7. Giới thiệu bố cục luận án
3.1.2. Độc thoại nội tâm và kĩ thuật dòng ý thức
Đi sâu vào miêu tả nội tâm nhân vật, tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam sau 1975 hết sức chú trọng đến độc thoại nội tâm và kĩ thuật dòng ý thức. Đây không phải là một kĩ thuật hoàn toàn mới của nghệ thuật tự sự. Hiện tượng độc thoại nội tâm đã thấy xuất hiện trong kịch cổ đại, sau đó khá nổi bật ở kịch Shakespeare. Trong văn học Việt Nam trước 1945, bên cạnh Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam thì Nam Cao được mệnh danh là bậc thầy miêu tả tâm lí, “đáp ứng xuất sắc nhất yêu cầu khám phá thế giới nội tâm của con người”[209; 483]. Nam Cao đã hết sức chú ý khai thác dòng suy tư sâu kín của nhân vật nhằm bộc lộ quá trình vận động tự thân trực tiếp của tư tưởng cũng như sự mâu thuẫn, phức tạp của tình cảm con người. Tuy nhiên, độc thoại nội tâm ở nhân vật của Nam Cao không khi nào rơi vào lộn xộn, bấn loạn như sự biểu hiện những phản ứng tức thì của cõi vô thức. Đến nay, độc thoại nội tâm vẫn được sử dụng như một kĩ thuật trong thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật nhưng với mức độ cao hơn. Đó là “lời phát ngôn của nhân vật với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó”[85; 122].
“Dòng ý thức là biểu hiện đặc biệt, cực đoan của độc thoại nội tâm trong tiểu thuyết thế kỉ XX”[85; 122]. Xuất phát điểm đầu tiên, dòng ý thức là tên gọi của một dòng văn học thế kỉ XX, “chủ yếu là văn học hiện đại chủ nghĩa hướng tới tái hiện đời sống nội tâm, cảm xúc, liên tưởng”[85; 107]. Thuật ngữ dòng ý thức do nhà tâm lí học người Mĩ W. Jamce đặt ra vào cuối thế kỉ XIX. Ông cho rằng: “ý thức là một dòng chảy, dòng sông trong đó các ý nghĩ, cảm giác, các liên tưởng bất chợt thường xuyên chen nhau, thay nhau và đan bện vào nhau một cách lạ lùng, “phi lôgic” [Dẫn theo 85; 107]; “xây dựng tác phẩm dòng ý thức, các nhà văn cố ý vứt bỏ tính nhất quán và hoàn chỉnh của cốt truyện, không chú ý bối cảnh, ngoại cảnh, câu văn không dùng dấu chấm, dấu phảy. Các nhà văn sáng tạo nhiều thủ pháp nghệ thuật mới như đảo ngược thời gian, thời gian đồng hiện, hòa trộn thực hư, hiện tại, quá khứ, tương lai”[85; 107]. Đặng Anh Đào từng khẳng định: “hướng nội, hướng vào thế giới bên trong chẳng những là đối tượng miêu tả chủ yếu của độc thoại nội tâm (bằng dòng ý thức, dòng tâm tư), mà còn là hình thức phát biểu của nó”[61; 76].
