra đời với tinh thần đối mặt với nó. Trong cõi nhớ nhớ quên quên của Người sông Mê, con người đã tham gia vào hành trình thức nhận giá trị của sự sống, vươn tới đỉnh cao của nó. Ý thức không rơi vào sông Mê bến Lú, khao khát được xuyên qua nhiều kiếp để tìm hiểu về chính giá trị của cuộc sống thực tại là sợi dây xuyên dọc tiểu thuyết, cấu thành chương, khúc. Chính tác giả đã dùng dòng kí ức, tâm trạng của nhân vật, đặc biệt là nhân vật Khánh và Hoa – những thanh niên trẻ “chưa kịp sống đã chết” để lôi kéo độc giả vào hành trình kiếm tìm sự sống, một sự sống có ích, hết mình, không vô nghĩa. China town là một tiểu thuyết được ghép lồng, mang tính chất truyện lồng truyện. Tuynhiên, cả I’m Yellow

China town đều được xây dựng bằng dòng hồi tưởng của nhân vật chính. China townv

là dòng hồi ức bất tận về quá khứ và chuỗi ngày phiêu bạt của một phụ nữ lưu vong tại Pháp, đang sống cùng cậu con trai nhỏ. I’m Yeallow là suy tưởng của một người đàn ông làm nghề vẽ tranh ở Việt Nam, luôn luôn day dứt với những kiếm tìm hạnh phúc trong hiện tại. Hai thế giới của hai người kể chuyện khác nhau này luôn luôn đối ứng, soi chiếu như hai tấm gương đặt lồng vào nhau, làm rõ thêm nỗi cô đơn trong cả hai cuộc hôn nhân và những khao khát truy tìm hạnh phúc. Và khi tro bụi được xây dựng trên dòng ý thức miên man của An Mi, xuất phát điểm là hiện tại với nỗi đau mất chồng của người đàn bà bất hạnh và kết thúc khi cô uống thuốc ngủ để đến với cái chết. Trong 185 trang tiểu thuyết, tác giả đã không tuân theo kết cấu truyền thống khi luôn lấy thời điểm hiện tại làm đầu mối để dòng suy tưởng của người đàn bà bất hạnh hoặc không ngừng lùi về dĩ vãng hoặc tiến lên phía trước. Quá khứ, hiện tại, suy tưởng về những ngày tiếp theo trong đời nhân vật chính tạo thành một hiện thực rối bời, khó có thể nhớ và kể lại từng chi tiết (trong khi cái cốt của nó có thể được giản lược thành mấy khúc đoạn nhỏ: sự đau khổ; đi tìm cái chết; điều tra về một vụ án; sự thật hé mở; cái chết với 20 viên thuốc ngủ). Tuy nhiên, đi kèm cái “cốt” ấy là trùng trùng những sự kiện (của cả quá khứ lẫn hiện

tại) và những diễn biến hết sức phức tạp của tâm lí nhân vật. Ví dụ: khi dọn dẹp những tấm ảnh của chồng, An Mi đã sống cùng quá khứ của anh ta và tưởng tượng ra tương lai cái chết của mình. Khi ngồi trên tàu, nhìn thấy những ngôi nhà ven đường, cô nghĩ về hạnh phúc và thấy mình cần đi tìm mình, đi tìm cái chết. Bắt gặp người đàn ông có chiều cao giống chồng mình: cô bật khóc. Lao vào điều tra về vụ án gia đình người trực đêm khách sạn: cô nhớ về tuổi thơ, về quãng thời gian ở nhà cha mẹ nuôi. Bắt gặp cây đàn hồ cầm của Anita, cô nhớ về cây đàn của mình, nhớ về những ngày học ở nhạc viện. Thấy sự cô độc của Marcus, cô nhận ra sự cô độc của mình – kẻ đứng bên ngoài những cánh cửa. Chứng kiến Michael Kempf giả mất trí nhớ để sống êm ấm bên Sophie, An Mi thấy lại được hình ảnh của chính cô khi bỏ rơi người em gái bên đống hoang tàn đổ nát… Có thể nói, chính dòng ý thức và hoạt động tâm lí của nhân vật đã trở thành sợi dây kết cấu, tưởng lỏng lẻo mà vô cùng chắc chắn. Trong thời khắc nhất định, ý thức của một con người là một dòng liên tục không dứt, bất định được tạo thành từ cảm giác, tư duy, hồi ức, ảo giác, liên tưởng ở mức độ khác nhau. Dòng tâm lí này biến đổi nhiều mối, phong phú phức tạp, không tuân theo thứ tự không gian thời gian tự nhiên, thường thường là không phù hợp với logic và lí tính. Vì vậy, đôi khi nó tạo ra sự “phân đoạn”, các “mảnh vỡ” của cuộc đời nhân vật chính. Từ đó, phải nhờ vào những chỉ dẫn phân tán trong văn bản, người đọc mới có thể kết nối, tái dựng những thông tin cần thiết về nhân vật. Sử dụng kết cấu này, văn xuôi sau 1975 đã tìm ra được một hình thức mới thể nghiệm thế giới nội tâm con người. Đó là một thành tựu mà chúng ta không thể phủ nhận.

Một phần của tài liệu Con người cá nhân trong tiểu thuyết và truyện ngắn việt nam sau 1975 (Trang 145 - 148)