Sử dụng độc thoại nội tâm và dòng ý thức, các nhà văn sau 1975 khai thác được sức mạnh tính chất tức thì của dòng tâm tư, khiến dòng suy nghĩ được hình dung lại ngay trên lối viết. Bởi vậy, không chỉ từ vựng và giọng điệu của nhân vật được khôi phục nguyên xi mà các ý nghĩ thầm kín, mơ hồ, lộn xộn nhất của nhân vật cũng được ghi lại. Cách viết bất chấp cú pháp, bất chấp quy ước văn phạm chính là cố gắng mới mẻ của các nhà văn với mục đích thể hiện trung thành dòng tâm tư, suy nghĩ của nhân vật. Sử dụng độc thoại nội tâm và dòng ý thức, văn xuôi sau 1975 có điều kiện đi sâu vào thế giới bên trong, mô tả những chuyển động tinh tế của tâm hồn con người cá nhân. Những suy nghĩ, dằn vặt, những khao khát kiếm tìm, khao khát thương yêu như một chùm dây xoắn kết, đan bện, đôi khi biến ảo, trùng điệp làm sáng lên những thao thức rất con người. Có thể tìm thấy thủ pháp này thể hiện trong Nỗi buồn chiến tranh
(Bảo Ninh), Xuân Từ Chiều (Y Ban), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Trí nhớ suy tàn, Thoạt kì thủy, Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương), Gió lẻ, Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), China town (Thuận), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng), Người sông Mê
(Châu Diên)…
Nỗi buồn chiến tranh là một chuỗi dài kí ức triền miên mộng mị của Kiên. Quá khứ bi thảm, đau buồn đè nặng thực tại. Tất cả những nẻo đường Kiên đi qua, những cái chết đau đớn, những cảnh chém giết cuồng dại, những giây phút dã thú tối tăm, man rợ tạo một vết thương toác hoác mãi không lành miệng. Nhưng tất cả hiện thực chiến
tranh khốc liệt ấy chỉ được hiện lên qua dòng hồi tưởng và những độc thoại nội tâm của Kiên. Kiên đã không ngừng tra vấn mình, không ngừng độc thoại. Suy nghĩ và hồi tưởng hiện lên, đứt nối liên tục nhưng lắp ghép lại vẫn là một dòng chảy miên man mãi không hồi kết. Ngay từ những trang đầu tiên của tiểu thuyết, chiến tranh hiện ra thật thảm khốc trong trí nhớ của Kiên khi anh cùng đồng đội đi tìm hài cốt qua vùng đất miền hậu cứ Cánh Bắc của mặt trận B3. Truông Gọi Hồn với những tiếng hú trong rừng thẳm âm u, hoa hồng ma và những giấc mơ mụ mẫm, những ngày tháng mưa não nề, những cái chết oan ức của đồng đội…đã trở về trong giấc mơ đau đớn. Giấc mơ đó lặp lại nhiều lần, khi anh mới ra khỏi rừng, khi anh trở thành nhà văn phường, và nó mãi mãi gắn bó đeo đẳng như sự sống không thể tách rời. Đằng đằng bao năm trời trôi qua, chính Kiên nhận ra “từ chân trời dĩ vãng ngọn gió buồn vô hạn của tình yêu và tự do như là niềm nuối tiếc khôn nguôi cứ mãi hoài thổi qua thành phố, qua làng mạc, và trong đời tôi”. Có thể nói, Kiên đã tồn tại chính nhờ chuỗi kí ức đau buồn tuôn chảy không ngừng trong quãng đời hiện tại này. Người đi vắng cũng là một tiểu thuyết vận dụng khá nhuyễn kĩ thuật dòng ý thức và độc thoại nội tâm. Thế giới nhân vật hiện lên đa số bằng đường gờ tâm thức. Với một cốt truyện được lắp ghép, cắt mảnh xoắn kết bổ sung quy chiếu cho nhau, cộng thêm hình thức tiểu thuyết - nhật kí giúp tác giả làm bật cảm thức đời thường với những câu hỏi đầy day dứt: tại sao cuộc sống lại thế này? Tại sao con người lại như vậy? Hạnh phúc là gì? Tình yêu là gì? Tại sao ta lại ở đây? Tại sao những thứ mình cần đều không thuộc về mình?... Một thế giới “ma mị” diễn ra trong dòng tâm thức của các nhân vật, kéo lết cuộc đời họ, thôi thúc họ hành động. Trong Trí nhớ suy tàn, câu chuyện của“em”, những thanh minh, biện hộ, những rung động thầm kín, những thất vọng ê chề về thế giới nhàn nhạt, con người nhàm tẻ xung quanh đã chảy trong dòng tâm tưởng của “em” kéo dài từ đầu tới cuối tiểu thuyết. Hình thức nhật kí khiến tác giả thuận lợi hơn khi đi sâu vào thế giới tâm thức miên man, thể hiện những chao đảo, hoang mang hoài nghi trong cảm nhận của nhân vật về giá trị của cuộc sống và chính mình. Gió lẻ (Nguyễn Ngọc Tư) cuốn độc giả vào dòng ý thức mênh mông của cả ba nhân vật chính: một lái xe, một phụ xe, một cô gái “xanh rớt” “ma quái” với sự lặng câm và những cơn ói bất chợt. Trong dòng ý thức, nhân vật “gã”- lái xe, sống với nỗi đau âm thầm kể từ khi người vợ chết, hành trình hiện tại buông xuôi bằng bề ngoài thản nhiên “không gia đình”, bằng sự chắp vá “những giấc mơ riêng và người đàn bà của mình vào mỗi tối”; nhân vật phụ xe “tóc dài phủ mắt, đen quắt vì nắng và vì ngại tắm” triền miên bảy năm trên đường tìm bà nội – người
thân duy nhất mà chưa thấy; còn cô gái câm thì mặc kệ hiện tại mà sống với cõi riêng, một quá khứ không êm đềm, nhàu nhĩ. Trong hàng loạt các truyện ngắn khác: Cải ơi, Thương quá rau răm, Huệ lấy chồng, Cánh đồng bất tận Nguyễn Ngọc Tư cũng đã vận dụng tối đa thủ pháp độc thoại nội tâm và kĩ thuật dòng ý thức. Ông Năm Nhỏ đã lẩn thẩn cả 12 năm ròng vì chuyện vợ và bà con hiểu nhầm mình. Những dằn vặt của ông già thật đáng thương: “bây giờ ông lên tivi con Cải có nhận ra ông không. Câu trả lời là có, ông đã dắt con nhỏ đi hái xoài chín trong vườn hoang, đã chặt chuối làm bè dạy nó lội, thả trâu, chơi diều, ông đã cõng con nhỏ đi tắt mấy vạt đồng để khám bệnh chỗ ông bác sỹ già, mỗi khi nó nhức đầu, sổ mũi. Cây kẹp nhỏ, mớ dây thun khoanh, mấy cục kẹo dừa vung vinh trong túi áo mỗi khi ông đi chợ về… Tất cả những thứ đó ông còn nhớ mồn một thì nhỏ Cải chưa quên. Ông muốn lên ti vi để nhắn đứa trẻ bỏ nhà đi rằng, về đi con ơi, đôi trâu có sá gì!”. Độc thoại nội tâm đan xen nỗi nhớ day dứt về những ngày an bình bên vợ con khiến ta cảm được cái tâm tha thiết của người cha dượng giành cho Cải. Trong Huệ lấy chồng, Nguyễn Ngọc Tư khai thác tâm trạng ngổn ngang của Huệ đêm trước khi cưới: “Huệ cười, Huệ đâu có chê Thuấn được cái gì, Thuấn biết Huệ từng thương Thi mà anh cũng bước tới, Huệ bây giờ còn chờ ai nữa?”. Ở đây có sự dằn vặt, suy nghĩ, ước muốn của cô gái trước khi về nhà chồng. Đó cũng là sự tự ý thức của cô gái về cuộc sống của một người “ván đã đóng thuyền”: “Nó muốn chạy vô xóm, tới nhà Thi gặp anh và nói cho anh hay rằng nó hết thương Thi rồi, nó quên anh, quên thiệt. Nhưng nói để làm gì, ta?”. Câu hỏi tự vấn cũng là lời độc thoại phơi bày thật thà những bộn bề trong lòng Huệ. Tất cả các thông điệp, tâm trạng của Huệ dường như đều được khơi mở, gửi đến độc giả một cách tự nhiên theo dòng suy nghĩ của cô. Ông Tư (Thương quá rau răm) nhận thức về giá trị cuộc sống, giá trị con người một cách đầy cay đắng. Heo hút nơi Mút Cà Tha, từng chứng kiến người người rời bỏ quê hương ông ra đi dù lòng người ấm nồng níu kéo, ông Tư đã tự hỏi chính mình: “Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?”. Đoạn độc thoại được đay lại hai lần thể hiện được nỗi hoài nghi não nề của ông Tư về tình đời, tình người.
Có thể nói, sử dụng độc thoại nội tâm và kĩ thuật dòng ý thức, nhà văn có thể thâm nhập sâu hơn vào những cảm xúc, suy tưởng, những dằn vặt, trăn trở, những thao
thức kiếm tìm, thậm chí cả những chuyển động rối bời trong vô thức của nhân vật. Con người cá nhân vì vậy được khám phá toàn diện hơn trong những tầng sâu của nó.